Tin tức

Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý văn hóa

04 Tháng Hai 2016

                    BBT

 

Ngày 02/2/2016, được sự đồng ý của Ban giám hiệu cùng Hội đồng thảo luận luận văn Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Khoa Sau Đại học đã tổ chức Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ cho học viên Phan Thị Nga khóa I và học viên Bùi Thị Kim Thủy  khóa II chuyên ngành Quản lý văn hóa.

 

Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ của học viên Bùi Thị Kim Thủy

 

Buổi bảo vệ luận văn được điều hành bởi Chủ tịch Hội đồng GS.TSKH. Phạm Lê Hòa cùng với sự tham gia của 05 thành viên khác bao gồm: TS. Đỗ Lan Phương; TS. Trần Đình Tuấn; GS. TS. Lê Hồng Lý; TS. Đinh Gia Lê; PGS.TS. Phan Văn Tú trong vai trò là phản biện 1, phản biện 2, ủy viên và thư kí tại 02 Hội đồng chấm luận văn.

 

Học viên Phan Thị Nga trình bày luận văn Thạc sĩ với đề tài “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Múa rối nước truyền thống tại Nam Trực, Nam Định”

 

Từ lâu, múa rối nước đối với người dân trên địa bàn huyện Nam Trực - Nam Định được coi là niềm tự hào về truyền thống văn hóa quê hương, góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách tốt đẹp cho nhiều thế hệ. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Trực, nhận thấy nguy cơ mai một của múa rối nước truyền thống tại quê nhà, học viên Phan Thị Nga đã tiến hành thực hiện luận văn Thạc sĩ với đề tài “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Múa rối nước truyền thống tại Nam Trực, Nam Định” dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Phan Văn Tú. Sau khi nghiên cứu tổng quan về quá trình phát triển cũng như những đặc trưng và sự khác biệt của nghệ thuật múa rối nước tại Nam Trực so với các phường rối khác như Nam Chấn, Nam Giang... học viên đã chỉ ra những tồn tại trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối nước truyền thống tại địa bàn huyện Nam Trực như: Công tác quản lý và bộ máy tổ chức chưa chặt chẽ; quản lý nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất mang tính tự cung tự cấp;... Trên cơ sở hạn chế đó, giải pháp tích cực cho một số công tác được học viên đưa ra nhằm nâng cao và phát huy hơn nữa những giá trị tốt đẹp mà múa rối nước truyền thống của Nam Trực đem lại như công tác tiến hành sưu tầm sân khấu múa rối; quản lý và đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư tài chính; khai thác, phục hồi các trò diễn cổ; tổ chức các chương trình hội thảo, hội diễn, liên hoan nghệ thuật múa rối nước; đưa sân khấu múa rối nước vào học đường…

 

Học viên Bùi Thị Kim Thủy trình bày đề tài luận văn Thạc sĩ: “Quản lý khu di tích Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh”

 

            Nhận thấy công tác quản lý khu di tích Yên Tử còn nhiều bất cập, học viên Bùi Thị Kim Thủy đã tiến hành thực hiện luận văn Thạc sĩ với đề tài “Quản lý khu di tích Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh” dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Đỗ Lan Phương. Trên cơ sở đánh giá tổng quan cũng như nhận diện về giá trị văn hóa, kinh tế của khu di tích Yên Tử, học viên nêu lên được những tồn tại trong khâu  quản lý di tích Yên Tử ở các mặt như: Về mô hình quản lý và phân cấp trách nhiệm; về bộ máy quản lý và nguồn nhân lực; về hoạt động bảo tồn và tôn tạo di tích; về quản lý kinh tế. Là một cán bộ làm công tác quản lý lâu năm tại khu di tích Yên Tử, trước những hạn chế nêu trên học viên đã mạnh dạn đưa ra một số giải pháp tích cực nhằm nâng cao công tác quản lý như: xây dựng cơ chế chính sách phối hợp chặt chẽ liên ngành trong công tác quản lý; xây dựng cơ chế chính sách về kinh tế, tài chính để tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho công tác bảo tồn và đầu tư xây dựng; xúc tiến các chương trình nâng cao năng lực cán bộ chuyên ngành bảo tồn, cung cấp đủ các điều kiện trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác bảo tồn; xây dựng kế hoạch quản lý và quy định phối hợp đóng góp kinh phí hàng năm thực hiện lập dự án, quy hoạch,..

 

TS. Trần Đình Tuấn - Phản biện 2 (Hội đồng 02) đọc bản nhận xét luận văn Thạc sĩ cho học viên Bùi Thị Kim Thủy

 

Sau phần trình bày chi tiết, Hội đồng lần lượt đưa ra nhận xét về luận văn và đặt câu hỏi cho học viên. Về ưu điểm, nội dung nghiên cứu của hai luận văn phù hợp với tên đề tài và chuyên ngành đào tạo; bố cục trình bày hợp lý; văn phong khoa học; các số liệu thống kê chính xác; phụ lục có tính thẩm mĩ; đề tài của hai luận văn mang tính thời sự, tính thực tiễn, là nguồn tài liệu tham khảo cho cơ quan sở tại và các đề tài có liên quan. Bên cạnh những ưu điểm, học viên cũng cần đặt tên tiểu mục phù hợp với trường quy khoa học, chỉnh sửa lỗi chính tả và cách sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo.

Đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc và thái độ ham học hỏi của hai học viên, Hội đồng đã nhất trí xếp loại đề tài luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý văn hóa của hai học viên Phan Thị Nga và Bùi Thị Kim Thủy đạt loại Xuất sắc với số điểm lần lượt là 9,2 và 9,3.