Tuyển sinh sau đại học

Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ của hai học viên Phùng Hoàng Việt và Đào Văn Thực

25 Tháng Bảy 2016

 

                                                                                                                        BBT

 

 

Nhằm đánh giá kết quả học tập và nghiên cứu của học viên, chiều ngày 24/7/2016, Khoa Sau Đại học đã tổ chức Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ cho 02 học viên Phùng Hoàng Việt  và Đào Văn Thực thuộc khóa III chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.

 

Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ của học viên Đào Văn Thực

 

Buổi bảo vệ luận văn được điều hành bởi Chủ tịch Hội đồng GS.TSKH. Phạm Lê Hòa cùng với sự tham gia của 05 thành viên khác, gồm có: GS.TS. Tô Ngọc Thanh; PGS.TS. Phạm Trọng Toàn; PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai; TS. Nguyễn Bích Vân; TS. Đỗ Thị Minh Chính trong vai trò là Phản biện 1, Phản biện 2, Ủy viên và Thư kí tại 02 Hội đồng chấm luận văn.

 

Học viên Phùng Hoàng VIệt trình bày đề tài “Xây dựng chương trình dạy ĐPĐT tại TTUD&PT Nghệ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW”

 

            Là chuyên viên của Trung tâm Ứng dụng và Phát triển Nghệ thuật (TTUD&PT Nghệ thuật) Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, học viên Phùng Hoàng Việt mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học đàn phím điện tử (ĐPĐT) của lớp năng khiếu tại Trung tậm nhằm phát huy hiệu quả khả năng tiếp thu và cảm nhận âm nhạc cho người học. Bởi vậy, nghiên cứu đề tài “Xây dựng chương trình dạy ĐPĐT tại TTUD&PT Nghệ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW” do TS. Đỗ Thị Minh Chính hướng dẫn, học viên đã xây dựng những biện pháp mới về đệm hát với các dạng tiết tấu khác nhau và hướng dẫn một số ca khúc trong chương trình mầm non; tiểu học; THCS nhằm rèn kỹ năng sử dụng ĐPĐT cho người học. Để kiểm chứng tính khả thi của những giả thuyết khoa học mà đề tài đề xuất, người thực hiện đề tài đã tiến hành thực nghiệm sư phạm với một số lớp học ĐPĐT tại TTUD&PT Nghệ thuật. Sau thời gian thực nghiệm, kết quả cụ thể như sau: Giáo viên có thể thực hiện những biện pháp mà đề tài nêu ra trong quá trình giảng dạy, có định hướng để nâng cao hiệu quả việc dạy ĐPĐT; với người học được trang bị kiến thức bài bản và khoa học nên hứng thú với môn học, kích thích tối đa khả năng tiếp thu, sáng tạo. Kết quả thực nghiệm đã chứng minh tính khả thi của đề tài khi áp dụng vào thực tế nâng cao chất lượng giảng dạy ĐPĐT tại TTUD&PT Nghệ thuật Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

 

Học viên Đào Văn Thực  trả lời câu hỏi của các nhà khoa học trong Hội đồng

 

            Hát Trống quân là một thể loại dân ca giao duyên khá phổ biến ở các làng quê vùng trung du và châu thổ sông Hồng, trong đó phải kể đến hát Trống quân ở xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.  Sự lai căng và du nhập của nhiều nền văn hóa khiến hát Trống quân Khánh Hà đứng trước nguy cơ bị mai một, học viên Đào Văn Thực đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Dạy hát Trống quân ở Trường THCS Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Phạm Trọng Toàn. Để khẳng định tính khả thi trong thực tế khi áp dụng các biện pháp: đưa hát Trống quân vào giờ học chính khóa lớp 9 và chương trình biểu diễn văn nghệ ngoại khóa, người thực hiện đề tài đã tiến hành thực nghiệm sư phạm với học sinh lớp 9A Trường THCS Khánh Hà. Sau thực nghiệm, học viên thu được kết quả học tập: 87% thuộc bài nhanh; 80% biết hát luyến láy; 90% hứng thú học hát. Như vậy có thể thấy, việc đưa hát Trống quân vào dạy học ở Trường THCS Khánh Hà có ý nghĩa vừa góp phần bảo tồn, phát huy thể loại dân ca đặc sắc ở mảnh đất Khánh Hà; đồng thời có những tác động tích cực đến hứng thú học tập của học sinh cũng như thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo phương pháp giảng dạy mới đối với giáo viên.

 

Sau phần trình bày chi tiết của học viên, Hội đồng lần lượt đưa ra nhận xét về luận văn và đặt câu hỏi cho học viên. Nhìn chung, hai luận văn có hình thức và nội dung phù hợp với mã số đào tạo chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc; tên đề tài phù hợp với nội dung nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu khoa học; đề tài của hai luận văn có ý nghĩa thực tiễn cao; kết quả thực nghiệm đáng tin cậy; có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho cơ sở đào tạo âm nhạc và các đề tài có liên quan. Bên cạnh đó, hai luận văn vẫn còn một số hạn chế trong cách hành văn, câu chữ; thiếu trích dẫn nguồn sưu tầm; một số thông tin so sánh giữa đối tượng nghiên cứu và đối tượng khác thiếu chính xác; tỉ lệ giữa các chương chưa cân đối; lỗi chính tả.

Qua quá trình làm việc nghiêm túc, Hội đồng nhất trí xếp loại luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc của học viên Phùng Hoàng Việt đạt loại Giỏi và Đào Văn Thực đạt loại Xuất sắc.