Hoạt động nghiên cứu

Nghiệm thu 02 đề tài Khoa học công nghệ cấp Bộ

16 Tháng Ba 2017

                                                                                                                                                BBT

 

Sáng ngày 14/3/2017, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tiến hành nghiệm thu 02 đề tài Khoa học Công nghệ cấp Bộ: “Đổi mới chương trình (nội dung, phương pháp, cách đánh giá) giáo dục âm nhạc cho học sinh Trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông” (Mã số: B2015-36-28) do PGS.TS. Phạm Trọng Toàn làm chủ nhiệm và đề tài “Giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn nghệ thuật cho đội ngũ giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở miền Bắc Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông” (Mã số: B2015-36-27) do PGS.TS. Trịnh Hoài Thu làm chủ nhiệm đề tài.

Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH công nghệ cấp Bộ

Tham gia đánh giá nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ lần này có 02 Hội đồng, với thành phần gồm: Chủ tịch, thành viên Hội đồng, chủ nhiệm đề tài, thành viên đề tài và đông đảo cán bộ, giảng viên quan tâm tới dự.

PGS.TS. Phạm Trọng Toàn - Chủ nhiệm đề tài trả lời câu hỏi trước Hội đồng

 Đề tài Đổi mới chương trình (nội dung, phương pháp, cách đánh giá) giáo dục âm nhạc cho học sinh Trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông) do PGS.TS. Phạm Trọng Toàn làm chủ nhiệm là một công trình nghiên cứu khoa học công phu đi sâu vào nội dung, phương pháp và cách đánh giá giáo dục âm nhạc để nhằm đổi mới giáo dục phổ thông. Đề tài tập trung nghiên cứu vào các vấn đề cơ bản như: Thực trạng sử dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục âm nhạc; Đề xuất kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung chương trình môn âm nhạc; Thực trạng và đề xuất đổi mới phương pháp dạy học môn âm nhạc ở bậc THCS. Trong đó, đặc biệt đi sâu vào vấn đề thực trạng sử dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục âm nhạc, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung về chương trình và đề xuất đổi mới phương pháp dạy học môn âm nhạc ở bậc THCS. Thông qua quá trình thực nghiệm sư phạm, nhóm tác giả đã hoàn thành công trình nghiên cứu và có những đóng góp mới phù hợp đối với chương trình giáo dục âm nhạc cho học sinh.

  

PGS.TS. Trịnh Hoài Thu – Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả công trình nghiên cứu

Với mục đích đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay ở nước ta, các môn học nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) đã được đưa vào nội dung dạy học cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục âm nhạc và giáo dục mỹ thuật đối với nền giáo dục của nước nhà, nhóm tác giả do PGS.TS. Trịnh Hoài Thu làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài “Giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn nghệ thuật cho đội ngũ giáo viên âm nhạc và mỹ thuật ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở miền Bắc Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”. Đề tài đi sâu vào nghiên cứu, phân tích vấn đề thực trạng, năng lực chuyên môn và kỹ năng dạy học của giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đã đưa ra được những giải pháp và các điều kiện tổ chức thực hiện nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở miền Bắc Việt Nam. Sau một năm thực hiện đề tài, công trình nghiên cứu đã được hoàn thành và có những đóng góp mới cho hoạt động giáo dục nghệ thuật như: tổng kết được kinh nghiệm dạy học nghệ thuật ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở, đề xuất được 3 giải pháp, biên soạn được 4 chương trình bồi dưỡng cơ bản và nâng cao nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghệ thuật cho giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở miền Bắc Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Sau khi nghe báo cáo, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã lần lượt đưa ra ý kiến nhận xét, chỉ ra những ưu điểm cũng như những mặt còn tồn tại của công trình nghiên cứu và đặt câu hỏi cho nhóm tác giả. Nhìn chung, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu của nhóm tác giả trong quá trình làm việc. Các Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí và thông qua 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Kết quả nghiên cứu sẽ được ứng dụng làm nguồn tham khảo cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy; là tài liệu học tập thiết thực cho cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và các trường khối văn hóa nghệ thuật.