Hoạt động nghiên cứu

Hội thảo “Giáo dục nghệ thuật – thực trạng và giải pháp”

27 Tháng Năm 2016

BBT

 

Sáng ngày 24/5/2016, tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã diễn ra Hội thảo “Giáo dục nghệ thuật thực trạng và giải pháp” dưới sự điều hành của GS.TSKH. Phạm Lê Hòa – Hiệu trưởng Nhà trường. Trong bối cảnh nền giáo dục của đất nước đang không ngừng đươc cải cách để tạo ra nguồn lực cho sự phát triển bền vững, Hội thảo được tổ chức nhằm đáp ứng mong mỏi của các nhà khoa học, các nhà giáo dục để trao đổi về những vấn đề cấp thiết trong giáo dục nghệ thuật hiện nay, đồng thời đưa ra những hướng đi mới trong thời gian tới.

Hội thảo vinh dự được tiếp Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, hội Âm nhạc Hà Nội, các nhạc sĩ, nhà chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật cùng các cơ quan thông tấn báo chí. Về phía Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, tham dự hội thảo có Ban giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo các đơn vị, các cán bộ, giảng viên và nghiên cứu sinh.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TSKH. Phạm Lê Hòa khẳng định vai trò to lớn của nghệ thuật với đời sống con người. Nghệ thuật khởi nguồn từ cuộc sống, và cũng chính nghệ thuật đã giúp con người sáng tạo ra những giá trị tinh thần lớn lao; đồng thời, định hướng những xu thế thẩm mĩ của xã hội. Đó là lí do mà ở nhiều quốc gia, giáo dục nghệ thuật được quan tâm đặc biệt, nhiều loại hình nghệ thuật như Âm nhạc, Mĩ thuật, Điêu khắc, Sân khấu, Điện ảnh… được đưa vào chương trình phổ thông như là phương tiện để giáo dục thế hệ trẻ. Ở nước ta hiện nay, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cần một cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn để phát huy hiệu quả của giáo dục nghệ thuật. Hội thảo lần này nhằm đánh giá những thành tựu của giáo dục nghệ thuật trong thời gian qua; đánh giá trình độ của đội ngũ giảng viên, giáo viên; rà soát lại nội dung chương trình, giáo trình đào tạo giáo viên nghệ thuật; từ đó, xây dựng một hệ thống giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đưa ra những dự báo về giáo dục nghệ thuật trong giai đoạn mới.

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo

 

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã chia sẻ những quan tâm, trăn trở với các nhà quản lí các cơ sở đào tạo, các nhà giáo, nhà chuyên môn tâm huyết với giáo dục nghệ thuật. Thứ trưởng nhấn mạnh vấn đề mấu chốt là làm sao để người học hứng thú với các môn học này và tích cực tham gia vào các hoạt động nghệ thuật. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các thầy cô giáo, những người trực tiếp làm công tác giảng dạy. Qua đó, ông khẳng định vai trò quan trọng của các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật, mà trong đó Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là cơ sở lớn nhất, có bề dày kinh nghiệm và giữ vị trí tiên phong trong cả nước. Thứ trưởng cũng hi vọng rằng, Nhà trường sẽ phát huy hơn nữa vai trò của một tập thể đi đầu trong việc đào tạo ra những giáo viên có chất lượng; tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; tham gia xây dựng các chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần thay đổi chất lượng giáo dục nghệ thuật ở nước ta hiện nay.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và đóng góp tham luận của các nhà chuyên môn có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Ngoài các tham luận bàn về đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng giáo viên ở các ngành âm nhạc và mĩ thuật, hội thảo cũng nhận được đóng góp ý kiến về các ngành khác như đồ họa, thời trang. Bên cạnh đó, không chỉ có giáo dục ở cấp phổ thông được chú trọng, mà còn có nhiều tham luận hướng đến đổi mới giáo dục ở bậc đại học và sau đại học. Điều đó phần nào cho thấy, giáo dục nghệ thuật đã được hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm nhiều môn học và được quan tâm ở nhiều cấp học.

 

TS. Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm TW (thứ 2 từ trái qua phải) phát biểu ý kiến

 

Ở nội dung bàn về giáo dục âm nhạc, nhiều ý kiến được đưa ra xoay quanh định hướng dạy nhạc cụ trong môn Âm nhạc. Theo tham luận của ThS. Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), học nhạc cụ giúp học sinh được trải nghiệm và phát triển các năng lực thực hành, cảm thụ, ứng dụng âm nhạc, góp phần phát triển năng khiếu âm nhạc và nhiều năng lực khác. Thạc sĩ đưa ra dẫn chứng về những kết quả tích cực khi thử nghiệm dạy sáo recorder ở ba trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cũng bàn về vấn đề này, TS. Đặng Lộc Thọ (Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Sư phạm Trung ương) cho rằng cần chú trọng đến đặc điểm vùng miền và lứa tuổi khi lựa chọn nhạc cụ cho học sinh. GS.TSKH. Phạm Lê Hòa lại chia sẻ quan điểm nên chăng đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy để phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam. Các ý kiến đóng góp đã gợi mở những hướng đi mới cho những hội thảo sau này về giáo dục âm nhạc.

 

ThS. Phạm Hùng Cường – Trưởng khoa Thiết kế Đồ họa, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trình bày tham luận

 

Về đào tạo thiết kế đồ họa – chuyên ngành thu hút đông đảo sinh viên theo học trong những năm gần đây của Nhà trường, hội thảo đã lắng nghe tham luận về xây dựng “Mô hình đào tạo chuyên sâu”  chuyên ngành Thiết kế Đồ họa của ThS. Phạm Hùng Cường – Trưởng khoa Thiết kế Đồ họa, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Tham luận đưa ra những giải pháp để rút ngắn thời gian đào tạo, phát huy được sở trường và tạo hứng thú cho người học, khai thác khả năng người dạy cũng như cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao đó là xây dựng đề án đào tạo chuyên sâu, chuẩn bị đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất đặc thù.

Diễn ra đúng vào dịp Nhà trường kỷ niệm 10 năm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và 46 năm sự nghiệp đào tạo giáo viên nghệ thuật, Hội thảo cũng là cơ hội để Nhà trường nhìn lại chặng đường nghiên cứu khoa học nhiều năm qua với những nỗ lực không ngừng hướng đến mục tiêu lớn nhất là đào tạo nguồn nhân lực ngành nghệ thuật đáp ứng được nhu cầu xã hội. Trong đó, tổ chức hội thảo là một kênh quan trọng giúp Nhà trường có thêm những cơ sở lí luận và đóng góp quý báu để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Tại Hội thảo “Giáo dục nghệ thuật – thực trạng và giải pháp” lần này, những ý kiến, chia sẻ chân thành của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục về vấn đề giáo dục nghệ thuật hiện nay đã được lắng nghe và bàn luận. Hội thảo chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho công tác giảng dạy nghệ thuật tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói riêng và các trường đào tạo nghệ thuật nói chung.