Nghiên cứu lý luận

Một sô biện pháp truyền dạy chèo Tầu và hát Dô cho học sinh các trường tiểu học An khánh - Hoài Đức - Hà Nội

08 Tháng Sáu 2016

Nguyễn Thị Chang [*]

 

Chèo Tầu và hát Dô là hai loại dân ca cổ truyền độc đáo trong kho tàng nghệ thuật dân gian, đồng thời là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của xã Tân Hội và xã Liệp Tuyết. Đây là những loại hình dân ca đã và đang được khôi phục và phát triển, rất đáng để các thế hệ trẻ tiếp thu, tìm hiểu và gìn giữ.

Ngày nay, nước ta đang trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Bên cạnh những cơ hội, không ít những thách thức đặt ra, đặc biệt là nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc.

Trước tình hình này, không ít câu hỏi được đặt ra: làm thế nào để các thế hệ tương lai giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc trong khi xã hội đang tràn lan các nền văn hóa ngoại lai? Những làn điệu dân ca địa phương có thể sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng giới trẻ về với cội nguồn, với những bản sắc văn hóa quý báu của dân tộc.

            Bên cạnh đó, các trường tiểu học An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội là hai trong số các trường có số lượng học sinh đông nhất trên địa bàn huyện. Đặc biệt là nơi có truyền thống yêu thích ca hát và thường xuyên tổ chức những chương trình văn hóa, văn nghệ có ý nghĩa. Những thuận lợi đó là cơ sở để các trường tiểu học này tiếp nhận nghệ thuật Chèo Tầu và hát Dô.

Mục đích của việc nghiên cứu là để tìm ra những biện pháp phù hợp, truyền dạy hiệu quả một số làn điệu Chèo Tầu và hát Dô cho học sinh các trường tiểu học An Khánh. Từ đó, hình thành nhận thức thẩm mĩ cho các em về dân ca cổ truyền của quê hương mình góp phần bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Truyền dạy qua phương thức truyền khẩu

Truyền dạy qua phương thức truyền khẩu đối với âm nhạc là phương thức truyền thống của ông cha ta. Hầu hết các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian đều sử dụng phương thức này. Thí dụ: nghệ thuật Chèo, Cải lương, Đờn ca tài tử, hát ru, Chèo Tầu, hát Dô…

Đây là phương thức thường được sử dụng nhất để lưu truyền các điệu hát dân ca từ đời này sang đời khác. Cách thức của truyền miệng hết sức đơn giản là người này hát, người kia hát lại theo và cứ như vậy người này hát bắt chước người kia và truyền cho nhau một cách hết sức tự nhiên, không ghi chép lại. Chính vì thế, âm nhạc dân gian thường tồn tại nhiều dị bản.

Với phương thức này, có thể nhận thấy rõ ưu điểm là người học có thể trực tiếp được nghe và nhắc lại. Người dạy có thể truyền khẩu từng câu ngắn để người học dễ tiếp thu nhất.

Tuy nhiên, cũng có một số nhược điểm của cách dạy này như: người được truyền dạy học một cách thụ động. Người học có thể hát theo cảm xúc và khả năng âm nhạc của bản thân, từ đó lại có thêm những dị bản mới…

Truyền dạy qua các phương tiện băng, đĩa nhạc

Đây là những phương tiện hiện đại, gắn liền với sự phát triển của công nghệ thông tin, bao gồm: tivi, đài radio, máy vi tính, máy chiếu, đàn organ điện tử…

Dạy học bằng các phương tiện nghe nhìn rất phổ biến hiện nay. Khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cuộc sống con người được nâng cao thì sự tiếp nhận văn hóa ngày càng trở nên thuận lợi và dễ dàng. Đặc biệt là đối với trẻ, nghe nhạc qua băng, đĩa nhạc hoặc xem và nghe trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và gần gũi. Đây có thể nói là phương thức dạy học phù hợp và hiệu quả để gây hứng thú cho học sinh.

