Trò chơi âm nhạc cho học sinh tiểu học

06 Tháng Chín 2016

Nguyễn Thị Thu Trang [*]

 

Trò chơi nhằm phát triển những đặc điểm về nhận thức và hoạt động để góp phần hình thành những phẩm chất của nhân cách, của năng lực ở mỗi đứa trẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh và không gian của xã hội hiện đại đã tạo nên những áp lực không nhỏ cho các em học sinh nói chung, đối với học sinh ở bậc tiểu học nói riêng trong đời sống tinh thần và môi trường học tập. Chính vì vậy, trò chơi vừa là hoạt động giải trí để cân bằng lại tâm sinh lý, đồng thời cũng là môi trường trải nghiệm và thu nhận các kiến thức, kĩ năng và hình thành các kinh nghiệm trong cuộc sống đối với các em ở lứa tuổi này.

Với đặc điểm tâm sinh lý và nhận thức của độ tuổi, trò chơi là hoạt động chủ đạo với phương châm "học mà chơi- chơi mà học" ở bậc học mầm non. Song ở bậc tiểu học, nhất là ở độ tuổi các lớp đầu cấp, khi mới chuyển từ bậc học mầm non, các đặc điểm tâm lý và hoạt động nhận thức tuy đã được nâng lên ở mức độ cao hơn song, thực tế cũng cho thấy,  việc tổ chức các hoạt động học tập thông qua các trò chơi, các trải nghiệm đa dạng, phong phú... sẽ là những bài học dễ nhớ, ấn tượng, sâu sắc và hiệu quả cao với các em. Chính vì vậy trong những năm vừa qua, với chủ trương "Trường học thân thiện- học sinh tích cực" Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến khích các Nhà trường, bậc học cần tăng cường các trò chơi tập thể, các trò chơi dân gian... bên cạnh các nội dung và hình thức đã triển khai để giúp cho học sinh, nhất là các bậc học mầm non và tiểu học hào hứng và tích cực hơn trong môi trường học tập nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng, nhằm không ngừng đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục trong bối cảnh hội nhập toàn diện.

Việc sử dụng trò chơi trong giờ học âm nhạc đã được các giáo viên ít nhiều đưa vào hoạt động dạy học và ngoại khóa âm nhạc. Tuy nhiên, mức độ sử dụng chưa được đồng đều và chưa có hiệu quả. Nguyên nhân thứ nhất là do nhận thức của giáo viên còn chưa đầy đủ sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của trò chơi âm nhạc. Thứ hai, là do khả năng sư phạm, năng lực thực hành âm nhạc và mặt bằng kiến thức về văn hóa âm nhạc của các giáo viên chưa cao và chưa đồng đều. Do đó, việc thiết kế các trò chơi âm nhạc chủ yếu căn cứ trên nội dung các bài học âm nhạc chưa có được nhiều sự linh hoạt, sáng tạo trong việc khai thác các nội dung để biên soạn các trò chơi. Thực tế, các giáo viên chủ yếu phụ thuộc vào sách giáo khoa âm nhạc, chưa  tích cực, sáng tạo lồng ghép các nội dung khác ngoài sách giáo khoa, hoặc phát triển các nội dung trong bài học để xây dựng các trò chơi, dẫn đến các nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành giờ học chưa được phong phú, linh hoạt, hấp dẫn để phát huy mạnh mẽ vai trò của trò chơi âm nhạc trong việc giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh tiểu học. Chính vì vậy mà việc tổ chức trò chơi âm nhạc trong giờ học tăng cường tại trường vẫn còn hạn chế.

Xây dựng trò chơi âm nhạc trong giờ học tăng cường cũng nên phân ra thành các kỹ năng khác nhau, nó giúp cho việc luyện tập các nội dung được chuyên sâu và bài bản hơn. Để cụ thể hơn chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ như sau:

1. Rèn luyện kỹ năng vận động theo nhạc

Trò chơi: Nhảy múa với những nốt nhạc

Mục đích: Nâng cao khả năng cảm nhận âm nhạc qua cơ thể cho học sinh THCS

 Tổ chức chơi: Giáo viên tổ chức cho học sinh đứng thành một vòng tròn, học sinh nghe đoạn nhạc với giai điệu như sau:

Sau đó, giáo viên yêu cầu từng học sinh vào trung tâm vòng tròn để thể hiện nhịp điệu cơ thể hay động tác biểu cảm theo giai điệu của câu nhạc. Các em có thể múa, nhảy hay vỗ tay theo nhịp, phách, tiết tấu của câu nhạc đó; Khuyến khích và yêu cầu mỗi học sinh phải thể hiện những động tác sáng tạo  theo cách của riêng mình không giống với những bạn đã làm trước đó.

Trò chơi: Vui cùng những dải băng

Mục đích:  Học sinh phân biệt được tốc độ nhanh và chậm và vận động giai điệu âm nhạc.       

Những chiếc gậy có các dải băng ở 2 đầu (làm bằng ống giấy) bài hát, băng đĩa, băng nhạc các loại nhạc nhanh – chậm.

Tổ chức chơi: Tập trung học sinh thành các nhóm. Giáo viên chuẩn bị sẵn sàng băng nhạc. Cho học sinh nghe và nhận xét về tốc độ nhanh chậm của đoạn nhạc trong khoảng 15 đến 30 giây. Khuyến khích, động viên các em vận động và thể hiện cảm xúc theo sự thay đổi tốc độ của âm nhạc từ nhanh sang chậm và ngược lại. Lưu ý: giữa mỗi đoạn nhạc nên dừng vài giây để các em chuẩn bị nghe đoạn nhạc mới.

Hoạt động của học sinh: Mỗi trẻ sẽ cầm một chiếc gậy một chút. Sau đó giáo viên bật băng thu, cầm một chiếc gậy và chuyển động theo nhạc. Diễn tả vận động ngâm nga hoặc hát theo nhạc và mời trẻ tham gia.

Giáo viên có thể chỉ dẫn cho trẻ thấy tốc độ nhanh chậm bằng cách nói với trẻ “đoạn nhạc này làm cô vận động với chiếc gậy này nhanh”, “đoạn nhạc này nhẹ nhàng và cô vẫy chiếc gậy này thật chậm”. Hiệu lệnh “Dừng” giữa các đoạn nhạc để trẻ tập trung chuẩn bị cho vận động nhạc tiếp theo.

2. Trò chơi sáng tạo âm nhạc

Trò chơi: Thử làm nhạc sĩ

Mục đích: giúp các em phát triển trí nhớ âm nhạc và khả năng đặt lời ca cho bài hát.

Tổ chức chơi: Giáo viên đàn một nét giai điệu ngắn cho học sinh nghe và đàn nhiều lần để học sinh nhớ được giai điệu đó (4-5 lần). Giáo viên ghi nét giai điệu đó lên bảng.

Giáo viên chia các học sinh thành 4 tổ với 4 chủ đề khác nhau (mái trường, mùa xuân, mùa thu, năm học mới…) đại diện của tổ đó sẽ lên bốc thăm chủ đề và các thành viên trong tổ phải thảo luận và nghĩ ra phần lời của giai điệu (15’)

Sau đó giáo viên sẽ mời đại diện của các tổ lên hát và biểu diễn lại bài hát với lời các bạn vừa đặt. Tổ nào được bình chọn hay nhất sẽ có phần quà xứng đáng.

Trò chơi: Sử dụng lời hát mới

Mục đích: Học sinh nắm vững bài học, ghi nhớ giai điệu một cách chính xác.

Tổ chức chơi: Giáo viên đưa ra lời mới do mình sáng tác, trình tự các câu hát đã bị thay đổi, rồi yêu cầu học sinh sắp xếp các câu hát theo trình tự phù hợp với giai điệu.

Ví dụ: Giới thiệu lời mới của bài Đi cấy (dân ca Thanh Hoá)

Thứ tự của 6 câu đã bị thay đổi.

Tiếng cười rộn vang, mùa xuân đang đến.

Theo đàn chim én lướt bay ngang trời, lướt bay ngang trời.

Xuân về hái một nhành hoa, xuân về hái một nhành hoa.

Trên khắp nẻo đường xa.

Muôn sắc hoa thắm đượm tình thân, thắm đượm tình thân.

Vui bên bạn hiền ta cất tiếng ca.

Hoạt động của học sinh:  các em thảo luận trong khoảng 1-2 phút rồi cử 1 bạn lên đánh số thứ tự phù hợp vào 6 câu hát.

 Hoạt động của giáo viên: giáo viên đưa ra đáp án,

 Kết quả:  Tổ trả lời đúng đứng lên trình bày lời mới cho cả lớp nghe

 (hoạt động này chỉ nên thực hiện khi đã hoàn thành trọng tâm của tiết học) với bài tập trên, đáp án là:

Xuân về hái một nhành hoa, xuân về hái một nhành hoa.

Vui bên bạn hiền ta cất tiếng ca.

Muôn sắc hoa thắm đượm tình thân, thắm đượm tình thân.

Theo đàn chim én lướt bay ngang trời, lướt bay ngang trời.

Tiếng cười rộn vang, mùa xuân đang đến.

Trên khắp nẻo đường xa.

            Trên đây là một số ví dụ về việc xây dựng trò chơi âm nhạc trong giờ học tăng cường cho học sinh Tiểu học. Thực tế, ở mỗi địa phương, mỗi trường học đều có cách tiến hành dạy và học môn học trên cơ sở những quy chuẩn chung, nhưng bên cạnh đó vẫn có những điểm riêng để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh vốn có. Các kết quả nghiên cứu của đề tài tại trường tiểu học Phạm Hồng Thái cũng cho thấy rõ những ưu điểm cùng các mặt hạn chế của việc xây dựng các trò chơi âm nhạc trong chương trình dạy học âm nhạc tăng cường. Do đó, việc xây dựng các trò chơi âm nhạc và triển khai ở các giờ học tăng cường - những hoạt động thực hành mang tính tổng hợp sẽ chính là những bài học- bài tập- những trình diễn âm nhạc sáng tạo và độc đáo, kích thích sự chủ động tự tin, năng khiếu thực hành âm nhạc của học sinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lý Thu Hiền, Phạm Thị Hoà, Lê Thu Hương, Lê Thị Đức (2007), Tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non theo hướng tích hợp, Nxb Giáo dục.
  2. Phạm Thị Hoà (2007), Tuyển chọn các bài hát dạy trẻ theo chủ đề giáo dục ở trường mầm non, Tạp trí giáo dục.
  3. Lê Thu Hương (2013), Tuyển tập trò chơi, bài hát, thơ ca, truyện kể, câu đố theo chủ đề trẻ 4 – 5 tuổi, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  4. Hồ Ngọc Khải (2013), Khái quát các phương pháp dạy học âm nhạc ở Hoa Kỳ, www.music.edu.vn
  5. Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, BGDĐT - Trung tâm nghiên cứu đào tạo bồi dưỡng giáo viên, Hà Nội.
  6. SGK, Âm nhạc và mỹ thuật 1, 2, 3 (2009), Nxb giáo dục.
  7. Nguyễn Ánh Tuyết (2007), Giáo dục mầm non, những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học sư phạm.
  8. Đinh Văn Vang (1987), Giáo trình tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ em, Nxb Giáo dục Việt Nam
  9. Hoàng Văn Yến, Tổ chức chương trình âm nhạc ngày lễ hội ở trường Mầm non, Nxb Giáo Dục.
  10. Hoàng Văn Yến, Trò chơi âm nhạc cho trẻ Mầm non. Nxb Giáo Dục.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc