Hoạt động nghiên cứu

Hội nghị nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ “Tổ chức giáo dục các loại hình Nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ cho học sinh Trung học cơ sở”

21 Tháng Bảy 2015

                                                                                                               BBT

 

Sáng ngày 20/7, Hội đồng khoa học tiến hành nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ “Tổ chức giáo dục các loại hình Nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ cho học sinh THCS” - mã số B2013 - 36 - 26, chủ nhiệm đề tài GS.TSKH. Phạm Lê Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Hội đồng cùng các Ủy viên trong Hội đồng Nghiệm thu, chủ nhiệm đề tài và các thành viên thực hiện đề tài.

 

Các thành viên trong Hội đồng khoa học đánh giá nghiệm thu đề tài Khoa học và công nghệ cấp Bộ

 

Theo Quyết định Hội đồng số 1946/QĐ-BGDĐT ngày 12 .tháng 6 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng nghiệm thu khoa học được thành lập gồm các thành viên: PGS.TS. Nguyễn Phúc Linh (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) - Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Thế Tuân (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) - Ủy viên Phản biện, PGS.TS. Lê Văn Sửu (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) - Ủy viên phản biện, PGS.TS. Lê Văn Toàn (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) - Ủy viên, TS. Lê Anh Tuấn (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) - Ủy viên, TS. Đinh Gia Lê (Trường ĐHSP Nghệ thuật TW) - Ủy viên, PGS.TS. Nguyễn Đăng Nghị (Trường ĐHSP Nghệ thuật TW) - Ủy viên, Thư kí.

 Tại Hội nghị, GS.TSKH. Phạm Lê Hòa nêu rõ tính cấp thiết của đề tài, phương pháp nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, mục tiêu và sản phẩm đề tài. Trong các nội dung đó, chủ nhiệm đề tài đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu của đề tài là nhằm tổ chức, giáo dục các loại hình dân gian, phát huy và bảo tồn nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và nghệ thuật dân gian trong cả nước nói chung, đồng thời giúp các em học sinh THCS có những hiểu biết về giá trị của một số loại hình nghệ thuật dân gian như Âm nhạc dân gian (hát quan họ Bắc Ninh, hát Ca trù, hát Trống quân, hát Đúm Hải Phòng, hát Xoan ghẹo Phú Thọ…), Sân khấu dân gian (chèo Thái Bình, múa rối nước…), Mỹ thuật dân gian (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, nặn tò he…) để hỗ trợ và tăng cường hiệu quả việc giảng dạy bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật trong các chương trình nội và ngoại khóa ở các trường THCS.

 

GS.TSKH.  Phạm Lê Hòa- Chủ nhiệm đề tài trình bày Báo cáo tổng kết đề tài

 

Với những kết quả thu được sau khi nghiên cứu cùng mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, góp phần đổi mới giáo dục Nghệ thuật trong Nhà trường, nhóm tác giả xin kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nội dung: thứ nhất là chỉ đạo triển khai thực hiện biện pháp tổ chức giáo dục các loại hình nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ trong giờ chính khóa và ngoại khóa cho nhà trường THCS trên cả nước, thứ hai là hỗ trợ trang thiết bị học tập, tài liệu dạy và học các loại hình nghệ thuật dân gian đồng bằng Bắc Bộ cho các trường THCS.

 

PGS.TS. Nguyễn Phúc Linh - Chủ tịch Hội đồng đọc bản nhận xét cá nhân về đề tài NCKH cấp Bộ

 

Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài trình bày Báo cáo tổng kết đề tài, Chủ tịch Hội đồng cùng các thành viên trong Hội đồng khoa học lần lượt nhận xét về đề tài và đặt câu hỏi nhóm tác giả. Nhìn chung, đề tài “Tổ chức giáo dục các loại hình Nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ cho học sinh THCS” được đánh giá là công trình nghiên cứu quy mô, đa dạng, vừa đem lại giá trị học thuật trong nghiên cứu về Nghệ thuật dân gian, vừa có tính khả thi cao trong ứng dụng tại các trường THCS, nội dung đề tài đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, phương pháp nghiên cứu phù hợp. Trong giai đoạn phát triển của xã hội hiện nay, đề tài hoàn thành có thể triển khai vào thực tiễn trong việc giáo dục cho thế hệ học sinh THCS về các giá trị văn hóa dân gian truyền thống dân tộc, đào tạo và tập huấn cho các lớp giảng viên, giáo viên THCS cũng như cải cách giáo dục thực tiễn của nước nhà. Bên cạnh đó, các Ủy viên trong Hội đồng khoa học cũng nêu những ý kiến phản biện, đóng góp để nhóm tác giả rút kinh nghiệm hoàn thiện đề tài nghiên cứu.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc và khoa học, Hội đồng khoa học đã nhất trí thông qua đề tài, nghiệm thu tất cả sản phẩm đề tài, đánh giá đề tài đạt loại Xuất sắc.

Danh sách thành viên thực hiện đề tài:

  1. GS.TSKH. Phạm Lê Hòa, Chủ nhiệm đề tài - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
  2. PGS.TS. Trịnh Hoài Thu, Thư kí đề tài  - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
  3. PGS.TS. Phạm Trọng Toàn - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
  4. PGS.TS. Hà Thị Hoa - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
  5. PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
  6. TS. Đào Đăng Phượng - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
  7. ThS. Nguyễn Quang Hải - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
  8. ThS. Nguyễn Thị May - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
  9. NCS. ThS. Ngô Thị Hòa Bình - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
  10. ThS. Trịnh Thị Thanh - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
  11.  CN. Bùi Ngọc Hưng - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

 

Toàn cảnh Hội nghị nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ

 

PGS.TS.  Nguyễn Thế Tuân - Ủy viên Phản biện 1 đọc bản nhận xét cá nhân về đề tài NCKH cấp Bộ

 

PGS.TS. Phạm Trọng Toàn thay mặt nhóm tác giả trả lời câu hỏi của Hội đồng khoa học

 

PGS.TS. Nguyễn Đăng Nghị - Ủy viên, Thư kí Hội đồng công bố Biên bản của Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