Nội san

Đưa âm nhạc dân tộc vào chương trình âm nhạc phổ thông

29 Tháng Giêng 2018

 Ngô Thị Bích Thảo

Lớp cao học K1  – LL&PP dạy học  Âm nhạc

 

Hiện nay, nhu cầu được học âm nhạc của học sinh là rất lớn, ở những trường có giáo viên chuyên về giảng dạy âm nhạc, hầu hết học sinh đều yêu thích môn học này. Có thể nói, giáo dục âm nhạc là cần thiết để cân bằng giữa các nội dung học tập, tránh quá tải và góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh ở Việt Nam. Môn âm nhạc thực sự đã đem lại không khí vui tươi, sôi nổi trong nhà trường, làm học sinh cảm thấy hào hứng hơn trong học tập.

1. Âm nhạc dân tộc hướng học sinh về cội nguồn

Theo thống kê của Viện Âm nhạc, hiện nay nước ta có hơn 17.000 bài dân ca, gần 9.000 bài dân nhạc của 54 dân tộc, 75 vở diễn sân khấu và diễn xướng dân gian do 1.848 nghệ nhân hát và đàn. Trong đó, nhạc đàn có 803 thể loại, nhạc hát có 1.045 thể loại - tất cả đều mang tâm tư, khát vọng của con người vươn lên trong lao động, học tập, công tác và chiến đấu.

Với bề dày lịch sử của dân tộc, có thể nói âm nhạc truyền thống Việt Nam như một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân đất Việt, góp phần làm nên con người với đặc tính và đặc trưng riêng của văn hóa Việt Nam. Các loại hình nghệ thuật kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương và các loại hình dân ca kịch là sản phẩm văn hóa do nhân dân sáng tạo ra và đã trở thành món ăn tinh thần, có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của người dân các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, âm nhạc dân tộc đang bị mờ dần bản sắc và thưa vắng người nghe, người xem. Một bộ phận lớn tuổi trẻ không hiểu hết giá trị của âm nhạc truyền thống, hướng vào âm nhạc thương mại, âm nhạc nước ngoài, âm nhạc trẻ quay lưng với âm nhạc dân tộc khiến cho những người hoạt động âm nhạc dân tộc hết sức khó khăn.

Để tiếp tục đưa âm nhạc truyền thống đi sâu vào đời sống xã hội, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tôn vinh các thể loại âm nhạc dân gian truyền thống, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã và đang nắm giữ kho di sản quý báu của dân tộc. Đặc biệt, để nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ hướng về cuội nguồn âm nhạc dân tộc, việc đưa bộ môn âm nhạc dân tộc phổ biến ở các cấp học phổ thông là điều hết sức cần thiết hiện nay.

Việt Nam có một kho tàng âm nhạc truyền thống vô cùng đồ sộ, cùng với đó là sự đa dạng của các nhạc cụ dân tộc, việc lựa chọn thưởng thức âm nhạc dân tộc là nhằm duy trì nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Việc cảm thụ được âm nhạc dân tộc sẽ giúp các em phát huy sự tưởng tượng, sự sáng tạo, kích thích các em hứng thú say mê học tập và đạt thành tích học tập tốt.

Ngoài ra nhạc dân tộc còn có thể phát huy lối tư duy tưởng tượng, tinh thần tự giác, suy luận theo phương pháp liên hệ, so sánh giữa thế giới trong nghệ thuật với cuộc sống hàng ngày, phát huy phẩm chất cá nhân nhìn từ góc độ xã hội. Song song đó, nhạc dân tộc còn giúp các em tăng cường cảm thụ về thế giới nội tâm, đời sống tinh thần phong phú của người dân Việt Nam. Môn học âm nhạc trong trường không chỉ giúp các em giảm stress mà qua đó các em có cái nhìn tươi đẹp hơn về cuộc sống, thông qua làn điệu âm nhạc để dạy các em biết rằng cuộc sống xung quanh mình còn có biết bao điều tốt đẹp. Từ đó giúp hình thành trong tâm trí các em những nhân cách, phẩm chất tốt đẹp để dần dần hướng đến vẻ đẹp hoàn thiện của chân-thiện-mỹ với những giá trị truyền thống của dân tộc, hình thành nhân cách chủ động, linh hoạt, trân trọng cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống hàng ngày.

2. Tạo hứng thú học nhạc dân tộc cho học sinh

Thực tế cho thấy, nhạc trẻ hiện nay đang chiếm lĩnh thị trường âm nhạc Việt Nam. Chúng ta có thể lấy dẫn chức, các kênh âm nhạc trên Internet cho phép người nghe nhạc có thể tiếp cận với tất cả các loại thể loại âm nhạc. Kênh Youtube là một trong những kênh thu hút lượt người xem nhiều nhất trên thế giới vì đây là kênh đăng tải các video âm nhạc của tất cả các quốc gia trên thế giới, các bản “hit” mới được ra lò nhanh chóng được cập nhật trên kênh này. Số lần “view” những bản nhạc trẻ hiện nay tính bằng hàng triệu lượt, thậm chí trăm triệu lượt. Ngược lại các bản nhạc dân tộc số lượng coi khá khiêm tốn, tính bằng trăm, nghìn lượt.

Bên cạnh đó, thực trạng thưởng thức âm nhạc chung của học sinh các trường Trung học cơ sở còn chưa thật sự đáng mừng. Một số trường, học sinh chưa có hứng thú học âm nhạc dân tộc, một phần là do ảnh hưởng của nhạc trẻ, một phần do giáo viên âm nhạc chưa thực sự tâm huyết truyền “lửa” cho các em và môn âm nhạc vẫn bị coi là môn phụ, không ảnh hưởng đến thành tích học tập của các em. Chính vì vậy đã gây tâm lý không mặn mà với bộ môn âm nhạc của phần lớn các em học sinh. Tuy nhiên, nhận thức được vai trò quan trọng của việc truyền cảm hứng thích học nhạc cho các em học sinh, một số trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã chú trọng đầu tư vào việc tuyển giáo viên có trình độ chuyên môn cao về âm nhạc, có tâm huyết với nghề để dạy môn âm nhạc. Điển hình như trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi – TX. Dĩ An, Bình Dương. Qua các tiết học về âm nhạc dân tộc, học sinh nắm được tính năng của một số nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nhạc cụ dân tộc Việt Nam rất đa dạng và phong phú: như đàn Nguyệt (Kìm), đàn Tranh (thập lục), đàn Cò (Nhị), đàn Bầu (Độc Huyền Cầm), Sáo, Tiêu,…tạo cho nền nhạc dân tộc bức tranh đa dạng, phong phú.

Tuy nhiên, để học sinh hứng thú học môn âm nhạc rất cần sự nhiệt huyết của giáo viên trong việc truyền “hồn” dân tộc cho thế hệ trẻ và cần sự quan tâm, đầu tư của nhà trường và các ngành chức năng.

3. Cần có giải pháp thiết thực

Trước thực trạng trên, việc đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam vào trường học phổ thông rất quan trọng. Tuy nhiên cần phải có giải pháp thiết thực và hiệu quả nhằm mục đích nâng cao trí tuệ, đạo đức, văn hóa nghệ thuật Việt Nam lên tầm cao hơn.  

Cô Phạm Thị Hoàng – Giáo viên dạy môn Âm nhạc, trường Trung học cơ sở Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ “Để các em học sinh có hứng thú học nhạc, trong tiết học nhạc thay vì trong chương trình là học sinh nghe những bài ca khúc thì giáo viên xen kẽ cho tìm hiểu thêm nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, chuẩn bị đồ dùng dạy học như máy chiếu, loa, đài, tư liệu hình ảnh, tư liệu tổng phổ, tư liệu âm thanh. Đối với ngành giáo dục, cần tổ chức các khó học Bồi dưỡng thường xuyên cho các giáo viên về thưởng thức âm nhạc dân tộc Việt Nam để nâng cao kiến thức và truyền dạy cho các em học sinh.”

Một số giáo viên khác lại cho rằng, ngoài những tiết chính khóa trong chương trình, Ban Giám hiệu nhà trường các trường Trung học cơ sở cần tổ chức thêm các buổi ngoại khóa sinh hoạt thưởng thức nhạc dân tộc Việt Nam để tạo sự hứng thú cho các em hiểu sâu hơn về nhạc cụ dân tộc. Các em sẽ phát huy hết khả năng của mình. Sự tự khám phá và tìm tòi của thế hệ trẻ sẽ là điểm sáng cho tương lai của đất nước Việt Nam đang dần hội nhập vào thế giới.

Vào các buổi chào cờ đầu tuần hay các dịp lễ của nhà trường và ngành giáo dục, khuyến khích các em biết âm nhạc dân tộc lên biểu diễn cho toàn thể thầy, cô và bạn học cùng nghe. Nhờ hoạt động này một phần nào đó âm nhạc dân tộc sẽ thấm nhuần vào từng lớp thế hệ, và lan rộng cho đại đa số quần chúng. Bên cạnh đó, trong Phòng âm nhạc cần trưng bày những hình ảnh các tác giả, tác phẩm, hình ảnh các nhạc cụ âm nhạc giao hưởng, hình ảnh nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Trong phòng học cần trang bị máy nghe nhạc, máy chiếu và các dụng cụ giảng dạy cần thiết khác, để mỗi tiết âm nhạc các em không phải học chay, tạo thích thú cho học sinh. Có thể có thêm phòng nghe nhạc nếu nhà trường có đủ điều kiện hay thêm phòng chuyên dụng để giáo viên có thể tổ chức lớp học đạt chất lượng chuyên môn.

Trong thư viện Nhà trường cần có đủ các tư liệu liên quan đến nhạc cụ dân tộc để các em học sinh dễ dàng học tập nghiên cứu. Trong các hội thi, cần có thêm những chủ đề âm nhạc và nhạc cụ dân tộc, cần tạo điều kiện cho các em phát huy hết khả năng của mình (bằng cách có thêm phần thưởng).

Một giải pháp quan trọng nữa là, tạo không khí hào hứng, giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học nhạc, nhất là âm nhạc bác học. Bằng cách vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học với phương châm, đa dạng hóa cách thức truyền đạt ở mỗi tiết dạy.

4. Nâng cao trình độ chuyên môn về âm nhạc của đội ngũ giáo viên

Chất lượng đào tạo giáo viên âm nhạc của các cơ sở đào tạo từ Trung ương đến địa phương khác nhau đã trực tiếp ảnh hưởng đến năng lực chuyên môn của giáo viên. Từ khâu tuyển sinh đầu vào, đến nội dung chương trình giảng dạy, điều kiện học tập… dẫn tới khả năng âm nhạc của các giáo viên âm nhạc của các trường phổ thông Việt Nam chênh lệch rõ rệt. Nói cách khác là trình độ chuyên môn của giáo viên âm nhạc rất không đồng đều. Vì vậy, vấn đề dạy chuẩn kiến thức kỹ năng của môn âm nhạc ở nhiều nơi không được đảm bảo. Phần lớn giáo viên ở thành phố, thị xã, thị trấn có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và khả năng hoạt động phong trào văn nghệ khá tốt. Nhưng vẫn còn tồn tại giáo viên âm nhạc ở vài địa phương yếu kém cả về chuyên môn lẫn khả năng hoạt động phong trào. Không những yếu kém những khả năng trên mà vẫn còn rất nhiều giáo viên yếu kém năng lực trong giảng dạy.

Giáo dục âm nhạc còn hình thành cho trẻ lòng yêu thiên nhiên, Tổ quốc, tình yêu thương con người rộng lớn. Gây dựng một môi trường âm nhạc tốt là hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách và kĩ năng cho thế hệ tương lai. Vì thế không thể xem nhẹ giáo dục âm nhạc cũng như giáo dục nghệ thuật nói chung trong chương trình phổ thông thế hệ học sinh, hay còn gọi là trẻ em thế hệ tương lai của đất nước.

Bên cạnh đó, nhà trường cần tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên âm nhạc học nâng cao trình độ chuyên môn. Nếu cần thiết cần đề xuất Trung ương có chế độ thu hút nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ âm nhạc về giảng dạy tại các trường phổ thông. Đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa các giáo viên dạy nhạc trong các khối để qua đó nâng cao kiến thức âm nhạc cũng như chia sẻ những “bí quyết” tạo hứng thú cho các em học sinh học môn Âm nhạc hay các kỹ năng trong việc truyền tải âm nhạc.

Có thể nói, việc đưa chương trình hoạt động thưởng thức âm nhạc dành cho học sinh Trung học cơ sở qua nhạc cụ dân tộc Việt Nam là rất cần thiết và ý nghĩa, giúp cho đội ngũ giáo viên âm nhạc khối phổ thông có được điều kiện nghiên cứu sâu hơn về kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo, khả năng hoạt động phong trào và khả năng kiến thức giảng dạy âm nhạc được tốt hơn. Ngoài những mong mỏi giúp cho đội ngũ giáo viên âm nhạc phổ thông ngày được hoàn thiện hơn và tất cả các em học sinh cũng được thực sự giáo dục và hưởng thụ một nền âm nhạc uyên bác. Từ đó, giúp cho các em có những buổi thưởng thức vui vẻ, sảng khoái sau những môn học vất vả; có được sự hăng say trong học tập; có được niềm cảm xúc dạt dào; có được trí óc trừu tượng phong phú; hoàn thiện hơn về khả năng thẩm mỹ; nâng cao tầm hiểu biết về văn hóa nghệ thuật và hoàn thiện hơn về đạo đức nhân cách con người.

 

                                        TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ “Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam” – GS.Trần Văn Khê, NXB Trẻ;

2/ “Đổi mi phương pháp dạy học phù hợp đặc điểm nhận thức của học sinh: Môn âm nhạc” -  Hoàng Long, Lê Anh Tuấn, NXB Giáo dục;

3/ Trần Văn Khê “Tâm và nghiệp” – Nhiều tác giả, NXB Lao động;

4/ Trần Văn Khê và âm nhạc dân tộc – NXB Trẻ;

5/ Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy và tình bạn Duy – Khê – NXB Thế giới.