Nghiên cứu lý luận

Đào tạo Thiết kế đồ họa – Từ thực tiễn đến giải pháp - Graphic Design Training - From Practice to Solution

02 Tháng Hai 2018

                                                Nguyễn Văn Tình

                         Lớp cao học K1- LL&PPDH bộ môn Mỹ thuật

              

 

     Thiết kế đồ họa là nghệ thuật sử các yếu tố hình ảnh, kiểu chữ, màu sắc để truyền tải thông điệp truyền thông qua con đường thị giác. Nói cách khác thiết kế đồ họa là loại hình nghệ thuật ứng dụng, kết hợp hình ảnh chữ viết, màu sắc, đường, nét... và ý tưởng một cách sáng tạo để truyền đạt thông tin hiệu quả và thú vị qua các hình thức ấn phẩm in ấn và trực tuyến. Trước sự bùng nổ về công nghệ thông tin, sự phát triển về sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cùng sự đa dạng của các loại hình truyền thông quảng cáo đã tạo cho nhu cầu học thiết kế đồ họa ngày càng lớn và luôn có sức hút mạnh mẽ.

     Trong những năm gần đây, cụm từ “Đào tạo phải gắn với thực tiễn” được nhắc tới rất nhiều trong các hội thảo về giáo dục, đề tài nghiên cứu khoa học và công tác giáo dục, đào tạo cần gắn với tiến bộ khoa học và công nghệ, với thực tế xã hội;  quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, học đi đôi với hành, lý luận phải gắn với thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo thiết kế đồ họa. Thiết kế đồ họa được nhận định là 1 trong 10 lĩnh vực “HOT” nhất trong thập kỷ qua, một nghề đang rất được ưa chuộng hiện nay bởi phạm ứng dụng rộng dãi và sự bùng nổ của nền công nghiệp quảng cáo, truyền thông, trực tuyến tạo cho thị trường cần nhiều nhân lực thiết kế đồ họa và cơ hội việc làm với thu nhập cao cho những Design đã tạo nên sức hút với các thí sinh dự thi vào lĩnh vực này. Trước nhu cầu của xã hội nhiều trường đã mở thêm Khoa Đồ họa, hoặc liên kết đào tạo Đồ họa cùng với các trung tâm đã mở ra nhằm đào đạo cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Mỗi năm các trường có đào tạo về đồ họa cho ra trường hàng nghìn nhân lực thiết kế đồ họa chưa kể các trung tâm đào tạo nhưng vào Google gõ từ khóa “Tuyển nhân viên thiết kế đồ họa” ta sẽ thấy khoảng 1.780.000 kết quả (0,68 giây) vậy có phải cung vẫn chưa đủ cầu?

Thực trạng

     Trong những thập niên gần đây, sự bùng nổ về công nghệ thông tin, sự phát triển công nghiệp hàng hóa mạnh mẽ đã tạo ra cho thị trường việc làm một cơn khát nhân lực thiết kế đồ họa.  Nắm được xu thế phát triển, tầm ảnh hưởng của nó trong nền công nghiệp hàng hóa, cũng như cơ hội việc làm có thu nhập cao của của nghề thiết kế đồ họa, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trung tâm đào tạo đã mở thêm các khoa đào tạo hoặc liên kết đào tạo về đồ họa ngoài các khoa, chuyên ngành cơ bản hiện có, nhằm thỏa mãn nhu cầu của thị trường việc làm trước cơn “khát” về nhân lực thiết kế đồ họa hiện nay. Số lượng đào tạo cũng chiếm tỷ lệ cao trong các ngành nghề đào tạo, ví dụ trong năm 2017 chỉ tiêu tuyển sinh của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội có 450 chỉ tiêu trong đó có 100 chỉ tiêu về thiết kế đồ họa, hay trường Đại học Sư Phạm Nghệ thuật Trung ương với chỉ tiêu tuyển sinh 1.350 cho 9 ngành đào tạo trong đó có 300 chỉ tiêu cho đào tạo thiết kế đồ họa. Chỉ tính riêng các trường đại học trên cả nước có đào tạo thiết kế độ họa như ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TPHCM, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Nghệ thuật – ĐH Huế, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Hoa Sen, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Dân lập Văn Lang, Đại học FPT, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, ĐH Hòa Bình, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Kiến trúc TPHCM, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kinh Bắc... chưa kể các trường cao đẳng, trung cấp và các trung tâm đào tạo trên cả nước liên tục tuyển sinh các lớp đào tạo ngắn hạn về đồ họa cho ta thấy nhu cầu xã hội của nghành ngề này được ưa chuộng như thế nào.

     Một thực tế tồn tại đã được chỉ ra hiện nay qua các cuộc hội thảo về đào tạo thiết kế đồ họa là nguồn cung nhiều nhưng chất lượng chưa tinh, tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, Ủy viên Ban Lý luận phê bình thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM phát biểu tại Hội thảo Khoa học toàn quốc “ Đổi mới Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam từ Thực tiễn đến Giải pháp” tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25.6.2016 cho rằng: “ Với khoảng 20 đơn vị đào tạo về mỹ thuật công nhiệp, mỹ thuật ứng dụng, thiết kế trên cả nước, sự đào tạo ồ ạt nguồn nhân lực thiết kế ở Việt Nam trong những năm qua đã tạo được nguồn lực đáng kể góp phần thúc đẩy sự phát triển thiết kế ở Việt Nam. Tuy nhiên, không ít sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Số khác theo nghề không bền lâu, chủ động bỏ nghề, chuyển nghề vì thu nhập thấp hoặc nhiều lý do khác...” Thiết kế đồ họa là chuyển tải những thông điệp hay sản phẩm của doanh nghiệp bằng hình ảnh để lôi cuốn và “quyến rũ” người tiêu dùng, người thiết kế ngoài tư duy thẩm mỹ, khả năng sáng tạo phải làm chủ được công cụ thiết kế để có thể biến các ý tưởng thành sản phẩm hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng. Trong khi đó các cơ sở hay các trung tâm đào tạo thường đào sâu vào đào tạo các kỹ năng sử dụng công cụ thiết kế giành rất ít thời gian cho việc học kiến thức cơ bản về mỹ thuật, mỹ học, lịch sử mỹ thuật... Việc đào tạo mang tính thực dụng hơn sáng tạo thường sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành kỹ thuật viên hơn là nhà thiết kế. Ngược lại các trường đào tạo chính quy về thiết kế đồ họa hiện nay thường vẫn chú trọng vào việc đào tạo sâu về kiến thức mỹ thuật, ý tưởng sáng tạo và một số trường thậm chí không đào tạo về các kỹ năng sử dụng công cụ phần mềm thiết kế và kỹ năng thực tế vì thiết kế đồ họa luôn gắn liền với công nghệ, dẫn đến khi sinh viên ra trường có kiến thức mỹ thuật vững, khả năng sáng tạo tốt nhưng lại bị hạn chế bởi các kỹ năng sử dụng công cụ thể hiện dẫn đến khó thể hiện tốt ý tưởng sáng tạo của mình, hoặc thiếu kiến thức thực tế cũng làm hạn chế cơ hội việc làm.

     Trong thực tế hiện nay nghề thiết kế đồ họa đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy sáng tạo mỹ thuật của họa sĩ thiết kế và sự đa năng của các công cụ đồ họa máy tính. Là một nhà tuyển dụng trong những năm qua người viết bài này nhận thấy rằng trong quá trình tuyển dụng, nhiều ứng viên có “hồ sơ” học tập rất đẹp nhưng lại hổng nhiều kiến thức về máy tính liên quan đến nghề như Photoshop, QuarkXPress, Ilustrator hay phần mềm minh họa Poster, phần mềm vẽ Corel Draw... Hoặc có nhiều ứng viên thành thạo các phần mềm thiết kế nhưng lại thiếu kiến thức về mỹ thuật và sáng tạo, họ làm việc như những người thợ bấm máy tính theo yêu cầu của ông chủ sản phẩm. Vì vậy, người làm nghề này ngoài kiến thức chuyên môn, tư duy sáng tạo phải thành thạo công cụ thiết kế phù hợp với công việc, có kiến thức thực tế , maketing.

Giải pháp

     Từ thực trạng trên cho thấy cần đánh giá lại mục tiêu đào tạo, chất lượng đầu ra và nhu cầu sử dụng nhân lực nhằm đáp ứng đúng nhu cầu thực của xã hội. Đồng thời, chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn. Song song việc dạy kiến thức, cần chú trọng đào tạo kỹ năng sử dụng công cụ thiết kế, kỹ năng mềm, kiến thức văn hóa, xã hội, năng lực tư duy, và đặc biệt là cần giúp sinh viên có trải nghiệm thực tế. Nhà trường thay vì là nơi chỉ học để lấy bằng, sẽ là nơi trải nghiệm và định hướng cho quá trình làm việc của sinh viên sau này.

     Đối với nhà trường: Cần điều chỉnh khối lượng kiến thức trong chương trình đào tạo theo hướng tăng cường kiến thức chuyên môn trong thực tế, giảm bớt các kiến thức lý thuyết hàn lâm.

- Trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng sử dụng và làm chủ phần mềm thiết kế đồ họa cơ bản, làm công cụ hỗ trợ cho việc thể hiện ý tưởng sáng tạo.

- Mời các công ty, doanh nghiệp tham gia các hội thảo, chuyên đề để không chỉ trao đổi, góp ý và chia sẻ về kỹ năng cần có, hiểu được tiêu chí, yêu cầu tuyển dụng của một số công ty, doanh nghiệp mà còn góp ý xây dựng các chương trình liên kết thực tập, thực hành, đầu tư trang thiết bị công nghệ trong đào tạo.

- Xây dựng các chương trình thực tập, thực hành tại cá công ty, doanh nghiệp và cơ sở hợp lý về thời gian để các em có đủ thời gian nắm bắt, cọ sát chuyên môn, bổ xung kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, và định hướng nghề nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

- Cho sinh viên thực tế tại các doanh nghiệp, công ty in và công ty thiết kế đồ họa, quảng cáo, truyền thông để cho các em được trải nghiệm thực tế, thực hành lý thuyết và tìm hiểu sâu hơn về nghành nghề mà mình đang học, nắm vững các công đoạn trước, trong và sau thiết kế, bước đầu hiểu được công việc mà mình sẽ làm sau này và cơ hội tạo dựng các mối quan hệ nghề nghiệp.

     Đối với các trung tâm đào tạo: Đưa thêm các môn học về lý luận mỹ thuật, mỹ học vào trong giáo trình dạy học nhằm cung cấp cho học viên các kiến thức mỹ thuật, năng lực tư duy, khả năng sáng tạo.

- Song song với việc đào tạo các kỹ năng công cụ cần trang bị cho các em các kỹ năng về maketing, kỹ năng giao tiếp.

- Đào tạo cần gắn với thực tế bằng cách xây dựng liên hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, để học tập, hướng dẫn nghiệp vụ, tạo điều kiện giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế.

Đối với giáo viên: Đánh giá đúng chất lượng và năng lực sinh viên của mình, để đưa ra phương pháp dạy phù hợp với thực tiễn, khơi gợi niềm đam mê sáng tạo cho cho sinh viên.

- Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp thực tế tại các doanh nghiệp, các cơ sở thực tiễn để cập nhật kiến thức gắn kết chuyên môn của mình với yêu cầu thực tiễn xã hội.

Đối với sinh viên, học viên:

- Phải luôn trau dồi kiến thức và lòng yêu nghề, đam mê thiết kế đồ họa.

- Nắm vững kiến thức cơ bản làm nền tảng

- Học thực tiễn,  làm thực tiễn, làm part time, cộng tác với một số công ty để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.

- Luôn bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng sử dụng công cụ thiết kế là các phần mềm thiết kế đồ họa phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

- Rèn luyện tính tự học, tự tìm hiểu kiến thức, khả năng tư duy, tự tìm tòi, không trông chờ vào giảng viên.

     Thiết kế đồ họa là một nghề đa dụng, đa năng, một nghành nghề đang “HOT” và đang “khát” nhân lực như hiện nay việc đào tạo, định hướng nghề nghiệp theo xu hướng nhu cầu xã hội là hoàn toàn đúng đắn cùng với việc đào tạo thiết kế đồ họa gắn với thực tiễn sẽ góp phần tạo ra những nhân lực tốt phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của xã hội. Kiến thức học được không bao giờ là đủ với thực tiễn nhưng tôi tin rằng nếu sinh viên được đào tạo chuyên nhiệp gắn với thực tế, học lý thuyết luôn đi đôi với thực hành thì các em khi ra trường sẽ tự tin với kiến thức được đào tạo trong trường và kinh nghiệm từ thực tiễn để bước vào nghề, giúp các em lựa chọn được hướng đi tốt nhất trong nghành đồ họa đang phát triển rộng lớn hiện nay.

 

                                               TÀI LIỆU THAM KHẢO

      1.  Trần Hay, Nguyễn Gia Bình (1998), Bài giảng môn học thiết kế chuyên ngành, Khoa Đồ họa trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội.

  1. Nguyễn Hồng Hưng (2009), Nguyên lý Design thị giác, Nxb Đại học Quốc gia TP HCM.
  2. Ngô Thanh Phượng (2006), Thiết kế quảng cáo, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.
  3. Lê Huy Văn (2003) Cơ sở và phương pháp lý luận Design, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.