Tin tức

GS. Cảnh Kính nói chuyện chuyên đề: “Giao lưu và tiếp biến văn hóa nghệ thuật hiện nay”

28 Tháng Mười Một 2017

BBT

 

            Sáng ngày 14 tháng 11 năm 2017, tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, GS. Cảnh Kính - Học viện Xã hội, Đại học Thượng Hải đã có buổi nói chuyện chuyên đề: “Giao lưu và tiếp biến văn hóa nghệ thuật hiện nay”.

            Tham dự buổi giao lưu khoa học có GS. Cảnh Kính, Học viện Xã hội, Đại học Thượng Hải. Về phía Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có TS. Đào Đăng Phượng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, đại diện lãnh đạo các phòng ban, đơn vị cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường.

Toàn cảnh buổi nói chuyện chuyên đề

            Tại buổi giao lưu, GS. Cảnh Kính đã trình bày về chủ đề “Sự khởi sắc của nghệ thuật Trung Quốc trong phong trào xây dựng nông thôn”. Giáo sư nêu lên nguồn gốc sự hình thành nghệ thuật ở nông thôn Trung Quốc. Đô thị hóa dẫn đến người nông dân rời bỏ đất đai, đất đai ban đầu ở nông thôn được xây dựng thành những tòa nhà cao tầng, công xưởng. Lao động trẻ ở nông thôn di chuyển đến thành thị. Một mặt, nông thôn bị coi như là đại diện cho sự lạc hậu. Mặt khác, những người sống lâu năm ở thành thị coi nông thôn là tinh thần của họ.

 

GS. Cảnh Kính nói chuyện chuyên đề

            Trong phần trình bày của mình, GS. Cảnh Kính đưa ra những gợi ý từ các quốc gia trên thế giói như ở Đức từ sau thế chiến thứ hai, Qũy Seidel khởi xướng thể nghiệm “Bình đẳng hóa thành thị và nông thôn” mà hạt nhân lý luận là: Cuộc sống nông thôn và thành thị mặc dù có khác biệt, nhưng bình đẳng về giá trị. Năm 1965, tại Bavaria đã ban hành “Quy hoạch phát triển không gian đô thị và nông thôn” thực hiện bình đẳng kinh tế giữa thành thị và nông thôn, làm suy giảm quan niệm về sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn để người dân nông thôn tiếp tục muốn ở lại sinh sống tại quê hương.  Từ đó, Trung Quốc ứng dụng tại quốc gia mình: Năm 1990, thôn Trương Lâu, Thanh Châu, Sơn Đông bắt đầu thể nghiệm “Bình đẳng hóa thành thị và nông thôn”. Năm 2010, ở Đường Sơn cũng bắt đầu triển khai dự án. Các nhà nghệ thuật bắt đầu tìm tòi xây dựng phương thức để “nghệ thuật kích hoạt hương thôn”. Năm 2011, Âu Ninh và Tả Tĩnh đã xây dựng dự án khởi động “Kế hoạch cộng đồng Bích San” tại thôn Bích San, Hoàng San, An Huy. Dự án quy tụ các kiến trúc sư, chuyên gia xây dựng nông thôn, nhà văn, đạo diễn, nhà thiết kế,… cùng với những nhà nghiên cứu địa phương hỗ trợ người nông dân làm mới lại các phương thức sinh hoạt đời sống ở nông thôn. Chiêu mộ các nghệ nhân thủ công dân gian và nghệ sĩ dân gian cùng hợp tác và tổ chức các buổi biểu diễn, triển lãm ở từ đường và kho lương khổ của thôn. Tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về nghiên cứu xây dựng nông thôn, nghiên cứu kiến trúc nông thôn.Tiếp theo là Dự án cải tạo thôn Hứa, sáng tạo nghệ thuật thực cảnh,…

            Chuyên đề của GS. Cảnh Kính đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người tham dự. Có rất nhiều câu hỏi được gửi tới giáo sư về các vấn đề liên quanbảo lưu tài nguyên văn hóa vốn có ở nông thôn, liên hệ giữa văn hóa Trung Quốc và Việt Nam…