Nghiên cứu lý luận

Quản lý khu di tích trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với phát triển du lịch văn hóa của thành phố Hải Phòng

06 Tháng Chín 2016

 Phạm Thị Soạn [*]

 

Hải Phòng - thành phố cảng ở vùng Đông Bắc Việt Nam ngoài nổi tiếng với tiềm năng kinh tế cảng biển và du lịch biển đảo, còn được biết đến là vùng đất sản sinh ra danh nhân văn hóa đất Việt  - Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một bậc thầy có khả năng tiên tri, góp phần mở mang bờ cõi và đào tạo nhân tài của dân tộc. Trong đó, nơi hội tụ gắn với thân thế sự nghiệp của ông và truyền thống tôn sư trọng đạo, điểm sáng về rèn luyện nhân tài cho đất nước của các thế hệ tiền nhân chính là khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, một điểm du lịch văn hóa nổi tiếng của thành phố Hải Phòng trong những năm gần đây.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) có tên chữ là Hanh Phủ, tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ, sinh ra trong một gia đình vọng tộc tại thôn Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng). Năm 1535, ông thi đỗ Trạng nguyên và ra làm quan cho nhà Mạc, giữ chức Tả thị lang.

Năm 1542, ông dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng thần không được chấp thuận, đành treo mũ từ quan về ẩn quê nhà. Về quê ông dựng quán Trung Tân, lập am Bạch Vân làm trường dạy học, sáng tác thơ ca, lấy tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Học trò theo học rất đông. Vì thế, am Bạch Vân trở thành trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước lúc đó với rất nhiều tên tuổi lưu danh sử sách như: Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Đinh Thời Trung, Lương Hữu Khánh, Giáp Hải…

Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được coi là nhà triết học lớn của Việt Nam. Ông cũng tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là “nhà tiên tri” số một của Việt Nam với hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là “Sấm Trạng Trình”. Không giống các bậc đại nho khác, Trạng Trình còn là một ông thầy của người nông dân nông thôn bình dị Việt Nam. Trong tập “Bạch Vân quốc ngữ thi” của ông có rất nhiều bài dạy làm người, từ cách sống thanh cao, liêm khiết đến cư xử bao dung, hòa ái, hiếu thuận, nhân hậu, thủy chung trong gia đình, giữa cộng đồng làng xóm và xã hội.

Tại hai hội nghị khoa học toàn quốc về Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1985 nhân kỷ niệm 400 năm ngày mất của ông và mới đây nhất là hội thảo “Di sản văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm – Tư tưởng và khuynh hướng thẩm mỹ” do UBND thành phố Hải Phòng phối hợp Viện Văn học Việt Nam tổ chức, đều khẳng định: Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn trong lịch sử dân tộc, có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong thế kỷ 16 – “cây đại thụ”, học giả, triết gia của thế kỷ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu: công lao lớn nhất của Trạng Trình chính là khả năng tiên tri, góp phần mở mang bờ cõi và đào tạo nhân tài.

Mặc dù sống cuộc đời điền viên, vui thú cỏ cây hoa lá, ngâm thơ, vịnh cảnh cùng môn sinh nhưng lòng ông vẫn đau đáu nỗi yêu nước, thương dân. Ông mất ngày 28 tháng Giêng mùa đông năm Ất Dậu (1585) niên hiệu Diên Thành thứ 9 đời Mạc Mậu Hợp, thọ 95 tuổi. Triều đình nhà Mạc cử Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng về dự lễ viếng và thay mặt Vua truy tặng Nguyễn Bỉnh Khiêm tước Thái phó Trình Quốc công. Tháng Giêng năm Bính Tuất (1586), Vua Mạc ban cấp cho làng Trung Am 3000 quan tiền để lập đền thờ ông, có gắn biển mang hàng chữ "Mạc triều Trạng Nguyên tể tướng từ" do nhà Vua tự tay đề, đồng thời giao cho địa phương 100 mẫu ruộng thờ ông.

Như vậy, đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm trên nền đất cũ được xây dựng xưa nhất là năm 1586. Để tưởng nhớ và khắc ghi những đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm Mậu Thìn 1929 (Bảo Đại thứ 3), dân làng quanh vùng quyên góp tiền bạc, công sức tu tạo lại ngôi đền để thờ cúng và trưng bày hiện vật về thân thế, sự nghiệp của ông, tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Năm 2000, kỷ niệm 415 năm ngày mất của Trạng Trình, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã nâng cấp tạo dựng cả một vùng rộng lớn thành quần thể "Di tích danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm"

 

Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ( Nguồn: st)

 

Quần thể khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được quy hoạch trên một diện tích rộng 5,7 ha. Khu di tích gồm 9 đơn nguyên kiến trúc chính gồm: đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đền thờ thân phụ, thân mẫu; am Bạch Vân; quán Trung Tân; tháp Bút Kình Thiên; mộ phần cụ Nguyễn Văn Định (thân phụ Nguyễn Bỉnh Khiêm); quảng trường, tượng đài. Tất cả các hạng mục kiến trúc được sắp xếp hợp lý, khoa học, cảnh quan hài hoà. Năm 1991, khu di tích này đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia.

