Nghiên cứu lý luận

Bàn thêm về khái niệm, thuật ngữ dân tộc và tộc người ở Việt Nam

21 Tháng Bảy 2015

TS. Trần Hoàng Tiến

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

1. Dẫn nhập

Sau khi tách khỏi khoa học Lịch sử - một lĩnh vực nghiên cứu độc lập (giữa thế kỷ XIX), ngành Dân tộc học (Ethnographie) ra đời. Thuật ngữ Ethnographie bắt nguồn từ ngôn ngữ Hy Lạp cổ, gồm hai thành tố kết hợp: ethnos (dân tộc) và grapho (miêu tả). Các nhà Dân tộc học châu Âu trong thế kỷ XIX quan niệm Dân tộc học nghĩa là miêu tả các dân tộc. Cùng với thuật ngữ Ethnographie (tiếng Anh: ethnography), một thuật ngữ khác tương đối thông dụng là Ethnologie (tiếng Anh: ethnology), Ethnologie được dẫn xuất theo ngữ từ Hy Lạp, trong đó logos là lời nói, khái niệm, học thuyết. Phương pháp biệt suy hai thuật ngữ trên theo quan điểm: Ethnographie dùng để miêu tả, ghi chép những hoạt động, tổ chức xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của tộc người hoặc dân tộc nào đó. Còn Ethnologie đi sâu vào vấn đề lý luận, có tính khái quát (hoặc tổng quát), đưa ra những quy luật chung. Như vậy, Ethnologie hiểu đầy đủ là Lý luận Dân tộc học. Về bản chất, nội hàm hai thuật ngữ trên đồng đẳng, bởi khi miêu tả cần phải phân tích và khái quát hóa mang tính lý luận, do đó về sau Ethnographie được sử dụng phổ biến khắp các nước châu Âu.

Trong tiếng Việt, ngữ nghĩa dân tộc xác định là một cộng đồng dân tộc (nation), bao gồm nhiều thành phần tộc người. Tên gọi tộc người theo thuật ngữ quốc tế sử dụng là ethnie (cũng có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp). So với ethnographie, tên gọi ethnie xuất hiện muộn (cuối thế kỷ XIX,) do nhà Dân tộc học người Pháp Vacher de Lapouge đưa ra trong cuốn sách Les seslections sociales (xuất bản tại Pa ri năm 1896), lúc đầu ethnie dùng để chỉ các nhóm tộc người (unité ethnique), sang thế kỷ XX thuật ngữ ethnie được công nhận rộng rãi trong ngành Dân tộc học khắp các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

2. Các khái niệm, thuật ngữ dân tộc và tộc người

Vậy ethnographie, ethnie, nation được khái niệm như thế nào. Dưới đây là một số giải nghĩa:

GS.TS. Phan Hữu Dật ([1]) xác định: thuật ngữ dân tộc trong Dân tộc học cần được hiểu, đó là tộc người, tiếng Hy Lạp là ethnos, ethnie. Và đưa ra khái niệm: tộc người là cộng đồng người hình thành trong lịch sử, trên một lãnh thổ nhất định, cùng có chung những đặc điểm tương đối bền vững về ngôn ngữ, văn hóa, tâm lý, ý thức sự thống nhất của mình và làm cho mình khác với các tộc người khác, thông qua tên tự gọi.

Vậy dân tộc học là gì? GS.TS. Phan Hữu Dật nêu định nghĩa ngắn gọn([2]): Dân tộc học là một ngành khoa học, nghiên cứu sự giống nhau và khác nhau của tất cả các dân tộc trên thế giới, qua đó nói lên quá trình biến đổi của các dân tộc trong trường kỳ lịch sử của nhân loại, từ thời xa xưa cho đến tận hôm nay.

Lê Sĩ Giáo giải thích([3]): khái niệm dân tộc thực chất phải được hiểu là tộc người (ethnie). Tộc người là hình thái đặc biệt của một tập đoàn xã hội xuất hiện không phải do ý nguyện của con người mà là trong kết quả của quá trình tự nhiên- lịch sử.

GS. Đặng Nghiêm Vạn phân biệt nation (dân tộc) và ethnie (tộc người), ngoài sự đồng nhất hai thuật ngữ ethnos, ethnie chỉ định khái niệm chung tộc người, GS. Đặng Nghiêm Vạn đưa ra luận điểm dân tộc (nation) theo nghĩa được Liên hợp Quốc công nhận([4]): thuật ngữ nation có nghĩa là một cộng đồng nhân dân (people) ổn định được phát triển trong lịch sử, với một lãnh thổ, một sinh hoạt kinh tế, một đặc trưng văn hóa, một tiếng nói chung, chỉ đạo bởi một nhà nước.

Mở rộng thuật ngữ dân tộc (nation), GS. Phan Huy Lê([5]) dẫn giải: riêng từ "dân tộc" theo hiểu biết của tôi cho đến nay thì người Việt Nam đầu tiên sử dụng là nhà yêu nước Phan Bội Châu trong bài "Lưu Cầu huyết lệ tân thư" khoảng trước năm 1905. Từ "dân tộc" do các trí thức cấp tiến Nhật Bản sáng tạo trên cơ sở chữ Hán để dịch từ "Nation" trong tiếng Anh. Nhưng ở Việt Nam, trong quá trình sử dụng, từ "dân tộc" mang nhiều nghĩa khác nhau.

Thứ nhất, là một đơn vị tộc người nói chung, không phân biệt cấp độ loại hình cộng đồng như trường hợp nói: dân tộc Việt, dân tộc Tày, dân tộc Thái, Việt Nam có 54 dân tộc...

Thứ hai, là cộng đồng quốc gia bao gồm nhiều cộng đồng cư dân, tộc người sống trên một lãnh thổ do một nhà nước quản lí, như trường hợp nói dân tộc Việt Nam, dân tộc Lào, dân tộc Cămpuchia...

Thứ ba, là một cộng đồng mang tiêu chí của "Nation" như phương Tây.

PGS.TS. Bùi Xuân Đính([6]) nêu rõ: Tộc người (ethnos, ethnie) là hình thái đặc thù của một tập đoàn người, một tập đoàn xã hội, xuất hiện trong quá trình phát triển của tự nhiên và xã hội, được phân biệt bởi ba đặc trưng cơ bản, mang tính ổn định và tương đối bền vững qua hàng nghìn năm lịch sử là: ngôn ngữ, văn hóa, ý thức tự giác về cộng đồng.

Về dân tộc (nation), PGS.TS. Bùi Xuân Đính đưa ra hai nghĩa:

Một hình thái phát triển cao của tộc người, thường xuất hiện vào giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản (dân tộc Pháp, Đức…).

Một cộng đồng chính trị của nhiều tộc người có nguồn gốc lịch sử khác nhau, có trình độ phát triển kinh tế- xã hội khác nhau cùng chung sống trong một quốc gia, được quản lý bởi một nhà nước chung, tạo lập nên một nền văn hóa chung (6).

Những luận điểm trên đều thống nhất xác định thuật ngữ ethnos, ethnie là khái niệm chỉ tộc người, còn nation có ngữ nghĩa rộng theo cách hiểu toàn thể mọi tầng lớp nhân dân, các tộc người cùng chung sống. Dân tộc là điều kiện, cơ sở hình thành quốc gia độc lập, có chủ quyền dưới sự quản lý của một nhà nước. Tiêu chí dân tộc gắn liền với chủ quyền đất nước được chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Những thuật ngữ duy danh dân tộc, tộc người được nêu nhất quán bởi quá trình hình thành từ truyền thống lịch sử tạo chiều sâu văn hóa, dựng nên bản sắc độc đáo riêng từng tộc người, từ đó hòa nhập trong khối đại đoàn kết dân tộc/nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, thuật ngữ ethnographie đang sử dụng chính thống trong tiếng Việt hiện đại với nghĩa chung là ngành Dân tộc học như tên gọi từ trước đến nay.

Qua các định nghĩa, dẫn giải của một số nhà nghiên cứu nêu trên, có thể đưa ra khái niệm tổng quát dân tộc, tộc người như sau:

Dân tộc (nation) là cộng đồng người cùng chung sống trong một vùng lãnh thổ nhất định, có một nhà nước độc lập, có chủ quyền quốc gia, có ngôn ngữ (chữ viết, tiếng nói) chung, có bản sắc văn hóa và sinh hoạt kinh tế.

Tộc người (ethnie/ethnos) là một tập đoàn người có tiếng nói chung, có nguồn gốc lịch sử, văn hóa và ý thức tự giác cộng đồng.

3. Bàn thêm về quá trình hình thành dân tộc Việt Nam

Một vấn đề đặt ra: dân tộc Việt Nam hình thành từ bao giờ? Đây là câu hỏi  đến nay có nhiều quan điểm khác nhau. Trong suốt nửa sau thế kỷ XX, ở Việt Nam khái niệm về dân tộc của J.V.Stalin([7]) mang tính chủ đạo trong suốt một thời gian dài: Dân tộc là một khối cộng đồng người ổn định, thành lập trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và về hình thành tâm lý, biểu hiện trong cộng đồng về văn hóa.

Đối chiếu và xem xét luận điểm dân tộc của J.V.Stalin vào hoàn cảnh thực tiễn ở Việt Nam, các nhà khoa học đưa ra nhiều ý kiến phân tích khác nhau để xác định thời điểm dân tộc Việt Nam hình thành.

Theo tiêu chí trong luận điểm J.V.Stalin thì dân tộc Việt Nam hình thành vào thế kỷ XV (thời nhà Lê- Đại Việt phong kiến tự chủ)

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn phát biểu: ở Việt Nam, dân tộc Việt Nam hình thành từ khi lập nước, chứ không phải từ khi chủ nghĩa tư bản nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam ([8]).

Quan điểm của cố Tổng bí thư Lê Duẩn nhận được sự đánh giá cao của các nhà Dân tộc học trong nước và quốc tế, bởi ở châu Á trong đó có Việt Nam, dân tộc hình thành sớm hơn thành lập nhà nước. Tiêu chí phải có trao đổi, mua bán, thương mại (hoạt động kinh tế) chỉ phù hợp với mô hình dân tộc phát triển thành quốc gia ở châu Âu. Thực tiễn cho thấy tiến trình lịch sử từng dân tộc trên thế giới không giống nhau. Đại đa số dân tộc hình thành từ hai nhóm cộng đồng tộc dân trở lên (chỉ có ở Triều Tiên là nhà nước hình thành từ một tộc người), như vậy dân tộc bao gồm nhiều nhóm tộc dân hợp lại, cùng nhau thống nhất thành lập quốc gia có nhà nước quản lý, điều hành và chỉ đạo. Qua nhiều quan niệm vê dân tộc, có thể khẳng định dân tộc Việt Nam hình thành trong biên độ thời gian từ thế kỷ X (năm 968) khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất 12 sứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt tới thế kỷ XI khi nhà Lý rời đô về Thăng Long (năm 1010). Như vậy, dân tộc Việt Nam là một khối cộng đồng đa tộc người không theo khái niệm, định nghĩa dân tộc ở châu Âu, mà phù hợp với tiêu chí dân tộc- lãnh thổ- quốc gia với vai trò thủ lĩnh đứng đầu (thuật ngữ tiếng Anh: Kingdom hoặc Chiefdom), theo hình thái nhà nước dân tộc phổ biến ở châu Á. Mô hình đó bắt đầu xuất hiện manh nha nhà nước cổ đại Văn Lang (Việt Nam) và phía Nam Trung Quốc, Đông Nam Á như Điền Việt, Mân Việt, Dạ Lang…cách đây hàng ngàn năm.

Quá trình tìm về nguồn gốc hình thành dân tộc Việt Nam đang mở ra những hướng nghiên cứu lớn của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn. Bởi dân tộc Việt Nam với 54 thành phần tộc người đang sinh sống hòa hợp, cùng nhau xây dựng, tồn tại, phát triển trong khối thống nhất, đa dạng, đậm đà bản sắc Việt.



[1] GS.TS.Phan Hữu Dật,(1973), Cơ sở dân tộc học, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 

[2] GS.TS.Phan Hữu Dật,(1973), Cơ sở dân tộc học, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.

[3] Lê Sỹ Giáo (chủ biên),(2004), Dân tộc học đại cương (tái bản lần thứ tám), Nxb Giáo dục, H.

[4] GS. Đặng Nghiêm Vạn,(2003), Cộng đồng Quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TPHCM, Tp.HCM.

[5] GS.Phan Huy Lê: Vấn đề hình thành dân tộc và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam (tọa đàm: Vấn đề dân tộc và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20)

[6] PGS.TS.Bùi Xuân Đính,(2012), Các tộc người ở Việt Nam (giáo trình dùng cho sinh viên ngành Việt Nam học, văn hóa, du lịch tại các trường đại học, cao đẳng), Nxb Thời đại, H.

[7] J.V.Stalin,(1957), Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc, Nxb Sự thật,H.

[8] Lê Duẩn,(1966), Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb Thanh niên, H.