Nghiên cứu lý luận

Phương pháp đệm các bài hát âm hưởng dân ca Tây Bắc trên đàn phím điện tử

10 Tháng Chín 2016

 Phạm Quang Dụ [*]

 

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhạc đệm có thể được thực hiện rất hiệu quả bởi các ban nhạc nhỏ hoặc thậm chí trên một cây đàn phím điện tử. Với những kỹ thuật, kỹ xảo của đàn phím nói chung, kết hợp các tính năng ưu việt của cây đàn, người dùng có thể thực hiện phần đệm cho ca khúc một cách dễ dàng.

Tây Bắc là khu vực định cư lâu đời và đông đúc của nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Thái, Mường, Hmông, Si La, Khơmú, Xinh Mun,…. Nơi đây, những làn điệu dân ca ngọt ngào, những bài hát nghi lễ linh thiêng, huyền bí đã thấm đượm tâm hồn các em, tạo nên tâm hồn, tích cách con người miền núi dung dị, chất phác, đơn giản mà đằm thắm, thủy chung, nghĩa tình.

    Ý nghĩa giáo dục trong những ca khúc có âm hưởng dân ca Tây Bắc luôn là yếu tố cần được chú trọng vùng miền này. Bất kỳ một ai là người Tây Bắc, khi nghe những bài hát này đều cảm thấy sự gần gũi, thân thiết, một cảm xúc dạt dào… Những ca khúc mang âm hưởng dân ca Tây Bắc tương đối phong phú về nội dung và phong cách thể hiện. Tuy nhiên, các ca khúc đó phải có giá trị nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục cao, có những tư tưởng tốt đẹp, cao quý. Một ca khúc được đánh giá là hay và phù hợp sẽ tạo được hứng thú cả người đệm và người thưởng thức.

1. Phương pháp đệm hát trên đàn phím điện tử

Cách chọn tiết điệu

Phần đệm tự động đóng vai trò rất quan trọng trong đệm ca khúc bằng đàn phím điện tử. Với việc lựa chọn tiết điệu và tempo phù hợp, nhiều khi không cần phải đánh nhiều ở phần tay phải. Phần đệm tự động đóng vai trò thay thế cho một ban nhạc để đệm cho ca khúc hoặc giai điệu Solo. Rất nhiều bài hát/bản nhạc được biểu diễn cùng với phần đệm tự động mang lại hiệu quả nghệ thuật cao. Tùy theo loại đàn và khả năng điều khiển của người sử dụng mà các phần đệm có chất lượng

Cách chọn âm sắc

Âm sắc của đàn phím điện tử rất đa dạng, tùy từng loại đàn mà có thể lên đến hàng nghìn âm sắc khác nhau. Trước đây, các đàn điện tử thế hệ đầu thường có 128 âm sắc theo chuẩn chung quốc tế (General Midi). Sau đó, các hãng nhạc cụ lại bổ sung các bo mạch tạo ra những âm sắc đặc trưng riêng của mình trên cơ sở mô phỏng nhạc cụ thật. Ở các đàn phím điện tử phổ thông, bộ tiếng thường mang tính cố định, chỉ có thể điều chỉnh phần nào về thuộc tính của các âm thanh đã có. Ở các đàn chuyên dụng và bán chuyên dụng, các bộ tiếng có thể mở rộng bằng phần mềm cài đặt hoặc các bo mạch bổ sung.

 Với mỗi phong cách khác nhau sẽ có những phương án lựa chọn âm sắc sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Mỗi âm sắc đều có những tính chất riêng, thể hiện sắc thái tình cảm khác nhau. Do đó, trong khi đệm nên chú ý chọn âm sắc phù hợp với từng phần: dạo, bè tòng, bè nền, rải hợp âm đệm,… Khi đệm cho một bài hát, tùy theo tính chất của bài để có những lựa chọn về âm sắc cho các phần dạo hoặc bè đệm theo. Ví dụ: bài có âm hưởng hùng tráng, hành khúc thường sử dụng âm sắc bộ kèn đồng; bài có âm hưởng trữ tình thường sử dụng âm sắc bộ gỗ, bộ dây…; bài có âm hưởng thơ mộng, trong sáng thường sử dụng âm sắc điện tử như: DX, E Piano,… Với các bài hát mang âm hưởng Tây Bắc, có thể lựa chọn những âm sắc mô phỏng tiếng sáo H’mông, khèn Thái, Tính tẩu…. Một số âm sắc tương đối phù hợp có thể kể đến như: Clarinette, Pan Flute, Oboe, bộ dây gảy,….

2. Cách soạn nhạc dạo

            Trong đệm ca khúc, nhạc dạo đóng vai trò khá quan trọng nhằm bổ sung, hoàn thiện cho đệm hát. Các phần nhạc dạo gồm có dạo đầu, dạo giữa và nhạc kết. Mỗi phần có ý nghĩa, vai trò, đặc điểm và cách soạn riêng.

Nhạc dạo đầu

Dạo đầu bằng Intro của đàn là cách dạo đơn giản nhất, chỉ cần chọn tiết điệu, âm sắc, giọng phù hợp với giọng người hát. Tuy nhiên, do phần intro được mặc định sẵn trên đàn nên thường không có mối liên hệ với tác phẩm. Vì vậy, cách dạo này không phù hợp với đệm ca khúc nói chung, trong đó có ca khúc mang âm hưởng Tây Bắc.

Nhạc dạo giữa

Trong ca khúc, nhạc dạo giữa xuất hiện giữa hai lần hát, giữa hai câu hoặc hai đoạn, có tác dụng cho người hát nghỉ ngơi, đồng thời để nhạc công phô diễn kĩ thuật chơi đàn. Phần dạo giữa có thể tái hiện câu dạo đầu, nhưng có thể mở rộng hơn về cấu trúc, cũng có thể đưa ra những chất liệu mới, tư duy âm nhạc mới nhằm tạo điểm nhấn cho phần đệm và tác phẩm. Với ca khúc mang âm hưởng dân ca Tây Bắc, dạo giữa nên tập trung khai thác những đặc điểm liên quan đến âm điệu như quãng, giọng, tiết tấu đặc trưng trong ca khúc.

Nhạc kết

Phần nhạc kết mang ý nghĩa tổng kết hình tượng nghệ thuật của tác phẩm. Trong soạn đệm ca khúc, phần kết có vai trò quan trọng như dạo đầu và dạo giữa. Có rất nhiều cách thực hiện phần nhạc kết, nhưng với ca khúc mang âm hưởng Tây Bắc, không nên sử dụng phần kết được cài sẵn (Ending) mà cần soạn nhạc kết ấn tượng, cô đọng, nhằm làm nổi bật lên tính chất của toàn bài.

Bè phụ

Để đệm ca khúc mang chất liệu dân ca Tây Bắc, nếu mới chỉ soạn phần dạo đầu, dạo giữa và dạo cuối thì mới chỉ đáng ứng được phần nào hiệu quả. Để làm nổi rõ hơn hiệu quả âm hưởng của những ca khúc này, cần phải bổ sung các bè phụ, đó là phần đệm phía dưới giai điệu. Khi soạn bè phụ, cũng cần phải tư duy theo giai điệu của bài hát, theo đó, những âm điệu chính, những mô hình tiết tấu tiêu biểu sẽ được khai thác cho phần đệm này. Ngoài ra, để tăng âm hưởng dân ca, ngoài cách phối bè đơn điệu, còn có thể phối bè cho phần đệm dưới hoặc phối hợp âm có quãng ngoài hợp âm phù hợp với chất liệu dân ca Tây Bắc.

3. Cách đặt hợp âm

            Đặt hợp âm đệm cho ca khúc có âm hưởng dân ca Tây Bắc trên đàn phím điện tử là một việc không đơn giản, nếu áp dụng theo hòa âm phương Tây sẽ làm mất bản sắc dân ca của vùng miền này.

Đối với các bài hát mang âm hưởng dân gian, bên cạnh việc tham khảo sơ đồ hòa thanh theo lối phương Tây, còn phải theo đặc điểm của thang âm trong giai điệu. Hòa thanh của phần đệm tự động mang tính chủ đạo, làm nền cho giai điệu chính, kết hợp các nét giai điệu bè tòng sẽ làm phong phú cho hòa thanh khi đệm. Trên cây đàn phím điện tử, phần lớn các hợp âm được cài đặt sẵn là theo điệu thức 7 âm phương Tây, nếu sử dụng các hợp âm ba và bảy trong điệu thức 7 âm sẽ làm mất màu sắc của điệu thức 5 âm, mất bản sắc của bài dân ca. Vì vậy, làm sao phải tạo ra được các hợp âm, chồng âm phù hợp với màu sắc của dân ca Tây Bắc.

Trên các loại đàn phím điện tử hiện nay, nếu người chơi sử dụng các chồng âm, hợp âm gồm có 3 âm khác nhau trở lên là đàn có thể đáp ứng được hợp âm theo ý của người soạn mà không bị phụ thuộc vào hợp âm cài đặt sẵn của đàn. Vì thế, chúng ta có thể xây dựng các chồng âm, hợp âm cho các bài viết ở điệu thức 5 âm. Các dạng hợp âm phù hợp đệm phù hợp với ca khúc mang âm hưởng dân ca Tây Bắc là: Hợp âm cấu trúc có quãng 2, quãng 4 (sus2, sus4, add2, add4… ); Chồng âm chứa các nốt trong điệu thức ; Hệ thống hợp âm/chồng âm có thể được sử dụng đệm cho bài viết ở điệu thức 5 âm.

            Như vậy, khi soạn đệm cho các bài hát mang âm hưởng Tây Bắc, nên sử dụng xen kẽ những hợp âm chồng quãng 3 theo lối cổ điển với những chồng âm chứa quãng đặc trưng của vùng miền. Tuy nhiên, để tạo hiệu quả tốt cho các ca khúc này, cần phải biết sử lý một cách khéo léo giữa hòa thanh với giai điệu chính nhằm làm tăng thêm tính chất dân ca Tây Bắc đại ngàn.

Đệm hát có sử dụng phần đệm tự động

Để có thể đệm tốt cho ca khúc trên đàn phím điện tử cần phải nắm chắc những đặc điểm của ca khúc sẽ đệm. Các bước chính cần thực hiện như: Phân tích tóm tắt bài hát để xác định điệu thức, cấu trúc, đặc điểm tính chất của bài hoặc từng đoạn; Lựa chọn tiết điệu, tempo; Viết sơ đồ hợp âm; Viết các câu dạo, nhạc kết; Viết các âm hình đệm bổ sung; Viết các câu nối tiếp;…

Trong các bước trên, để tăng thêm âm hưởng dân ca Tây Bắc cần chú ý đến các câu dạo, câu kết và âm hình đệm bổ sung. Ngoài ra, tùy theo đặc điểm của bài mà có thể chọn 1 hoặc 2 tiết điệu cho những phần khác nhau. Chẳng hạn, trong bài Tình ca Tây Bắc đoạn 1 viết nhịp ở nhịp 2/4 nên có thể lựa chọn tiết điệu Ballad, đoạn hai chuyển sang nhịp 6/8 nên sẽ chuyển sang tiết điệu Waltz.

Đệm hát không sử dụng phần đệm tự động

Đệm hát trên đàn phím điện tử không dùng phần đệm tự động thường ứng với các bài có nhịp điệu tự do, tính chất sâu lắng. Với khả năng phong phú về âm sắc, đàn phím điện tử có thể đóng nhiều vai trò khác nhau trong đệm hát, kể cả cách đệm này.

Đệm ca khúc không sử dụng phần hòa âm tự động có ưu điểm không bị gò về tiết tấu và nhịp độ. Người hát và người đệm đàn nghe nhau để cùng thể hiện tác phẩm sao cho hợp lý với tính chất sắc thái tình cảm. Tuy nhiên, nếu không vững vàng cũng có thể gây khó khăn cho người hát đối với các bài cần chắc chắn về nhịp điệu. Do vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng kiểu đệm có sử dụng hòa âm tự động hoặc theo kiểu đệm piano.

Với những tính năng ưu việt, phong phú về tiết điệu và âm sắc, đàn phím điện tử đã trở thành công cụ đệm hát rất hiệu quả. Khai thác những khả năng về phần đệm tự động và âm sắc trên cơ sở những đặc trưng về tiết tấu và âm điệu trong những ca khúc mang âm hưởng Tây Bắc sẽ tạo nên phần đệm hiệu quả.

Ngoài việc phải nắm vững tính năng cơ bản của nhạc cụ, khi đệm hát còn phải tìm hiểu, phân tích đặc điểm của bài hát, sử dụng những nét giai điệu gần gũi với giai điệu của bài, đồng thời thể hiện âm hưởng vùng miền.

Không có một công thức cố định cho việc đệm hát trên đàn phím điện tử, các hướng dẫn soạn đệm với một số ca khúc ở trên chỉ là minh họa cho các bước thực hiện chung. Hơn nữa, việc luyện tập đệm hát thường xuyên các bài hát mang âm hưởng Tây Bắc sẽ làm cho người đệm có sự cảm nhận sâu sắc về chất liệu, mới có thể có những phần ngẫu hứng sáng tạo, chất lượng tốt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Ngọc Anh (2013), Nâng cao chất lượng giảng dạy Keyboard cho sinh viên Đại học Sư phạm Âm nhạc tại Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Sư phạm Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

2.    Ngô Thị Việt Anh (2013), Biên soạn phần đệm hát cho THCS (Dùng bộ đệm tự động) ứng dụng trong dạy và học đàn phím điện tử ở trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Nghiên cứu khoa học của Giảng viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.

3.    Dương Viết Á (2009), Mấy vấn đề Văn hóa âm nhạc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

4.    Nguyễn Bách (2003), Hòa âm truyền thống (từ cổ điển đến hiện đại), Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

Đào Ngọc Dung (2001), Phân tích tác phẩm Âm nhạc, Nxb Giáo dục

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc