Đổi mới giáo dục đại học

Trường sư phạm có sứ mệnh đặc biệt trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

15 Tháng Năm 2012

Đổi mới quản lý là khâu đột phá, giáo viên là khâu then chốt, do vậy, các trường sư phạm sẽ là những điểm bước ngoặt, tạo bước đột phá trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo – đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại Đại hội đại biểu lần thứ XII Đảng bộ trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhiệm kỳ 2012-2015 diễn ra sáng nay (11/5).

 

vvvdvf
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: các trường sư phạm là những điểm bước ngoặt tạo đột phá. Ảnh: gdtd.vn

 

Sau khi nghe trình bày dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội, trong đó đánh giá các hoạt động của Đảng bộ trường ĐH sư phạm Hà Nội khóa XI nhiệm kỳ 2006-2011, nêu phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ nhà trường trong nhiệm kỳ mới; đồng thời nghe một số ý kiến tham luận của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhiệt liệt biểu dương kết quả mà trường ĐH sư phạm Hà Nội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Bộ trưởng nhấn mạnh thành quả trong việc nhà trường đã tăng cường và có bổ sung đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện làm việc; đội ngũ giáo viên nhất là đội ngũ có trình độ khoa học cao, GS, PGS, TS, TSKH; công tác hợp tác quốc tế có những tiến bộ, đóng góp vào hoạt động chuyên môn của nhà trường và góp phần nâng cao uy tín của trường, của ngành. Ngoài số lượng đông đảo bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, một số giảng viên, nhà khoa học của trường đã và đang tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các trường ĐH lớn, tạo tiềm lực, vị thế cho nhà trường một cách vững chắc.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đồng thời thẳng thắn chỉ ra các thiếu sót, khuyết điểm của nhà trường liên quan đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, phát hiện, sử dụng, đánh giá cán bộ; việc chấp hành, thực hiện những chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy, của bộ GD&ĐT...Từ đó, Bộ trưởng đề nghị nhà trường hết sức chú ý đề phòng bệnh chủ quan tự mãn; bệnh bảo thủ, không cập nhật những vấn đề về đường lối, chính sách, quan điểm, những vấn đề về nghiệp vụ của Đảng...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh: Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Bộ GD&ĐT đang tích cực chuẩn bị đề án “Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, rất cần sự tham gia đóng góp nhiều hơn và chủ động hơn từ các trường, trong đó có trường ĐH sư phạm Hà Nội.

Cùng với đó, hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khẳng định phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ mô hình tăng trưởng chủ yếu về số lượng sang mô hình tăng trưởng dựa vào chất lượng và hiệu quả. Trung ương yêu cầu tất cả các ngành, các cấp quán triệt tinh thần trên. Định hướng này trực tiếp nói về kinh tế, nhưng chúng ta với tư cách là một ngành lớn, quan trọng và cung cấp nguồn nhân lực để tạo nên sự đổi mới cho kinh tế thì không đi trước được cũng phải song hành, không được tụt hậu. Như vậy, Chúng ta sẽ xử lý mô hình phát triển của ngành GD-ĐT nói chung và của giáo dục ĐH nói riêng thế nào? Các trường sư phạm sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng thế nào? - Bộ trưởng đặt vấn đề.

 

Đại hội Đảng bộ trường ĐHSP Hà Nội diễn ra trong thời điểm nhà trường đã tổ chức thành công 60 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2012-2017. Ảnh: gdtd.vn
Đại hội Đảng bộ trường ĐHSP Hà Nội diễn ra trong thời điểm nhà trường mới tổ chức thành công kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2012-2017. Ảnh: gdtd.vn

 

Về vấn đề đổi mới căn bản toàn diện, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ quan điểm: Trục đổi mới thế nào vẫn còn phải bàn, nhưng tôi cho rằng, đổi mới quản lý là khâu đột phá, điều này Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định; giáo viên là khâu then chốt, do vậy, các trường sư phạm là những điểm bước ngoặt tạo bước đột phá. Nói như thế để gửi gắm đánh giá hết sức quan trọng đối với hệ thống các trường sư phạm, đặc biệt là trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM.

“Các đồng chí có sự mạng đặc biệt trong chuyện này, đó là tự đổi mới mình một cách căn bản, toàn diện; tham góp với Đảng, Chính phủ, Bộ về việc đổi mới ngành; các đồng chí cũng sẽ đồng thời là người thi công số một trong công cuộc đổi mới” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Bộ trưởng yêu cầu trường ĐH Sư phạm lui lại một bước vấn đề thực hiện đa ngành, mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh để bàn giúp Bộ việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Khẳng định rằng, trường ĐH Sư phạm HN là một trong những trường giàu truyền thống, nhiều sinh viên của trường trưởng thành đã trở thành những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; Bộ trưởng tin tưởng, ĐH sư phạm Hà Nội với truyền thống và sức mạnh hiện tại của đội ngũ thầy cô giáo, các nhà khoa học, cán bộ quản lý cùng những tiềm năng sẵn có sẽ có những bước phát triển mới trong nhiệm kỳ tới. 

Mục tiêu tổng quát của Đảng bộ trường ĐHSP Hà Nội trong nhiệm kỳ mới: Xây dựng khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động trong cán bộ và sinh viên toàn trường, tạo ra khí thế đổi mới trong toàn bộ hoạt động đào tạo và NCKH, trong nền nếp quản lý, quyết tâm xây dựng trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm hiện đại, phát triển năng động và hội nhập thành công vào nền giáo dục ĐH của khu vực và thế giới.