Nghiên cứu lý luận

Di tích đình Thị Cấm, phường Xuân Phương thành phố Hà Nội

08 Tháng Sáu 2016

Nguyễn Thu Hà [*]

 

Di tích lịch sử văn hóa là nơi bảo lưu những giá trị truyền thống của quá khứ, là tấm gương phản chiếu lịch sử dân tộc. Mỗi di tích lịch sử văn hóa không chỉ chứa đựng những giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật mà còn có thể là chiếc chìa khóa giúp người đời sau đọc được thông điệp văn hóa và các tư tưởng thẩm mỹ của thời trước. Trải qua bao biến cố như thiên tai, địch họa, nền kinh tế khó khăn, hệ thống đình, đền, miếu, chùa,... trải qua bao thăng trầm, đã từng bị hư hại, phá bỏ nhưng cũng có nhiều di tích được lưu giữ.

Đình làng là một kiểu kiến trúc công cộng rất đặc sắc, là một trong những biểu tượng nổi bật nhất của làng xã người Việt. Mỗi làng đều có một ngôi đình để thờ đức thành hoàng, phúc thần, đồng thời đây cũng là nơi hội họp việc làng về hành chính, xã hội, tôn giáo. Nhiều ngôi đình đã đi vào lịch sử khi “tham dự” vào các sự kiện lớn, như đình Tân Trào, đình Hồng Thái, đình Đình Bảng, đình Phú Cường, đình Chí Hòa, đình Bình Hòa, đình Bình Đông, đình Bình Trị Đông, đình Tân Thông Hội, đình Mỹ Trà… Và gần như tất cả đình làng trên cả nước đã trở thành điểm xuất phát, hội họp của các lực lượng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đưa đất nước thoát khỏi bóng đêm nô lệ, giành lấy ánh sáng độc lập tự do.

Ngày 27/12/2013, Chính phủ đã đồng ý thành lập quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm trên cơ sở tách từ huyện Từ Liêm. Xã Xuân Phương tách thành hai phường: Xuân Phương và Phương Canh, thuộc quận Nam Từ Liêm.Phường Xuân Phương được thành lập theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 02 quận và 23 phường thuộc Thành phố Hà Nội.

Xuân Phương có nhiều đường giao thông quan trọng chạy qua. Đường quốc lộ 32 chạy từ Hà Nội lên Sơn Tây, ngang qua xã theo hướng đông- tây nối với thủ đô và khu vực trung du Tây Bắc đất nước. Đường tỉnh lộ 70 chạy từ Hà Đông lên thị trấn Nhổn qua phường Xuân Phương theo hướng bắc- nam. Về đường thủy, con sông Nhuệ chạy men phía đông của phường, ngược lên phía bắc ra sông Hồng, xuôi về hạ lưu hướng xuống thị xã Hà Đông và về tận cầu Rẽ. Nằm ở vị trí địa lý tự nhiên khá thuận lợi như vậy, Xuân Phương có nhiều điều kiện để giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa với nhiều vùng miền khác nhau.

Trong lịch sử tồn tại lâu dài, đình Thị Cấm thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội là một dạng kiến trúc độc đáo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư làng xã truyền thống. Đình thờ tướng quân Phan Tây Nhạc thời Vua Hùng thứ 18. Tương truyền, khi quân nhà Thục kéo sang xâm lược nước ta, khi đó, tướng quân được giao thống lĩnh quân binh dẹp giặc. Thời gian quân sĩ lưu lại tại thôn Thị Cấm, vợ chồng tướng quân Phan Tây Nhạc và Hoa Dung không chỉ hướng dẫn cho bà con địa phương biết cách trồng trọt, cấy lúa, chăn nuôi, mà tướng quân còn mở cuộc thi kéo lửa thổi cơm để chọn người nuôi quân giỏi, tuyển vào phục vụ quân ngũ. Sau khi vợ chồng tướng quân mất, người dân trong thôn Thị Cấm đã xây đình, lập bàn thờ và tôn thờ tướng quân là vị Thành Hoàng làng. Đình Thị Cấm có niên đại ra đời sớm nên những giá trị văn hóa cổ xưa được bảo tồn, là những tư liệu quý trong việc tìm hiểu truyền thống dân tộc trong buổi khởi nguồn xây dựng. Đình có kiến trúc đẹp, các kiểu thức xây dựng truyền thống và nghệ thuật điêu khắc trang trí điêu luyện được bảo tồn. Bộ sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử nghệ thuật cao. Những giá trị đó làm cho ngôi đình trở thành di tích kiến trúc - nghệ thuật quý giá của thủ đô và cả nước, Bộ Văn hóa Thông tin đã xếp hạng đình là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, ban hành kèm theo Quyết định số 1570/VH-QĐ năm 1989.

 

Hội Đình Thị Cấm (Nguồn: tác giả)

 

Đình Thị Cấm cũng nằm trong dòng phát triển của lịch sử kiến trúc đình làng Việt Nam. Là một công trình kiến trúc công cộng của làng xã, đình làng luôn đảm bảo ba chức năng cơ bản: Đình là nơi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân địa phương (thờ thành hoàng làng);  là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa chung của làng (nơi tổ chức các hoạt động lễ hội); Đình là nơi diễn ra các hoạt động hành chính của bộ máy quan lại địa phương (nơi chức dịch trong làng họp bàn công việc, nơi phạt vạ, khao vọng…).

Đình làng Thị Cấm ban đầu ở bãi Si, là khu đất giữa làng, sau này được chuyển về chỗ hiện nay là một khu đất rộng ở rìa làng. Di vật cổ còn tồn tại trong đình là sắc phong thần cho thành hoàng làng vào năm Vĩnh Thịnh thứ hai (1706). Ngoài ra ở đình còn một tấm bia đá ở ngoài hiên nhà tiền tế, bia có niên đại Cảnh Hưng nguyên niên (1740). Nội dung bia nói về việc bán đất, bán phần cửa đình thôn Thị Cấm. Dựa vào sắc phong có niên đại đầu thế kỷ 18 và bia đình có niên đại nửa đầu thế kỷ 18, có thể nghĩ rằng đình làng Thị Cấm được khởi dựng vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Tòa tiền tế của đình Thị Cấm vốn có kết cấu chịu lực bằng gỗ được dựng vào thế kỷ 19 nhưng ngày nay người ta cũng đã hạ giải và thay thế bằng vật liệu xi măng, sắt thép vào năm 1997, tòa phương đình được dựng lại năm 1936. Tòa hậu cung đình cũng không còn những yếu tố kiến trúc ban đầu. Thay vào đó là những dấu tích của những lần trùng tu sau này. Đặc biệt trên thượng lương đình có ghi năm trùng tu 1950. Quá giang của hai bộ vì ở hậu cung ghi năm trùng tu gần đây hơn - năm 2003.

Ngôi đình Thị Cấm tọa lạc ở mảnh đất cạnh rìa làng, trên một thế đất “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”. Bên trái đình là một cái hồ, gần đó cũng có một ngòi nước khá lớn, xưa kia có tên gọi là ngòi Thị Cấm nối từ cánh đồng Trầm đến sông Nhuệ. Ngày nay, ngòi nước này đã bị lấp nhiều đoạn, song đối với đình nó còn thể hiện những yếu tố phong thủy khá sâu sắc, tạo ra sự linh ứng cho ngôi đình trong tâm thức của mọi người. Bên phải là mô đất cao chạy dọc theo hông của đình. Đình Thị Cấm quay về hướng đông, trông về phía sông Nhuệ, hướng đông gắn với mặt trời mọc, quyết định sự sống trên trái đất nhất là sau một đêm tối tăm. Ánh sáng đó được xem là đem sức sống đến cho mọi vật. Ngôi đình quay về phía đông như hứng lấy những gì tinh túy nhất của buổi sớm để truyền cho cả làng. Đình Thị Cấm nằm sát con đường Phương Canh to, đẹp nên rất dễ nhận thấy. Xung quanh đình là những ngôi nhà mới xây, hiện đại nhưng không làm lu mờ nếp nhà thấp của ngôi đình. Phía sau, trong khuôn viên của đình là cây đa già trăm tuổi cao lừng lững như che chở, làm chỗ dựa cho ngôi đình.

Đình Thị Cấm mặc dù mang dấu tích của nhiều lần thay đổi kiến trúc, các yếu tố gốc ban đầu không còn nhiều. Tuy nhiên với những gì hiện còn vẫn nói lên được giá trị của ngôi đình trong đời sống văn hóa của cư dân địa phương. Năm 1989, đình Thị Cấm được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia bởi những giá trị nổi bật của nó.Thôn Thị Cấm, phường Xuân Phương và thôn Hòe Thị, phường Phương Canh đều có di tích và lễ hội thờ thành hoàng Phan Tây Nhạc và các bà vợ của ông.

