Sự kiện

Bạn biết gì về Kiểm định chất lượng giáo dục đại học? Kỳ 1: TỔNG QUAN VỀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

03 Tháng Tư 2009

Bạn biết gì về Kiểm định chất lượng giáo dục đại học?

Kỳ 1: TỔNG QUAN VỀ KIỂM ĐỊNH

CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

 

Trần Thu Thủy

 

            Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCL) là một trong những hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài các trường. KĐCL có một lịch sử phát triển lâu dài ở Hoa Kỳ và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ thu hút được sự chú ý của nhiều nước từ những năm 90 của thế kỉ trước, khi mà giáo dục đại học của thế giới đang chuyển dần từ nền giáo dục theo định hướng của Nhà nước sang nền giáo dục theo định hướng thị trường. KĐCL trở thành một công cụ hữu hiệu của các nước trên thế giới nhằm duy trì các chuẩn mực dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Công tác đánh giá và KĐCL tuy mới được triển khai ở Việt Nam, nhưng đã có những tác động tích cực đến chất lượng giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ GD&ĐT lựa chọn KĐCL như một biện pháp chính thức để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Công tác này đã được khẳng định về mặt pháp lý thông qua Luật Giáo dục 2005 và Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 1/8/2006 của Chính phủ.

 

Kiểm định chất lượng là gì?

            Theo định nghĩa của tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO): kiểm định chất lượng giáo dục được xác định là “một quá trình đánh giá từ bên ngoài nhằm đưa ra quyết định công nhận một trường đại học hay một chương trình đào tạo của nhà trường đáp ứng các chuẩn mực quy định'; hội đồng kiểm định chất lượng đại học của Hoa Kỳ (CHEA) cho rằng: kiểm định là 'một quá trình xem xét chất lượng từ bên ngoài, được giáo dục đại học sử dụng nhằm đảm bảo và cải tiến chất lượng”.

Bộ GD&ĐT quy định: “Kiểm định chất lượng giáo dục trường là hoạt động đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ GD&ĐT quy định đối với trường ở từng trình độ đào tạo” (Quyết định số 76/2007/QĐ-BGDĐT  ngày 14/12/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).

            Như vậy, KĐCL là một giải pháp quản lý chất lượng và hiệu quả với mục tiêu: đánh giá hiện trạng các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn đề ra, tìm các điểm mạnh điểm yếu của mình, từ đó phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để phát triển. Kết quả của kiểm định một mặt góp phần định hướng lựa chọn đầu tư cho người học/phụ huynh đối với cơ sở giáo dục có chất lượng và hiệu quả; mặt khác định hướng sự đầu tư của nhà nước để tạo nguồn nhân lực theo những ngành nghề cần thiết cho sự phát triển trong tương lai và cũng làm cơ sở cho các nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.

            Quy trình tiến hành công tác kiểm định chất lượng được thực hiện theo 3 giai đoạn:

            1.Tự đánh giá (còn gọi là đánh giá trong);

            2.Đánh giá ngoài;

            3.Công bố kết quả kiểm định.

*Tự đánh giá trong kiểm định GDĐH

Tự đánh giá (TĐG) là khâu đầu tiên trong tổng thể các hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo, là quá trình trường tự xem xét, nghiên cứu trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ GD&ĐT ban hành (Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) để đánh giá về hiện trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất cũng như các vấn đề liên quan khác, từ đó tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng.

Công cụ KĐCL đại học của Việt Nam là Bộ tiêu chuẩn có 10 tiêu chuẩn chứa đựng 61 tiêu chí, bao gồm hầu hết các hoạt động của trường đại học (đào tạo, nghiên cứu khoa học, kế hoạch tài chính, tổ chức cán bộ, quan hệ quốc tế, công tác sinh viên ...); đó cũng là mức độ yêu cầu và đòi hỏi cơ sở giáo dục phải đáp ứng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Dựa trên các tiêu chí trong từng tiêu chuẩn, nhà trường tiến hành tự đánh giá theo trình tự sau:

            1. Mô tả, phân tích, giải thích và đưa ra những nhận định để làm rõ thực trạng của nhà trường;

2. Đánh giá: chỉ ra những điểm mạnh của trường; phân tích và lý giải những điểm còn tồn tại;

3. Kế hoạch hành động: đưa ra được kế hoạch đầu tư nguồn lực để phát huy mặt mạnh và những giải pháp khắc phục các tồn tại nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường;

   4. Tự đánh giá đạt hay không đạt yêu cầu của tiêu chí.

            Trình tự trên cho thấy tự đánh giá là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, phải có sự tham gia của tất cả các phòng/ban, các khoa/trung tâm/viện thuộc trường và tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên. Hoạt động TĐG đòi hỏi tính công khai, trung thực và khách quan. Các giải thích, nhận định, kết luận đưa ra trong quá trình TĐG phải dựa trên các minh chứng cụ thể, rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy, bao quát hết các tiêu chí trong Bộ Tiêu chuẩn KĐCL.

Qua đánh giá của Bộ GD&ĐT cho thấy công tác tự đánh giá của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã được chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê trong hơn 3 năm (2004-2007), nước ta có 173 trường ĐH, 178 trường CĐ đã và đang triển khai TĐG, trong đó 20 trường ĐH đã được đánh giá ngoài, đang chờ xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 28 trường ĐH, 16 trường CĐ đã hoàn thành báo cáo TĐG, đang chờ đánh giá ngoài. Con số này nói lên nỗ lực rất lớn của các trường trong việc tự nhìn lại mình. Ngành giáo dục cũng đang phấn đấu đến tháng 5/2009 có 90% số trường ĐH, CĐ trên cả nước hoàn thành báo cáo TĐG; đến năm 2010 có ít nhất 80% số trường ĐH và 50% số trường ĐH trong cả nước được đánh giá ngoài; đến năm 2015 có 90% trường ĐH, CĐ được kiểm định ít nhất 1 lần; đến năm 2020 được kiểm định ít nhất 2 lần và khuyến khích các trường ĐH, CĐ đăng kí kiểm định bởi các tổ chức quốc tế.

 

 

Kiểm định chất lượng là một hoạt động không thể thiếu trong quản lý giáo dục đại học của nhiều nước trên thế giới. Kết quả của hoạt động này đem lại nhiều lợi ích cho đông đảo người học và các bên quan tâm. Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghề nghiệp tốt, đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động trong thời đại ngày nay; KĐCL là một trong những giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam theo hướng hội nhập, phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng đào tạo đại học trong khu vực và thế giới. Để đạt được mục đích của công tác kiểm định như đã trình bày trên,  các cơ sở giáo dục đại học cần hướng tới việc xây dựng “văn hoá chất lượng”.

Kỳ 2: Văn hoá chất lượng