Tuyển sinh sau đại học

Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ khóa III chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc

10 Tháng Mười Hai 2015

                                                                                                                        BBT

 

 

Ngày 09/12/2015, được sự đồng ý của Ban giám hiệu cùng Hội đồng thảo luận luận văn Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Khoa Sau Đại học đã tổ chức Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ cho 02 học viên Nguyễn Thị Nga và Dương Việt Hoàng khóa III (2013 - 2015) chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.

 

Buổi bảo vệ luận văn được điều hành bởi Chủ tịch Hội đồng GS.TSKH. Phạm Lê Hòa cùng với sự tham gia của 05 thành viên khác gồm PGS.TS. Trịnh Hoài Thu, PGS.TS. Nguyễn Thế Tuân, PGS.TS. Vũ Tự Lân, TS. Đỗ Thị Minh Chính, PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai trong vai trò là phản biện 1, phản biện 2, ủy viên và thư kí tại 02 Hội đồng chấm luận văn. Lễ bảo vệ luận văn còn có sự có mặt của PGS.TS. Nguyễn Lân Cường – Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong vai trò là khách mời.

Nhận thấy vai trò quan trọng của đàn phím điện tử (ĐPĐT) trong việc truyền dạy và cảm thụ âm nhạc, học viên Nguyễn Thị Nga đã tiến hành thực hiện đề tài luận văn Thạc sĩ Dạy học đàn phím điện tử cho sinh viên chuyên ngành Âm nhạc Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (CĐSPTW) dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Đỗ Thị Minh Chính.

 

Học viên Nguyễn Thị Nga trình bày luận văn Thạc sĩ của mình

 

Qua quá trình nghiên cứu lý luận đánh giá thực trạng dạy học bộ môn ĐPĐT cho sinh viên chuyên ngành âm nhạc Khoa Giáo dục Mầm non tại trường CĐSPTW, học viên đã đề xuất các giải pháp như: Đổi mới chương trình và quy trình dạy học bộ môn ĐPĐT; hướng dẫn luyện tập ĐPĐT; tổ chức các hoạt động ngoại khóa; nâng cao trình độ giảng viên…. Kết quả sau khi triển khai thực nghiệm các giải pháp trên đối với sinh viên chuyên ngành Âm nhạc 03 khóa gần đây của Trường CĐSPTW: khóa 2012 - 2013 (Giỏi: 25%, Yếu: 21%) ; khóa 2013 - 2014 (Giỏi: 19%, Yếu: 19%); khóa 2014 - 2015 (Giỏi: 26%, Yếu: 18%) cho thấy những tác động sư phạm đã bước đầu tạo nên hiệu quả nhất định trong hoạt động dạy học ĐPĐT.

Câu lạc bộ âm nhạc là hoạt động ngoại khóa quan trọng của nhà trường phổ thông, góp phần tích cực vào việc hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ của học sinh một cách toàn diện. Quan tâm đến vai trò của câu lạc bộ âm nhạc trong nhà trường, học viên Dương Việt Hoàng đã tiến hành nghiên cứu và trình bày đề tài Dạy hát cho đội văn nghệ Trường phổ thông Marie Curie, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Vũ Tự Lân.

 

Học viên Dương Việt Hoàng với phần trình bày của mình

 

Qua quá trình khảo sát, học viên nhận thấy thực trạng quá trình dạy hát cho đội văn nghệ Trường phổ thông Marie Curie vẫn còn nhiều hạn chế như: học sinh chưa có tư duy về ca hát cũng như cách hát tập thể, cá nhân; việc biểu diễn trên sân khấu còn gặp nhiều khó khăn khi học sinh ít có cơ hội được biểu diễn…. Trên cơ sở thực trạng đó, với vai trò là người nghiên cứu đồng thời là giáo viên âm nhạc tại trường Marie Curie, học viên đã đưa ra những biện pháp nhằm cải tiến việc dạy hát cho đội văn nghệ của trường. Bên cạnh đó, học viên còn tiến hành thực nghiệm các giải pháp dạy hát cụ thể nhằm so sánh chất lượng giữa những học sinh được đào tạo bài bản trong đội văn nghệ với những học sinh chỉ tham gia các giờ học hát trên lớp. Kết thúc thời gian thực nghiệm, học viên đã đánh giá chất lượng tiếp thu của học sinh và hiệu quả dạy hát tại đội văn nghệ Trường phổ thông Marie Curie khá khả quan; qua đó cho thấy hướng nghiên cứu của đề tài có tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tế dạy học âm nhạc tại cơ sở.

 

PGS.TS. Trịnh Hoài Thu - Phản biện 1 đọc bản nhận xét đề tài của học viên

 

Sau phần trình bày chi tiết, Hội đồng lần lượt đưa ra nhận xét về luận văn và đặt câu hỏi cho học viên. Nhìn chung, hai luận văn đều có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn, đáp ứng được những yêu cầu của một luận văn Thạc sĩ; bố cục hợp lý, phương pháp và số liệu điều tra đáng tin cậy; có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho cơ sở nghiên cứu và các đề tài có liên quan. Bên cạnh đó, hai luận văn cần chỉnh sửa lỗi vi tính, lỗi chính tả, cách diễn đạt, sắp xếp tài liệu tham khảo và bổ sung nguồn trích dẫn theo đúng trường quy chuẩn khoa học.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai - Thư ký đọc Nghị quyết Hội đồng và biên bản kiểm phiếu

 

Sau quá trình làm việc nghiêm túc, hai Hội đồng nhất trí đánh giá luận văn của học viên Nguyễn Thị Nga đạt loại Giỏi với số điểm 8,3 và học viên Dương Việt Hoàng đạt loại Xuất sắc với số điểm 9,0.

 

Hai tân Thạc sĩ chụp ảnh lưu niệm cùng thành viên Hội đồng và cán bộ hướng dẫn khoa học