Tin tức – Sự kiện

Hội thảo khoa học "Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống"

24 Tháng Giêng 2010

Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống là Hội thảo khoa học toàn quốc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghệ thuật vừa diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSP Nghệ thuật TW) trong hai ngày 21 và 22 - 1 - 2010. Tập hợp gần 60 tham luận của đội ngũ các nhà khoa học là cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy các trường đào tạo nghệ thuật, các trường phổ thông cùng trao đổi kinh nghiệm, thông tin, đưa ra những sáng kiến trong giảng dạy, Hội thảo đã mang những ý nghĩa thiết thực vào sự nghiệp giáo dục đào tạo nghệ thuật ở nước ta trong thời gian tới.

 

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, giáo dục nghệ thuật trên cả nước: Đồng chí Vũ Tuấn Dũng, Uỷ viên thường vụ, Trưởng ban tuyên huấn (Đảng uỷ khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội); hoạ sĩ Trịnh Đức Minh, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Chỉ đạo chuyên môn Nghệ thuật, Sở Giáo dục Hà Nội; nhạc sĩ Hoàng Long, Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ngoài ra còn có đại diện các cơ sở giáo dục đào tạo nghệ thuật cùng các cơ quan truyền thông báo chí: Nhân dân, Lao động, Đại biểu nhân dân, Giáo dục và thời đại... Về phía trường ĐHSP Nghệ thuật TW có các đồng chí trong Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Phát biểu trước Hội thảo, PGS.TSKH.Phạm Lê Hoà, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã khẳng định ý nghĩa của văn hoá nói chung và nghệ thuật nói riêng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hoá, vai trò của văn hoá, nghệ thuật càng trở nên quan trọng, là những yếu tố góp phần hình thành bản sắc riêng từng dân tộc. Điều này đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác giáo dục nghệ thuật hiện nay. Là một cơ sở đào tạo nghệ thuật, giảng viên, cán bộ nhà trường không ngừng cố gắng nâng cao chất lượng giảng dạy, coi đây là yếu tố thể hiện tính chuyên nghiệp và thương hiệu của trường. Chương trình đào tạo từng năm đều được chỉnh sửa, đổi mới, rút kinh nghiệm, để ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghệ thuật, Hội thảo khoa học Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật trong cuộc sống, từ đó rà soát lại nội dung chương trình, giáo trình đào tạo giáo viên nghệ thuật ở nước ta; trên cơ sở đó, xác định hệ thống giải pháp để đưa ra những định hướng đổi mới nội dung chương trình, giáo trình trong dạy học các môn nghệ thuật, đồng thời dự thảo sẽ mở thêm những mã ngành đào tạo nghệ thuật phù hợp với yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới. Hội thảo đã nhận được gần 60 tham luận từ nhiều cơ sở như: Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Đồng Tháp, ĐH Quảng Bình, ĐHSP Hà Nội, ĐH Hùng Vương, ĐH Hải Phòng, CĐSP Vĩnh Phúc, CĐSP Lào Cai, CĐSPTW Nha Trang,... Với nhiều nội dung đa dạng, phong phú, Hội thảo sẽ góp phần tích cực trong công tác xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục nghệ thuật trong tương lai tới.

 

PGS.TSKH.Phạm Lê Hòa đọc báo cáo đề dẫn Hội thảo

 

Thay mặt Uỷ ban kiểm tra, Đảng uỷ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, đồng chí Vũ Tuấn Dũng đã ghi nhận sự cố gắng của tập thể trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong thời gian qua, đồng thời hi vọng Hội thảo sẽ nhận được những đóng góp sâu sắc, mang tính ứng dụng vào thực tiễn. Đồng chí tin tưởng rằng, với những ý kiến trao đổi sôi nổi, tích cực xây dựng được nêu ra, Hội thảo sẽ đề xuất những giải pháp, những sáng kiến để giáo dục nghệ thuật ngày càng đáp ứng đầy đủ những yêu cầu mới của cuộc sống.

 

Hướng tới tinh thần xây dựng sự nghiệp giáo dục nghệ thuật hiện nay, các tham luận của Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính: Vai trò của giáo dục nghệ thuật trong cuộc sống; Công tác đào tạo giáo viên nghệ thuật hiện nay; Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy trong đào tạo các loại hình nghệ thuật đáp ứng nhu cầu của xã hội và Định hướng đổi mới nội dung chương trình, giáo trình trong dạy học các môn nghệ thuật, xác định hệ thống giải pháp đổi mới nội dung chương trình, giáo trình đào tạo giáo viên nghệ thuật, dự thảo mã ngành đào tạo nghệ thuật mới. Ở mỗi nội dung, Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến thảo luận, xây dựng và bổ sung cho các tham luận.

 

Bàn về Vai trò của giáo dục nghệ thuật hiện nay, nhạc sĩ Hoàng Long, người từng có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc, nhấn mạnh, công tác giáo dục nghệ thuật hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Theo nhạc sĩ, chương trình đào tạo các loại hình nghệ thuật cần phải được xây dựng cho thật phù hợp với từng đối tượng, từng cấp học, có như vậy thì mỗi người mới có thể góp phần vào việc gìn giữ, duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật.

 

Các đại biểu dự giờ giảng môn Mỹ học, Khoa Sư phạm Mỹ thuật

 

 

 Về công tác đào tạo giáo viên nghệ thuật, đồng chí Trịnh Đức Minh đã nêu lên thực trạng giáo viên nghệ thuật tại các trường tiểu học trong khu vực Hà Nội hiện nay. Theo đó, chất lượng đào tạo giáo viên nghệ thuật thể hiện ở chỗ, những sinh viên nghệ thuật khi rời khỏi giảng đường sẽ ứng dụng những điều được học vào thực tế như thế nào. Hiện nay có một số sinh viên nghệ thuật có trình độ chuyên môn tốt nhưng lại thiếu các kĩ năng cần thiết khác như tổ chức sự kiện văn hoá, tổ chức câu lạc bộ, khả năng truyền đạt lòng yêu nghệ thuật cho học sinh... Tuy chỉ là thiểu số nhưng hiện tượng này đặt ra vấn đề: việc đào tạo giáo viên nghệ thuật phải luôn gắn liền với cuộc sống, với yêu cầu xã hội; cần xác định rằng, giảng dạy nghệ thuật không phải là dạy năng khiếu mà phải cần hướng dẫn, định hướng về văn hoá nghệ thuật, về cái đẹp cho học sinh; dạy nghệ thuật chỉ có kết quả tích cực khi nó mang tính phổ thông hoá, phù hợp với tất cả mọi đối tượng. Để làm được điều này, những cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật cần chú trọng hơn tới việc đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

 

Nằm trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu đã chia thành hai nhóm dự giờ dạy của khoa Sư phạm Âm nhạc và khoa Sư phạm Mỹ thuật Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Những người tham dự đều khẳng định, hai tiết dạy đã đảm bảo tính giáo dục của một giờ học nghệ thuật, giảng viên đã linh hoạt ứng dụng phương tiện kĩ thuật hiện đại nhằm tăng tính hấp dẫn, sinh động cho bài giảng. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần rèn kỹ năng sư phạm, tính chủ động trong học tập và ý thức tự học cho sinh viên. Đây là những yêu cầu cần thiết trong đào tạo giáo viên nghệ thuật hiện nay.

 

Đóng góp ý kiến thảo luận nội dung Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy trong đào tạo các loại hình nghệ thuật đáp ứng nhu cầu xã hội, đại biểu Võ Văn Lạc, Trưởng bộ môn Mỹ thuật Tạo hình, Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Đồng Tháp nêu một số đề xuất về giảng dạy nghệ thuật dân gian như: mở thêm phần nghiên cứu, lý luận về nghệ thuật dân gian, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam vào chương trình đào tạo theo hình thức tín chỉ, tăng thời gian học về mỹ thuật dân gian (so với chỉ 5 - 6 tiết như hiện nay).

 

Ths Đinh Thị Hà, Ths. Võ Văn Lạc, Ths. Trần Đình Tuấn phát biểu tại Hội thảo.

 

Về việc định hướng đổi mới nội dung chương trình, giáo trình đào tạo giáo viên nghệ thuật tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong tương lai, Hội thảo đã cùng nghe những ý kiến của Ts. Phạm Trọng Toàn, đồng chí Vũ Văn Hậu và Ths. Trần Đình Tuấn. Theo đó, đội ngũ giảng viên đào tạo của trường đang tích cực nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng đang được đầu tư phát triển. Nhà trường sẽ thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo, mở thêm nhiều chuyên ngành mới để khẳng định bề dày 40 năm xây dựng và phát triển của một trong những cơ sở hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nghệ thuật.  

 

Sau hai ngày làm việc tích cực và hiệu quả, Hội thảo khoa học Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống đã lắng nghe các ý kiến bàn luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục về vấn đề giáo dục nghệ thuật hiện nay. Với nội dung phong phú của các tham luận, Hội thảo chắc chắn sẽ đem lại những định hướng đúng đắn, những hiệu quả tích cực cho công tác giảng dạy nghệ thuật trong thời gian tới.

 

PV