Về giá trị lịch sử, văn hóa, đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm có nguồn gốc lịch sử lâu đời, được xây dựng cách đây hơn 400 năm tại nơi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở, dạy học, tiếp kiến sứ giả của các thế lực phong kiến Mạc – Trịnh – Nguyễn đến tham vấn ông về việc quân quốc, trọng sự. Di tích được các thời đại quan tâm tu bổ, tôn tạo và bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc công trình thời Nguyễn đầu thế kỷ 20.

Về giá trị kiến trúc nghệ thuật, đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm có quy mô vừa phải, gồm 5 gian tiền tế, 2 gian hậu cung, kết cấu của bộ khung chịu lực và các bộ vì mang đặc trưng của các ngôi đền truyền thống ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Tại các vì nách, vì hiên tòa tiền tế, các nghệ nhân xưa sử dụng các thủ pháp nghệ thuật chạm nổi, chạm bong kênh tinh xảo, sáng tạo ra nhiều đề tài phong phú như: rồng mây, ngư long hí thủy, tùng – cúc – trúc – mai hóa long, vân mây, hoa lá sen, thủy ba, các con vật quen thuộc chim chích, nai… tạo nên một thế giới điêu khắc sống động. Các đề tài chạm khắc này phản ánh tư duy nông nghiệp, với ước vọng mưa thuận gió hòa, sinh sôi nảy nở. Có thể nói, các mảng chạm khắc tại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm là những tác phẩm điêu khắc đẹp, mang phong cách tiêu biểu triều Nguyễn.

Về giá trị văn hóa phi vật thể, lễ hội đền Trạng được tổ chức trong 3 ngày 27, 28, 29 tháng 11 âm lịch. Lễ hội là một hoạt động văn hoá đặc sắc, với các nghi lễ truyền thống. Đặc biệt phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: vật truyền thống, cờ tướng, múa rồng, múa tứ linh, đua thuyền, pháo đất, đu sòng, múa rối cạn, múa rối nước… mang bản sắc riêng của vùng đất Vĩnh Bảo.  

Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích được Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng rất quan tâm, đã sớm thành lập ban quản lý di tích riêng. Từ khi thành lập đến nay, Ban quản lý di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có hiệu quả tại khu di tích như: công tác khảo sát, kiểm kê di tích và di vật; hoạt động trùng tu, tôn tạo các đơn nguyên kiến trúc trong khu di tích; hoạt động phát huy giá trị thông qua hoạt động truyền thông và đón tiếp khách tham quan... Do đó, các giá trị của khu di tích này ngày càng được Ban quản lý di tích đền thờ chú trọng và phát huy tối đa trong quá trình tổ chức và quản lý, trong đó có việc đưa giá trị khu di tích đến với cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của khu di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ban quản lý di tích vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong cơ cấu tổ chức, các khâu quản lý như tu bổ, tôn tạo; phát huy giá trị; thanh tra, kiểm tra các vi phạm, cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình của khu di tích đền thờ cũng như phù hợp với sự phát triển của xã hội. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị của khu di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm phải được thực hiện một cách đồng bộ ở nhiều cấp độ, quy mô khác nhau. Quá trình tổ chức và quản lý tại khu di tích này được thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng hình ảnh về khu di tích lịch sử danh nhân kiệt xuất Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng ở hiện tại cũng như trong tương lai.

Từ thực trạng công tác quản lý khu di tích và các phương hướng, nhiệm vụ quản lý di tích lịch sử văn hóa của thành phố Hải Phòng, của Ban quản lý di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, để góp phần hiệu quả cao trong quá trình quản lý tại khu di tích này, thiết nghĩ cần phải quan tâm triển khai các giải pháp sau.

Một là nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy và việc chỉ đạo triển khai các văn bản pháp quy.

Hai là nhóm giải pháp về công tác quản lý nhằm bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt này. Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cần được tu bổ, tôn tạo một cách hoàn chỉnh về quy mô, không gian cảnh quan - với tư cách là một sản phẩm du lịch có giá trị phục vụ chiến lược phát triển ngành du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ba là nhóm giải pháp cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý; công tác quản lý nhằm gìn giữ, phát huy giá trị di tích giải quyết những mặt còn yếu kém, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại khu di tích này.

Bốn là nhóm giải pháp về việc nâng cao nhận thức, phát huy các giá trị của khu di tích trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và truyền thống văn hiến của địa phương cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; giới thiệu bản sắc và tinh hoa văn hóa của địa phương là cơ sở quan trọng để xây dựng nền văn hóa mới, nông thôn mới.

Năm là nhóm giải pháp về trùng tu, tu bổ tôn tạo, phát triển thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh.  Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cần được tu bổ, tôn tạo một cách hoàn chỉnh về quy mô, không gian cảnh quan - với tư cách là một sản phẩm du lịch có giá trị phục vụ chiến lược phát triển ngành du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH  của địa phương.

Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã mang lại cơ hội cho nhiều đối tượng tham gia, bằng đòn bẩy kinh tế du lịch thông qua khai thác thế mạnh di tích lịch sử văn hóa trên mọi miền đất nước. Trong bối cảnh hiện nay cho thấy, khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã và đang trở thành những tài nguyên du lịch đặc biệt, thu hút sự quan tâm của khách tham quan trong và ngoài thành phố Hải Phòng. Việc phát triển du lịch tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều du khách đến tham quan, lưu lại thời gian dài thì địa phương cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng đầy đủ.

Việc phát triển kinh tế du lịch dựa trên hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở huyện Vĩnh Bảo, trong đó trọng điểm là khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện vẫn ở dạng tiềm năng. Để có thể phát huy được tiềm năng ấy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan văn hoá, Ban quản lý di tích đền thờ và các công ty lữ hành du lịch trong và ngoài Vĩnh Bảo phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá du lịch nhằm bảo vệ và khai thác hiệu quả nhất đối với khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (thiết lập các tour du lịch gắn kết khu di tích đền thờ này thành một điểm tham quan trong điểm của huyện Vĩnh Bảo). Tập trung nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu của du khách và tổ chức các dịch vụ cung ứng, tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên của Ban quản lý di tích đền thờ có nghiệp vụ chuyên môn.

Ngoài ra, Ban quản lý di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và du lịch thành phố Hải Phòng cùng phối hợp với các công ty lữ hành ở thành phố Hải Phòng đưa khu di tích đền thờ này thành điểm tham quan, điểm du lịch trong các tour du lịch thành phố Hải Phòng - Vĩnh Bảo - Thanh Miện - thành phố Hải Dương... Gắn công tác quản lý với công tác phát triển dịch vụ - du lịch tại khu di tích. Khảo sát giá trị tiêu biểu của khu di tích đền thờ gửi đến các công ty du lịch để họ lựa chọn và thiết lập các tour du lịch phù hợp. Làm được như vậy, khu di tích này mới phát huy được đầy đủ các giá trị tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế - xã hội của xã Lý Học nói riêng và huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng nói chung. Những vấn đề này được thực hiện một cách bài bản, khoa học và kịp thời thì hiệu quả phát triển kinh tế thông qua du lịch sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp.

 

                                             

 

                                               Tài liệu tham khảo

1.  Ban Quản lý di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (2015), Báo cáo số 08/BC-BQL về việc Tình hình công tác 06 tháng đầu năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015, ký ngày 25 tháng 5, Vĩnh Bảo.

2.    Ban Quản lý di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (2015), Báo cáo số 10/BC-BQL về việc Đánh giá thực trạng hoạt động của Ban quản lý di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ký ngày 10 tháng 6, Vĩnh Bảo.

3.    Bảo tàng Hải Phòng (2005), Hải Phòng di tích - danh thắng xếp hạng quốc gia, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

4.    Cổng thông tin điện tử huyện Vĩnh Bảo: http://haiphong.gov.vn/

5.    Cổng thông tin điện tử Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: http://www.vietnamtourism.com/

6.    Hội đồng Lịch sử Hải Phòng (1990), Địa chí Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

7.   Lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng: http://www.dulichhaiphong.gov.vn/

8.    Ngô Đăng Lợi, Hải Phòng thành hoàng và lễ phẩm (1997), Nxb Dân trí, Hà Nội.

9.    Nguyễn Ngọc Thao (2002), Một số di sản văn hoá tiêu biểu của Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

10.  UBND xã Lý Học (2002), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những di tích, Nxb Giao Thông vận  tải, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa