Nội san

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống tại xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

31 Tháng Ba 2016

Phạm Thị Thúy Nga [*]

 

 

Tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; trước hết mỗi người dân, mỗi tập thể, đặc biệt là các cấp các ngành đều phải xác định được trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong công cuộc xây dựng, phát triển đời sống văn hóa

 

Trong thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hoá ở xã Vạn Ninh đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng nhân dân quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình. Hệ thống các thiết chế văn hoá như Nhà văn hoá, sân thể thao đã được xây dựng làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Hầu hết các thôn trong xã đều tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, nhân dân được đọc sách báo, nghe đài, xem vô tuyến, xem biểu diễn nghệ thuật. Các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động sôi nổi và thường xuyên hơn. Các phong trào “xây dựng nếp sống văn minh”, “gia đình văn hoá”, “làng văn hoá”, đã tạo nên sự chuyển biến trong ý thức của cộng đồng dân cư về vai trò của văn hoá và cuốn hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Chính sách xã hội hoá hoạt động văn hoá thể thao đã huy động được hàng trăm triệu đồng đóng góp của nhân dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết chế văn hoá ở cơ sở, tạo nên sự thay đổi nhanh chóng đời sống văn hoá của cộng đồng dân cư.

Đời sống văn hoá ở xã đã được nâng lên tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội.

Thông qua việc xây dựng đời sống văn hoá, các yếu tố văn hoá và nhân tố con người đã được phát huy tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết các chính sách xã hội.

Quá trình triển khai thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, nhất là các phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đã góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển văn hoá, làm cho văn hoá thấm sâu vào mọi hoạt động xã hội, từng bước xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hoá tinh thần lành mạnh; góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp cư dân.

Những kết quả đạt được trong 5 năm (2011 - 2015) thực hiện cuộc vận động và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư làm cho xã Vạn Ninh có nhiều đổi thay hướng đến một xã thực sự văn minh, giàu đẹp, dân chủ.

Nhờ có phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa  (TDĐKXDĐSVH), cuộc sống cũng như trình độ nhận thức của người dân đã tiến bộ một cách rõ rệt và tích cực. Đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu giải trí mở rộng, kinh tế phát triển, con người trở nên văn minh, có văn hóa hơn so với những năm trước đây. Nhân dân nơi đây hưởng ứng phong trào ngày một nhiều hơn, thi đua làm kinh tế giỏi, từng nhà làm giàu cho mình, cho cộng đồng cơ sở và cho đất nước. Đoàn kết giúp nhau sản xuất, thực hiện các công tác xã hội, công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh tổ quốc, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông kết hợp cùng các cơ quan chức năng để phối hợp tổ chức phong trào đạt hiệu quả thiết thực nhất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng tồn tại một số hạn chế như sau:

- Sự quan tâm của các cấp các ngành chưa cao và sâu sắc, vẫn còn coi nhẹ văn hóa, chưa đưa văn hóa sánh ngang cùng kinh tế.

- Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao xã Vạn Ninh còn thiếu, xuống cấp chưa đảm bảo đủ tiêu chí theo các thông tư quy định.

- Với vị trí địa lý giáp với biển, ¼ người dân Vạn Ninh đi đánh bắt hải sản trên biển lên tỷ lệ người dân đến tham gia sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa thể thao còn thấp.

- Kinh phí hoạt động còn hạn hẹp chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước cấp nên các hoạt động còn khiêm tốn.

- Với nền kinh tế chủ yếu là nông, nghư nghiệp đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, không có các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn lên công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa thể thao chưa cao.

- Sự nhận thức về nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng đời sống văn hóa còn chưa sâu sắc, do vậy việc triển khai các nội dung của phong trào nhiều khi còn hình thức, kết quả chưa cao.

- Trình độ năng lực của cán bộ làm văn hóa còn yếu và kém dẫn đến công tác tham mưu và tổ chức các hoạt động hiệu quả không cao.

- Các CLB, cuộc liên hoan văn nghệ, giải thể dục thể thao hoạt động chưa thường xuyên chủ yếu tập trung vào phục vụ các ngày lễ, tết, sự kiện quan trọng của xã.

- Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn khu do không có kinh phí hỗ trợ phụ cấp trách nhiệm lên công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” không được mặn mà và nhiệt tình tâm huyết dẫn đến việc tổ chức hoạt động chưa cao.

- Chưa phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong Ban Chủ nhiệm, phân rõ trách nhiệm của các thành viên, phối hợp với các đoàn thể để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa thể thao.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên đây là chủ yếu do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực này, lãnh đạo chỉ đạo chưa quyết liệt. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải. Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nhận thức của người dân chưa cao, chưa hiểu hết được tầm quan trọng của xây dựng đời sống văn hóa đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Việc tổ chức một số phong trào văn hóa còn mang tính hình thức, bề nổi; nội dung phong trào còn nghèo nàn, hiệu quả xã hội chưa cao. Đời sống kinh tế của nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, lại là một xã vùng biển và biên giới, lên xây dựng đời sống văn hóa chưa được chú trọng và tham gia sinh hoạt, sáng tạo các giá trị văn hóa. Cơ chế thị trường và sự hội nhập quốc tế, bên cạnh những tác động tích cực to lớn, cũng đã bộc lộ mặt trái của nó, ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức tư tưởng, đạo đức lối sống của nhân dân xã Vạn Ninh. Nguồn ngân sách dành cho hoạt động quản lý chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Bộ máy tổ chức để triển khai thực hiện các phong trào trong xây dựng đời sống văn hóa nhiều ban bệ, cồng kềnh, chồng chéo nhau về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa hay Cuộc vận động không mang tính áp đặt, bắt buộc, vì vậy hiệu quả hoạt động không đều, lúc lên lúc xuống.

