Một vài suy nghĩ về phương pháp dạy học Piano ở trung tâm Yamaha Hà Nội

08 Tháng Sáu 2016

                                                                        Phan Thị Thiện [*]

 

Âm nhạc là bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn tả tư tưởng, tình cảm của con người. Âm nhạc là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, nó có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, hướng con người đến với các giá trị chân, thiện, mỹ. Vì vậy, vấn đề trang bị kiến thức, hiểu biết và nâng cao khả năng sáng tạo, thưởng thức âm nhạc cho con người trong xã hội là một điều không thể thiếu trong thời đại ngày nay.

Giáo dục âm nhạc đã trở thành nhân tố tích cực, góp phần thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Việc đào tạo nguồn nhân lực phát triển toàn diện, có thẩm mĩ đúng trong thưởng thức văn hóa nghệ thuật là rất cần thiết.

Trong xu thế đa dạng hóa các loại hình đào tạo âm nhạc nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhiều Trung tâm âm nhạc được mở ra trên toàn quốc, trong đó có Trung tâm âm nhạc Yamaha Hà Nội (Yamaha music school Ha Noi). Tính đến thời điểm này có rất nhiều Trung tâm ở Hà Nội như:Music Magic (77 Hào Nam, Hà Nội), trung tâm âm nhạc Sol art (số 25, ngõ 19, Liễu Giai, Hà Nội), Kid music (12K ngõ 190 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Musicland (166 - 168 Hào Nam Đống Đa, Hà Nội). Song ưu thế nổi bật của Trung tâm âm nhạc Yamaha Hà Nội là bề dày kinh nghiệm cùng uy tín đào tạo trong nhiều năm, nơi đây vẫn là địa chỉ tin tưởng cho các gia đình muốn con em mình làm quen với cây đàn piano.

Trung tâm Âm nhạc Yamaha Hà Nội trực thuộc công ty Sao Việt, bắt nguồn từ Tập đoàn Yamaha Nhật Bản với kinh nghiệm đã tạo được niềm tin trong lòng các bậc phụ huynh. Trung tâm thường xuyên mở các lớp dạy đàn piano, đàn phím điện tử, guitar … cho các em học sinh từ 4 tuổi trở lên. Ở đây chủ yếu đào tạo đàn piano, cơ cấu tổ chức chính là các lớp học tập thể với giáo trình đã được biên soạn chi tiết và có hệ thống phù hợp với các độ tuổi học sinh từ nhỏ đến lớn. Song song với lớp tập thể, lớp học được tổ chức dưới hình thức cá nhân một thày một trò,.

Với nhiều năm hoạt động, Trung tâm âm nhạc Yamaha Hà Nội là nơi phát hiện năng khiếu cho các em, hướng các em tới con đường âm nhạc chuyên nghiệp và đã gặt hái được rất nhiều thành công, nhiều học sinh tham gia các cuộc thi của thành phố đã giành được những giải thưởng cao; đồng thời Trung tâm cũng đã tạo cho các em môi trường âm nhạc tốt, định hình thẩm mĩ âm nhạc đúng đắn, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

Yamaha có hai mô hình dạy đó là tập thể và cá nhân. Với lớp tập thể giáo trình được sử dụng thống nhất, các giáo viên được đào tạo bài bản từ những chuyên gia Nhật Bản hay các giáo viên giàu kinh nghiệm.  Về phần lớp cá nhân thường sử dụng giáo trình mở, nghĩa là giáo viên hoàn toàn tự lên kế hoạch giảng dạy và xây dựng bài giảng riêng cho từng đối tượng học trò. Phương pháp này đã được Trung tâm yamaha áp dụng trong một thời gian dài.

 

Lớp piano tập thể tạiTrung tâm Âm nhạc Yamaha Hà Nội (Nguồn: st)

 

Tuy nhiên trước nhu cầu đổi mới và phát triển về văn hóa, xã hội của Thủ đô, chúng ta phải luôn luôn cập nhập để bắt nhịp với thời đại, đặc biệt là không ngừng học hỏi để hoàn thiện hơn. Với nền tảng sẵn có, Trung tâm Yamaha đang có một lợi thế rất lớn so với các trung tâm non trẻ mới thành lập. Vậy làm sao để nơi đây ngày càng phát triển, các học sinh sẽ luôn gắn bó với ngôi nhà Trung tâm âm nhạc Yamaha Hà Nội? Là giáo viên trực tiếp giảng dạy tại đây, tác giả luôn trăn trở và mong muốn nêu lên những mặt còn tồn tại đối với các lớp học cá nhân. Từ đó tập trung nghiên cứu để đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện chương trình giảng dạy và phương pháp học tập cho học sinh một cách tốt nhất, góp phần cải thiện cũng như phát huy được khả năng chơi đàn và thúc đẩy năng khiếu âm nhạc trong mỗi học sinh.

Mặc dù trong thời gian qua, các giáo viên đã cố gắng tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học nhưng không tránh khỏi những hạn chế nhất định do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân khách quan là học sinh không qua tuyển chọn nên có hạn chế và không đồng đều về năng khiếu âm nhạc. Bên cạnh đó, vì là môn học piano ngoại khóa, nên nhiều phụ huynh coi nhẹ, chưa nhắc nhở con em việc luyện tập, học sinh thụ động, không ý thức học nghiêm túc. Với giáo viên lớp cá nhân, họ chưa được đào tạo phương pháp giảng dạy, thiếu sự giao lưu học hỏi, thời gian chủ yếu là những giờ dạy nên cũng chưa có sự liên hệ chặt chẽ với cơ sở đào tạo nên còn ít gắn bó, trách nhiệm với những hoạt động tập thể của Trung Tâm.

Qua việc tìm hiểu và thực tế giảng dạy bộ môn piano tại Trung tâm, chúng tôi muốn đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm củng cố và nâng cao năng lực cho giáo viên và học sinh tại Trung tâm âm nhạc Yamaha Hà Nội.

Một là, trong quá trình dạy học, giáo viên cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau

Giáo viên nên sử dụng các bài học hòa tấu. Đây chính là bài học về sự kết nối âm nhạc. Lớp học một thầy một trò luôn mang lại hiệu quả rất lớn trong việc tỉ mỉ sửa từng lỗi nhỏ, từng ngón tay, từng nét nhạc. Bạn có thể chơi một tác phẩm độc tấu hoàn hảo nhưng khi kết hợp với các nhạc cụ khác hay hòa tấu với một bạn diễn chưa chắc bạn đã là một nhạc công lý tưởng. Khi chơi nhạc, ngoài những lúc độc tấu trên cây piano, chắc chắn sẽ có lúc piano kết hợp với các nhạc cụ khác như violon, guitar, flute hay kết hợp đệm hát ca khúc ... Đây cũng là những kỹ năng vô cùng quan trọng mang tính thực tiễn mà các bạn học sinh cần rèn luyện và bổ sung ngay trong bước đầu làm quen với cây đàn piano. Nhiều vấn đề về nhịp phách, kỹ thuật, cách nghe và sự hòa hợp trong âm nhạc chỉ khi chơi hòa tấu ta mới có thể cảm nhận rõ được.  Việc bổ sung thêm các bài học hòa tấu, đơn giản nhất là các bản nhạc piano bốn tay giữa thầy và trò dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Hay đúng hơn việc củng cố khả năng hoạt động và kết hợp nhóm khi học piano thông qua việc chơi các bản nhạc hòa tấu vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Hai là, đề xuất bổ sung phần đệm hát trên đàn piano đưa vào giáo trình dạy học trong các lớp học cá nhân.  Một phần kiến thức rất quan trọng mà giáo viên cần kết hợp giảng dạy đó là phần hòa thanh. Thông qua các bài tập đàn, luyện gam đồng thời giới thiệu cho học sinh về điệu thức (giọng) trong tác phẩm mình chơi, hướng dẫn các xác định điệu (chủ âm và tính chất trưởng - thứ).

Bên cạnh hòa thanh thì lịch sử âm nhạc cũng rất quan trọng. Mỗi tác phẩm luôn gắn liền với đặc điểm và phong cách âm nhạc riêng của mỗi tác giả. Từ đó tạo nên những nét tiêu biểu cho âm nhạc từng thời kỳ ứng với những giai đoạn lịch sử khác nhau. Khi hiểu được lịch sử âm nhạc, người chơi đàn sẽ hiểu hơn về tác phẩm, tác giả từ đó biểu đạt cảm xúc và xử lý tác phẩm cho chính xác với nội dung âm nhạc muốn truyền tải. Ngoài các bài học hòa tấu, hướng dẫn đệm hát cho buổi học tạo sự vui vẻ hứng khởi cho học sinh, các kiến thức khác như lý thuyết âm nhạc, luyện gam, etude, đổi mới kiểm tra đánh giá, hướng dẫn học sinh học ở nhà, tổ chức cho các em biểu diễn thường xuyên vẫn cần được chú trọng.

Ba là, về giáo trình: Yamaha cần bổ sung thêm tài liệu bằng cách xây dựng thư viện mở đó là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy. Đây là nơi các giáo viên học sinh và trung tâm cùng nhau xây dựng tủ sách chung - nơi chia sẻ những tài liệu dạy học, những bản nhạc hay cho tất cả mọi người, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm và xây dựng những giờ học cá nhân bổ ích của thầy và trò.

Chương trình học nên phong phú với nhiều thể loại. Giáo viên cần có nhiều lựa chọn bài phù hợp cho các em. Bên cạnh đó, Yamaha là trung tâm âm nhạc bắt nguồn từ Nhật Bản vì thế giáo trình là do người Nhật soạn nên hầu như không có bài tác phẩm Việt Nam. Chính vì vậy, để tăng thêm tình yêu quê hương dân tộc, hiểu rõ hơn về giá trị âm nhạc dân gian giáo viên nên lựa chọn những tác phẩm Việt Nam gần gũi, quen thuộc để giới thiệu cho các em biết tới âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.

Như vậy, với những giải pháp cụ thể được nêu ở trên, hi vọng sẽ giúp cho việc học bộ môn piano của các em học sinh ở Trung tâm âm nhạc Yamaha Hà Nội sẽ ngày càng nâng cao trình độ tay đàn, cảm nhận về âm nhạc tốt hơn, cải thiện được việc tự vỡ bài, tự đệm một bài hát yêu thích….

Để làm được điều này bên cạnh việc giáo viên có sự đổi mới về phương pháp dạy học thì mỗi cá nhân học sinh cần phải có sự nỗ lực của bản thân, cần sự động viên, khích lệ của phụ huynh trong việc học tập trên lớp và ở nhà của các em học sinh.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.      Nguyễn Minh Anh (2008), Sự phát triển nghệ thuật piano Việt Nam, Luận án tiến sĩ Nghệ thuật học, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

2.      Trần Thu Hà (chủ biên), Nguyễn Phúc Linh, Ngô Văn Thành, Đỗ Xuân Tùng (2001), Những tiêu chí xác định năng khiếu âm nhạc để tuyển chọn học sinh cho các cơ sở đào tạo âm nhạc trên phạm vi toàn quốc, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ.

3.      Nguyễn Quốc Hưng (2002), Vai trò của thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu Nghệ thuật trong giáo dục con người hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Triết học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

4.      Nguyễn Bích Vân (2010), Rèn luyện bản lĩnh biểu diễn cho học sinh, sinh viên nhạc cụ cổ điển Phương Tây, Luận án Tiến sĩ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

5.      Yamaha Music Foudation (1991), Piano lesson 1, 2, 3, 4

 

 

______________________________

[*] Lớp Cao học K3 – Chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc