Nghiên cứu lý luận

Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích chùa Lôi Âm – Hồ Yên lập ở tỉnh Quảng Ninh

06 Tháng Chín 2016

 Nguyễn Thành Trung [*]

 

Nằm bên phải quốc lộ 18A (hướng đi từ TP Hạ Long đi Hà Nội) thuộc địa phận phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, cụm di tích chùa Lôi Âm - hồ Yên Lập từ lâu đã được đông đảo du khách thập phương biết đến là một chốn sơn thuỷ hữu tình của Hạ Long. Với những giá trị về văn hoá, thắng cảnh ngày 23/11/1997, chùa Lôi Âm - hồ Yên Lập đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Qua nghiên cứu các sử liệu cho thấy chùa Lôi Âm được xây dựng vào giữa thế kỷ XV. Để minh chứng cho điều này, trong sách Đồng Khánh Dư địa chí có đoạn viết: “Tỉnh hạt (Quảng Yên) có danh sơn là núi Lôi Âm. Sông lớn là sông Bạch Đằng. Danh thắng có chùa Lôi Âm được xây trên núi Lôi Âm, thuộc địa phận thôn Yên Cư, huyện Yên Hưng. Chùa được xây dựng vào năm Quang Thuận thời Lê Thánh Tông (1460 - 1469)”.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, chùa Lôi Âm gồm một gian, một trái nhà Thượng điện, nơi thiêu hương. Thời gian phong hóa, các triều đại phong kiến 3 lần trùng tu lớn. Cổ vật quanh chùa còn 14 tháp xây bằng đá xanh và gạch đất nung, 2 thống đá, một cây hương đá cao 2,48m chạm hoa sen và hoa cúc, 5 bia đá vành khung khắc hoa văn trang trí, đậm dấu ấn mỹ thuật thời Lê-Mạc (thế kỷ XVII).

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Lôi Âm là căn cứ địa của Trung đoàn 98, bộ đội chủ lực vùng Đông Bắc, ông Vũ Mạnh Hùng là Trung đoàn trưởng. Ông Hùng chỉ huy chiến đấu giỏi, nổi danh hổ xám vùng Đông Bắc. Quân Pháp vô cùng sợ hãi, đơn vị thiện chiến tiêu diệt nhiều đồn bốt trên tuyến Quốc lộ số 10 và Quốc lộ 18. Trận chiến đấu oanh liệt đánh bốt Yên Lập, Trung đoàn 98 tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu 20 súng cùng nhiều quân trang. Ông Nguyễn Huy Tăng, Trung đoàn phó hy sinh, đơn vị đặt ông nằm lại ngay trên vùng đất thiêng này.

Chùa Lôi Âm hiện tại được xây dựng từ năm 2001 trên nền chùa cũ bị phá hủy bởi chiến tranh. Nằm trong một diện tích hình bán nguyệt, kéo dài từ trên đỉnh xuống lưng chừng núi, phía trước mặt là hồ nước; với sự bố trí đặt theo thế “đầu gối sơn, chân đạp thủy” mà từ xưa ông cha ta đã từng ví “long chầu hổ phục, bên tả che, bên hữu đỡ, có non thiêng hội tụ, có huyền vũ trùng trùng”, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong vùng. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân đến, nhân dân địa phương lại nô nức chuẩn bị cho ngày hội làng cũng là ngày hội chùa vào ngày 27 tháng Giêng âm lịch.

Hồ Yên Lập là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, trải qua hơn 30 năm đi vào khai thác, sử dụng, đến nay hồ Yên Lập vẫn đang phát huy hiệu quả, không chỉ góp phần giảm hạn hán, lũ lụt mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hạ Long, thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên. Nhìn từ độ cao, hồ Yên Lập hiện ra với màu xanh êm dịu, xung quanh hồ là những ngọn núi nhấp nhô, giữa hồ nổi lên các đảo nhỏ tạo nên vẻ tự nhiên, quyến rũ lòng người.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và du khách thập phương đã khôi phục lại ngôi chùa khang trang trên nền chùa cũ với hệ thống văn bia, tháp tổ rất có giá trị, cùng với đó là cảnh quan môi trường xung quanh được bảo vệ góp phần làm tăng giá trị di tích. Hoạt động khai thác giá trị của cụm di tích gắn với du lịch đã góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, nguồn thu từ di tích đã góp phần đóng góp thiết thực cho việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo cụm di tích. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích còn có những hạn chế: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng địa phương về việc quản lý, bảo tồn di tích còn hạn chế, thể hiện ở việc mọi hoạt động đều phó mặc cho nhà chùa quản lý dẫn đến còn xảy ra sai lệch trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích. Hệ thống các văn bản quản lý nhà nước còn thiếu, nội dung chỉ đạo chung chung... Nguồn nhân lực cho công tác quản lý còn thiếu và yếu, đặc biệt là việc bố trí cán bộ cơ sở không đúng chuyên môn nên gặp nhiều khó khăn. Việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên nhằm kịp thời chấn chỉnh các hoạt động sai phạm. Nguồn ngân sách của Nhà nước dành cho việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích chùa Lôi Âm chưa có, trong khi đó nguồn vận động xã hội do dân đóng góp chưa được quy tụ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước nên không được định hướng để sử dụng có hiệu quả. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các quan chức năng với nhà chùa chưa chặt chẽ. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng về cụm di tích còn mức độ dẫn đến họ chưa thực sự hiểu hết những giá trị của chùa Lôi Âm cũng như tầm quan trọng của cụm di tích đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Thời gian tới để bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích chùa Lôi Âm- Hồ Yên Lập gắn với phát kinh tế - xã hội của địa phương rất cần có những giải pháp hiệu quả.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các địa phương đang áp dụng nhiều mô hình quản lý khác nhau với hệ thống di tích, danh thắng. Vì vậy, tỉnh cần sớm ban hành “Quy định phân cấp quản lý di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” nhằm thống nhất quản lý, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; ban hành Quy định quản sử dụng các nguồn tài chính tại các di tích” trên nguyên tắc minh bạch, công khai, khoa học hiệu quả; xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” người dân sẽ hưởng chính thành quả của sự tham gia này. Ngoài ra cần ban hành cơ chế hỗ trợ cho những người trực tiếp trông coi, quản lý ở các di tích…

Thứ hai, thành lập Ban quản lí( BQL) cụm di tích

Hiện nay cụm di tích chùa Lôi Âm - hồ Yên Lập chưa có BQL di tích, mọi hoạt động có liên quan đang giao cho sư trụ trì. Do vậy, UBND phường Đại Yên cần thành lập BQL. Thành phần tham gia BQL gồm đại diện lãnh đạo UBND phường làm Trưởng ban; các ngành Văn hóa, công an, địa chính, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, trưởng thôn và sư trụ trì làm thành viên, điều này sẽ ít nhiều đảm bảo cho di tích có được sự quan tâm từ hai phía là chính quyền và cộng đồng người dân địa phương. Sau khi được thành lập, BQL cần xây dựng nội quy hoạt động trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên; quy chế chi tiêu nội bộ; nội quy khách đến thăm quan; quy chế hợp tác, phối hợp...

            Thứ ba, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý

Từ thực trạng đội ngũ cán bộ văn hóa hiện nay cần quy hoạch lại đội ngũ cán bộ văn hóa từ thành phố đến cơ sở để phân loại và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bên cạnh đó cần bố trí sử dụng cán bộ phải đúng người, đúng việc...

          Th, tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực cho hoạt động bảo tồn

Trên thực tế, cụm di tích chùa Lôi Âm - hồ Yên Lập kể từ khi được công nhận là di tích cấp quốc gia đến nay chưa được cấp kinh phí cho các hoạt động bảo tồn di tích từ nguồn ngân sách nhà nước, mà chỉ dựa vào nguồn xã hội hóa, nguồn công đức của nhân dân. Tuy nhiên, sự ủng hộ, đóng góp từ cộng đồng cho cụm di tích còn hạn chế nên trong những năm gần đây các cổ vật không được bảo tồn, trùng tu. Vì vậy để bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích ngoài việc huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa rất cần nhà nước đầu tư kinh phí xứng đáng với giá trị của di tích.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng

Sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói chung, cụm di tích chùa Lôi Âm - hồ Yên Lập nói riêng chỉ có thể đạt hiệu quả khi người dân tự giác tham gia. Nhận thức của cộng đồng bao gồm: Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, các tổ chức đoàn thể, của người dân. Nếu chỉ nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành mà không chú trọng nâng cao nhận thức của người dân thì chính sách do nhà nước đặt ra cũng chỉ có nhà nước thực hiện, người dân không tự giác và hỗ trợ thực hiện chính sách, hiệu quả sẽ không cao. Ngược lại nếu cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành không đi đầu trong thực hiện chính sách thì khó thuyết phục, vận động nhân dân tham gia. Do đó, cần đồng thời tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhận thức của người dân.

Thứ sáu, phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn cụm di tích

Di tích gắn với cộng đồng dân cư, do vậy cần quan tâm tạo điều kiện cho người dân tham gia với cách vừa là chủ thể, vừa là những người được hưởng thụ từ di sản. Phát huy, khai thác nguồn lực từ cộng đồng nhằm giữ gìn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và khuyến khích sự sáng tạo của nhân dân trong các hoạt động văn hóa. Khai thác những kinh nghiệm, kiến thức còn tiềm ẩn trong dân gian, góp phần phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp. Thông qua đó, người dân hướng tới những sinh hoạt văn hóa lành mạnh, tích cực hăng hái thi đua lao động sản xuất, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Cộng đồng còn thể hiện vai trò giám sát các hoạt động bảo vệ, gìn giữ di tích, kịp thời phát hiện những việc làm sai lệch trong quá trình trùng tu hay những hiện tượng xâm phạm di tích….

Thứ bảy, các ngành chức năng địa phương cần tăng cường kiểm tra các hoạt động văn hóa nói chung, công tác quản lý cụm di tích chùa Lôi Âm - hồ Yên lập nói riêng.

Nội dung kiểm tra tập trung vào: hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; tài chính thu chi; việc chấp hành các quy định về bảo vệ an ninh trật tự, môi trường, công tác phòng chống cháy rừng… để phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại, làm ảnh hưởng đến di tích.

Thứ tám, phát huy giá trị của cụm di tích chùa Lôi Âm – hồ Yên Lập gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cộng đồng tạo ra di tích, cũng chính cộng đồng người sử dụng di tích chủ thể tham gia giữ gìn và phát huy di tích. Do vậy việc phát huy giá trị của cụm di tích phải hướng tới cộng đồng. Để làm được điều này cần: Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, đặc biệt chú trọng nâng cấp và mở rộng đoạn đường vào cụm di tích đảm bảo giao thông không còn là trở ngại trong quá trình kết nối và xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với cụm di tích. Quy hoạch lại các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, xây dựng các tuyến xe bus chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đến thăm di tích và điểm du lịch khác quanh thành phố Hạ Long.

 Xây dựng các tuyến điểm du lịch kết nối cụm di tích với các di sản khác trên địa bàn. Việc xây dựng tua tuyến này nhằm mang lại sự kết nối di tích và tạo cơ hội cho cụm di tích được quảng bá, thu hút được nhiều khách tham quan góp phần đa dạng hóa các tua tuyến tham quan khi tới Quảng Ninh, đồng thời nhằm xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ, quảng bá, phát huy các thế mạnh về du lịch trên địa bàn. Mặt khác, có thể khai thác thế mạnh về địa hình, cảnh quan thiên nhiên của cụm di tích chùa Lôi Âm – hồ Yên Lập để phát triển các hình thức du lịch thể thao, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái với các hoạt động như leo núi, chèo thuyền quanh các đảo, câu cá, cắm trại… hay đưa vào khai thác các loại hình du lịch trải nghiệm cộng đồng có sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa như homestay nhằm thu hút du khách tham gia.

 Xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch cho cụm di tích: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch, ngoài việc in ấn các sản phẩm như đĩa DVD, sách, báo, tạp chí, tờ rơi,… cần xây dựng website riêng về cụm di tích chùa Lôi Âm – hồ Yên Lập nhằm quảng bá, giới thiệu về cụm di tích; liên kết giữa các điểm di tích để cung cấp thông tin cho khách du lịch. Sử dụng kết hợp với các phương tiện truyền thông hiện đại như truyền hình, các diễn đàn điện tử, tận dụng lợi thế của các mạng xã hội như Yahoo, Facebook, zalo,...

 Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch: Quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ tại khu vực xung quanh cụm di tích. Đảm bảo sự bình ổn giá của các dịch vụ ăn uống, trông giữ xe, vận chuyển khách.. trong mùa lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động diễn ra tại di tích.

 Đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Mở các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch ngắn ngày cho người dân xung quanh cụm di tích. Quan tâm đào tạo những hướng dẫn viên du lịch người địa phương bởi họ là những người thông thuộc địa hình, có kiến thức, chiều sâu về di tích; hơn nữa đối với khách du lịch thì một điểm đến du lịch sẽ thú vị hơn nhiều khi được nghe chính những con người nơi đó giới thiệu về di tích của chính địa phương mình.

 Bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững: Việc nâng cao ý thức và những hành động cụ thể để bảo vệ môi truờng sinh thái đối với mỗi người làm công tác bảo tồn, mỗi người dân địa phương và khách du lịch là sự cần thiết đảm bảo một môi trường trong sạch hấp dẫn du khách.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Ban Quản lý di tích thắng cảnh Quảng Ninh (1996), Lý lịch cụm di tích lịch sử và danh thắng chùa Lôi Âm - hồ Yên Lập xã Đại Yên, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh.

2.    Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế.

3.    Đỗ Phương Quỳnh (1993), Quảng Ninh - Hạ Long miền đất hứa, Nxb Thế giới, Hà Nội.

4.    Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh (2015), Báo cáo tổng kết năm 2015, Quảng Ninh.

5.    Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin (2003), Đồng Khánh Dư địa chí, tập 1, Nxb Thế giới, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa