Hoạt động nghiên cứu

Xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học chuyên ngành quản lý Văn hóa nghệ thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO

16 Tháng Mười Hai 2013

TS. Đào Đăng Phượng

 

1. Khái quát tình hình xây dựng chương trình đào tạo.

            Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các Hội đồng tư vấn xây dựng chương trình khung cho các ngành đào tạo. Theo kết quả thống kê của ngành giáo dục từ năm 2001 đến 2010, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ký và cho ban hành 231 chương trình giáo dục đại học, trong đó có 176 chương trình khung của trình độ đại học, 53 chương trình khung của trình độ cao đẳng và 01 chương trình khung Giáo dục hoà nhập.

            Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (trước đây là Bộ Văn hoá - Thông tin) cũng đã rà soát, xây dựng và ban hành một loạt chương trình khung ở trình độ trung cấp về khối các ngành văn hoá - nghệ thuật cho các trường văn hoá - nghệ thuật trên toàn quốc. Đó là những thành quả hết sức to lớn của Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng các Bộ chức năng đã làm được trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn lại trong tổng số các chương trình khung được ban hành từ trình độ trung cấp đến trình độ đại học nói chung, đặc biệt là chương trình đào tạo khối ngành văn hoá - nghệ thuật nói riêng, thì chưa có một chương trình khung nào đào tạo trình độ đại học quản lý văn hóa - nghệ thuật do Bộ Giáo dục & Đào tạo hay Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch ban hành. Hầu hết các chương trình đào tạo văn hóa - nghệ thuật hiện nay đều do các trường tự xây dựng, trình Bộ Giáo dục & Đào tạo hoặc Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch duyệt, sau đó tiến hành thực hiện. Điều đó cho thấy, chương trình đào tạo Văn hóa - nghệ thuật thiếu tính đồng bộ, tính thống nhất và còn bộc lộ một số hạn chế.

2. Những hạn chế của chương trình đào tạo văn hóa - nghệ thuật.

     Thứ nhất, về nội dung chương trình       

             Một số chương trình đã trở nên bất cập, cũ, không cập nhật được tri thức khoa học - công nghệ mới, tiên tiến; Khối lượng kiến thức bắt buộc (phần cứng) của chương trình còn quá cao (70 - 80%) so với tổng khối lượng đào tạo toàn khoá đã làm giảm đi tính linh hoạt của các chương trình khung cũng như sự chủ động của các trường trong việc phát triển chương trình đào tạo; Chương trình còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ, tính thực tiễn và khoa học không cao, nhất là không đảm bảo sự liên thông dọc (giữa các trình độ đào tạo) và sự liên thông ngang (giữa các ngành cùng trình độ); Phần Mục tiêu đào tạo của đa số chương trình đào tạo văn hóa - nghệ thuật viết chung chung, không xác định rõ vị trí làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp, không đề cập đến yêu cầu về thái độ và đạo đức nghề nghiệp của ngành; Nhiều chương trình đào tạo, nội dung kiến thức không đủ khối lượng kiến thức cốt lõi tối thiểu của ngành đào tạo; Bố trí môn học vào các khối kiến thức không hợp lý (có những môn thuộc kiến thức đại cương lại được đưa vào khối kiến thức chuyên ngành hoặc ngược lại); Một số môn học nội dung không tương thích, không phù hợp với trình độ đào tạo như trong chương trình đại học có những môn thuộc nội dung chương trình của trình độ cao đẳng, trong chương trình cao đẳng lại có những môn thuộc nội dung chương trình của trình độ trung cấp.

        Thứ hai,  về hình thức chương trình

             Nhiều chương trình đào tạo không được trình bày theo cấu trúc chương trình tại mẫu 3 do Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định. Bên cạnh đó, một số chương trình đào tạo trong phần nội dung không tách riêng các khối kiến thức quy định (mẫu 3), bao gồm: kiến thức chung, kiến thức cơ bản chung của nhóm ngành, kiến thức cơ sở ngành; kiến thức chuyên ngành, kiến thức thực tập và tốt nghiệp, mà chỉ để chung thành một khối, lẫn lộn các học phần của các khối với nhau nên khó có thể nhận diện được.Ngoài ra, có những chương trình đào tạo khối lượng kiến thức không đủ với trình độ đào tạo (như trình độ đại học nhưng chỉ có 180 ĐVHT và trình độ cao đẳng chưa đến 120 ĐVHT)

3. Nguyên nhân hạn chế:

             Sở dĩ chương trình đào tạo văn hóa - nghệ thuật vẫn còn những hạn chế như trên là do phần lớn các trường chưa có kế hoạch tổng thể và lộ trình cụ thể. Mặt khác, một số trường chưa chú trọng chỉ đạo sát sao việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo mà giao cho các khoa, bộ môn thực hiện, có trường còn lấy chương trình của trường khác điều chỉnh, thêm bớt một số học phần, một số tiết để đưa vào làm chương trình đào tạo của mình; Do tự các trường xây dựng nên thiếu sự tư vấn của hội đồng khoa học chuyên ngành, thiếu ý kiến của các nhà khoa học các chuyên gia đầu ngành; Chưa có sự trao đổi, giao lưu giữa các trường trong nước và ngoài nước về việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo;  Cách tiếp cận để xây dựng, phát triển chương trình đào tạo phần lớn chưa xuất phát từ nhu cầu nền kinh tế và thị trường lao động để xác định chuẩn đầu ra của người học (các năng lực, kiến thức, kỹ năng mà người học cần đạt được đáp ứng yêu cầu thực tiễn). Do chưa xác định được chuẩn đầu ra nên chương trình đào tạo khó xác định đúng và đủ các mảng kiến thức cần thiết cho người học, nghĩa là chương trình đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi; Bên cạnh đó, kinh phí dành cho xây dựng chương trình còn ít, chưa khuyến khích được các thành viên tham gia. Điều đó đã gây ra không ít những khó khăn trong quá trình thực hiện. (không có kinh phí điều tra nhu cầu thị trường, dịch tài liệu, tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, trao đổi và mời các trường ngoài giúp đỡ, hỗ trợ chuyên gia cùng xây dựng chương trình đào tạo...)

4. Những đề xuất trong việc xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học quản lý văn hóa - nghệ thuật.

         Bài học kinh nghiệm:

           Nhận thức được những nguyên nhân bất cập và hạn chế của chương trình đào tạo văn hóa - nghệ thuật, trong những năm gần đây, nhất là từ khi Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc hoạ TW được nâng cấp lên thành Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Nhà trường đã chú trọng đến việc phát triển xây dựng chương trình đào tạo. Nếu như trước đây, trường chỉ tập trung vào hai ngành truyền thống là Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật thì đến nay, Nhà trường đã mở rộng, xây dựng thêm chương trình đào tạo các mã ngành mới, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt (chương trình đào tạo Quản lý Văn hoá, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Đồ hoạ, Hội hoạ). Ngoài ra, Nhà trường còn cử các chuyên gia gồm các cán bộ nòng cốt  có kinh nghiệm trong công tác đào tạo cũng như xây dựng chương trình đi tham quan, khảo sát một số nước về xây dựng chương trình đào tạo như: Trung Quốc, Singapo, Hồng Kông, Ma Cao..., cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về xây dựng, phát triển chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đã tổ chức các buổi hội thảo, seminar với nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia về chương trình đào tạo. Vì vậy, chương trình đào tạo quản lý văn hóa - nghệ thuật nói riêng và chương trình giáo dục nghệ thuật của trường nói chung liên tục được chỉnh sửa, đổi mới. Hằng năm, chuẩn bị vào một năm học mới, Nhà trường lại tổ chức rà soát lại chương trình đào tạo nhằm liên tục đổi mới, phù hợp với sự phát triển, đáp ứng được chuẩn đầu ra.

 Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức nhiều Hội đồng tư vấn về xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có 02 Hội đồng tư vấn xây dựng chương trình đào tạo Đại học Sư phạm Âm nhạc (do PGS.TSKH. Phạn Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW làm CTHĐ) và chương trình đào tạo Đại học Sư phạm Mỹ thuật (do PGS. Nguyễn Lương Tiểu Bạch, nguyên Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam làm CTHĐ), chương trình đã được Hội đồng thông qua và ban hành.

Bên cạnh đó, ngày 4-5/01/2010, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức Hội thảo về “Chương trình phát triển đào tạo theo mô hình CDIO”, tiếp đó ngày 23-24/8/2012, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã phối hợp với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội & Hội nhập quốc tế: Mô hình CDIO” (trường ĐHSP Nghệ thuật TW cũng đã cử 03 đồng chí tham gia chương trình hội thảo)

 

 

 Mô hình CDIO là môt hình mới nhất, tiên tiến nhất đang được nhiều nước trên thế giới, như: Thuỵ Điển, Trung Quốc, Mỹ... và một số trường đại học hàng đầu Việt Nam áp dụng.

Bản chất của phương pháp phát triển đào tạo theo cách này là sự phát triển của cách tiếp cận quá trình. Phương pháp luận CDIO là: Hình thành ý tưởng (Conceive) - Thiết kế (Design) - Triển khai (Implement) - Vận hành (Operate). Đó chính là một đề xướng quốc tế lớn được hình thành để đáp ứng nhu cầu một thập kỷ mới trên toàn thế giới trong việc nâng cao khả năng của sinh viên nhằm tiếp thu các kiến thức cơ bản, đồng thời đẩy mạnh việc học các kỹ năng cá nhân và giao tiếp cũng như kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống. CDIO cung cấp cho sinh viên một nền giáo dục, trong đó sự nhấn mạnh về kiến thức nền tảng, kỹ năng, kỹ thuật được đặt trong bối cảnh của Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành các sản phẩm và hệ thống thực. Đề xướng CDIO có ba mục tiêu tổng quát nhằm đào tạo các sinh viên thành những người có thể:

1. Nắm vững kiến thức chuyên sâu của nền tảng kĩ thuật.

2. Dẫn đầu trong kiến tạo và vận hành sản phẩm và hệ thống mới.

3. Hiểu được tầm quan trọng và tác động chiến lược của nghiên cứu và phát triển công nghệ  đối với xã hội.

            Tuy nhiên, Hội thảo về phát triển chương trình đào tạo theo mô hình CDIO mới chỉ đáp ứng và áp dụng cho khối các ngành kỹ thuật đào tạo kỹ sư, còn lĩnh vực đào tạo nghệ thuật nói chung và đào taọ cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật nói riêng thì chúng ta cần phải nghiên cứu áp dụng cụ thể.

           Những đề xuất trong việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo trình độ đại học ngành quản lý văn hóa - nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay.

            Để đóng góp thêm ý kiến vào việc xây dựng chương trình đào tạo cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung sau:

                            Trước tiên, khi thiết kế, xây dựng một chương trình đào tạo, chúng ta cần phải trả lời cho 2 câu hỏi:

            Thứ nhất, sinh viên sẽ đạt được những kiến thức, kỹ năng, thái độ toàn diện nào sau khi tốt nghiệp ra trường ?

            Thứ hai, làm thế nào để chúng ta có thể làm tốt hơn trong việc đảm bảo sinh viên đạt được những kiến thức, kỹ năng ấy ?

            Để trả lời được cho 2 câu hỏi trên, chúng ta cần thiết phải xây dựng phát triển theo hướng tiếp cận CDIO vì:

1. Bản chất của phương pháp xây dựng chương trình theo cách tiếp cận CDIO là sự phát triển của cách tiếp cận phát triển: Nhà trường là nơi tạo ra tiềm năng cho người học phát triển.

2. Tiềm năng này bao gồm hai loại: “Kỹ năng cứng” và “Kỹ năng mềm”, được tích hợp với nhau chứ không tách biệt riêng rẽ.

         Dưới đây là bốn năng lực then chốt của CDIO có thể áp dụng vào đào tạo cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật:

 

CDIO là bốn năng lực then chốt:

ConceiveDesignImplementOperate Systems.

C

D

I

O

 = Ý tưởng

 = Thiết kế

 = Thi hành

 = Vận hành

 = Đề xuất

 = Xây dựng

 = Thực hiện

 = Điều khiển

 = Phát hiện

 = Lên kế hoạch

 = Triển khai

 = Quản lí

 = Nêu ra

 = Lên phương án

 = Hoạt động

 = Đánh giá

 = …

 = …

 = …

 = …

 

          + Các bước phát triển chương trình theo cách tiếp cận của CDIO:

1. Thiết lập chuẩn đầu ra qua bốn cấp.

2. Thiết kế chương trình theo chuẩn đầu ra.

3. Đổi mới phương pháp chuyển tải nội dung chương trình (phương pháp dạy và học) và phương pháp đánh giá kết quả chuyển tải (phương pháp kiểm tra, đánh giá thành quả học tập).

4.  Xây dựng một bộ chuẩn để đánh giá (kiểm định) các chương trình được xây dựng theo cách tiếp cận của CDIO.

           + Tác dụng của cách tiếp cận theo mô hình CDIO:

            1. Hướng tiếp cận này thực chất là cách tiếp cận đào tạo theo nhu cầu xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và nhà sử dụng nguồn nhân lực, thông qua điều tra, khảo sát để xây dựng mục tiêu và nội dung đào tạo nhằm thực hiện giáo dục đại học theo năng lực gồm các “Kỹ năng cứng” và “Kỹ năng mềm” cho người học, làm cho người học có tiềm năng phát triển, nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi.

2. Cách tiếp cận CDIO là cách tiếp cận phát triển, mang lại cho khoa học phát triển chương trình một bước tiến mới, gắn phát triển chương trình với phương pháp chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần đưa chất lượng giáo dục đại học lên tầm cao mới.

      Bên cạnh đó, chúng ta có thể xem xét mối quan hệ giữa cách tiếp cận CDIO và chuẩn nghề nghiệp của cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật:

 Khi xem xét bản chất của cách tiếp cận CDIO để xây dựng chương trình đào tạo, chúng ta thấy đó là quá trình thiết lập hệ mục tiêu/chuẩn đầu ra cho sản phẩm đào tạo. Các mục tiêu/chuẩn đầu ra này bao gồm 2 khối các “Kỹ năng cứng” và các “Kỹ năng mềm”. Ngược lại khi xem xét chuẩn nghề nghiệp và chuẩn nghiệp vụ cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật, chúng ta thấy đó cũng chính là mục tiêu/chuẩn đầu ra tối thiểu đối với sản phẩm đào tạo trình độ đại học quản lý văn hóa - nghệ thuật.

        Tiêu chuẩn nghề nghiệp của cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật

TT

Tiêu chuẩn

Tiêu chí

1.

Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người cán bộ quản lý

1. Phẩm chất chính trị.

2. Đạo đức nghề nghiệp.

3. Ứng xử xã hội.

4. Ứng xử với đồng nghiệp.

5. Lối sống, tác phong.

2

Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường quản lý

6. Tìm hiểu đối tượng quản lý.

7. Tìm hiểu môi trường quản lý.

3

Năng lực dạy quản lý

8. Xây dựng kế hoạch hoạt động quản lý.

9. Đảm bảo tính khả thi của kế hoạch.

10. Đảm bảo tiến độ chương trình.

11. Vận dụng các phương pháp quản lý.

12. Sử dụng các phương tiện hỗ trợ trong quản lý.

13. Xây dựng môi trường quản lý.

14. Quản lý hồ sơ, sổ sách, văn bản, tài liệu.

15. Quản lý qua các hoạt động quản lý.

16. Quản lý qua các hoạt động trong cộng đồng.

17. Vận dụng khoa học các phương pháp, nguyên tắc, các hình thức tổ chức quản lý.

18. Kiểm tra đánh giá kết quả quản lý.

5

Năng lực hoạt động chính trị, xã hội

19. Phối hợp với gia đình và cộng đồng

20. Tham gia hoạt động chính trị, xã hội

                                         6

Năng lực phát triển nghề nghiệp

21. Tự đánh giá, tự học và tự rèn luyện.

22. Phát hiện và giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn quản lý.

 

           Năng lực nghiệp vụ của cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật:

1. Kiến thức và tư duy khoa học

1.1. Kiến thức khoa học cơ bản

1.2. Kiến thức nền tảng chuyên môn cốt lõi

1.3. Kiến thức nền tảng chuyên môn tiên tiến

2. Phẩm chất , kỹ năng nghề nghiệp và cá nhân

2.1. Tư duy quản lý và giải quyết vấn đề

2.2. Phát hiện kiến thức và kinh nghiệm

2.3. Tư duy hệ thống

2.4. Phẩm chất và kỹ năng cá nhân

2.5. Phẩm chất và kỹ năng nghề nghiệp

3. Các kỹ năng giao tiếp và làm việc theo nhóm

3.1. Làm việc theo nhóm đa lĩnh vực

3.2. Giao tiếp

3.3. Giao tiếp bằng tiếng nước ngoài

4. Phát hiện, thiết kế, triển khai và hoàn thiện trong bối cảnh cơ quan/đơn vị và xã hội

4.1. Bối cảnh xã hội và ngoại cảnh

4.2. Bối cảnh cơ quan/đơn vị

4.3. Phát hiện

4.4. Thiết kế

4.5. Thực hiện

4.6. Hoàn thiện

 

Cách tiếp cận của CDIO có mối liên hệ chặt chẽ với chuẩn nghề nghiệp của cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật qua các điểm sau:

1. CDIO và bộ chuẩn nghề nghiệp đều xây dựng theo cách tiếp cận năng lực.

2. Các hoạt động nghề nghiệp (chuyên môn và nghiệp vụ) của cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật đều hàm chứa trong 4 năng lực then chốt.

3. Các tiêu chuẩn và tiêu chí xây dựng được, về cơ bản tuân theo lôgic của CDIO (Đề xuất/Phát hiện - Thiết kế - Triển khai - Đánh giá/Hoàn thiện).

           Bốn năng lực then chốt của người cán bộ quản lý: “Phát hiện - Thiết kế - Thực hiện - Hoàn thiện” trong bối cảnh cơ quan/đơn vị và xã hội có thể diễn giải như sau:

 

Phát hiện

Thiết kế

Thực hiện

Hoàn thiện

- Phát hiện

- Thiết kế

- Thực hiện

- Hoàn thiện

- Khảo sát

- Xây dựng

- Thi hành

- Bổ sung

- Đề xuất

- Lên kế hoạch

- Triển khai

- Tham gia

- Nêu vấn đề

- Lên phương án

- Hoạt động

- Phát triển

 

=> Các nội dung chính áp dụng của cách tiếp cận CDIO bao gồm để phát triển chương trình đào tạo cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật:

1. Xây dựng hệ thống mục tiêu đào tạo (chuẩn đầu ra) chung cho cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật.

2. Các ngành sử dụng hệ mục tiêu này để xây dựng chương trình đào tạo cho các ngành của mình.

3. Xây dựng và triển khai các phương pháp chuyển tải chương trình mới soạn được.

4. Xây dựng và triển khai phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo chương trình mới soạn được.

5. Xây dựng bộ tiêu chuẩn mới và triển khai kiểm định hoạt động đào tạo theo chương trình mới.

* Trên đây là những nội dung công tác xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học quản lý văn hóa - nghệ thuật hiện nay, với mong muốn đóng góp thêm một vài kinh nghiệm nhằm góp phần thúc đẩy việc phát triển xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học quản lý văn hóa - nghệ thuật nói riêng và chương trình đào tạo cán bộ văn hóa - nghệ thuật nói chung trong giai đoạn hiện nay.

                                                                                          

Tài liệu tham khảo:

1.      Edward F. crawley, Doris R. Brodeur: Massachusetts Institute of Technology. Johan malmqvist, Chalmers University of Technology, Soren Oslund, KTH - Royal Institute of Technology. Rethinking engineering education - the CDIO Approach. Springer - 2007.

       Biên dịch: Hồ Tất Nhựt, Đoàn Thị Minh Trinh, Cải cách và xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

      2. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT Ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

       3. PGS.TS. Lê Đức Ngọc, Phát triển chương trình đào tạo giáo viên THPT theo hướng tiếp cận CDIO, Hà Nôi – 12/2009