Nội san

Múa rối đầu gỗ chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định

29 Tháng Ba 2016

Nguyễn Thanh Thủy [*]

 

Múa Rối đầu gỗ – một loại hình rối cạn độc đáo “có một không hai” của xứ Bắc tại chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực. Cho đến nay, dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng múa rối đầu gỗ vẫn còn tồn tại trong cư dân, điều đó đã cho thấy sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa xã hội rất cần được nghiên cứu, đánh giá đúng mức và đưa vào vị trí xứng đáng trong toàn cảnh nền văn hóa dân gian Việt Nam.

Xung quanh sự ra đời của Rối đầu gỗ có nhiều câu chuyện mang tính huyền bí, huyễn hoặc và mang màu sắc huyền thoại. Theo lời kể của các cụ cao tuổi, nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ (còn có tên cổ “ổi lỗi”) có niên đại trên 900 năm gắn với một thiền sư nổi tiếng Việt Nam thời nhà Lý là Từ Đạo Hạnh (1072 1116), tục gọi là đức thánh Láng. Tương truyền, một lần Thiền sư đang đi thuyền dạo trên sông thì thấy một cái bọc nổi lềnh bềnh, khi vớt lên xem thì thấy trong đó có sáu đứa trẻ quái thai, động lòng trắc ẩn và từ tâm, Thiền sư đã đem sáu đứa trẻ về chùa nuôi nấng và dạy dỗ. Để tưởng nhớ công lao và đại đức của Thiền sư, nhân dân đã sáng tạo ra sáu đầu rối, mang khuôn mặt của sáu người trưởng thành, khôn lớn, ước mơ về một tương lai tốt đẹp. Đây là tích phổ biến nhất về lịch sử của trò rối cạn độc đáo này.

Song cũng có truyền thuyết kể lại rằng, sau khi thu phục mười hai con sóng dữ chuyên dâng nước ngập lụt làm hại dân lành, chính đức thánh Từ là người sáng tạo ra các đầu rối và truyền dạy hát rối cho người dân nơi đây. Trò diễn rối cạn cùng với sự xuất hiện của sáu đầu rối là sự thể hiện lòng biết ơn và tôn kính của nhân dân đối với Thiền sư, người đã có công lao cảm hóa độ đức cho chúng sinh. Thuyết thứ ba cho rằng sáu đầu tượng rối chính là đại diện cho các “đức” của người quân tử: Liêm, Sỉ, Trí, Tín, Hiếu, Nghĩa.

Hiện nay, chùa Đại Bi còn lưu giữ được 12 tượng Rối đầu gỗ dùng để múa hầu thánh. Các đầu gỗ đều được sơn và gọi là “Thánh tượng” với vẻ mặt sinh động, có cán tay cầm ở phần gáy. Sáu đầu rối được chia làm ba cặp: đôi Lộng Chúa mặt đỏ, quắc thước thể hiện khí khái của bậc chính nhân quân tử; đôi Lộng Tỷ mặt trắng biểu thị cho sự phồn thực, no đủ; đôi Cóc Vàng tượng trưng cho nền nông nghiệp lúa nước. Sáu đầu rối nhỏ gồm một chàng trai với vẻ mặt khôi ngô tuấn tú, một ông chớp tượng trưng cho mưa nắng thuận hòa, hai nàng tiên, một hoàng hậu và một ông Mách với vẻ mặt dữ tợn. Áo mặc cho tượng gọi là “the” phủ từ cổ tượng trở xuống để che tay người cầm trong khi biểu diễn. Những tượng rối này được đặt trang trọng trong khám thờ tại gian bên phải Thượng điện. Vào dịp lễ hội người ta mới làm lễ mời các tượng rối ra biểu diễn hầu Thánh, sau đó lại được đưa về chỗ cũ.

 

Các nghệ nhân phường rối đang biểu diễn (Nguồn: Tác giả )

 

Sự ra đời, tồn tại và phát triển của nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân địa phương như một món ăn tinh thần không thể thiếu từ ngàn đời nay. Trong lễ hội chùa Bi hàng năm, các nghệ nhân trình diễn các trích đoạn giáo trò, hát dâng tràng, dâng và múa tiên, hát giáo về luân lý... là những nét tinh hoa nhất nằm trong tổng thể trò “Ổi lỗi”. Trải qua thời gian, mặc dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng những giá trị đặc trưng, tiêu biểu của nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ vẫn được gìn giữ và ngày càng phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, phản ánh chân thực tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và phẩm chất cũng như đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần vô cùng phong phú của cha ông ta.

Khác với các loại hình nghệ thuật múa rối khác là mang tính giải trí, nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ gắn liền với nghi lễ thờ cúng của cha ông ta chỉ được biểu diễn vào đêm giao thừa và trong ba ngày (từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng âm lịch hàng năm) tại lễ hội chùa. Hiện nay, 36 làn điệu hát rối còn được lưu giữ nguyên vẹn và được dịch từ tiếng Hán sang tiếng Nôm để thuận tiện cho việc truyền dạy cũng như biểu diễn. Nội dung chủ yếu của nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ rất đa dạng, phong phú, tập trung vào những lời hát múa ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, công lao của các vị vua, các vị anh hùng, những người có công trong việc dựng nước và giữ nước, răn dạy con người những điều hay lẽ phải, sống hiếu nghĩa, thủy chung, đặc biệt rất đề cao tình cảm gia đình như sự hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ hay tình nghĩa vợ chồng, tình anh em, bầu bạn. Cũng có khi, nội dung các bài Kinh thánh lại bày tỏ, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lao động gắn với ước mơ hết sức giản dị, gần gũi và thiết thực, thể hiện ước nguyện về một cuộc sống thanh bình, quốc thái, dân an...

Cùng với những giá trị nội dung tiêu biểu của mình, nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ còn có những giá trị nghệ thuật đặc sắc không thể trộn lẫn. Bút pháp hiện thực được đan xen hài hòa với bút pháp tượng trưng, ước lệ thường có ở các loại hình diễn xướng dân gian cổ truyền như Ca dao, Dân ca, hát Xoan... Các bài hát có âm điệu, giai điệu khác nhau nhưng đều hát vần theo nhịp 1/3 hoặc 2/7. Đặc biệt, các lời đệm, lời đón đều dùng tiếng Nôm cổ, theo thể song thất lục bát hoặc lục bát. Bút pháp hiện thực, hay phương pháp tả thực của nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ còn có sự chắt lọc ngôn ngữ đời sống nâng lên thành ngôn ngữ thơ ca giàu tính thẩm mỹ. Ngoài ra còn có rất nhiều câu hát có nội dung và bút pháp gần gũi với tục ngữ, ca dao, dân ca như “An cư lạc nghiệp. Cam chiêu thuận hòa”; “Cha mẹ thời như núi thẳm non cao”; “Anh em ai chẳng mày chau dạ phiền”; “Chồng sang vợ được đi hài/Vợ khôn chồng được nhiều ngày cậy trông”; “Có người lên tiếng lên danh/Giàu sang vì vợ tiếng lành đồn xa”…

Trong ca từ của Kinh thánh, ngôn ngữ được thể hiện đa dạng, biến hóa một cách tài tình, linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ cổ, Hán và thuần Việt nhưng vẫn rất nhịp nhàng, uyển chuyển. Cùng với lời ca thuần Việt “Con thời giữ lấy lời cha/Đêm khuya văng vẳng canh gà sang hai” có rất nhiều lời cổ rất trúc trắc, đôi chỗ khó hiểu, còn rất nhiều từ tối nghĩa (nghĩa cổ) các cụ chỉ hát được mà không hiểu... Các biện pháp nghệ thuật truyền thống như so sánh, ẩn dụ, ngoa dụ, chơi chữ… giúp cho bài Kinh thánh thêm sinh động, uyển chuyển, nhiều tầng, nhiều ý, rất giàu tính thông tin.

Không gian biểu diễn Múa Rối đầu gỗ rất thiêng liêng, thành kính, trang trọng có phần huyền bí nhưng lại rất gần gũi, thân thiện. Người xem có thể ngồi ngay dưới khu nội tự, gần với các nghệ nhân nên có cảm giác ấm cúng. Các con rối của các kiểu rối cạn khác thì gọi là “quân rối” hay “con trò”, riêng quân rối của trò Ổi lỗi được gọi là “Thánh tượng”. Mỗi khi lấy tượng ra biểu diễn (thường ngày cất trong hòm ở giữa chùa, sau gian chính thờ Phật), các cụ phường rối phải áo the khăn xếp, thắp hương cúng lễ cẩn thận. “Áo mặc” cho “thánh tượng” gọi là “the”, vừa là phủ từ cổ tượng trở xuống, vừa che tay người cầm luôn. Khi nhạc được tấu lên, người cầm rối múa theo điệu hát. Tất cả đều diễn ra phía sau tấm màn bằng vải lụa đỏ, mặt quay về phía bàn thờ Phật và ban thờ đức Thánh Từ Đạo Hạnh. Người múa cầm các quân rối giơ tay múa trồi lên trên tấm màn che (gọi là dàn) và múa theo thứ tự từ trái sang phải. Mục đích là để Thánh xem chứ không phải chỉ dành cho người xem. Vì thế, Múa Rối đầu gỗ còn có tên là múa rối đầu thánh. Trung bình mỗi đêm diễn thường bắt đầu từ  18, 19 giờ và kết thúc lúc 3, 4 giờ sáng sớm ngày hôm sau.  Tùy theo nội dung, mỗi bài có thời gian diễn khác nhau, có thể chỉ hơn một phút nhưng cũng có thể kéo dài gần hai tiếng đồng hồ.

Công tác quản lý nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ chùa Bi đã được chính quyền các cấp và các cơ quan văn hóa của tỉnh Nam Định đã có sự quan tâm, khuyến khích, trong đó có bộ máy quản lý cấp cơ sở mà trực tiếp là ban quản lý chùa Đại Bi và phường rối đầu gỗ. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép các tài liệu liên quan đến nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các nghệ nhân biểu diễn đã được các cấp chính quyền trong tỉnh có một số chính sách khuyến khích, tôn vinh cho những người tâm huyết, có công lưu giữ, truyền dạy và quảng bá.

Tuy nhiên, sự đầu tư cho nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với thực tiễn, với giá trị và vai trò của các di sản. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ hiệu quả và tác dụng còn chưa cao. Việc sưu tầm, ghi chép các tài liệu liên quan đến nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ chưa được thực hiện một cách bài bản. Công tác nghiên cứu khoa học còn manh mún, tản mát. Hoạt động truyền dạy biểu diễn mới chỉ là những thành quả bước đầu, chưa có tính chất lâu dài, đi vào chiều sâu.

Để tăng cường công tác quản lý nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cập nhật những quy định của pháp luật về di sản văn hóa để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới, tăng cường đầu tư, cấp kinh phí, hỗ trợ các nguồn lực. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động của phường rối để vừa có kinh phí hoạt động, vừa có thể mở lớp truyền dạy cho thanh, thiếu niên. Đẩy mạnh sưu tầm, ghi chép và xuất bản các tài liệu liên quan đến nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ; Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá; Giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân; Đẩy mạnh phát triển nghệ thuật múa rối đầu gỗ kết hợp với du lịch.

Nghệ thuật Múa Rối đầu gỗ, một giá trị văn hoá phi vật thể vô cùng quý giá độc đáo bậc nhất trong cả nước, được hình thành và kết tinh trong cuộc sống thường nhật của cha ông ta, rất cần được trân trọng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Việc đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý đối với di sản này là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để nghệ thuật múa rối đầu gỗ khẳng định được vị trí của mình trong đời sống.

 

 

Tài liệu tham khảo

1.   Phan Trọng Bằng (2012), Tìm hiểu di tích chùa Đại Bi, xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, Luận văn cử nhân bảo tàng học, Đại học Văn hóa, Hà Nội.

2.   Nguyễn Chí Bền (2010), Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia.

3.      Hoàng Chương (2005-2006, Nghiên cứu các giải pháp bảo tồn và phát triển múa rối nước dân gian, Công trình cấp Bộ.

4.      Hoàng Chương (2012), Nghệ thuật múa rối Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

5.      Vũ Huy Hồng (1974), Nghệ thuật múa rối Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội.

6.      Nhiều tác giả, (1973), Giới thiệu về chùa Đại Bi, Ty Văn hóa Nam Hà.

7.      Huyện ủy HĐND, UBND huyện Nam Trực (2000), Văn hóa Nam Trực, Cội nguồn và Di sản.

8.      Lê Việt Thắng, Độc đáo nghệ thuật múa rối đầu gỗ chầu Thánh chùa Đại Bi, Báo Nam Định điện tử ngày 14/3/2014

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa