Nội san

NGHỆ THUẬT HÓA TRANG TRONG KỊCH – ĐIỆN ẢNH

16 Tháng Chín 2022

TS. Nguyễn Thúy Hường

  1. Một số khái niệm về hóa trang

Theo tác giả Đoàn Thị Tình: “Hóa trang là hình thức tô vẽ trên mặt, trên một số bộ phận con người, trên trang phục nhằm mục đích làm đẹp, hoặc nhằm đáp ứng một yêu cầu nào đó.” [7]

Hóa trang (trang điểm) là dùng quần áo, son phấn để làm cho vẻ người đẹp hẳn lên. Hóa trang là một nghệ thuật tạo hình, đặc biệt đối với các nhân vật trên sân khấu. Bước chân lên sàn diễn, nếu người diễn viên không hóa trang sẽ làm suy giảm sức truyền cảm đến khán giả, do mang bộ mặt thật ở ngoài đời lên sân khấu. Dưới ánh đèn sân khấu, bộ mặt ấy nhợt nhạt, lạc lõng trong không khí nghệ thuật đang diễn ra. Do đó, dù vai phụ chỉ xuất hiện trên sân khấu trong thời gian ngắn, diễn viên cũng cần phải hóa trang, tô điểm cho khuôn mặt thêm phần sinh sắc, đồng bộ với các nhân vật, đồng thời tôn trọng khán giả.

Các cụ thường nói:

Trông mặt mà bắt hình dong

Con lợn có béo, cỗ lòng mới ngon

Câu nói trên thể hiện kinh nghiệm về nhân tướng học của người xưa. Diện mạo bên ngoài phần nào nói lên tính cách bên trong của một con người, ví dụ: Người đau khổ các cơ mặt luôn chùng, mày cụp mắt sụp, hai bên mép trễ xuống, khi đi dáng uể oải lừng khừng. Người lạc quan khuôn mặt luôn tươi tắn, rạng ngời, dáng nhanh nhẹn, hoạt bát…

Hóa trang có thể làm cho người diễn thay đổi tuổi tác phù hợp với nhân vật mà người ấy phải nhận vai. Người trẻ có thể thành già và ngược lại. Nam có thể hóa ra nữ và ngược lại. Thậm chí, người nhiều tuổi đóng vai trẻ con, người thuộc chủng tộc da vàng mũi thấp thành da trắng mũi cao, từ người thành yêu ma, quỷ quái…

Theo tiếng Anh, hóa trang còn được gọi là trang điểm/make up. “Makeup được hiểu là một chuỗi các hành động làm đẹp cho khuôn mặt lên các bộ phận như mắt, mũi, lông mày, miệng...” [8]. Ngoài ra, trong một số trường hợp, makeup còn bao gồm các công đoạn làm đẹp tổng thể kết hợp làm tóc.

Đối với những bạn mới bắt đầu trong lĩnh vực này, khi mới tìm hiểu về makeup là gì? vẫn có nhiều bạn nghĩ rằng makeup chỉ đơn thuần là trang điểm. Tuy nhiên, thực chất, makeup được chia làm 2 loại chính: makeup cá nhân và makeup chuyên nghiệp. Trong bài viết này, chúng tôi nói về hóa trang chuyên nghiệp cho đối tượng là diễn viên kịch – điện ảnh. Để hóa trang cần có bộ mỹ phẩm chuyên dụng.

Mỹ phẩm: (cosmetics) được hiểu: là những chất hoặc sản phẩm được dùng để trang điểm, thay đổi diện mạo, tạo mùi hương cơ thể người. Nhiều mỹ phẩm được thiết kế để sử dụng cho mặt và tóc. Chúng thường là hỗn hợp các hợp chất hóa học; một số xuất phát từ nguồn gốc tự nhiên (như dầu dừa) và một số được tổng hợp. Các loại mỹ phẩm phổ biến gồm có các sản phẩm kem dưỡng mặt, son môimascaraphấn mắtkem nềnphấn má hồngphấn phủsữa rửa mặt và sữa dưỡng thểdầu gộisản phẩm tạo kiểu tóc (gel vuốt tócgôm xịt tóc,...), nước hoa. Mỹ phẩm thường được thoa lên mặt để làm nổi bật diện mạo nên còn được gọi là đồ trang điểm hay đồ hóa trang.

2. Tổng quan về nghệ thuật hóa trang diễn viên

2.1. Hóa trang và vấn đề nhân tướng học

Quan niệm về tướng mạo con người chính là điểm xuất phát của nghệ thuật hóa trang trong sân khấu truyền thống, sân khấu kịch nói, phim truyền hình, phim điện ảnh... Nó chi phối cả người sáng tạo lẫn người thưởng thức. Sau đây là một số kinh nghiệm về nhân tướng học mà ông cha để lại, đặc biệt là những nét tướng mạo trên khuôn mặt:

Những người ti hí mắt lươn: trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người.

Đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà.

Mỏng môi hay hớt, dày môi hay hờn

Nốt ruồi ở môi ăn trôi cửa nhà....

2.1.1. Khuôn mặt

Khuôn mặt là hình dáng, bộ mặt của con người. Khuôn mặt có nhiều hình dạng khác nhau: Thanh tú, cân đối: thư sinh, tri thức; Tròn trịa, đầy đặn: khỏe mạnh, phúc hậu; Vuông chữ điền: thô khỏe, trung thực, chất phác; Gầy guộc, gồ ghề: khắc khổ, đau yếu, bệnh tật; Béo tốt, phương phi: cao sang, giàu có, phúc hậu; Béo phệ, khó nhìn: tham lam, độc địa, không có hậu; Mặt lưỡi cày (nhọn): khôn ngoan, giảo hoạt, tiền hậu bất nhất; Mặt mỏng (sát tận xương): xảo trá, lèo lá, không có hậu; Vuông vức, rắn rỏi: kiên định, khỏe mạnh, quả quyết.

2.1.2. Sắc mặt

Sắc mặt là vẻ mặt của khuôn mặt. Có nhiều sắc mặt khác nhau: Trắng hồng: cao sang, giầu có, phúc hậu; Mặt đỏ: thừa máu, quá mạnh dương tính, nóng nảy; Bánh mật, nâu nhạt: khỏe mặt, chai sạn; Xanh mái: người ít ra ngoài, ít lao động, hoặc thiếu máu; Xanh vàng: yếu đau, bệnh tật; Xanh xám: nham hiểm, phản nghịch; Xanh tím: dữ dằn, độc ác.

2.1.3. Trán    

 Trán là phần nằm phía trên và hơi nhô ra phía trước đầu. Nó được đánh dấu bằng đường tóc mọc. Trán là khu vực được dùng cho ba tính năng, hai trong số này là bao phủ hộp sọ người và tính năng còn lại thuộc về da đầu. Có nhiều hình dạng trán khác nhau: Cao rộng, thẳng: thông minh, trí tuệ, có đầu óc chỉ huy; Cao rộng, nhọn: khôn ngoan nhưng không có hậu; Cao rộng dô: khôn ngoan, ý chí nhưng cô quả; Cao, lép hai bên: khôn lỏi, phiến diện, không có hậu; Cao rộng vừa phải: khỏe mạnh trung thực; Trán dô: bướng bỉnh, ngang ngạnh; Hẹp thấp vừa: thật thà, cục mịch, ngu đần; Hẹp thấp, vát lép: ngu si, đần độn.

2.1.4. Lông mày

Lông mày là một dải lông mảnh rậm nằm ở trên mắt, dài khoảng 4 cm, có hình dạng của biên thấp của các đường gờ lông mày ở một số loài động vật có vú. Trung bình một người có khoảng 250 đến 1100 sợi lông trong chân mày, tùy vào mỗi người. Có người lông mày dày, có người lại có lông mày thưa. Một số kiểu lông mày như: Thanh thanh, chênh chếch: thông minh, tri thức; Hơi đậm, hơi chếch: thông minh, kiên nghị; Hình lưỡi mác đúng vị trí: quả quyết; Hơi chếch gần nhau: nghiêm khắc quyết liệt; Chếch ngược: ngỗ ngược, ngang tàng; Đậm chếch gần nhau: dữ dằn, độc ác, cau có, nóng nảy; Ngang thưa bình thường: bình tĩnh, thản nhiên; Ngang đậm (sâu róm): nóng nảy, bộc trực, khỏe mạnh; Ngang hơi cao, hơi xa: hiền từ, dung dị; Ngang và gần nhau: chịu đựng và ưu tư; Ngang đậm và xa nhau: đần độn, trì trệ; Ngang đầu hơi cao bằng nhau: khắc khổ, ưu tư; Ngang xa, đầu cao đuôi cụp: buồn bã, đau khổ; Gần nhau, cụp: đau đớn, sầu não; Cong lá liễu: có tài văn nghệ, (có tướng nghệ sĩ); Ngang cao: nhút nhát, hiền từ; Hình vòng cung hơi xa: hiền hậu, vui vẻ, hóm hỉnh; Nhạt thưa: thiếu trí lực, cô đơn; Cộc ngắn: vất vả, ít may mắn; Cong veo, tỉa tót: chơi bời, đỏng đảnh (Thị Mầu); Lông mày có xoáy: dữ tướng rất nóng nảy; Cứng tua tủa như chổi xể: nóng tính, có sức khỏe.

2.1.5. Mắt

Mắt là cơ quan tuy nhỏ bé nhưng lại có vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Là cơ quan thị giác thực hiện chức năng nhìn, quan sát, thu nhận lại hình ảnh của sự vật, màu sắc để chuyển vào não bộ xử lý và lưu trữ. Có nhiều hình dáng mắt, như: To vừa phải, đen sáng: thông minh, trung trực, kiên nghị; To tròn (bồ câu): hiền từ, trung hậu; Hình lá răm đen, lúng liếng: lẳng lơ, tình tứ; Hẹp bề cao, ti hí: gian xảo, bí hiểm, trộm cắp, lừa đảo; To, trố (như mắt cá vàng): nhút nhát, dối trá; Ngơ ngác: hiền nhưng chậm đôi khi đần độn; Mơ màng ướt lệ: đa sầu, đa cảm, đa tình; Lơ mơ, nhưng thoảng lại sáng lóe như ánh chớp: con người bất thường, dễ có hành động phản nghịch (giết người, kẻ cướp); To, nhiều lòng trắng (trắng dã): gian tham, độc ác, nham hiểm, ba trợn, ba trạo; Xếch ngược: ngỗ ngược, gian hùng; Mắt tam giác: gian trá, thâm độc; Mắt cụp phần đuôi: buồn bã, đau khổ; Mắt xếch nhíu gần nhau: cau có giận dữ, nóng nảy; Mắt hùm hụp vằn đỏ: nóng nảy, dữ dằn; Mắt thâm quầng: so đo, nham hiểm, người thiếu ngủ; Mắt nổi quầng rõ như đeo kính: nóng tính, hoạt động trí não nhiều vào ban đêm; Mắt như buồn cười vui: hiền từ phúc hậu, hóm hỉnh; Mắt sâu: khôn ngoan, thâm trầm; Mắt lé (mắt to mắt bé): có thể thông minh xuất chúng nhưng không có hậu, tính tình thay đổi; Mô mắt chảy xệ: già nua, bệnh tật.

2.1.6. Mũi

Mũi là phần đầu tiên của bộ phận hô hấp, nhô ra nằm giữa khuôn mặt, có 2 lỗ mũi ngăn cách nhau bởi vách mũi cho không khí đi vào và ra qua hệ vỏ bọc, thông với miệng. Sau mũi là cơ quan khứu giác và xoang, không khí sẽ qua hầu sau hốc mũi, một phần đi qua hệ tiêu hóa, và sau đó vào phần còn lại của hệ hô hấp. Một số hình dáng mũi: Cao thẳng cân đối: thông minh, trung trực; Gồ gẫy: nóng nẩy, bộc trực; Khoằm mỏ diều: tham lam nham hiểm; Sống mũi lõm: nhẹ dạ, nông nổi; Gốc mũi cao to: trí tuệ, nghị lực; Đầu mũi to tròn trịa: khỏe mạnh, có hậu; Sống mũi thanh cao: dối trá, hèn hạ, ranh vặt; Đầu mũi nhọn: khôn ngoan, tư lợi, láu cá; Đầu mũi to bè: khỏe mạnh, cục mịch; Đầu mũi to hếch: vui vẻ hài hước; Lỗ mũi hếch: hoang toàng, phung phí; Lỗ mũi hin: bủn xỉn, nhỏ nhặt; Chân mũi ngay chằn chặn: căn cơ, tiết kiệm.

2.1.7. Miệng

Miệng, khoang miệng (oral cavity, buccal cavity) hay mồm là phần đầu tiên của hệ tiêu hóa có chức năng nhận thức ăn và bắt đầu tiêu hóa bằng cách nghiền nát cơ học thức ăn thành kích thước nhỏ hơn và trộn với nước miếng. Một số kiểu miệng: đều đặn vừa phải; dày và hơi thô; dày loe: hay nói dối nhưng không thâm độc; mỏng, tươi hồng, mép hơi đưa lên; mỏng rộng (mép giải); miệng hình tim; miệng vuông (chữ nhật); mệng chúm chím như thổi lửa; miệng hở; miệng dô; miệng móm…

2.1.8. Nếp nhăn

Nếp nhăn là một nếp gấp trên bề mặt mịn, chẳng hạn như trên da hoặc vải. Các nếp nhăn trên da thường xuất hiện do quá trình lão hóa như glycation, tư thế ngủ theo thói quen, mất khối lượng cơ thể, tổn thương do ánh nắng mặt trời hoặc tạm thời, do ngâm trong nước kéo dài. Một số loại nếp nhăn tiêu biểu: nếp nhăn trên trán; ngang thưa, cao, ngay ngắn; hằn sâu hai bên hướng lên; hằn sâu ở giữa, hai bên hướng xuống, kèm theo vết dọc trên vùng mũi, rướn cao rõ rệt; nếp nhăn vùng giữa  hai lông mày; nếp nhăn ở đuôi mắt; nếp nhăn vùng mí dưới; nếp nhăn mũi…

3. Tác dụng của hóa trang

Thích nghi với hoàn cảnh biểu diễn

Dưới ánh đèn sáng chói chang của hàng chục ngọn đèn khá mạnh trên nền màu sắc sặc sỡ của bối cảnh trang trí. Nếu không hóa trang, bộ mặt người diễn viên sẽ bị chìm đi, lu mờ, đôi lúc trắng bệch, nhợt nhạt, thậm chí bệnh hoạn, méo mó, khó coi. Cự ly, khoảng cách từ sân khấu tới người xem gần thì cũng từ ba đến năm mét, biểu diễn trong không gian không có mặt trời. Dù diễn viên có ngoại hình thích hợp với nhân vật nhưng không hóa trang, các đường nét, hình khối trên mặt vẫn bị mờ nhạt, thiếu sinh động, sẽ hạn chế rất nhiều sự truyền đạt tình cảm nhân vật đến người xem.

Người diễn viên điện ảnh diễn xuất trước ống kính máy quay dưới ngọn đèn hàng vạn oát, những tấm phản quang ngoài trời nắng. Do đó người hóa trang hiểu biết phải điều chỉnh màu nền cho hiệu quả trên màn ảnh của các nhân vật thống nhất từ đầu đến cuối bộ phim. Khi quay cận cảnh đặc tả nhất là khi quay màu. Những vết xước, sẹo nhỏ, nếp nhăn li ti, nốt tàn hương, lông tơ, tất cả sẽ thấy rõ nếu không được hóa trang. Cho nên, ngay cả khi nhân vật có hình thức không cần thay đổi đối với nhân vật nhưng vì yêu cầu thẩm mỹ vẫn phải hóa trang cẩn thận đề tạo da một nước da đồng đều, mịn màng, sáng đẹp, hấp dẫn.

Tăng phần sắc cho diễn viên

Diễn viên phải có sắc đẹp, không đẹp không thể làm diễn viên. Muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công việc truyền cảm tinh thần nhân vật của vở diễn đến người xem, người diễn viên phải đẹp. Hóa trang có thể khắc phục những nhược điểm xấu. Nước da khô sạm sẽ trở nên mịn màng, đôi mắt bém lông mày, bờ mi sẽ đen, sáng, mũi tẹt được màu sắc tôn cao, môi quá đày được vẽ mỏng, môi mỏng được vẽ dày hơn, môi rộng thô trở thành môi trái tim… Như vậy, hóa trang sẽ làm cho bộ mặt của diễn viên đã đẹp lại càng lộng lẫy, rực rỡ hơn.

Thay đổi lứa tuổi, thành phần, dân tộc, chủng tộc, giới tính

Hóa trang làm cho người diễn viên trẻ lại hoặc già đi. Hóa trang giúp người diễn viên đóng được nhiều nhân vật thuộc nhiều thành phần dân tộc, kịch chủng khác nhau. Hóa trang tạo điều kiện cho người diễn viên đóng vai thành nữ hoặc ngược lại.

Phát huy những thuận điểm, khắc phục những nhược điểm trên mặt diễn viên

Một diễn viên sân khấu khi được phân công đóng một vai nào đó, người diễn viên điện ảnh được đạo diễn chọn để thể hiện một nhân vật của một kịch bản tương lại. Khi đó, người diễn viên và họa sĩ hóa trang, ngoài việc nghiên cứu tính cách tâm lý nội tâm nhân vật cần phải suy xét xem ngoại hình của người diễn viên đó có điểm thuận lợi cho việc khắc họa ngoại hình nhân vật, còn điểm nào chưa được để thêm hoặc bớt một vài đường nét, màu sắc nhằm xây dựng cho diễn viên một hình thức thật thích ứng với tính cách nội tâm nhân vật.

Tạo những tính cách độc đáo, những bộ mặt điển hình

Hóa trang là quá trình sáng tạo tính cách nhân vật bằng ngoại hình, nói cách khác là quá trình sáng tạo tính cách nhân vật qua vẻ bên ngoài theo yêu cầu của vở diễn. Một khuôm mặt trắng bệch, một nốt ruồi to trơ trẽn trên diện mạo của nhân vật đểu giả, phản trác. Đôi lông mày lưỡi mác với đôi mắt to sáng cùng cái mũi thẳng dọc dừa trên một khuôn mặt rắn rỏi, kiên nghị. Những đường nét, màu sắc bên ngoài có thể nói lên rất rõ bản chất bên trong của từng nhân vật. Do đó, mỗi nét màu sắc được thể hiện trên khuôn mặt đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tìm tòi và một tinh thần sáng tạo nhằm thể hiện tính chất riêng của những nhân vật điển hình, qua đó người xem có thể có một khái niệm về tính cách nội tâm nhân vật.

Bằng màu sắc và bộ râu giả họ đã tạo ra những bộ mặt cổ điển với tính chất cách điệu cao khiến người xem dễ dàng nhận thấy và phân biệt từng loại nhân vật như vai trung, vai nịnh, vai phản nghịch… Ta có thể quan sát ba khuôn mặt dưới đây:

           

Đưa diễn viên đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật

Nghệ thuật hóa trang sử dụng bộ mặt và thân hình người diễn viên để sáng tạo ra hình dạng muôn màu, muôn vẻ của nhân vật mà ba diễn viên diễn được phân công thể hiện. Hóa trang là sự phân chia ranh giới giữa diên viên và nhân vật. Người diễn viên xong khi đã hóa trang không còn hoàn toàn là mình mà đã sống trong nhân vật, hoặc nói cách khác hóa trang đánh dấu sự bắt đầu sáng tạo vai kịch. Lúc đó ngoại hình không phải của diễn viên mà là của nhân vật trong kịch.

Thay đổi hẳn nét mặt để đóng nhân vật lịch sử

Hóa trang giúp diễn viên tái tạo chân dung những nhân vật lịch sử như Lê Nin, Hồ Chí Minh, Nguyễn Huệ,… Muốn hoàn thành công việc hóa trang chân dung  cho một diễn viên đóng vai nhân vật lịch sử, người họa sỹ hóa trang phải tìm tòi nghiên cứu nắm vững tất cả cấu tạo hình dáng nhân vật và bộ mặt người diễn viên thủ vai. Yêu cầu hóa trang chân dung các nhân vật lịch sử, khi nhân vật xuất hiện trên sân khấu hay trên phim phải được đông đảo quần chúng khán giả công nhận. Nhưng cũng không yêu cầu những nhân vật đó hóa trang xong phải giống nhân vật lịch sử 100%. Làm như vậy kỹ thuật sử dụng trong hóa trang sẽ phức tạp đồng thời gò bó sự thể hiện tình cảm của diễn viên trong lúc diễn xuất. Do đó, hóa trang cần đơn giản nhưng không đơn giản hóa. Điều này đòi hỏi người hóa trang phải khéo kéo, chính xác tìm ra những đường nét điển hình của nhân vật.

4. Nghệ thuật hóa trang nhân vật

4.1. Nhân vật tính cách

Để xây dựng được tính cách nhân vật trước hết tìm hiểu tính cách là gì?

Tính cách là đặc điểm về nội tâm của mỗi con người, có ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, lời nói và hành động của người đó. Tính cách tổng hợp tất cả các cách thức mà một cá nhân có thể sử dụng để phản ứng hoặc tương tác với những người khác.

Như vậy, có thể rút ra hai điều: Tính cách không chỉ là đặc điểm về tinh thần (suy nghĩ, nội tâm, cảm xúc…) mà còn là đặc điểm về vật chất (hành động, lời nói, cử chỉ…). Tính cách của một người được thể hiện trong mối quan hệ của người đó với những tập thể, những cá nhân xung quanh. Hay nói rộng hơn là đối với những thực thể tồn tại quanh họ. Một người có thể có nhiều tính cách và nhiều người có thể có cùng một tính cách.

Các yếu tố cấu thành nên tính cách

Có hai yếu tố: hệ thống thái độ của nhân vật và hệ thống cử chỉ, hành vi, lời nói của nhân vật, gọi tắt là hành động (đối với tập thể, tổ chức, cá nhân…). Để xây dựng nên tính cách của một nhân vật có thể thông qua hai yếu tố trên. Thái độ hoặc hành động, hoặc cả hai.

Một kiểu nhân vật phức tạp được miêu tả trong tác phẩm như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật. Nếu ở nhân vật loại hình, khái niệm loại là hạt nhân của nhân vật, thì ở nhân vật tính cách hạt nhân của nó là cá tính.

Trong mỗi tính cách của nhân vật thể hiện qua hành động được mô tả theo đúng tuyến không gian và thời gian, đó là mấu chốt thành công của cốt truyện. Đối với tất cả các loại hình sân khấu, hành động là điều kiện quyết định cho sự thành công của vở kịch. Nghệ thuật hóa trang nhân vật tính cách là tạo nên điểm nhấn trên khuôn mặt cho nhân vật, có thể là nốt ruồi, sợi râu mọc cong, mọc ngược, hay chiếc răng đen, lông mày xếch ngược…

Nhân vật tính cách được khắc họa với một chiều sâu bên trong. Nó như một điểm qui tụ, từ đó có thể giải thích được mọi biểu hiện muôn màu, muôn vẻ sinh động bên ngoài của nhân vật.

4.2. Hóa trang nhân vật nhiều tuổi

Đối với nhân vật nhiều tuổi, trước tiên phải xác định tâm trạng của nhân vật. Nắm bắt mối quan hệ thực hư của chỉnh thể, sau đó phân mảng sáng tối lớn, điều chỉnh tương đối hình cơ bản. Xác định mảng vị trí cơ bản, tạo các nếp nhăn tùy theo độ tuổi. Nhân vật càng nhiều tuổi, vất vả, lam lũ, càng nhiều nếp nhăn. Nếp nhăn trên khuôn mặt có những vị trí sau:

- Nếp nhăn trên trán: ngang thưa, cao, ngay ngắn; hằn sâu hai bên hướng lên: dữ dằn, cau có, nóng tính; hằn sâu ở giữa, hai bên hướng xuống, kèm theo vết dọc trên vùng mũi, rướn cao rõ rệt: khắc khổ, người gặp nhiều khó khăn gian nan cả cuộc đời.

- Nếp nhăn vùng giữa  hai lông mày: hằn sâu cao: nhiều ưu tư sầu não; hằn sâu thấp: người hay cau có giận dữ; đánh màu nền; đánh hình khối; vẽ nếp nhăn vùng miệng, mũi, trán, cằm, cổ…; làn da thô và râu tóc bạc.

Như vậy, hóa trang có thể giúp cho diễn viên thay đổi ngoại hình, khuôn mặt, tuổi tác, dâb tộc, biến đổi màu da, thay đổi sắc mặt, người trẻ thành già và ngược lại. Thanh sắc là yếu tố quan trọng (nếu như không muốn nói là không thể thiếu) đối với ai muốn trở thành diễn viên. Đối với một diễn viên không chỉ giỏi về diễn xuất thực hành trên sân khấu hay phim trường, đồng thời phải am hiểu những bước cơ bản về hóa trang. Điều đó giúp diễn viên chủ động hơn khi được giao các vai diễn khác nhau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. HS Gia Bảo (2005), Mỹ thuật căn bản và nâng cao. Vẽ phác thảo chân dung, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  2. HS Gia Bảo (2007), Ý tưởng nghệ thuật thiết kế và vẽ chân dung, Nxb mỹ thuật, Hà Nội.
  3. Nhiều tác giả (2007), Tài liệu giảng dạy Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh, hoạt hình, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, H.N
  4. Trịnh Xuân Chính (2004), Nghệ thuật hóa trang sân khấu và điện ảnh, Nxb Trường ĐH Sân khấu và điện ảnh Thành phố Hồ Chính Minh, Hồ Chí Minh.
  5. Nhữ Đình Nguyên, Phương pháp hóa trang, tạp chí Sân khấu
  6. Nhiều tác giả (2008), Tài liệu giảng dạy Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh, hoạt hình, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Hà Nội.
  7. Đoàn Thị Tình (2014), Hóa trang mặt nạ sân khấu Tuồng, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  8. https://juheemakeup.com.vn/blog-tin-tuc/makeup-la-gi-mot-so-thuat-ngu-trong-makeup-danh-cho-nguoi-moi-bat-dauhttps://sites.google.com/site/winwinguyen/khai-niem-lich-su.