Nội san

DẠY HỌC PIANO CHO TRẺ EM VỚI TÀI LIỆU PRE-PREPARATORY TRONG BỘ TÀI LIỆU LONDON COLLEGE OF MUSIC EXAMINATIONS

07 Tháng Ba 2023

Ngô Thị Minh

Học viên K12- LL&PP dạy học Âm nhạc

 

Hiện nay, tại Hà Nội có một số kì thi lấy chứng chỉ quốc tế về học piano phổ thông cho đối tượng không chuyên nghiệp như: AMEB (Australian Music Examinatinon Boad), ABRSM (Associated Board of the Royal Shool of Music), Trinity (Trinity College London), RSL (Rockshool LTD), LCM (London College of Music Examinations); trong đó, chứng chỉ LCM được nhiều người biết đến. Bộ tài liệu LCM là bản quyền của London College of Music, thuộc phân khoa của trường Đại học West London dành cho HS từ 6 tuổi trở lên, bao gồm các trình độ Căn bản, Trung cấp và Đại học. Bài viết này xin sẽ giới thiệu cuốn Pre- Preparatory trong bộ tài liệu LCM, là một trong những tài liệu được dùng để người học piano không chuyên nghiệp đăng kí thi thực hành lấy chứng chỉ của Trường Âm nhạc London, thuộc Đại học West London, nước Anh.

“LCM là một loại chứng chỉ trong lĩnh vực âm nhạc được cung cấp bởi Trường London College of Music là một phân khoa của trường Đại học West London. Đây là một trong những bằng cấp uy tín và có giá trị về âm nhạc trên toàn thế giới, được Văn phòng Quản lý chất lượng và Khảo thí Quốc gia Anh (Office of Qualification and Examinations Regulatio) công nhận, bảo đảm” [3].

Với bộ tài liệu London College of Music Examinations (LCM), HS tại các trung tâm học piano nhằm đáp ứng nhu cầu và mục đích của phụ huynh là HS học piano không chỉ để biết chơi đàn mà còn có chứng chỉ để có thể đi du học nước ngoài.

Bộ tài liệu LCM gồm nhiều cấp độ: Pre-Preparatory, Step 1, Step 2 và 8 Grade từ 1 đến 8. Dưới đây, xin giới thiệu dạy học piano cho trẻ em từ 6-8 tuổi với cuốn tài liệu Pre-Preparatory, là cuốn đầu tiên thuộc dạy học căn bản của bộ tài liệu LCM.

Quyển Pre-Preparatorycấu trúc gồm 3 phần: Exercises, List A, List B, tổng cộng là 16 bài. Exercises gồm 6 bài, List A có 5 bài tiểu phẩm và List B cũng có 5 bài tiểu phẩm. Các bài tập đều có 2 bè cho 2 tay song các bài ở giai đoạn đầu chủ yếu tấu theo kiểu chơi 1 tay phải rồi sang tay trái hoặc ngược lại chứ không theo 2 tay cùng chơi nên tương đối dễ, HS chỉ cần thuộc vị trí nốt, nắm được trường độ là có thể thị tấu được, về cuối mới có các bài soạn cho 2 tay cùng chơi. Tay phải được soạn trong phạm vi 1 quãng 5 (c1-g1). Tay trái soạn trong phạm vi 1 quãng 8 (c-c1). Trường độ đa số sử dụng nốt: đen, trắng, tròn, trắng chấm dôi, ở 2 loại nhịp là 4/4 và 3/4 và hoàn toàn được viết ở giọng C-dur. Các bài cuối List A xuất hiện hình nốt móc đơn. Tuy vậy, quyển này đã có nhiều kĩ thuật như legato, staccto…

Sau đây chúng tôi đi sâu vào phần hướng dẫn các kĩ thuật piano cơ bản cho trẻ em từ 6-8 tuổi trong quyển Pre-Preparatory

1. Kĩ thuật legato

           Legato là kĩ thuật đàn liền tiếng, từ âm nọ sang âm kia phải liền vào nhau mềm mại, âm thanh không bị rời ra hay nói cách khác là không có khoảng trống giữa các nốt. Đây là kĩ thuật thông dụng nhất nhưng lại khó nhất trong trình diễn piano. Khi có dấu vòng cung dưới hoặc trên nốt nhạc nghĩa là phải đàn sao cho giai điệu liền tiếng. Tập legato muốn đàn được giai điệu liền tiếng, GV cần hướng dẫn HS luyện tập các ngón sao cho khi chuyển sang bấm ngón khác thì ngón chơi nốt trước đó đồng thời thả phím một cách nhẹ nhàng, không được thả ngón đã bấm trước khi bấm xuống nốt sau đó, cảm nhận giai điệu sao cho liền mạch.

          Kĩ thuật legato xuất hiện không nhiều trong các tác phẩm, đa số là legato 2 nốt, có tiểu phẩm legato 3 nốt như Sail Away:

VD số 1:                        Sail Away (trích)

Bài Sai Away, có sự thay đổi về kí hiệu cường độ, HS thường chơi kĩ thuật legato bị cứng hoặc thô, hay nhấn vào phách yếu, chính vì vậy để cảm nhận được sự liền tiếng trong âm nhạc và tạo được âm thanh liền tiếng khi đàn, GV cần chú ý cho HS làm đúng động tác: chuyển động cổ tay mềm mại, khi đưa cổ tay lên đồng thời gõ phím một cách tự nhiên, buông tay khi hết dấu legato và tiếp tục như vậy ở những câu sau. Khi cần có âm lượng mạnh ở tay trái, chú ý không dùng ngón tay bổ xuống phím đàn mà cần có sự hỗ trợ của cánh tay và cổ tay để tạo được âm thanh đẹp.

2. Kĩ thuật staccato

Staccato là kĩ thuật đàn nảy tiếng, âm thanh không ngân dài mà ngắn, gọn; kĩ thuật này được sử dụng khá nhiều trong các tác phẩm piano. Thông thường, HS mới học piano chưa thể đàn được kĩ thuật staccato ngay mà phải đến một giai đoạn điều khiển ngón tay khá thành thạo không còn lập bập nữa mới có thể chơi được kĩ thuật này. Ngay từ quyển Pre-Preparatory đã có kĩ thuật staccato là bởi vì dành cho HS đã học được một giai đoạn nhất định. Tuy vậy, GV vẫn cần hướng dẫn kĩ thuật staccato để các em chơi tốt và chuẩn xác hơn.    

Thực hiện kĩ thuật staccato bằng cách bấm ngón tay xuống phím đàn rồi bật nảy ngón tay lên khỏi phím đàn một cách nhanh, dứt khoát, cổ tay và cánh tay thả lỏng. Kí hiệu để chơi bằng kĩ thuật stacato là có điểm chấm nhỏ ở dưới hoặc trên nốt nhạc:

      Hoặc    

Kĩ thuật staccato gồm có: stacato cổ tay và ngón tay, hai kĩ thuật này thông dụng, được sử dụng nhiều hơn so với kĩ thuật staccato cánh tay. GV cần cho trẻ luyện tập thành thạo stacato cổ tay và ngón tay. Khi tập staccato, GV nên thị phạm thật rõ, thật chậm để các em hiểu và nghe được thế nào là tiếng đàn nảy đúng. GV có thể cho HS tưởng tượng bằng những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống để tăng cảm nhận của âm thanh nảy như cùng chơi với hạt đậu nhỏ, hãy quăng chúng xuống xem chúng nhảy lên thế nào hoặc bằng cách thể hiện tiếng đàn nảy bằng chuyển động của cơ thể.

Kĩ thuật staccato xuất hiện đa số ở phần Exercises (Bài luyện tập) trong quyển Pre-Preparatory như bài Spily:

VD số 2                               Siply

          Ở bài này, kĩ thuật staccato được luyện riêng tay phải rồi sang riêng tay trái với các trường độ nốt đen nên HS dễ dàng thực hiện, chỉ cần tuân thủ đúng kĩ thuật staccato, GV cần làm mẫu để các em bắt chước và làm đi làm lại cho đúng, làm sao thả lỏng cánh tay và cổ tay, ngón tay bật nhanh tạo âm thanh nghe nảy và gọn. Lưu ý nốt rê ở tay phải và nốt đô ở tay trái không đàn nảy mà đàn bình thường, giữa âm thanh ngân dài đủ 2 phách. Học quyển Pre-Preparatory là HS hầu như cũng đã được học một vài tháng ban đầu nên các em cũng đã nắm được số ngón tay đặc biệt số ngón thực hiện trong vòng 1 quãng 5 từ đô đến son là từ ngón 1 đến ngón 5 ở tay phải và từ ngón 5 đến ngón 1 với tay trái. Ở bài Siply nêu trên, sách không ghi số ngón nhưng HS phải tự biết thực hiện đúng ngón, nếu không GV cần nhắc nhở, tay phải với nốt son sẽ là ngón 5; ở khóa pha với bè tay trái, nốt mi sẽ dùng ngón 3.

          Trong bài này còn có thêm kí hiệu mới, đó là crescendo (thể hiện sắc thái mạnh dần), đây cũng là những bài tập để giúp HS thể hiện câu nhạc có tính chất biểu cảm rõ ràng hơn. Tuy nhiên, đàn sao cho âm thanh to dần mà không quá chói hay âm thanh không thô là một phần khó đối với các em không được tập bài bản ngay từ đầu. GV cần chỉnh sửa, cho HS nghe âm thanh của GV làm mẫu và phân biệt được âm thanh đẹp hay bị thô để HS cảm nhận.

3. Kết hợp kĩ thuật legato và stacato

Kĩ thuật kết hợp legato và staccato không chỉ giúp HS phân định rõ giữa hai kĩ thuật này mà còn giúp ngón tay của các em hoạt động một cách độc lập, không mắc phải những lỗi kĩ thuật như ríu ngón tay thường bị gặp trong legato. Ngay từ những trình độ cơ bản đã có yêu cầu khá khắt khe về mặt kĩ thuật, bài đầu tiên Startig Blocks đã sử dụng luôn kĩ thuật legato và stacato 2 nốt và chơi ở quãng 5 và quãng 3, tuy nhiên vẫn chơi ở hai tay riêng biệt.

VD số 3                                   Starting Blocks

GV cần cho HS làm quen và thực hành những kĩ thuật legato và stacato thật kĩ lưỡng, nhuần nhuyễn ngay từ đầu và nhấn mạnh hơn vào cách tạo ra âm thanh sao cho hay. Trong bài tập trên có sử dụng chồng âm với phạm vi 2 nốt, điều này cần có sự luyện tập kiên trì của cả thầy và trò vì chơi quãng nảy 2 nốt là không dễ dàng. Cái khó trong ngay phần đầu tiên này là làm sao HS chơi được âm thanh vang lên ở chồng âm 2 nốt được đều nhau, đặc biệt tay trái lại rơi vào hai ngón yếu, để giải quyết điều đó cần cho HS chuyển động cổ tay và kéo cổ tay từ dưới lên và đồng thời sẽ giúp cho âm thanh được tự nhiên, giòn và sắc gọn.

4. Kĩ thuật đàn chồng quãng

Ngoài các kĩ thuật legato, stacato, trong quyển Pre-Preparatory còn cho HS được tiếp cận với cách đàn chồng quãng 2 nốt ở bè tay phải hoặc bè tay trái như trong bài Starting Blocks nêu trên có các quãng 3, quãng 5 ở bè tay phải, chồng quãng 3 ở bè tay trái; hoặc có chồng các quãng 2, quãng 3, quãng 4 và quãng 5 ở bè của cả hai tay như bài Chord Play.                                   

          Ví dụ số 4:                                 Chord Play

Chơi kĩ thuật chồng quãng cần tạo được âm thanh đều, mịn, tuy nhiên cấu trúc ngón tay có ngón ngắn ngón dài, vậy nên để tạo được âm thanh đều và mịn sẽ cần có sự kiên trì. Ngón 5 là ngón yếu nhất nhưng lại có ảnh hưởng lớn tới sự cân bằng lực của cả bàn tay khi chơi chồng quãng, chính vì vậy GV nên ưu tiên luyện quãng 5 trước bằng số ngón 1 và 5 để cảm nhận lực của ngón 5 được tốt hơn. Một biện pháp để HS chơi tốt quãng 3 bằng ngón 3 và 5 đó là nghiêng tay hơn về phía ngón 5 và cảm nhận sự xúc chạm của ngón tay vào phím, đồng thời vẫn phải lỏng cánh tay, chuyển động cổ tay để hỗ trợ ngón tay.

Bài London’s Burning có kĩ thuật tương đối khó, ngoài chồng quãng còn có trường độ đơn, có kỹ thuật marcato (nhấn âm), bên cạnh đó còn yêu cầu xử lý sắc thái cường độ (mf, f, mp, p). Như vậy, yêu cầu về mức độ khó đã nâng lên cao hơn. HS không chỉ đàn được chồng quãng mà còn phải thực hiện được các trường độ khó hơn. Để phân biệt được trường độ của các nốt tròn, trắng, đen, đơn đòi hỏi GV cần hướng dẫn cho HS hiểu rõ trước khi vào bài, sau đó gõ phách, gõ tiết tấu bằng tay, đọc nốt nhạc của bài theo tiết tấu trước khi tập đàn. Ngoài ra, cho HS chỉ ra được các chỗ có nhấn âm. Các chồng quãng cần thực hiện đúng kí hiệu chỉ dẫn là nhấn marcato, nhấn ở tất cả các phách hoặc các nốt có dấu >, dù nốt đó ở phách mạnh hay không. Thực hiện kĩ thuật nhấn âm với cánh tay thả lỏng, lực truyền từ thân xuống cánh tay rồi mới đến ngón tay, không đàn chỉ dùng bổ ngón tay sẽ không có nội lực, âm thanh yếu, không chắc tiếng, tròn tiếng.

          Ví dụ số 5:                            London’s Burning     

   

         

          GV hướng dẫn HS khi đàn bài London’s Burning ngay từ đầu với 2 nốt g ở nhịp lấy đà của bè tay trái phải thể hiện cường độ tương đối mạnh (mf). Đến cuối nhịp 4 thể hiện 2 nốt g1 ở tay phải và g ở tay trái phách thứ 4 là phách yếu và 2 ô nhịp tiếp sau đó với các chồng quãng có kĩ thuật marcato phải mạnh hẳn lên với cường độ f, tuy nhiên không thể hiện tiếng đàn thô. Đến 3 ô nhịp cuối phải thể hiện tiếng đàn chuyển từ f sang mf rồi mp (thực chất đó là chơi tiếng đàn nhẹ dần). Cần cho HS phân biệt được mf với f, mf với mp ở mức độ thể hiện khác nhau qua tiếng đàn, GV làm mẫu từng nốt nhạc, từng nét nhạc và HS làm theo. Vấn đề này rất tinh tế, cần làm đi làm lại, cho HS nghe GV mẫu, HS thực hành và tự nhận xét.

KẾT LUẬN

          Nhìn chung, các yêu cầu kĩ thuật ở tài liệu Pre-Preparatory không quá khó, đa số là các tiểu phẩm ngắn, các kĩ thuật cơ bản nhưng để đáp ứng cho HS thi lấy chứng chỉ nên có những kĩ thuật mà người bắt đầu học đàn chưa thể làm ngay được mà phải qua một giai đoạn cơ bản ban đầu. Đặc biệt, trong quyển này, đã có yêu cầu về sắc thái được thể hiện rõ ràng. Kiến thức trong quyển này không hoàn toàn theo trình tự từ dễ đến khó, vì vậy, GV cần cân nhắc và nắm được khả năng của HS trước khi giao bài để giúp HS hoàn thành bài có hiệu quả, không gây quá khó và cảm giác chán nản với những em chưa đạt đến trình độ của bài. HS cần học và thực hành nhuần nhuyễn kĩ năng chơi legato, stacato, là 2 kĩ thuật quan trọng của học đàn piano; biết cách lắng nghe âm thanh phát ra sao cho hay, phân biệt được âm thanh thô với âm thanh đẹp.         

          Học xong quyển Pre-Preparatory, ngoài nắm được các kĩ thuật nền tảng của piano như legato, staccato như nêu trên, HS cần có những kiến thức lý thuyết cơ bản, nhận biết được vị trí của nốt nhạc trên hai khóa Sol và Pha, thực hành đọc nốt và tiết tấu trước khi chơi bài mới. Đặc biệt, cần biết thể hiện sắc thái, tình cảm trong từng tác phẩm để tạo tiền đề vững chắc cho trình độ tiếp theo. Bộ tài liệu LCM chú trọng tới cường độ trong âm nhạc, điều cần thể hiện trong mỗi tác phẩm, tất cả bài đều có thuật ngữ âm nhạc, sự chỉ dẫn chi tiết về cường độ. Vì vậy, ở trình độ này, ngoài hướng dẫn kĩ thuật, GV cần hướng dẫn thêm kiến thức lí thuyết âm nhạc để HS hiểu trước khi vào đàn và phân biệt được 4 cường độ cơ bản đó là: nhẹ (p), nhẹ vừa (mp), mạnh (f), mạnh vừa (mf).

          Ngoài ra, trong thực hành luôn chú ý cho HS được hình thành hình dáng ngón tay khum tròn, các thao tác bấm ngón tay nhẹ nhàng và linh hoạt, cân bằng hài hòa được về âm lượng giai điệu của tay phải và tay trái, chú ý tư thế ngồi cho đúng. GV cần đặt những câu hỏi trong giờ học để có thể thúc đẩy sự tham gia, suy nghĩ và kĩ năng lắng nghe để có sự tương tác tốt trong giờ học.         

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Thị Hiền (2010), Chơi piano hiện đại tập 1,2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  2. Thái Thị Liên (chủ biên, 2004), Phương pháp dạy đàn piano, Nxb âm nhạc, Hà Nội.
  3. https://vnexpress.net/hon-1-000-hoc-vien-viet-nam-nhan-chung-chi-am-nhac-quoc-te-lcm-3852462.html. (truy cập ngày 8/6/2021)