Đình Thị Cấm hiện nay là một công trình văn hóa tín ngưỡng của người dân nơi đây nói riêng và cả nước nói chung. Ngôi đình đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính ban đầu. Nhưng để giữ gìn cũng như phát huy được những giá trị đó là một quá trình khó khăn, lâu dài.Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích hiện có, vẫn còn một số hạn chế cần được cơ quan quản lý di tích điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của xã hội và định hướng của Nhà nước. Vấn đề đặt ra là làm sao để có thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình Thị Cấm góp phần vào việc xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thì công tác quản lý tại đình Thị Cấm vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục trong tương lai. Cần áp dụng các biện pháp một cách đồng bộ, thực hiện số giải pháp sau bao gồm:

Thứ nhất, Nâng cao năng lực và cơ chế phối hợp quản lý di tích. Tăng cường vai trò quản lý nhà nướclà một trong những nhân tố quan trọng nhất của những thành tựu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý di tích. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Thực hiện phân cấp quản lý di tích,Bộ chỉ nên quản lý ở góc độ đưa ra các tiêu chí văn hóa, và kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện. Và việc phân cấp cần toàn diện, có thể đa dạng các cấp quản lý song theo nguyên tắc nhất định;

Thứ hai, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tổ chức không gian, cảnh quan di tích, tăng cường quản lý di vật, cổ vật của đình, bảo quản định kỳ. Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và tổ chức các lễ hội.

Thứ ba, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng. Chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ những giá trị văn hoá, lịch sử của di tích, trân trọng và tích cực chủ động phát huy các giá trị đó trong đời sống cộng đồng hiện nay.

Thứ tư, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý di tích,

Thứ năm, đề cao vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, việc giáo dục và nâng cao ý thức không phải là áp đặt mà cần được truyền tải dần, có như vậy mới có hiệu quả.

Thứ sáu, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Trong những năm qua hoạt động quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích đình Thị Cấm đi liền với thành tựu thì vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhất là quá trình phát triển kinh tế đòi hỏi phải gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa không phải lúc nào cũng tương đồng với nhau. Đây là vấn đề lớn đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặt ra trong việc cân bằng giữa hai yếu tố bảo tồn và phát triển.

Di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận Nam Từ Liêm là một bộ phận quan trọng của di sản văn hoá dân tộc, trong mỗi di tích chứa đựng phong phú những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Đó là những giá trị vô giá gắn liền với lịch sử oai hùng, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Việc quản lý nhằm giữ gìn những di sản văn hoá đó cho hôm nay và mai sau thể hiện sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân. Đó cũng là thể hiện cụ thể lòng yêu nước của thế hệ hôm nay bằng ý thức giữ gìn, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, lấy đó làm cội nguồn để phát huy trong quá trình xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.    Bộ Văn hoá - Thông tin (1989), Về xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 1570/VH-QĐ năm 1989.

2.    Bộ Văn hóa - Thông tin (2003), Về ban hành Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi DTLS -VH, danh lam thắng cảnh kèm theo Quyết định số 05/2003/ QĐ - BVHTT ngày 06/02/2003.

3.    Chính phủ (2012), Về quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh kèm theo Nghị định số 70/NĐ- CP ngày 18/9/2012.

4.    Chính phủ (2013), Về việc Quận Nam Từ Liêm được thành lập, thành lập Phường Xuân Phương ban hành kèm theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27/12/2013.

5.    Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (2001),Về tăng cường bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố kèm theo Chỉ thị số 09/CT-CT, ngày 28/8/2001.

6.    Trịnh Minh Đức, Phạm Thu Hương (2007), Bảo tồn di tích lịch sử văn hoá, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

7.    Hồ Chủ Tịch (1945), Về quản lý di sản văn hóa bàn hành kèm Sắc lệnh số 65 - SL ngày 23/11/1945.

8.    Luật Di sản văn hóa (2009), Về năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

9.    Phường Xuân Phương, http://namtuliem.hanoi.gov.vn/phuong-xuan-phuong.

10.  Đỗ Thỉnh (1995), Di tích và văn vật vùng ven Thăng Long, Nxb Hội Văn học, Hà Nội.

11.  Đặng HYPERLINK "http://dlib.huc.edu.vn/browse?type=author&value=%C4%90%E1%BA%B7ng%2C+Th%E1%BB%8B+Kim+Thoa"Thị Kim Thoa (2010),Quản lý di tích lịch sử văn hóa ở huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ quản lý Văn hóa, trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

12.  UBND quận Nam Từ Liêm, http://namtuliem.hanoi.gov.vn.

13.  Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (2010),Bộ Bách khoa thư Hà Nội tập số 15, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

 

______________________________

[*] Lớp Cao học K2 – Chuyên ngành Quản lí văn hóa