Nội san

Nâng cao chất lượng bài học Trang trí chuyên ngành Thiết kế Thời trang qua nghiên cứu họa tiết trang trí kiến trúc Nhà thờ lớn - Hà Nội

30 Tháng Mười Một 2022

ThS. Trương Tuấn Anh

Khoa Thiết kế thời trang và Công nghệ may

Trong chương trình giảng dạy cho sinh viên ngành Thiết kế Thời trang, trường ĐHSP Nghệ thuật TW, môn Trang trí sẽ được học xuyên suốt quá trình học tập từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, và được chia thành 4 phần: Trang trí cơ bản 1, Trang trí cơ bản 2, Trang trí chuyên ngành 1, và Trang trí chuyên ngành 2. Trong đó Trang trí cơ bản 1,2 cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về nghệ thuật trang trí, với những khái niệm và vai trò của trang trí, nghiên cứu vốn cổ dân tộc, sáng tạo họa tiết, cách trang trí các hình cơ bản, đường diềm, nền hoa, chữ. Trang trí chuyên ngành 1,2 với những bài trang trí tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh, tranh tường, thiết kế sân khấu thời trang, ứng dụng vốn cổ trong trang phục, bố cục mảng trên trang phục. Các bài tập từ thấp đến cao, từ cơ bản đến ứng dụng đóng vai trò là nền tảng vững chắc để các sinh viên có thể nắm được chìa khóa nghệ thuật trang trí.

Nhà thờ lớn Hà Nội được thiết kế theo phong cách Gothic Châu Âu, với sự ảnh hưởng của nhà thờ Đức Bà Paris tại Pháp. Công trình có diện tích 64.5 x 20.5 mét vuông. Tháp chuông thiết kế cao 31.5m với bố cục mặt đứng đăng đối chia làm 3 phần. Hai bên của nhà thờ là hai tháp chuông cao vút lên, ở giữa là khối thấp hơn được kết thúc bằng đỉnh tường hình tam giác với cây thánh giá để tạo điểm nhấn cũng như khẳng định được vai trò của kiến trúc này.

Kết cấu nhà thờ Gothic là một trong những sáng tạo đặc biệt nhất, tạo cho kiến trúc nhà thờ những ưu việt và vẻ đẹp đặc biệt, mà trước đó các hệ thống kết cấu, kể cả những nền kiến trúc phát triển cao như La Mã cổ đại, chưa đạt được. Hệ thống kết cấu nhà thờ Gothic là một hệ thống không gian lớn, dùng khung chịu lực, tách biệt rõ rệt giữa kết cấu chịu lực và kết cấu ngăn cách, với những thành phần chính tính từ đổ mái xuống là: vòm mái hình múi có sống, cuộn nhọn, cột và cuộn bay. Hệ thống đã tạo cho kiến trúc những không gian mệnh mông, khoáng đạt và một khung cảnh nội thất nhẹ nhàng, tràn ngập ánh sáng. Trong các công trình kiến trúc Gothic, khi xây dựng vòm mái bằng hình chữ nhật, thông thường người ta gặp mái cong hai chiều rất phức tạp, như vậy khi mặt chiếu bằng của nó là hình chữ nhật, chiều cao của cuốn vẫn bằng nhau, nên xử lý kiến trúc vòm có múi đơn giản hơn rất nhiều. Hệ thống kết cấu của vòm Gothic không còn có một gắn bó nào với kết cấu của kiến trúc La Mã cổ đại, tính chất cách tân của kiến trúc Gothic có được là nhờ những cuộn nhọn (đến từ kiến trúc phía Đông, mái vòm có bốn cuộn nhọn có múi đỡ). Vòm mái hình múi có sống trong kiến trúc mái nhà thờ Gothic chia ra làm các loại: vòm có sống bốn múi có hình chiếu mặt bằng hình chữ nhật, vòm có sống sáu múi có hình chiếu hình chữ nhật, vòm có nhiều sống và nhiều múi, vòm có sống bốn mũi có hình chiếu mặt bằng hình chữ nhật, vòm có sống sáu mũi có hình chiếu hình chữ nhật, vòm có nhiều sống và nhiều múi hình sao có mặt chiếu hình chữ nhật (loại vòm mái phức tạp này là sản phẩm của kiến trúc Gothic hậu kỳ), bốn chân vòm của kiến trúc truyền tải xuống cột và một phần của tải trọng xuống cuốn bay.

Nghệ thuật trang trí xuất hiện rất lâu rồi, từ buổi bình minh của lịch sử nhân loại khi con người có trí khôn. Bằng chứng là vô vàn các công cụ lao động thô sơ bằng đá của người nguyên thủy được trau chuốt và trang trí tối giản. Trải qua chiều dài lịch sử, trang trí gắn liền với cuộc sống của con người, phát triển mạnh mẽ song hành cùng nền văn hóa và sự tiến bộ khoa học kĩ thuật tới ngày nay.

Đặc thù của chuyên ngành Thời trang, các bài học cũng có những yêu cầu khác nhau về tạo hình, về chất liệu thể hiện, kĩ thuật, về hình thức trình bày của mỗi bài học. Vì thế, nội dung chương trình, phương pháp, dạy-học, cách tổ chức dạy-học và cách đánh giá kết quả học tập học phần luôn được thay đổi, bổ sung cho phù hợp theo nhu cầu đổi mới nâng cao chất lượng dạy học. Nghiên cứu vốn cổ vật thể được thể hiện qua lối trang trí trong kiến trúc Đình, Chùa, Lăng tẩm hay Nhà thờ công giáo và các công trình kiến trúc khác thực sự cần thiết đối với sinh viên Mỹ thuật, Thời trang, Nội thất, Kiến trúc...Nghiên cứu họa tiết trang trí trong kiến trúc là bài học cần thiết nhằm tạo cho người học có khả năng nghiên cứu sâu về dạng thức họa tiết, cấu trúc từ đó hình thành ý tưởng xây dựng phác thảo thiết kế.

Để làm nên điều đó trong quá trình đào tạo thì chất lượng và hiệu quả dạy học luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu của người giáo viên. Điều này thể hiện qua nội dung các đề tài nghiên cứu khoa học những cái hay, cái đẹp từ các tác phẩm nghệ thuật được mở rộng thành kiến thức giảng dạy trên lớp. Thông qua việc tìm hiểu về kiến trúc Gothic trên kiến trúc nhà thờ Lớn – Hà Nội cho thấy việc khai thác họa tiết trang trí đường nét mái vòm với những đường cong kết hợp đường thẳng liên tưởng tới hình ngọn lửa, hình ngôi sao, hình gân lá ứng dụng vào giảng dạy các nội dung trong học phần Trang trí chuyên ngành nhằm trang bị những kiến thức, kĩ năng về trang trí mang tính đặc thù để thiết kế trang phục, diễn họa trang phục, phụ trang cũng như các nhu cầu về mặc cho mọi đối tượng.

Qua tìm hiểu về họa tiết trang trí kiến trúc Nhà thờ lớn – Hà Nội cho thấy họa tiết trên kiến trúc mái vòm, cửa kính, lan can đậm chất Gothic, tính cách điệu cao, tạo hình đẹp, phù hợp với vai trò là họa tiết trang trí và hoàn toàn có thể ứng dụng thực tiễn lên trang phục, phụ kiện thời trang.

Họa tiết trang trí hình ngôi sao

Trong tự nhiên có rất nhiều hình dạng khác nhau với những đặc điểm khác nhau. Hình ngôi sao ở đây được nhắc đến đó chính là hình được ghép bởi năm hình tam giác đều. Hình ngôi sao được sắp xếp bởi các yếu tố tạo hình như đường nét, màu sắc, hình mảng, đậm nhạt theo các nguyên tắc trang trí để tạo nên một bố cục hợp lí.

Hình 1. Họa tiết trang trí hình ngôi sao. Nguồn Internet

Họa tiết trang trí hình ngọn lửa

Hình ngọn lửa từ xa xưa ông cha ta đã cách điệu hóa và trang trí trên các vật dụng phục vụ đời sống. Chúng ta thường gặp những họa tiết trang trí hình ngọn lửa xung quanh đồ gốm sứ như bát, đĩa, lọ hoa, liễn, thạp, ấm chén…trên những văn tự, bia đá, kiến trúc chùa chiền, lăng tẩm…

Đối với mỗi mục đích trang trí khác nhau, hình ngọn lửa cũng có những kích thước và chiều hướng khác nhau.

                     

Hình 2. Họa tiết trang trí hình ngọn lửa. Nguồn Internet

Họa tiết trang trí hình gân lá

Gân lá được xem như là bộ khung để bề mặt lá ám vào tạo thành những mảng được ví như bề mặt da thịt con người.

Cũng chính gân lá là một dạng trang trí có tính ứng dụng rất rộng rãi nên khi sáng tạo, người vẽ trang trí trang phục luôn tạo ra những mảng hoa văn trang trí nền hoa đẹp. Ví dụ: nền hoa dùng trong kiến trúc khác nền hoa dùng trong thời trang. Khi đó nền hoa sẽ chịu ảnh hưởng của không gian sử dụng, ví như nền hoa của giấy gián tường sẽ chịu sự chi phối của đồ đạc trong phòng; hay nền hoa trang trí trên vải dành cho nam giới khác nền hoa dành cho nữ giới. Do vậy, với vai trò làm nền, phụ thuộc vào công nghệ làm ra sản phẩm mang tính ứng dụng như in, dệt…nền hoa thường được tiết kế với màu sắc, họa tiết mang tính hài hòa, phù hợp với sản phẩm.

 

Hình 3. Họa tiết trang trí hình gân lá. Nguồn Internet

Hoa văn họa tiét trang trí là những nét tinh hoa của văn hóa Thế giới và văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Đó chính là những văn tự bằng đường nét, hình ảnh phản ánh một phần lịch sử, văn hóa, tư tưởng của con người sống trong thời đại ấy. Chính vì vậy chúng ta, những con người của thế hệ sau phải biết giữ gìn và phát huy vốn truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc.

Trang trí trang phục hiện đại để nhằm vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa thể hiện sự kế thừa truyền thống là điều mà nhiều nhà thiết kế hướng đến và có cách thể hiện nhịp điệu trong trang trí trang phục rất độc đáo. Việc kế thừa truyền thống trong lựa chọn các môtip cổ nhằm thể hiện tính dân tộc trong trang phục hiện đại người Việt là điều bấy lâu giới thời trang quan tâm.

Hình 4. Bài tập ứng dụng kiến trúc nhà thờ Lớn vào trang trí trang phục

Dưới góc độ một người yêu nghệ thuật, một người nghiên cứu mỹ thuật tôi nhận thấy vai trò to lớn của nghệ thuật trang trí đối với đời sống hiện đại. Đặc biệt, trang trí trang phục chính là điểm nhấn, là phần then chốt đem đến cho thời trang diện mạo mới.

Trong thời đại hội nhập hiện nay,những giá trị truyền thống thường bị mai một, bản sắc dân tộc dần sẽ bị đánh mất nếu không biết gìn giữ. Bởi vậy, đó chính là nhiệm vụ của những con người thời đại mới, phải biết giữ gìn và phát triển những tinh hoa mà ông cha để lại. Thời trang cũng không nằm ngoài vòng phát triển ấy. Đó cũng là những trăn trở của các nhà thiết kế trong nước làm sao thời trang phát triển, phù hợp với cuộc sống hiện đại, song bên cạnh đó phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc trên trang phục. Hơn tất cả là đưa ngay ý thức từ trong giáo dục, trong các bài học của các em học sinh, sinh viên. Không những là kiến thức trang trí có thể ứng dụng vào chuyên ngành thời trang mà còn thêm hiểu về nguồn cội, lịch sử dân tộc. Điều đó sẽ là hành trang cho các em vững bước trên con đường sự nghiệp trong tương lai.

                       TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Trần Thủy Bình (2005), Giáo trình mỹ thuật trang phục, Nxb Giáo dục.
  2. Đặng Bích Ngân (Chủ biên) (2002), Từ điển thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục.
  3. Nguyễn Hải Kiên (2015), Giáo trình trang trí cơ bản 2, Tài liệu lưu hành nội bộ khoa Mỹ thuật Cơ sở, Trường ĐHSP nghệ thuật TW.
  4. Nguyễn Thu Tuấn (2011), Giáo trình phương pháp dạy học Mĩ thuật 1-2, Nxb Đại học sư phạm.
  5. Trường ĐHSP Nghệ thuật TW (2015), Tài liệu giảng dạy và học tập (tài liệu lưu hành nội bộ).
  6. https://www.pinterest.com/pin/