Đối với dạy hát nói chung và dạy các làn điệu dân ca nói riêng, các phương tiện như đài đĩa, máy chiếu trước hết là làm cho giáo viên bớt mệt nhọc; tiếp đó, học sinh được nghe và xem một cách rõ ràng, cụ thể bài hát sẽ học.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đã nói trên, giáo viên cũng không nên quá lạm dụng các phương tiện nghe nhìn hiện đại, lâu dần sẽ làm giáo viên phụ thuộc vào nó, không chủ động trong việc dạy và học. Khi thiếu phương tiện nghe nhìn để dạy học, giáo viên sẽ lúng túng và không có sáng tạo trong các hoạt động dạy.

Truyền dạy qua thực tế tham quan các Câu lạc bộ Hát Chèo Tầu và Hát Dô

Truyền dạy qua việc trực tiếp tham quan các câu lạc bộ Chèo Tầu và hát Dô là phương thức học tập trực quan rất quan trọng. Nếu có thể thực hiện, đây là một trong những phương pháp thúc đẩy tinh thần học tập của học sinh rất lớn.

Khác với những phương pháp truyền dạy khác, học tập thực tế mang lại cho học sinh sự hào hứng, thích thú đặc biệt. Các em không cần ngồi trong lớp với không gian vận động giới hạn như ngày thường nữa mà được di chuyển đến những nơi khác lạ để học tập. Đó là niềm vui thích của mọi thế hệ học trò khi có dịp được đi tham quan, học tập thực tế.

Đối với hai thể loại dân ca cổ truyền mà chúng tôi đang đề cập đến, thông qua những buổi học tập thực tế tại địa phương, các em thấy được sự thu hút của Chèo Tầu và hát Dô đối với các bạn, các anh chị tại nơi đó như thế nào.

Một số phương thức dạy học khác và cách phối hợp các phương thức dạy học

Không có phương thức dạy học nào toàn năng phù hợp với mọi mục tiêu và nội dung dạy học, trong chúng đều có những ưu điểm, nhược điểm và giới hạn sử dụng riêng. Vì vậy việc phối hợp đa dạng các phương thức dạy học trong một tiết học hay trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng cần áp dụng nhằm phát huy tính tích cực cũng như nâng cao chất lượng dạy học.

Có một số phương pháp dạy học vừa nêu, đó là:

- Phương pháp thuyết trình

- Phương pháp làm việc theo nhóm

- Phương pháp đóng vai

- Phương pháp học theo dự án…

Trong thực tiễn dạy học âm nhạc ở nhiều trường Tiểu học, nhiều giáo viên đã cải tiến bài lên lớp theo hướng kết hợp thuyết trình của giáo viên với hình thức làm việc nhóm của học sinh, góp phần tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh. Hình thức làm việc nhóm rất đa dạng, không chỉ giới hạn ở việc giải quyết các nhiệm vụ học tập nhỏ xen kẽ trong bài thuyết trình, mà còn có những hình thức làm việc nhóm giải quyết những nhiệm vụ phức hợp, có thể chiếm một hoặc nhiều tiết học.

Muốn truyền dạy có hiệu quả cũng cần có phần thực nghiệm truyền dạy với các bước như sau:

Xác định mục đích của thực nghiệm truyền dạy

Thực nghiệm truyền dạy nhằm kiểm nghiệm lại những nhận định khoa học của luận văn về tất cả những vấn đề liên quan đến hướng nghiên cứu của đề tài như: cơ sở lý luận, thực trạng các trường tiểu học An Khánh, những công việc chuẩn bị, đề xuất các phương thức truyền dạy…

Nhằm rèn luyện khả năng trải nghiệm thực tế truyền dạy của giáo viên khi đưa một nội dung dạy mới vào chương trình.

Nhằm thu thập những thông tin phản hồi một cách chính xác về kết quả thực nghiệm. Qua đó, chúng tôi có thể có những nhìn nhận khách quan về vấn đề, xem xét để kịp thời điều chỉnh. Đồng thời, đánh giá được những ưu điểm, khuyết điểm, thuận lợi, khó khăn hoặc những phát sinh để khắc phục khi chính thức đưa Chèo Tầu và hát Dô vào truyền dạy.

Tóm lại, thực nghiệm với kết quả của các tiết dạy chứng minh cho việc đưa Chèo Tầu, hát Dô vào truyền dạy cho học sinh các trường tiểu học An Khánh là hợp lý và đúng đắn.

Xác định yêu cầu của thực nghiệm truyền dạy

            Lựa chọn đúng những làn điệu Chèo Tầu, hát Dô được nghiên cứu trong luận văn cần thiết và hợp lý để đưa vào thực nghiệm.

Lựa chọn đúng đối tượng cần thực nghiệm. Chúng tôi lựa chọn hai lớp ở khối 3 để tiến hành thực nghiệm.

Lựa chọn đúng không gian để thực nghiệm. Đó là tại phòng học âm nhạc của các em hàng ngày.

Nội dung thực nghiệm: Truyền dạy cho học sinh làn điệu Cổ kiêu ba ngấn trong Chèo Tầu cho học sinh lớp 5 và làn điệu Hát điệu hát Dô trong hát Dô cho học sinh lớp 4.

Tiến hành thực nghiệm bao gồm các bước cụ thể khi dạy một tiết dạy hát cho học sinh tiểu học.

Kết quả thực nghiệm thông qua phiếu điều tra thực nghiệm để nắm được tinh thần của học sinh qua những tiết học hát Chèo Tầu và hát Dô.

Qua kết quả thu được từ việc nghiên cứu về lý luận, thực tế cũng như các tiết thực nghiệm trên cho thấy, việc đưa Chèo Tầu, hát Dô vào truyền dạy cho học sinh các trường tiểu học An Khánh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương này. Có thể nói, đây là phương hướng đúng đắn và nên thực hiện để đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của địa phương và dân tộc.

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.   Dương Anh Đức (2014), Xây dựng chương trình hoạt động âm nhạc ngoại khóa tại một số trường Trung học cơ sở của quận Đống Đa - TP Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

2.   Đặng Thị Hạnh (2008), Bảo tồn, phát huy diễn xướng dân gian hát Dô. Xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, Luận văn Thạc sĩ văn hóa học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

3.   Hà Thị Hoa (2010), Đôi điều suy nghĩ về âm nhạc cổ truyền trong đào tạo hiện nay, Tham luận hội thảo Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống, Webside Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

4.   Hà Thị Hoa (2012), Nhập môn âm nhạc cổ truyền, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

5.   Phạm Lê Hòa (2007), Âm nhạc cổ truyền trong sự phát triển cùng thời đại, Webside Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

6.      Phạm Lê Hòa (2010), Âm nhạc cổ truyền trong bối cảnh toàn cầu hóa, Viện Âm nhạc.

7.      Nguyễn Đăng Hòe và Trần Bảo Hưng (1978), Hát Dô - Hát Chèo Tầu, Ty văn hóa thông tin Hà Sơn Bình.

8.      Trần Vĩnh Khương (2014), Tìm hiểu về nghệ thuật diễn xướng Chèo Tầu ở Tân Hội - Đan Phượng - Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

9.     Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa.

10.   Nguyễn Thụy Loan (2006), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb ĐHSP, TP Hà Nội.

11.   Dương Kiều Minh (2011), Văn nghệ dân gian Hà Tây, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

12.   Ngô Thị Nam (1994), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc tập 1, tập 2, Nxb Hà Nội.

13.   Cao Thị Bình Nguyên (2014), Triển khai đề án “Hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở” ở huyện Phúc Thọ - TP Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

14.  Vũ Thị Thùy Nhung (2013), Nghệ thuật âm nhạc trong hát Dô, Khóa luận tốt nghiệp Học viện âm nhạc Quốc gia.

15.   Phan Thị Nhung (2014), Dạy học dân ca trong các trường Mầm non thuộc phường Kim Liên - Đống Đa - Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

16.   Nguyễn Hữu Thu (1977), Diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu in trong Hội nghị khoa học chuyên đề: Mối quan hệ giữa diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu, Viện Nghệ thuật - Bộ văn hóa.

17.   Trần Hoàng Tiến (2009), Diễn xướng dân ca - Phương thức trao truyền dân gian trong bối cảnh hiện nay, Webside trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

18.   Phạm Trọng Toàn (2012), “Nguồn gốc của hát Chèo Tầu”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (số 334), trang 90.

19.   Nguyễn Trường Trung (2014), Đưa diễn xướng hát Dô vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc trường THCS Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

 

______________________________

[*] Lớp Cao học K4 – Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc