Nội san

Giải pháp nâng cao chất lượng du lịch vịnh Hạ Long

04 Tháng Tư 2016

Vũ Đức Minh [*]

 

Di sản vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã luôn quan tâm để phát triển vịnh Hạ Long, đã ban hành các văn bản pháp lý: Luật Di sản văn hóa, Luật du lịch, Luật bảo vệ môi trường, Luật Thủy sản, Luật xử phạt vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường thủy nội địa…đồng thời tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều nỗ lực trong tạo lập cơ chế, chính sách: ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020, Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thành phố Hạ Long, Quy hoạch môi trường VHL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ... cùng với đó là nhiều chủ trương mở ra tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động KTXH nhằm kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, các dự án có tính đột phá, tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc, mang tầm quốc tế, nhằm thay đổi sản phẩm, nâng cao chất lượng du lịch vịnh Hạ Long.

Kết quả cho thấy, vịnh Hạ Long đã và đang trở thành điểm đến mới của du lịch Việt Nam và thế giới, tính riêng lượng khách tham quan, từ năm 1996 đến hết năm 2015, vịnh Hạ Long đã đón trên 30 triệu lượt khách, trong đó có trên 15 triệu   khách quốc tế, thu phí tham quan đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, vịnh Hạ Long đang đứng  trước không ít khó khăn, thách thức: Môi trường Vịnh ô nhiễm, nạn “chặt chém” khách tham quan, trộm cắp tài sản của khách, chất lượng phục vụ chưa chuyên nghiệp….Đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch vịnh Hạ Long, thực tế trên bắt nguồn từ một số nguyên nhân như sau:

 Một là, schồng chéo trong quản lý

  Vịnh Hạ Long trải dài trên địa bàn nhiều địa phương: Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên, Hạ Long. Hơn nữa, do là di tích quốc gia đặc biệt, di sản thiên nhiên thế giới (TNTG), nên vịnh Hạ Long là đối tượng quản lý nhiều đơn vị, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, mỗi ngành, địa phương lại có những tác động, liên quan riêng khi giải quyết các vấn đề trên Vịnh nên đôi lúc dẫn đến nhiều lúng túng, chồng chéo chức năng, ngoài ra cơ chế phối hợp quản lý chưa chặt chẽ, đồng bộ nên một số hoạt động quản lý trên biển chưa giải quyết được, điển hình là các hoạt động về dân cư, nhà bè, nuôi trồng, hướng dẫn viên…

Hai là, xây dựng các quy hoạch, đề án

 Xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong đó có phát triển du lịch Hạ Long hiện nay cũng đang gặp một số vấn đề bất cập như thiếu sự thống nhất giữa quy hoạch các ngành, ngoài ra các kế hoạch cụ thể để triển khai quy hoạch lại chậm được xây dựng, ví dụ hiện nay Quy hoạch phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng từ năm 2014 nhưng đề án phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long, hay quy hoạch phát triển hoạt động tàu du lịch trên VịnhHạ chưa được xây dựng để triển khai, do đó doanh nghiệp lúng túng trong đầu tư, nâng cấp phương tiện, từ đó  đặt ra vấn đề chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường, an toàn, an ninh trật tự, giá cả chưa được thống nhất, đảm bảo.

 

Vịnh Hạ Long ( Nguồn: sưu tầm)

 

Ba là, phối hợp quản lý, khai thác di sản giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, cộng đồng dân cư còn chưa chặt chẽ

Hiện nay ngoài một số doanh nghiệp luôn có ý thức trách nhiệm định hướng phát triển du lịch sinh thái thân thiện với môi trường, đồng hành cùng nhà nước trong quản lý, bảo tồn thì phần lớn các tổ chức, cá nhân khai thác phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh, giá trị di sản vịnh Hạ Long thực sự lại chưa có sự quan tâm thích đáng trở lại đối với công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, mặc dù đã được tuyên tuyền, ý thức, nhận thức trách nhiệm đã được nâng lên nhưng cộng đồng dân cư chưa thực sự tích cực vào cuộc cùng tham gia công tác quản lý, bảo tồn Di sản.

Bốn là, chất lượng nguồn nhân lực

Trên thực tế, công tác đào tạo tại các nhà trường thiên về lý thuyết, thiếu tính thực hành, nên trước thực tế hội nhập nhanh chóng của  du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hạ Long nói riêng, thì lực lượng tham gia hoạt động du lịch, dịch vụ cũng như các nhà quản lý du lịch chưa bắt kịp tốc độ phát triển. Công tác đào tạo nhân lực du lịch cho Quảng Ninh thời gian qua chủ yếu do Trường Cao đẳng Văn hóa và Du lịch Quảng Ninh (Đại học Hạ Long hiện nay) thực hiện, chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, nhân lực có chất lượng hiện đang phục vụ các nhà hàng, khách sạn, cơ sở du lịch tại Hạ Long còn thiếu, yếu.

Năm là , chế tài xử lý các vi phạm trên Vịnh

Hiện nay nhìn chung chế tài xử lý các vi phạm  trên vịnh Hạ Long còn nhẹ, chưa có tính răn đe nên một số hành vi vi phạm thường lặp đi lặp lại (đeo bám, ăn xin khách du lịch, tàu du lịch vi phạm luồng tuyến, gây ô nhiễm môi trường) dẫn đến việc xem nhẹ quy định luật pháp, gây bức xúc, thiệt hại cho khách tham quan, khó khăn cho công tác quản lý.

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 25/5/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030 đã xác định những giá trị hiện thực của Vịnh Hạ Long và hệ thống tài nguyên du lịch biển đảo là động lực chủ yếu để xây dựng mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; Sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Phấn  đấu năm 2020, tổng số khách du lịch đạt 10,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 4 triệu lượt; tổng doanh thu đạt 30.000 tỷ đồng; lao động trực tiếp 60.000 người. Năm 2030, tổng số khách du lịch đạt 23 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 10 triệu lượt; tổng doanh thu đạt 130.000 tỷ đồng; lao động trực tiếp 120.000 người

Làm thế nào để ngày càng nâng cao chất lượng vịnh Hạ Long nhằm phát triển du lịch và đây đồng thời cũng sẽ là cơ sở để tiếp tục dành sự quan tâm đối với công tác bảo tồn các giá trị  của vịnh Hạ Long, việc đặt ra là cần có những giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, công tác quản lý hoạt động du lịch trên Vịnh hiện nay. Thiết nghĩ các cấp chính quyền, cơ quan quản lý cần tập trung một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, về cơ chế chính sách

Cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kêu gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư bằng nhiều biện pháp tích cực như: Đẩy mạnh xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch, gặp gỡ các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tổ chức các sự kiện, đưa nhà đầu tư đi khảo sát thực địa để được mục sở thị. Đi đôi với đó là thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tại các trung tâm du lịch, ưu tiên phát triển một số công trình lớn, hiện đại mang tầm quốc tế tích cực thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển các dự án, thương hiệu của các tập đoàn kinh tế mạnh, các dự án có sản phẩm du lịch chất lượng cao và độc đáo.

Xây dựng và quản lý quy hoạch để làm tiền đề, cơ sở cho đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, cần phải tập trung lực lượng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết hợp thuê chuyên gia, tư vấn quy hoạch ngoài nước, xin ý kiến tham gia của nhiều tổ chức, chuyên gia hàng đầu thế giới, trong nước và điều đặc biệt là tổ chức lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch…

Thứ hai, về tổ chức bộ máy quản lý

Hiện nay, Ban quản lý vịnh Hạ Long, đơn vị chủ quản di sản, trực thuộc thành phố Hạ Long, Ban thực hiện chức năng quản lý vịnh trên cơ sở phối hợp với các đơn vị của thành phố Hạ Long. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chức năng quản lý di sản, tổ chức bộ máy Ban cần phải sắp xếp, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên trách. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng cần được quan tâm thực hiện, đảm bảo phát huy chức năng, nhiệm vụ của phòng, đơn vị chuyên môn. Ngoài ra, cần rà soát vị trí việc làm của các đơn vị, thực hiện luân chuyển đội ngũ cán bộ, tạo sức phấn đấu, chủ động thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, mở rộng các hoạt động dịch vụ du lịch

Ngoài những dịch vụ, sản phẩm du lịch hiện nay,  cần xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo xu hướng phát triển của thị trường thế giới, đáp ứng tối đa nhu cầu của mọi đối tượng khách du lịch, đặc biệt là thu hút các dòng khách có khả năng chi trả cao từ các thị trường tiềm năng,  tập trung đầu tư, phát triển các khu du lịch sinh thái, các khu nghỉ dưỡng cao cấp trên các đảo của vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.   

Thứ tư, đầu tư cơ sở vật chất

Phải xây dựng được hệ thống cơ sở lưu trú đồng bộ, có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, vị trí hệ thống khách sạn cần thuận tiện cho việc di chuyển đến cảng bến du lịch. Tiếp tục nâng cao chất lượng tàu du lịch trên vịnh, dừng việc đóng mới tàu du lịch, tập trung cải tiến, đưa khoa học kỹ thuật vào áp dụng trong khai thác, hoạt động đội tàu du lịch, đặc biệt là tàu phục vụ khách nghỉ đêm.

Cần sớm quy hoạch đồng bộ hệ thống cảng du lịch, xây thêm một số cảng du lịch tại khu vực Hòn Gai, nhằm giảm tải cảng Tuần Châu và phục vụ lượng khách đi từ Hòn Gai. Đối hệ thống cảng du lịch trên Vịnh cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh cơ sở vật chất để phục vụ khách tham quan: Hệ thống mái che, biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh, hệ thống phao neo, nhà chờ cho khách đủ tiêu chuẩn quốc tế…

Thứ năm, đảm bảo vệ sinh môi trường  

Để hạn chế ô nhiễm từ hoạt động khai thác than, nhằm tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, góp phần phát triển du lịch, cần tăng cường trồng cây xanh tại các khu vực bãi thải, khai trường đã khai thác, về lâu dài, cần sớm chấm dứt khai thác than lộ thiên taị khu vực thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả theo Quyết định số 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và đầu tư hiện đại hóa các cảng than, khu vực chế biến, bãi thải, đường vận chuyển than. Đổi mới phương thức vận chuyển than, đất đá bằng hệ thống băng tải, chấm dứt vận chuyển than bằng ô tô.

Chấm dứt nuôi thủy sản tại những khu du lịch, quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long theo hướng tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, phát triển hoạt động nuôi trồng theo hướng bền vững, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Chuyển các địa điểm nuôi trồng thủy sản hiện nay ra khỏi vùng lõi Di sản nhằm giảm thiểu các tác động môi trường từ con người và các hoạt động nuôi trồng đến nguồn nước, khuyến khích mô hình việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, sử dụng các nguồn thức ăn an toàn trong nuôi trồng.

Quản lý chặt chẽ hoạt động tàu du lịch vịnh Hạ Long, đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án thu gom và xử lý nước thải la canh trên các phương tiện thủy; Thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải lacanh từ các phương tiện thủy đang hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long theo mô hình hợp tác công- tư (PPP).

Sử dụng khoa học kỹ thuật chống ô nhiễm, xây dựng, lắp đặt và thực hiện quy trình xử lý tiên tiến tại nhà máy xử lý nước thải đô thị, trước khi xả ra Vịnh  dưới các dạng sau: Quy trình xử lý thông thường bằng bùn hoạt tính (CAS); Bể phản ứng/xử lý sinh học theo mẻ (SBR); Công nghệ mương oxy hóa (OD); Bể lọc sinh học bằng màng (MBR).

         Thứ sáu, thực hiện cơ chế phối hợp

Để tránh hình thức chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ trong công tác quản lý trên vịnh Hạ Long, Ban quản lý vịnh Hạ Long là cơ quan tham mưu UBND thành phố Hạ Long (đơn vị chủ quản di sản vịnh Hạ Long) xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp quản lý vịnh, theo đó thành phố Hạ Long sẽ là đơn vị chủ trì, tổ chức điều phối trong các hoạt động liên quan trên Vịnh,  các cơ quan, sở ngành liên  quan theo chức năng sẽ phối hợp với thành phố Hạ Long trong triển khai, quản lý các hoạt động chuyên ngành trên địa bàn.

Thứ bảy, đảm bảo trật tự an ninh

Thường xuyên tuyên truyền vai trò của an ninh trật tự đối với phát triển du lịch cho người dân, doanh nghiệp, để nâng cao  trách nhiệm cộng đồng công tác phòng chống, tố giác tội phạm, các tệ nạn xã hội tại các điểm tham quan, phương tiện du lịch, tuyên truyền cho khách du lịch ý thức chấp hành  pháp  luật Việt Nam, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, nội quy, quy định điểm đến, nơi tham quan.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động về du lịch, hoạt động kinh tế xã hội trên vịnh Hạ Long, để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm giảm thiểu các phát sinh tiêu cực. Phân cấp chức năng, quyền hạn các cá nhân, tổ chức trong tiếp nhận, giải quyết các thông tin của khách tham quan về tình hình an ninh, trật tự, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên Vịnh qua đường dây nóng du lịch Quảng Ninh.

Thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch – trực thuộc Sở Công an tỉnh, có chức năng tiếp nhận, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch qua hệ thống đường dây nóng, ngoài ra, bố trí tuần tra, trực tại các địa điểm có đông khách tham quan. 

         Di sản là tài  quý giá của mỗi dân tộc, đó là kết tinh giá trị của con người và thiên nhiên, trải qua quá trình lâu dài trong lịch sử. Xuất phát từ ý nghĩa đó, mỗi quốc gia đều có những công cụ, chính sách pháp lý để bảo vệ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi nhận thức con người ngày càng cao, các giá trị tinh thần được coi trọng, quan tâm và đề cao thì việc gìn giữ, bảo vệ tài sản không chỉ còn thuộc phạm vi của một quốc gia mà đã vượt ra với quốc tế, trở thành tài sản chung của nhân loại, song song với đó, di sản không chỉ có ý nghĩa phục vụ  tinh thần cho con người trong xã hội, nhiều quốc gia hiện nay đã khai thác hiệu quả di sản để  phục vụ  phát triển kinh tế. Vịnh Hạ Long hai lần được công nhận là Di sản TN thế giới, có nhiều giá trị khác mà hiếm có nơi nào có được, vì vậy việc sở hữu di sản vịnh Hạ Long không chỉ là niềm tự hào, mà đây cũng là trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh, bởi từ những tiềm năng, lợi thế này là cơ sở để Quảng Ninh phát triển KTXH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh, xu hướng mà hiện nay rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã và đang thực hiện. 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 25/5/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh    Quảng Ninh về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030.

2. UBND tỉnh Quảng Ninh (2013), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

3. UBND tỉnh Quảng Ninh (2014), Báo cáo Quy hoạch môi trường vịnh Hạ   Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

4. UBND tỉnh Quảng Ninh (2014), Quyết định số 1418/QĐ-UBND, Quyết định phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa