Tuyển sinh sau đại học

Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ khóa I chuyên ngành Quản lý văn hóa

11 Tháng Giêng 2016

         BBT

 

Ngày 08/1/2016, được sự đồng ý của Ban giám hiệu cùng Hội đồng thảo luận luận văn Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Khoa Sau Đại học đã tổ chức Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ cho 02 học viên Nguyễn Minh Phương và Bùi Thị Ánh Ngọc thuộc khóa I (2013 - 2015) chuyên ngành Quản lý văn hóa.

Buổi bảo vệ luận văn được điều hành bởi Chủ tịch Hội đồng GS.TSKH. Phạm Lê Hòa cùng với sự tham gia của 05 thành viên khác bao gồm: PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Thanh, PGS.TS. Cao Đức Hải, TS. Đào Đăng Phượng, TS. Đỗ Quang Minh, TS. Đinh Gia Lê trong trong vai trò là Phản biện 1, Phản biện 2, Ủy viên và Thư kí tại 02 Hội đồng chấm luận văn.

 

Học viên Nguyễn Minh Phương trình bày luận văn Thạc sĩ với đề tài “Quản lý di tích đền Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội”

 

Đền Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia ( được xếp hạng năm 1962) là cụm di tích (đình - đền - chùa) hội tụ những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa tâm linh và kiến trúc nghệ thuật. Tìm hiểu về hoạt động quản lý tại di tích, học viên Nguyễn Minh Phương đã tiến hành thực hiện luận văn Thạc sĩ với đề tài Quản lý di tích đền Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Đào Đăng Phượng. Qua quá trình khảo sát nhằm đánh giá tổng quan di tích đền Hai Bà Trưng, học viên đã chỉ ra được thực trạng trong công tác quản lý. Về mặt tích cực: đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa có trình độ; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; quan tâm đúng mức tới công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý…Về mặt hạn chế: nhận thức của người dân đối với khu di tích chưa đúng mức; hiện tượng buôn bán lộn xộn, xả rác tràn lan thiếu ý thức; nguồn ngân sách của Nhà nước cấp cho việc tu bổ di tích còn hạn chế;…Từ thực trạng trên, học viên đã đưa ra một số giải pháp nhằm năng cao công tác quản lý di tích đền như: Nâng cao nhận thức cho nhân dân về vai trò bảo tồn, phát huy giá trị đền Hai Bà Trưng; tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước đối với việc bảo tổn và phát huy giá trị văn hóa đền Hai Bà Trưng; phát triển nguồn nhân lực; xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đền thờ Hai Bà Trưng.

 

Học viên Bùi Thị Ánh Ngọc trình bày đề tài Hoạt động triển lãm tại trung tâm văn hóa tỉnh Hải Dương”

 

Triển lãm là hoạt động văn hóa quan trọng nhằm tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng, giới thiệu những tri thức và thành tựu khoa học đến mọi tầng lớp nhân dân. Song quá trình diễn ra triển lãm tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương còn bộc lộ nhiều hạn chế trong công tác tổ chức. Xuất phát từ thực tế trên, học viên Bùi Thị Ánh Ngọc đã tiến hành nghiên cứu đề tài Hoạt động triển lãm tại trung tâm văn hóa tỉnh Hải Dương dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Đỗ Quang Minh. Sau quá trình điền dã, đánh giá tổng quan về hoạt động triển lãm tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương, học viên đã nêu lên được những đóng góp tích cực của hoạt động triển lãm trong việc khai thác những giá trị văn hóa tốt đẹp, bên cạnh đó vẫn còn tồn đọng những hạn chế như: Khả năng thu hút quần chúng tham quan chưa cao; phạm vi liên kết tham gia triển lãm của ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Hải Dương còn hẹp; hình thức trình bày triển lãm chậm đổi mới. Trong vai trò là người nghiên cứu, học viên đã đưa ra một số những giải pháp nhằm tổ chức tốt hoạt động triển lãm tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương như: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; củng cố đầu tư cho hoạt động triển lãm; tăng cường xã hội hóa và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ triển lãm; phát triển các hình thức triển lãm mới trên cơ sở truyền thống….

 

Hội đồng 02 chấm luận văn Thạc sĩ của học viên Nguyễn Thị Ánh Ngọc

 

Sau khi nghe phần trình bày chi tiết, Hội đồng lần lượt đưa ra nhận xét về luận văn và đặt câu hỏi cho học viên. Về ưu điểm, nội dung nghiên cứu của hai luận văn phù hợp với tên đề tài và chuyên ngành đào tạo; bố cục trình bày hợp lý; hình ảnh minh họa sinh động, phù hợp; đề tài của hai luận văn mang tính thời sự, tính thực tiễn, là nguồn tài liệu tham khảo cho cơ quan sở tại và các đề tài có liên quan. Bên cạnh những ưu điểm, học viên cũng cần xác định rõ tính cấp thiết của đề tài, mục đích nghiên cứu và chỉnh sửa cách sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo.

 

TS. Đào Đăng Phượng - Cán bộ hướng dẫn khoa học đọc bản nhận xét luận văn Thạc sĩ của học viên Nguyễn Minh Phương

 

Đánh giá cao tinh thần cầu thị và thái độ làm việc nghiêm túc của hai học viên, Hội đồng đã nhất trí xếp loại đề tài luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý văn hóa cho hai học viên Nguyễn Minh Phương và Bùi Thị Ánh Ngọc đạt loại Xuất sắc với số điểm lần lượt là 9,5 và 9,2.

 

Hai tân Thạc sĩ chụp ảnh cùng cán bộ hướng dẫn khoa học và một số thành viên trong Hội đồng chấm luận văn