Nội san

Sơ lược về dàn phím điện tử và các loại đàn phím điện tử thông dụng

29 Tháng Chín 2016

Vũ Thanh Xuân [*]

 

Đàn phím điện tử - Electronic Keyboard, còn được gọi là Organ điện tử, là loại nhạc cụ sử dụng kỹ thuật điện tử, một thành tựu của khoa học thế kỷ XX. Trong sách Tự đặt hợp âm cho đàn Guitar & Organ của tác giả Sơn Hồng Vỹ có viết: “Organ điện tử là loại đàn điện tử, có bàn phím tựa như đàn Piano, nhưng có rất nhiều kiểu dáng.” [1; tr.9-10]. Lịch sử xuất hiện đàn phím điện tử (ĐPĐT) gắn liền với sự xuất hiện những thiết bị điện tử tiên tiến, khi mà con người cảm thấy việc cần sản xuất ra một loại nhạc cụ tích hợp được tất cả các tính năng và âm thanh của các loại nhạc cụ khác.

Vào đầu thế kỷ XX, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã giúp con người có những bước tiến lớn trong nhiều lĩnh vực và phương diện, việc xuất hiện của ĐPĐT đã đáp ứng được nhu cầu của thời đại mới: hình thức nhỏ gọn nhưng hiệu quả trong việc diễn tấu nhạc cụ hoặc sáng tác âm nhạc. Về những ưu điểm của ĐPĐT, trong giáo trình Phương pháp dạy và học Đàn phím điện tử, tập 1 (xuất bản năm 2004) của Nguyễn Xuân Tứ có viết: “ĐPĐT là một trong những phương tiện truyền đạt tiếp thu âm nhạc thuận lợi nhất… với sự phát minh âm thanh kỹ thuật số (digital sound), nó có thể ghi được hàng trăm đến hàng ngàn âm sắc đa dạng, phong phú của các nhạc cụ ở khắp các châu lục…” [2; tr.5].

Về nguồn gốc xuất hiện của ĐPĐT nói riêng và các loại nhạc cụ điện tử nói chung đã từng làm xôn xao dư luận âm nhạc trên thế giới với nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Trong số đó, nhạc khí điện tử của Martenot sáng chế năm 1928 đã trở thành loại phổ biến nhất được sản xuất hàng loạt và có ứng dụng thể nghiệm trong cả tác phẩm giao hưởng.

Trong cuốn Các nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng (tái bản năm 1978), nhạc sĩ Hồng Đăng đã viết: “ĐPĐT ra đời là do nhạc sĩ - kỹ sư người Pháp có tên Maurice Martenot sáng chế năm 1928 với khởi đầu là sóng Martenot (còn gọi là sóng nhạc). Sự ra đời của sóng Martenot đã khởi điểm cho sự phát triển rộng rãi của nhạc cụ điện tử sau này, nhất là organ điện tử[3; tr.220].

Về âm sắc, nhạc cụ sóng Martenot có những âm thanh mang tính chất kim loại như bộ kèn đồng, có những âm thanh mang màu sắc của bộ gỗ, bộ dây... Ưu điểm của âm sắc nhạc khí này là lọc được tạp âm nên có thể biểu hiện được âm thanh rất trong trẻo, thuần khiết hoặc nhiều âm sắc khác nhau một cách phong phú. Hơn nữa do việc sử dụng bàn phím nên kỹ thuật ngón tương đối linh hoạt, dễ dàng và thuận tiện.

Có thể nói sự ra đời của sóng Martenot đã khởi điểm cho sự phát triển rộng rãi của nhạc cụ điện tử sau này, nhất là ĐPĐT mà tiêu biểu phải kể đến Organ Hammond được phát minh năm 1934 ở Mỹ. Đây là nhạc cụ điện tử đặc biệt với những phím đàn lớn, một bàn phím pedal và một số lớn các phím bấm, hoặc cũng có khi chỉ là hai hàng phím nhỏ. ĐPĐT rất thích hợp cho loại nhạc bình dân (Popular music), bởi vì nó rất linh hoạt và dễ sử dụng. ĐPĐT được ưu điểm là có thể đặt trên giá đàn hay có thể đeo vào cổ như đàn ghi ta cho nên được người biểu diễn yêu thích.

Trên Tạp chí Thông tin Khoa học (Trường CĐSP Nhạc - Họa TW), tác giả Trịnh Hoài Thu có đề cập đến trào lưu nhạc cụ điện tử và vai trò của Electronic Keyboard với nhạc Rock qua bài Giới thiệu về cây đàn Organ điện tử: “Trong những năm 30 của thế kỉ XX, khi trào lưu biểu diễn nhạc cụ điện tử thịnh hành thì organ điện tử là nhạc cụ rất được chú ý. Cùng với các nhạc cụ điện tử khác, organ điện tử là hồn sống của thể loại nhạc Rock (một loại nhạc ra đời trong những năm 50 của thế kỷ XX)” [4; tr.51-52].

Cũng như nhiều nhạc cụ phương Tây khác, ĐPĐT du nhập vào Việt Nam qua con đường đầu tiên là theo chân những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong sự giao thoa văn hoá nghệ thuật. Theo bài Sơ lược sự ra đời của đàn phím điện tử trên thế giới đăng trên trang web techmusic.edu.vn/ thì ĐPĐT “xuất hiện từ những năm 1970 ở Sài Gòn, nơi có nhiều các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc diễn ra sôi nổi, phong phú... Sau năm 1975, ĐPĐT bắt đầu ra tới miền Bắc, xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội năm 1976 và tiếp sau đó là các vùng lân cận khác” [44]. Thời gian đầu, ĐPĐT ở Việt Nam chưa phong phú, hiện đại và nhiều chức năng như bây giờ, âm sắc mô phỏng lúc đó chưa chuẩn, khô cứng và dùng bàn phím chết (không có sự to nhỏ về âm lượng theo lực tay bấm). Với một nhạc cụ có hàng trăm âm sắc, tiết điệu được cài sẵn khác nhau, bộ đệm tự động với những thao tác đơn giản thật là một hiện tượng gây chú ý. Tuy nhiên, thời điểm đó ĐPĐT vẫn là một nhạc cụ xa xỉ và đắt tiền so với thu nhập của người dân lúc bấy giờ.

“Từ cuối những năm 1980 đến đầu 1990, ĐPĐT bắt đầu trở nên phổ biến và thông dụng hơn khi đời sống văn hoá nghệ thuật được chú trọng. Sự phổ biến rộng rãi của ĐPĐT đã thúc đẩy nhu cầu học loại nhạc cụ này thành một trào lưu mạnh mẽ vào những năm 90. Với công chúng, ĐPĐT có một lợi thế là dễ dàng tiếp nhận những kiến thức âm nhạc phổ cập, cuốn hút, dễ hình dung, dễ sử dụng và dễ học hơn piano về tính phổ cập và kinh tế.

Cho đến nay có nhiều loại ĐPĐT thông dụng, có thương hiệu đã và đang nắm bắt thị trường trên toàn thế giới với nhiều chủng loại của nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới như: Yamaha, Casio, Roland, Korg, Technic… Mỗi chủng loại đàn đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, song tất cả đều dựa trên cấu trúc chung của ĐPĐT là có bộ phím rút gọn giống với Piano, đa phần là bàn phím gồm có 6 quãng 8 (5 quãng 8 đầy đủ và 1 quãng 8 thiếu), còn piano có 9 quãng 8 (7 quãng 8 đầy đủ và 2 quãng 8 thiếu). Chức năng sử dụng bộ tiếng (Voice) của ĐPĐT đa dạng, nhiều bộ tiếng, chức năng sử dụng bộ tiết tấu (Style) cũng rất đa dạng, những nút ACMP; SYNC; STOP; START; FILL A - B… đều sử dụng như nhau, có thể khác về cách sắp xếp vị trí trên từng cây đàn. Sự khác biệt chỉ xuất hiện ở nhãn hiệu, đời đàn, chức năng nhiều hay ít hơn và chất lượng âm thanh tiết tấu của mỗi chủng loại đàn. Ví dụ như cây đàn của hãng Roland chuyên về bộ tiếng (Voice), hãngTechnic hoặc Korg lại nghiêng về tiết tấu (Style) hay Yamaha chú ý đều đến các tính năng nên thông dụng hơn với thị trường bán chuyên nghiệp.

Với sự phát triển của công nghệ âm thanh điện tử thế kỷ XX, các chuyên gia âm thanh - âm nhạc điện tử, các hãng nhạc cụ đã áp dụng và phát triển kỹ thuật điện tử để sáng tạo ra cây đàn Electronic Keyboard (ĐPĐT).

Sự khuyếch đại các làn sóng âm thanh theo hệ thống điện tử đã bảo đảm được cường độ âm lượng to lớn cần thiết cùng với khả năng tạo ra những âm sắc đặc biệt độc đáo (Âm thanh điện tử, âm thanh vũ trụ, các hiệu ứng âm thanh như tiếng gió hú, tiếng sóng biển, giọng hát của con người và dàn hợp xướng), đồng thời mô phỏng được âm thanh rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau từ các nhạc cụ phương Tây như Piano, Organ nhà thờ, Guitar điện và Guitar Acoustic, Violon, Violocello, dàn Dây (Strings) Trống định âm, bộ gõ giao hưởng… tới các nhạc cụ dân tộc như đàn Tranh, đàn Bầu, Sáo trúc, bộ gõ dân tộc… [5]

Về nguyên tắc cấu tạo âm thanh, ĐPĐT là sự tổng hợp của một loạt các chìa khoá (nút Voice/Sound) mở ra âm thanh. Khi những chìa khoá (nút) trên phím đàn được ấn xuống, nó kích hoạt một loạt máy giao động (cái mà được sản xuất bằng tín hiệu điện tử) đã được lập trình, những máy dao động đó phải đi qua bộ khuyếch đại tới loa phóng thanh và ở đó sẽ cho dạng âm thanh mà ta cần. Với cách làm đó, ĐPĐT có thể mô phỏng âm thanh của bất cứ đàn thông thường nào cũng như mô phỏng âm sắc của nhiều nhạc cụ khác nhau và có khả năng thay thế cả một dàn nhạc.

Hiện nay, ĐPĐT thường chia làm 2 dạng chính là phổ thông và chuyên nghiệp. Loại chuyên nghiệp thường cho đối tượng các nhạc công, các phòng thu âm sử dụng. Loại phổ thông sử dụng cho môi trường học âm nhạc ở mức độ cơ bản. Trên thế giới hiện có một số thương hiệu đàn thông dụng và nổi tiếng như Yamaha, Casio, Roland… Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu sơ bộ về một số dòng ĐPĐT thông dụng.

 Dòng đàn Yamaha:

Yamaha được coi là dòng ĐPĐT có thương hiệu và thông dụng nhất ở Việt Nam. Yamaha từ khi bắt đầu xuất hiện là một công ty chế tạo đàn piano và Torakusu Yamaha là người “sáng lập năm 1887 tại thành phố Hamamatsu, quận Shizouaka của Nhật Bản” [6]. Sau đó, Yamaha nổi lên ở các lĩnh vực như xe máy, xe hơi, thiết bị âm thanh… vàsau này là ĐPĐT. Ngày nay, Yamaha đã và đang cho ra đời nhiều chủng loại đàn từ phổ thông cho đến chuyên nghiệp đủ chủng loại như dòng đàn Yamaha PRS-E, PRS-F, PRS-VN300 dùng cho phổ thông với các chức năng cơ bản của ĐPĐT dùng để học cơ bản, đặc biệt thông dụng trong các trường mầm non, tiểu học, THCS. Yamaha PRS-S, Tyros, Motif-XF là những loại đàn bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp với giá thành khá cao bên cạnh đó với chức năng không khác gì một dàn âm thanh chuyên nghiệp.

 Dòng đàn Casio:

Casio là một công ty “chế tạo thiết bị điện tử Nhật Bản được thành lập năm 1946, có trụ sở ở Tokyo. Ngoài nhạc cụ (trong đó có ĐPĐT), Casio còn được người ta biết tên tuổi nhiều nhất là về các loại sản phẩm như máy tính (calculator), camerađồng hồ[6]. ĐPĐT dòng Casio mãi đến năm 1980 mới được hãng này phát triển, và cũng chia làm 2 dòng phổ thông và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với giá thành không quá cao, Casio vẫn tập trung vào mức giá tầm trung phù hợp với đối tượng phổ thông và ngày nay đang thông dụng các dòng đàn như: Casio WK, LK, XW, CTK…

 Dòng đàn Roland:

Roland cũng là một công ty có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới về sáng chế công nghệ âm thanh, tạo bước tiến mạnh trong ngành công nghiệp sản xuất nhạc cụ, đặc biệt là nhạc cụ điện tử. Công ty này được ông Ikutaro Kakehashi thành lập vào tháng 4 năm 1972 ở thành phố Osaka, Nhật Bản. Ngày nay, nhãn hiệu Roland đã và đang vươn xa sang nhiều thị trường khó tính ở phương Tây và chú trọng vào cả 2 nhóm đối tượng phổ thông và chuyên nghiệp với mức giá và chất lượng âm thanh tốt, là đối trọng của hãng Yamaha và Korg trong dòng đàn chuyên nghiệp. Có thể kể đến các dòng đàn như: Roland E dùng cho phổ thông và Roland BK, GW… dùng cho chuyên nghiệp. Đàn Roland thường nhỏ gọn hơn so với đàn của dòng Yamaha. Tuy nhiên, điểm hạn chế của Roland là nhiều dòng không có loa, phải sử dụng loa ngoài như loại GW8.

 Dòng đàn Korg:

Công ty Korg được thành lập vào năm 1962 tại Nhật Bản bởi 2 nhà sáng lập Tsutomu Kato và Tadashi Osanai. Công ty này là một trong những nhà sản xuất nhạc cụ điện tử, phụ kiện âm nhạc uy tín, chất lượng trên thế giới. Đàn Organ Korg cũng chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Thời gian đầu, ở Việt Nam rất ít người dùng đàn Korg nhưng từ năm 2012 đến nay, công ty Korg đã cho ra sản phẩm Korg PA với các dòng PA.600, PA.800, PA.900 có kiểu dáng nhỏ gọn như hãng Roland.Tuy nhiên, bộ tiếng vẫn còn phức tạp bởi những tính năng của riêng hãng không mang tính phổ thông như các hãng đàn khác nên khó khăn cho người sử dụng. Cho đến nay, Korg PA vẫnlà sản phẩm cạnh tranh với Roland BK, Yamaha S. Dòng sản phẩm nhạc cụ này có rất nhiều ưu điểm như dễ sử dụng, giá khá hợp lý và chất lượng âm thanh tốt nên cũng đã được người chơi đàn Việt Nam bước đầu chấp nhận.

Qua những thống kê trên có thể nói, ĐPĐT luôn là loại nhạc cụ thông dụng nhất hiện nay, phù hợp với nhịp sống thời đại, mở rộng giao lưu văn hóa nghệ thuật âm nhạc trên thế giới thì ĐPĐT luôn được ưa chuộng và phù hợp với mọi lứa tuổi, và đặc biệt ở Việt Nam rất phù hợp trong chương trình dạy học âm nhạc phổ thôngvà các chương trình văn hóa văn nghệ nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Sơn Hồng Vỹ (2004), Tự đặt hợp âm cho đàn Guitar và Organ, Nxb Giao thông Vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh.

2.    Nguyễn Xuân Tứ (2004), Phương pháp dạy và học Đàn phím điện tử (Electronic keyboard), tập 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3.    Hồng Đăng (tái bản năm 1978), Các nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng, Nxb Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.

4.    Trịnh Hoài Thu (2005), Giới thiệu về cây đàn Organ điện tử,Tạp chí Thông tin Khoa học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa TW, (số 12, 10/2005), tr.51-52.

5.    Techmusic.edu.vn Sơ lược sự ra đời của đàn phím điện tử

6.    https://wikipedia

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc