Nội san

So sánh động từ vận động Anh - Việt dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri nhận

04 Tháng Mười Một 2022

                                                             Giảng viên Phạm Thị Lý

                   Trung tâm tin học và Ngoại ngữ - Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương

 

Trong tiếng Anh cũng như tiếng Việt, để hiểu đúng nghĩa của một từ, người tiếp nhận phải dựa vào ngữ nghĩa và ngữ pháp của từ dùng trong câu. Ngoài ra, trong tiếng Anh muốn biết chính xác từ đó người tiếp cận phải dựa vào ngữ cảnh giao tiếp. Trong hầu hết ngôn ngữ, nhóm động từ chuyển động có những đặc điểm ngữ nghĩa và ngữ pháp riêng biệt và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành câu. Nếu như trong tiếng Anh để biểu đạt ý phủ định các động từ phải chia theo trợ động từ thì trong tiếng Việt, các động từ với ý nghĩa chuyển động hình thành một danh sách dài và đa dạng. Việc nghiên cứu đối chiếu các động từ chuyển động trong hai ngôn ngữ thực sự cần thiết. Nghiên cứu đối chiếu một nhóm động từ cụ thể của hai ngôn ngữ thuộc loại hình khác nhau như tiếng Anh và tiếng Việt, ngoài ý nghĩa lí luận thì nó còn giúp ích cho việc giảng dạy cũng như học tập tiếng Anh như một ngoại ngữ cho sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương thêm hiệu quả hơn.

1. Khái niệm và các nghiên cứu liên quan

Động từ vận động (Motion verbs) là những động từ có chức năng diễn tả hành động mà chủ ngữ đang làm, về mặt thể chất hoặc tinh thần. Loại động từ này mang một lượng thông tin lớn và làm cho một câu hoàn thiện bởi vì tất cả mọi loại câu đều cần có chủ ngữ và động từ. Nếu Kudrnácová đã chia động từ từ vựng thành bốn nhóm: trạng thái (state), hoạt động (activities), hoàn thành (accomplishment) và hành động đạt được (achievement) thì Frawle đã chia động từ thành bốn loại chính là: hành động (acts); trạng thái (states); gây khiến (causes) và chuyển động. Các nhà nghiên cứu đã phân chia động từ một cách tương đối chi tiết và cụ thể, trong đó có động từ vận động. Động từ trong tiếng Anh còn được phân loại dựa vào ý nghĩa bao gồm: động từ thể chất (physical verbs) mô tả hành động cụ thể của vật chủ, đó có thể là chuyển động của cơ thể hay sử dụng một vật nào đó gây ra hành động hoàn chỉnh; động từ trạng thái bao gồm những động từ được bổ sung bởi các tính từ dùng để chỉ sự tồn tại của một tình huống nào đó và động từ chỉ hoạt động nhận thức (mental verbs) bao gồm những từ diễn tả hành động (liên quan đến nhận thức) như khám phá, hiểu biết hoặc suy nghĩ về một vấn đề nào đó.

Theo Halliday (1994, 2004), ngôn ngữ là "một hệ thống các ý nghĩa" và mệnh đề bao gồm một động từ đứng đầu và những người tham gia liên quan là đơn vị ngữ pháp quan trọng nhất, bởi vì nó có chức năng là đại diện của quá trình. Quan niệm mạnh mẽ nhất về thực tại là nó bao gồm "diễn ra": đang làm, đang xảy ra, cảm thấy, đang tồn tại. Tác giả Douglas Biber và cộng sự của ông đã thành công khi giới thiệu cuốn sách Grammar of Spoken and Written English (2007), họ cho rằng động từ được phân loại thành ba loại chính theo vai trò của chúng là động từ chính và động từ phụ. Chúng là động từ từ vựng (còn được gọi là động từ đầy đủ, ví dụ: ngã, hiểu, nhìn, đi, đóng), động từ chính (be, have, do) và động từ phương thức (ví dụ: can, will, might). Động từ từ vựng (lexical verbs) bao gồm một lớp từ mở chỉ có chức năng như động từ chính; ba động từ chính có thể hoạt động như động từ chính hoặc động từ phụ; và động từ phương thức chỉ có thể hoạt động như động từ bổ trợ. Ngoài ra, các động từ có thể được phân loại dựa trên các miền ngữ nghĩa và các mẫu hình giá trị của chúng (đồng dạng, nội động  từ và bắc cầu). Hầu hết các động từ trong tiếng Anh đều thay đổi về hình thức phù hợp với các đặc điểm ngữ pháp.

Theo Nguyễn Lân (1995): “Động từ là từ loại thực từ biểu thị hành động, trạng thái như một quá trình, chủ yếu làm chức năng vị ngữ trong câu. Trong ngôn ngữ biến hình, động từ có các phạm trù ngữ pháp để chỉ ra các quan hệ của phát ngôn với thời điểm nói năng, với thực tế: nêu rõ những người tham gia vào một hành vi ngôn ngữ…các phạm trù ngữ pháp đó là: thời, thể, thức, dạng, ngôi, số, giống. Động từ throng ngôn ngữ biến hình thường có hệ hình thái và mô hình cấu tạo từ riêng”. Theo Đinh Văn Đức (1986): “Cùng với danh từ, động từ là một trong hai từ loại cơ bản. Động từ thì gắn với các từ thuộc phạm trù vận động”, “Động từ là thứ từ dùng để biểu diễn một động tác hoặc một hành vi, một ý nghĩa hoặc một cảm xúc, một trạng thái hoặc sự phát triển, sự biến hóa của một trạng thái”. Tìm hiểu kết quả nghiên cứu của tác giả Mai Thị Thu Hân (2010) về “Động từ và các mô hình từ vựng hoá của chúng, nghiên cứu so sánh Anh Việt từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận”. Theo kết quả nghiên cứu, tác giả sử dụng các động từ và chỉ ra mô hình hóa của chúng dưới góc nhìn tri nhận giúp cho sinh viên vận dụng thành thạo hơn các chủ đề mới và chủ động trước kiến thức đặt ra. Ngoài ra, đây cũng là công cụ để sinh viên nắm bắt bài học một cách hiệu quả. Do đó, sinh viên có thể sử dụng động từ theo từng văn cảnh, tránh gây nhầm lẫn, nâng cao khả năng ghi nhớ thông tin trong quá trình nghe bài giảng hoặc thảo luận. Tác giả Bùi Thị Ngọc (2010) thực hiện nghiên cứu về tính đa nghĩa của động từ “mở/ đóng” trong tiếng Anh và tiếng Việt nhìn từ góc độ tri nhận. Theo đó tác giả giải thích  “open” và “close” là các động từ có tính đa nghĩa cao. Tác giả có sự so sánh và đối chiếu nghĩa tiếng Anh và tiếng Việt hai động từ này. Tác giả đưa ra lập luận lý thuyết dưới góc nhìn tri nhận cũng như đưa ra các ví dụ làm sáng tỏ mục tiêu đề tài.

2.  Ngôn ngữ học tri nhận

Theo Tore Nesset: “ngôn ngữ học tri nhận là một cách tiếp cận lý thuyết tương thích mở rộng dựa trên nguyên tắc chia sẻ các giả thuyết cơ bản mà ngôn ngữ là một phần tích hợp của tri nhận”. Trần Hữu Mạnh cho rằng tri  nhận  biểu  hiện  một quá trình nhận  thức hoặc là tổng thể những quá trình tâm lí (tinh thần, tư duy) – tri giác, phạm trù hoá, tư duy, lời nói v.v. phục vụ cho việc xử lí và chế biến thông tin. Bởi “tri nhận được  hiểu như là một quá trình xử  lí thông tin diễn ra trong tâm trí mỗi cá nhân con người”. Theo Lý Toàn Thắng, với ngữ nghĩa học tri nhận, từ có nghĩa là vì nó biểu đạt cái ý niệm có trong tâm trí chúng ta về  một thực thể  nào đó. Nó chú trọng và nhấn  mạnh vai trò của tri giác, cái tri giác và hình ảnh  trong  hoạt động  tri nhận. Nói tóm lại, ngôn ngữ học tri nhận (CL) là nghiên cứu về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tâm trí con người

3. Một vài nét về phương pháp đối chiếu so sánh trong ngôn ngữ Anh- Việt

Phương pháp học ngoại ngữ khả quan nhất chính là quá trình tiếp nhận các cấu trúc ngữ pháp bằng tiếng mẹ đẻ và được chuyển dịch được sang ngôn ngữ đích. Tác giả Ungerer, F. & Schmid, D. (1997) cho rằng: “Về mặt lý thuyết, khi học ngoại ngữ luôn diễn ra quá trình phân tích đối chiếu ít nhất là hai ngôn ngữ: tiếng mẹ đẻ và  ngoại ngữ được học (ngôn ngữ đích), và ngược lại”. Bằng phương thức này, việc học ngoại ngữ là phương tiện tối ưu để hiểu sâu sắc thêm tiếng mẹ đẻ. Qua đối chiếu có thể thấy các ngôn ngữ đã trải qua các giai đoạn phát triển nào gắn liền với các mối quan hệ tương ứng với tiến trình phát triển xã hội và lịch sử. Nguyên tắc đối chiếu hai chiều cho phép phát hiện toàn bộ các giao thoa ngôn ngữ, làm sáng tỏ các dấu hiệu ngôn ngữ chưa được phát hiện khi đối chiếu một chiều của ngôn ngữ thứ nhất, cũng như thứ hai. Nguyên tắc này đòi hỏi đối chiếu ngôn ngữ cần được tiến hành trên cơ sở cùng một phong cách chức năng.

  Nghiên cứu có thể được mở rộng hơn đối với các ngôn ngữ khác để trên cơ sở này người học có thể phát triển nghiên cứu đối chiếu không chỉ hai ngôn ngữ Việt - Anh, mà còn đối với các ngôn ngữ khác. Trước khi tiến hành đối chiếu văn bản, có thể phân chia thành các bước sau:

– Bước 1: Miêu tả hoặc tìm bản miêu tả ngôn ngữ thích hợp nhất với mục đích đối chiếu.

– Bước 2: Xác định các yếu tố tương đương.

– Bước 3: Thực hiện công việc đối chiếu có nghĩa là tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt của những cái tương đương trong hai ngôn ngữ.

Do đó có thể phân chia theo phạm vi đối chiếu theo nguyên tắc sau:

- Làm sáng tỏ đặc điểm thể hiện các phạm trù ở ngôn ngữ được nghiên cứu như thời, thể, xác định, không xác định, phạm trù giống, số, cách, đa nghĩa, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa v.v.

- Đối chiếu các đặc điểm cấu tạo âm vị, hình vị, từ loại, cú pháp v.v.

- Đối chiếu các đặc điểm hoạt động, hành chức của các hiện tượng, phạm trù ngôn ngữ trong giới hạn các cấp độ.

- Đối chiếu các phong cách chức năng.

- Đối chiếu tiến trình phát triển nhằm làm sáng tỏ các quy luật phát triển và quá trình biến đổi xảy ra trong nội bộ các ngôn ngữ được nghiên cứu.

4. Kết luận

Động từ vận động hay tên gọi khác là động từ chuyển động trong tiếng Anh và tiếng Việt là nhóm động từ chỉ hoạt động chuyển động ở nghĩa gốc ban đầu mà chủ thể hoạt động là người/động vật với sự tham gia của các bộ phận cơ thể. Các động từ được tác giả chọn để so sánh là một trong số các động từ tiêu biểu vừa mang tính chuyến động đa hướng vừa mang tính xác định. Các động từ chuyển động phải được dùng biểu thị hoạt động vận động/ chuyển động không ở trong một phạm vi giới hạn nhất định. Về các phương thức chuyển nghĩa, các động từ vận động trong tiếng Anh và tiếng Việt đều được chuyển nghĩa chủ yếu theo phương thức ẩn dụ và hoán dụ. Phần lớn các động từ chuyển động trong tiếng Việt đều theo phương thức ẩn dụ; phương thức hoán dụ ít được sử dụng. Qua so sánh đối chiếu hai cặp động từ này tác giả đã chỉ rõ những tương đồng và khác biệt về số lượng nghĩa, về hướng chuyển nghĩa và phương thức chuyển nghĩa. Căn cứ vào những tương đồng và khác biệt về phương diện ngữ nghĩa của các động từ chuyển động trong tiếng Anh và tiếng Việt chúng tôi đã nêu lên những nhận xét về đặc điểm nhận thức và đặc điểm văn hóa của hai cộng đồng người Anh và người Việt. Từ đó tác giả áp dụng cách sử dụng và hướng dẫn cách dịch thuật các đoạn trích trong chương trình tiếng Anh 1, 2 cho sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW, từ đó góp phần vào công cuộc đổi mới phương pháp dạy học, cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo cho môn tiếng Anh 1 và tiếng Anh 2 cũng như tiếng Anh chuyên ngành.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Hữu Mạnh (2007), Ngôn ngữ học đối chiếu, Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội

2. Ungerer, F. & Schmid, D. (1997), An introduction to cognitive linguistics, Addison Wesley Longman Limited.

3. Frawley, W. (1992), Linguistic semantics. Lawrence Erbbaum associates publishers. Hove and London

4. Halliday, M.A.K. The language of science. London: Continuum, 2004

5. Đinh Văn Đức (1986), Ngữ pháp Tiếng Việt: Từ loại, NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Hà Nội.

6. Mai Thị Thu Hân. (2010), Động từ vận động và các mô hình từ vựng hoá của chúng. Nghiên cứu so sánh Anh Việt từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận”. (Verbs of motion and their lexicalization patterns and English – Vietnamese comparative study from cognitive approach). Luận văn thạc sĩ, Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc Gia.

7. Bùi Thị Ngọc. (2010), “Nghiên cứu tính đa nghĩa của động từ “Mở/ Đóng” trong tiếng Anh và tiếng Việt nhìn từ góc độ tri nhận”. (An investigation of the polysemy of “open/close” in English and “mở /đóng” in Vietnamese (from the cognitive perspective)). Luận văn thạc sĩ, Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc Gia.

8. Lý Toàn Thắng (2005), Ngôn ngữ học tri nhận, từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội.