Tuyển sinh sau đại học

Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ khóa I chuyên ngành Quản lý văn hóa

24 Tháng Mười Hai 2015

      BBT

 

Ngày 22/12/2015, được sự đồng ý của Ban giám hiệu cùng Hội đồng thảo luận luận văn Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Khoa Sau Đại học đã tổ chức Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ cho 02 học viên Lê Thị Thanh và Đậu Thị Thu Lan thuộc khóa I (2013 - 2015) chuyên ngành Quản lý văn hóa.

Buổi bảo vệ luận văn được điều hành bởi Chủ tịch Hội đồng GS.TSKH. Phạm Lê Hòa cùng với sự tham gia của 05 thành viên khác bao gồm PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm; PGS.TS. Cao Đức Hải; GS.TS. Lê Ngọc Canh; PGS.TS. Hà Thị Hoa; TS. Đỗ Lan Phương; trong vai trò là Phản biện 1, Phản biện 2, Ủy viên và Thư kí tại 02 Hội đồng chấm luận văn.

 

Hội đồng 01 chấm luận văn Thạc sĩ của học viên Lê Thị Thanh với đề tài “Trò chơi dân gian trong hoạt động của học sinh trường Xuân Dương, Thanh Oai, Hà Nội”

 

Trong xu thế hội nhập hiện nay, nước ta đang diễn ra sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó sự giao thoa giữa các nền văn hóa trên thế giới là một tất yếu. Những trò chơi dân gian (TCDG) truyền thống dần bị thay thế bởi những trò chơi công nghệ hiện đại. Nhận thấy ý nghĩa của việc giáo dục nhân cách, phẩm chất, năng lực cho trẻ thông qua các TCDG, học viên Lê Thị Thanh đã tiến hành thực hiện luận văn Thạc sĩ với đề tài Trò chơi dân gian trong hoạt động của học sinh trường Xuân Dương, Thanh Oai, Hà Nội dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Lê Ngọc Canh. Sau khi nghiên cứu tổng quan phân tích tính phù hợp của từng lứa với mỗi TCDG và khảo sát mức độ sử dụng TCDG tại trường tiểu học Xuân Dương, học viên đã đánh giá được thực trạng phát triển TCDG còn nhiều bất cập trong công tác giáo dục để trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sử dụng TCDG trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp của nhà trường. Trong vai trò là người nghiên cứu, học viên đã đưa ra một số khuyến nghị đối với nhà trường, với các cơ quan quản lý giáo dục về việc phát triển TCDG như: Đưa TCDG vào những hoạt động thể chất; tổ chức TCDG phù hợp với số lượng học sinh và điều kiện vật chất; mở rộng tìm hiểu và thi đấu TCDG; tổ chức thảo luận chuyên đề giữa các giáo viên về cách thức triển khai và tiến hành sử dụng TCDG cho học sinh….

 

Học viên Đậu Thị Thu Lan trình bày đề tài “Lễ hội văn hóa lịch sử đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội)”

 

Là một lễ hội mang nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa, lễ hội đền Nguyên Phi Ỷ Lan đã trở thành nét văn hóa tâm linh ảnh hưởng rất lớn đến tâm thức của người dân Việt. Nhận thấy được những tồn đọng trong công tác quản lý lễ hội tại đền Nguyên Phi Ỷ Lan, học viên Đậu Thị Thu Lan đã tìm hiểu và nghiên cứu đề tài Lễ hội văn hóa lịch sử đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Đỗ Lan Phương. Qua quá trình điền dã và phân tích địa bàn nghiên cứu, sử dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành nhằm đánh giá những giá trị mà lễ hội đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan mang lại, học viên đã chỉ ra được thực trạng quản lý lễ hội nơi đây với những hiệu quả tích cực cũng như hạn chế tồn đọng như: cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém; việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định về giữ gìn Di tích lịch sử - văn hóa và bảo vệ môi trường chưa được thường xuyên; ý thức khi tham gia lễ hội chưa cao…Từ thực trạng trên, học viên đã đưa ra một số giải pháp nâng cao công tác quản lý lễ hội đền Nguyên Phi Ỷ Lan như: hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức và quản lý lễ hội; hoàn thiện nội dung chương trình lễ hội; chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội; tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định về lễ hội…

 

TS. Đỗ Lan Phương - Cán bộ hướng dẫn khoa học nhận xét luận văn Thạc sĩ cho học viên Đậu Thị Thu Lan

 

Sau phần trình bày chi tiết, Hội đồng lần lượt đưa ra nhận xét về luận văn và đặt câu hỏi cho học viên. Về ưu điểm, nội dung hai luận văn phù hợp với tên đề tài và chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của một luận văn Thạc sĩ; bản tóm tắt trung thực với nội dung luận văn. Đề tài của hai luận văn mang tính thời sự, tính thực tiễn, là nguồn tài liệu tham khảo cho cơ quan sở tại và các nhà nghiên cứu sau này. Bên cạnh những ưu điểm, học viên cũng cần xác định rõ mục đích nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu; tránh sự lan man trong phân chia các tiểu mục; khắc phục, chỉnh sửa lỗi vi tính, chính tả, lỗi viết hoa.

Sau quá trình làm việc nghiêm túc, Hội đồng nhất trí đánh giá luận văn của học viên Lê Thị Thanh đạt loại Khá với số điểm 7,8 và học viên Đậu Thị Thu Lan đạt loại Giỏi với số điểm 8,8.

 

Hai tân Thạc sĩ chụp ảnh cùng cán bộ hướng dẫn khoa học và thành viên trong Hội đồng chấm luận văn