Để thực hiện tốt hơn trong công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn xã trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp sau:

Một là, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ văn hóa xã và Ban chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa Thể thao xã và Nhà văn hóa thôn.

Cần có chính sách và công cụ khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhân lực, cần phải phối hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng với đổi mới tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và xây dựng chính sách thu hút động viên người giỏi, đúng chuyên môn. Phối hợp với các cơ quan ngành dọc cấp trên, với các cơ sở đào tạo để đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nội dung đào tạo cho cán bộ, công chức văn hóa cấp cơ sở. Ngoài ra, có những đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ hoạt động tốt, khen thưởng vào những dịp tổng kết hàng tháng, hàng quý, hàng năm, làm cho tinh thần cũng như cuộc sống vật chất của các cán bộ văn hóa được nâng cao hơn thì họ mới có tinh thần lao động, cống hiến cho công việc, cho nhà nước.

Hai là, tăng cường nguồn lực từ Nhà nước và hoạt động xã hội hóa.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đặc biệt chú trọng vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hỗ trợ hoạt động tại các thiết chế văn hóa thể thao các cấp. Bên cạnh đó nguồn ngân sách của Tỉnh, địa phương, nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới hỗ trợ hoạt động văn hóa cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong nước, ngoài nước bằng các chính sách giảm thuế, ghi công danh dự cho những cá nhân và tổ chức xã hội trong việc xã hội hóa. Vận động không để một cá nhân, một gia đình, một tổ chức nào đứng ngoài cuộc vân động thực hiện phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm động viên sức người sức của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Khai thác và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu hưởng thụ, sử dụng của nhân dân.

Bốn là, khai thác và bảo tồn các di sản văn hóa tại địa phương phục vụ cho đời sống tinh thần của nhân dân và phát triển du lịch. Chú trọng những yếu tố văn hóa nội sinh như lễ hội truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể Hát nhà tơ, hát múa cửa đình.v.v

 

Ảnh: Bài múa của Hát Nhà tơ, hát cửa đình, xã Vạn Ninh (Nguồn: sưu tầm)

 

Năm là, tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa là một giải pháp quan trọng, có tính quyết định trong công tác xây dựng đời sống văn hóa bởi lẽ, tất cả mọi chủ trương đường lối chính sách, đề án, dự án, kế hoạch triển khai đều được xây dựng bởi đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền các cấp

Đầu tư cho văn hóa cần tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa trong xã hội; không thể đặt hiệu quả kinh tế làm thước đo cho các đầu tư văn hóa. Xác định việc phát triển văn hóa là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn xã hội, không phải chỉ riêng ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Sáu là, nâng cao nhận thức của các cấp các ngành và nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa.

Tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; trước hết mỗi người dân, mỗi tập thể, đặc biệt là các cấp các ngành đều phải xác định được trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong công cuộc xây dựng, phát triển đời sống văn hóa. Bởi lẽ, nếu mỗi người có ý thức hơn trong mỗi hành động và suy nghĩ của mình thì hiệu quả của các phong trào sẽ cao hơn, tạo ra một môi trường sống lành mạnh không có tệ nạn xã hội, đời sống tinh thần và thể lực của nhân dân không ngừng được nâng cao, cùng nhau phát triển kinh tế, giảm bớt và tiến tới không còn hộ nghèo, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và vật chất cho nhân dân.

Bảy là, tổ chức và thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới

Tám là, tăng cường công tác thi đua khen thưởng, thường xuyên tuyên truyền, phổ biển, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong Phong trào TDĐKXDĐSVH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Định kỳ tổ chức Hội nghi tuyên dương các cá nhân, tập thể xuất sắc trong phong trào ở các cấp.

Lấy kết quả thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH là một trong các tiêu chuẩn để bình xét các danh hiệu thi đua của các cá nhân và tập thể hàng năm. Chú trọng công tác khen thưởng, động viên, cổ vũ phong trào phù hợp với các quy định của Luật thi đua - Khen thưởng.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

1.

Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Quảng Ninh (2015), Báo cáo kết quả 15 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Quảng Ninh.

2.

Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH thành phố Móng Cái (2015), Báo cáo kết quả 15 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn, Móng Cái.

3.

Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH xã Vạn Ninh (2015), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Vạn Ninh.

4.

Ban chấp hành Đảng bộ xã Vạn Ninh (2013), Dự thảo Lịch sử Đảng bộ xã Vạn Ninh giai đoạn 1948 - 2010.

5.

Ban Tuyên giáo Trung ương (2008), Những giải pháp thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đưa kết luận Hội nghị trung ương 10 khóa 9 về văn hóa đi nhanh vào trong cuộc sống, Hà Nội.

6.

Ban chỉ đạo Trung ương (2001), Hỏi và đáp phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

7.

Hội Văn nghệ dân gian (2010), “Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Hát nhà tơ - hát cửa đình” trên địa bàn thành phố Móng Cái, huyện Đầm Hà, Vân Đồn”, Quảng Ninh.

8.

Nguyễn Văn Hy (1985), Mấy vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay, Nxb Hà Nội.

9.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2015), Báo cáo thực trạng và kết quả hoạt động thiết chế văn hóa tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2015, Quảng Ninh.

10.

Nguyễn Hữu Thức (2005), Về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

11.

Ủy ban nhân dân xã Vạn Ninh (2015), Báo cáo thực trạng thiết chế văn hóa năm 2015.Vạn Ninh.

12.

Ủy ban nhân dân xã Vạn Ninh (2014), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng giai đoạn 2010 - 2014.Vạn Ninh.

13.

Ủy ban nhân dân xã Vạn Ninh (2015), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2015.Vạn Ninh.

14.

Nguyễn Quang Vinh (2015), Văn hóa dân gian làng Vạn Ninh, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa