Tin tức – Sự kiện

Một ngày ở Tả Phìn của sinh viên Thiết kế thời trang

28 Tháng Mười 2009

Tả Phìn là một trong bốn địa điểm được lên kế hoạch cho đợt đi thực tế của sinh viên lớp K1 - Thiết kế Thời trang. Đây là đợt đi thực tế chuyên môn nằm trong chương trình đào tạo ngành thiết kế thời trang năm thứ 3. Cũng là lần đi thực tế xa nhất trong 3 năm đầu nên các em sinh viên rất háo hức. Tổng số sinh viên K1 là 47 em đã chuẩn bị sẵn sàng. Hai giáo viên hướng dẫn là cô Hoàng Thị Oanh và cô Nguyễn Thị Bích Liên cùng 2 thầy cô dạy công nghệ may là thầy Nguyễn Triều Dương và cô Lưu Ngọc Lan.

Một ngày mới bắt đầu ở Sapa với buổi sáng thật dễ chịu, hơi sương mù, trời se lạnh. Le lói dưới những tán cây vài tia nắng nhỏ. Sinh viên đã chuẩn bị sẵn hành trang cho ngày thực tế ở Tả Phìn. Các em phải mang theo đồ ăn trưa vì sẽ phải đi bộ vào bản và làm việc cả ngày. Túi đeo, ba lô, máy ảnh, bảng vẽ đã được các em chuẩn bị. Áo khoác, mũ, ô cũng được mang theo vì thời tiết ở đây chuyển mùa trong ngày rất rõ rệt. Tả Phìn cách thị trấn Sa Pa khoảng 13km.

             8h15’ xe xuất phát khỏi thị trấn Sa Pa đến xã Tả Phìn, thời gian đến mất khoảng hơn 30’. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là trung tâm thêu của xã Tả Phìn. Đón tiếp đoàn có chị Lí Mảy Chạn chủ nhiệm câu lạc bộ. Chị giới thiệu với chúng tôi về các chị đang ngồi thêu ở Câu lạc bộ. Trước mắt chúng tôi là khoảng gần 10 chị đang ngồi thêu với những miếng thổ cẩm trên tay. Có chị còn địu cả con trên lưng. Cảm giác đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là sự thành thạo của các chị khi thêu. Họ vẫn ngồi cùng nhau nói chuyện nhưng đôi tay vẫn làm việc mà không hỏng được mẫu thêu. Thông thường ở miền xuôi , để thêu được 1 sản phẩm, cần phải có khung thêu. Hoạ tiết được vẽ sãn trên mặt vải và thêu từ mặt phải xuống. Nhưng với người Dao, người H’Mông ở Tả Phìn thì công việc này được thực hiện ngược lại. Họ không cần khung thêu cũng không cần vẽ hoạ tiết. Hoạ tiết ở đây hoàn toàn dựa vào trí nhớ và thêu ở mặt trái của sợi vải nhưng hoạ tiết lại nổi lên ở mặt phải. Do đó đòi hỏi người phụ nữ ở đây phải kiên trì, cẩn thận vì nếu sơ ý nhầm một mũi thêu sẽ sai lệch cả giải hoạ tiết.

Tổ thêu cuả ngươì Dao đỏ ở Tả Phin

Kỹ thuật thêu của người Dao, người H’Mông có 2 cách: thêu lát và thêu chéo mũi. Bên cạch đó khả năng thêu luồn sợi, dấu chỉ là rất khéo do đó trông miếng thổ cẩm thêu tay không nhìn thấy chỉ thừa ở mặt trái. Thông thường các chị thêu nhìn theo lóng chỉ dệt của vải, đếm khoảng cách sợi vải mà thêu. Chủ yếu hoạ tiết ở đây là các hình kỷ hà, chữ thập, chữ đinh, chữ công được chuyển biến một cách phong phú, đa dạng, kết hợp với các ô hình quả trám, hình tam giác, các đường viền gấp khúc, lúc thẳng đứng, lúc nằm ngang tạo ra hoa văn trang trí nhịp nhàng linh hoạt.

 

Cách thêu ở mặt trái, họa tiết hiện trên mặt phải

 

Khi được hỏi: “Các chị được học thêu từ bao giờ mà thành thạo thế?”. Chị Chạn nói: “Các bé gái được học thêu từ khi chưa đến trường học chữ, do đó khi còn học phổ thông các em đã được dậy cách thêu, cách chọn sợi, chọn vải, cách phối màu chỉ cạnh nhau sao cho đẹp”.  Đối với người Dao, người H’Mông việc thêu đồ thổ cẩm dùng trong sinh hoạt hàng ngày là việc không thể thiếu. Vì nếu người phụ nữ không biết dệt vải, thêu thùa cũng có nghĩa cả gia đình không có quần áo để mặc. Sản phẩm thêu là thước đo đánh giá sự đảm đang khéo léo của người phụ nữ. Những màu sắc được dùng nhiều trong chắp vải và thêu thổ cẩm của người Dao, người H’Mông là màu trắng, vàng, nâu, đỏ tươi, đỏ thẫm, xanh cây, xanh lam. Ngoài kĩ thuật thêu điêu luyện, người Dao, người H’Mông còn có kĩ thuật in sáp ong rất đặc biệt. Công cụ dùng để vẽ, in sáp ong là bút vẽ được làm bằng đồng, các thanh nứa, ống nứa để in các hình gấp khúc, hình tròn… Muốn tạo hoa văn nào đó, người ta sẽ dùng dụng cụ nhúng vào sáp ong nóng chảy rồi in lên vải. Kĩ thuật đun sáp ong cũng rất khéo léo, khi đun không được cứng quá cũng không được chảy quá vì cứng thì sáp ong sẽ bong khỏi mặt vải còn chảy quá thì sẽ bị nhoè hoạ tiết. Sau khi in và vẽ xong, sáp ong khô đem nhuộm chàm nhiều lần. Nhờ có sáp ong kết dính nên phần vải có sáp ong là các hoạ tiết hoa văn không bị ngấm chàm. Khi đã nhuộm được màu chàm như ý họ nhúng vải vào nước sôi, sáp ong tan ra sẽ hiện lên các hoa văn có màu xanh nhạt trên nền chàm truyền thống.

10h cả đoàn tiếp tục đi bộ vào bản, sau gần 1 tiếng thì đến nhà chị Mảy, cũng là người thêu ở Câu lạc bộ. Ở đây các em sinh viên được xem kĩ thuật nhuộm chàm và cách dệt vải của người Dao. Khung dệt được thiết kế rất đơn giản. Cách luồn sợi cũng khác với cách luồn sợi khung dệt thổ cẩm của người Mường - Hoà Bình. Các khổ vải dệt thủ công ở đây thường có khổ 20cm hoặc 40cm, vải dệt truyền thống thường có kích cỡ khác với vải dệt công nghiệp. Do vậy, người phụ nữ khi thêu cũng định hình sẵn từng khổ vải để tính toán hoạ tiết cho các bộ phận của váy, áo để sao cho sau khi hoàn thành các mảnh trang trí, từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may, ráp, hoàn chỉnh váy áo. Đó là sự khác biệt trong cách thêu của người Dao, H’Mông với một số dân tộc khác. Họ thêu hoạ tiết trên trang phục đã được may xong.

 

Cô Hoàng Oanh hướng dẫn sinh viên cách dệt vải

Khung dệt vải

12h15’, bữa trưa được tổ chức ngay tại vườn nhà chị Mảy. Tiếng cười nói, trao đổi của các bạn sinh viên râm ran cả khu vườn. Tại đây các em cũng được các thầy cô hướng dẫn tìm hiểu về kết cấu trang phục của dân tộc Dao. Thầy Dương, cô Liên đã mặc thử trang phục lên mình cho các bạn xem. Trang phục của người Dao gồm áo xẻ ngực, đai lưng, khăn đội đầu, xà cạp. Có bạn chụp ảnh, có bạn kí hoạ nhanh các trang phục…

 

Cách mặc trang phục của người Dao đỏ

  

Trang phục Dao đỏ- Tả phìn Sa Pa

 

3h30’ các em trở lại điểm tập kết ban đầu tại trung tâm xã Tả Phìn, xe đã đón đoàn trở về khách sạn. Tiếng nói, tiếng cười cả tiếng hát xen lẫn. Kết thúc một ngày thực tế vất vả. Mỗi bạn sinh viên đều mua cho mình một vài sản phẩm thổ cẩm như túi đeo, khăn quàng, mũ… Các em đều cho rằng: bây giờ các em đã biết phân biệt thế nào là thổ cẩm “xịn” (truyền thống) khác với những thổ cẩm công nghiệp được mua ở các souvenirs (quầy lưu niệm) ở Hà Nội hay trên dọc các phố tại thị trấn Sa Pa. Để có những sản phẩm thổ cẩm đó người phụ nữ Dao phải làm việc miệt mài cần mẫn tính ra họ chỉ làm được 5.000đ/ ngày công lao động. Do đó, không ai trong số các em dám mặc cả khi mua vì đã thực sự thấy/trân trọng sức lao động của nghệ nhân người dân tộc.

 Một ngày đi thực tế vất vả nhưng cũng đầy bổ ích vì  các em sinh viên đã tự trang bi cho mình những kiến thức mới. Có em nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” rồi cả xe cùng cười vui vẻ. Đêm nay cả đoàn chắc sẽ ngủ ngon sau một ngày đi bộ và làm việc tích cực, thêm vào đó khí hậu ở Sa Pa ngày thì nắng đêm lại rất mát. Ngày mai cả đoàn sẽ lại lên đường với điểm thực tế mới: Bãi đá cổ làng thổ cẩm Cát Cát, Chợ Bắc Hà…

 

Ths. Hoàng Thị Oanh

Khoa VH-NT