Tuyển sinh sau đại học

Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ khóa I chuyên ngành Quản lý văn hóa

03 Tháng Mười Hai 2015

BBT

 

Ngày 1/12/2015, được sự đồng ý của Ban giám hiệu cùng Hội đồng thảo luận luận văn Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Khoa Sau Đại học đã tổ chức Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ cho hai học viên khóa I (2013 - 2015) chuyên ngành Quản lý văn hóa.

 

Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ của hai học viên Nguyễn Thị Hoa và Khuất Thị Minh

 

Thay mặt cơ sở đào tạo, TS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng khoa Sau Đại học đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ khóa I chuyên ngành Quản lý văn hóa gồm 05 thành viên: GS.TSKH. Phạm Lê Hòa - Chủ tịch Hội đồng, GS.TS. Lê Hồng Lý - Phản biện 1, PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức - Phản biện 2, PGS.TS. Trịnh Thị Minh Đức - Ủy viên, PGS.TS. Trần Hoàng Tiến - Thư kí.

 

Học viên Nguyễn Thị Hoa trình bày luận văn Thạc sĩ của mình

 

Được Nhà nước xếp hạng và công nhận là di sản văn hóa có giá trị nghệ thuật, kiến trúc đặc biệt, khu di tích Phủ Dầy - Nam Định đã trở thành nét văn hóa tâm linh ảnh hưởng rất lớn đến tâm thức người dân nơi đây nói riêng và người dân cả nước nói chung. Tuy nhiên, nhận thấy công tác quản lý và khai thác các giá trị văn hóa ở Phủ Dầy còn nhiều bất cập, học viên Nguyễn Thị Hoa đã tiến hành thực hiện luận văn Thạc sĩ với đề tài Quản lý giá trị văn hóa của di tích Phủ Dầy xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Trần Đình Tuấn. Sau khi nghiên cứu tổng quan về Phủ Dầy đối với đời sống người dân xã Kim Thái ở ba cụm di tích chính: phủ Tiên Hương; phủ Vân Cát; lăng Mẫu, học viên bước đầu đánh giá khách quan những kết quả đã đạt được cũng như những nguyên nhân gây nên hạn chế trong khâu quản lý và khai thác các giá trị văn hóa ở Phủ Dầy như thiếu kiên quyết trong công tác quản lý, thiếu trách nhiệm và ý thức trong công tác xây dựng. Với mong muốn khắc phục những tồn tại yếu kém trong khâu quản lý tại di tích Phủ Dầy, học viên đã mạnh dạn đưa ra những khuyến nghị đối với chính quyền và nhân dân địa phương, với Hội nghiên cứu như: Đẩy mạnh quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ văn hóa; xây dựng và thực hiện quy hoạch các dịch vụ; phát triển và bảo tồn di tích Phủ Dầy đúng định hướng; nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân;…

 

Học viên Khuất Thị Minh trình bày đề tài “Quản lý di tích lịch sử - văn hóa Thành cổ Sơn Tây gắn với phát triển du lịch”

 

Cũng nhận được sự hướng dẫn khoa học của TS. Trần Đình Tuấn, học viên Khuất Thị Minh đã tiến hành thực hiện và trình bày chi tiết luận văn Thạc sĩ với đề tài Quản lý di tích lịch sử - văn hóa Thành cổ Sơn Tây gắn với phát triển du lịch. Qua quá trình điền dã và sử dụng phương pháp so sánh kinh nghiệm bảo tồn một số thành cổ ở nước ta như thành cổ Quảng Trị, Hoàng Thành Thăng Long, học viên đã chỉ ra được thực trạng quản lý di tích lịch sử - văn hóa thành cổ Sơn Tây. Về mặt tích cực, Thành cổ Sơn Tây được quy hoạch tổng thể với nhiều hạng mục được phục dựng công phu, chi tiết thu hút khách du lịch; hệ thống cây lâu năm được quan tâm chăm sóc; công tác an ninh trật tự được đảm bảo,…Về mặt hạn chế, bộ máy quản lý thiếu sự đồng bộ, công tác xã hội hóa chưa có định hướng cụ thể; địa phương thiếu chủ động mà trông chờ vào Nhà nước; đội ngũ chuyên môn chưa nhiều về số lượng và chất lượng; chưa kêu gọi được các doanh nghiệp để liên kết các tour du lịch trong khu vực;…Từ những thực trạng trên, học viên đã đưa ra một số giải pháp cho công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa Thành cổ Sơn Tây trong thời gian tới như: tăng cường vai trò quản lý và cơ chế phù hợp trong việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác di tích phục vụ phát triển du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra;…

 

TS. Trần Đình Tuấn - Cán bộ hướng dẫn khoa học nhận xét luận văn Thạc sĩ của hai học viên

 

Sau phần trình bày chi tiết, Hội đồng lần lượt đưa ra nhận xét về luận văn và đặt câu hỏi cho học viên. Về ưu điểm, nội dung hai luận văn phù hợp với tên đề tài và chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của một luận văn Thạc sĩ; bản tóm tắt trung thực với nội dung luận văn. Đề tài của hai luận văn mang tính thời sự, tính thực tiễn và ý nghĩa khoa học, là nguồn tài liệu tham khảo cho cơ quan sở tại và các nhà nghiên cứu sau này. Bên cạnh những ưu điểm, học viên cũng cần xác định rõ đối tượng nghiên cứu; hạn chế sử dụng nguồn thông tin không chính thống; chỉnh sửa lỗi đặt tên chương, tiểu mục, lỗi vi tính, chính tả, viết hoa; mã hóa hệ thống tài liệu tham khảo.

Sau quá trình làm việc nghiêm túc, Hội đồng nhất trí đánh giá luận văn của học viên Nguyễn Thị Hoa đạt loại Giỏi với số điểm 8,2 và học viên Khuất Thị Minh đạt loại Xuất sắc với số điểm 9,0.

 

Hai tân Thạc sĩ chụp ảnh cùng cán bộ hướng dẫn khoa học và thành viên trong Hội đồng chấm luận văn