Nội san

Biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học mĩ thuật ngoài lớp ở trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm Ecopark

02 Tháng Hai 2018

Nguyễn Đức Hiếu

Lớp cao học K1 - LL&PP dạy học Bộ môn Mỹ thuật

 

 Bài báo đề cập đến một số biện pháp đổi mới nâng cao chất lượng dạy học Mĩ thuật ngoài lớp ở trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm Ecopark như: Tổ chức các câu lạc bộ Mĩ thuật; tổ chức tham quan kết hợp vẽ ngoài trời; tổ chức thảo luận Mĩ thuật theo chuyên đề.

Ở bậc học Trung học cơ sở (THCS), Mĩ thuật (MT) là môn học mà học sinh (HS) yêu thích, say mê, đặc biệt là các em có năng khiếu về hội họa. Nhiệm vụ của môn MT là: Giáo dục thẩm mỹ cho HS, cung cấp cho HS về những kiến thức MT, giúp HS nhận thức được vẻ đẹp trong tác phẩm hội họa, tạo điều kiện cho HS phát triển tính sáng tạo, phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ… Để làm tốt nhiệm vụ của môn học này đòi hỏi ngườiGV (GV) phải biết cách tổ chức các hình thức dạy học để đạt được hiệu quả tối ưu.

Quá trình dạy học môn MT ở trường THCS được thực hiện với hai hình thức tổ dạy học chủ yếu là dạy học trên lớp và dạy học ngoài lớp, trong đó, hình thức tổ chức dạy học ngoài lớp cũng đóng một vai trò rất quan trọng, nó giúp cho HS kích thích được sự hứng thú, tính sáng tạo, là một môi trường học tập đa dạng gần gũi với thực tiễn của cuộc sống. Hình thức tổ chức dạy học ngoài lớp giúp HS có thể trải nghiệm và học tập một cách tích cực.

Trong những năm qua, trường THCS Đoàn Thị Điểm Ecopark đã chú trọng triển khai, tổ chức các hình thức dạy học ngoài lớp đối với rất nhiều môn học, đặc biệt là môn MT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì còn một số hạn chế nhỏ khiến hình thức dạy học chưa đạt được kết quả cao. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các biện pháp đổi mới nâng cao chất lượng dạy học MT ngoài lớp ở Trường THCS  Đoàn Thị Điểm Ecopark là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết hiện nay.

            1. Một số biện pháp đổi mới nâng cao chất lượng dạy học Mĩ thuật ngoài lớp ở trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm Ecopark

            Để góp phần đổi mới nâng cao chất lượng dạy học MT ngoài lớp ở trường THCS Đoàn Thị Điểm Ecopark chúng tôi đề xuất một số biện pháp sau:

1.1. Tổ chức các câu lạc bộ sáng tạo Mĩ thuật

Biện pháp này được thực hiện với những cách thức cụ thể sau:

 Sáng tạo MT tạo hình

Tạo hình nói chung, bản chất là một hoạt động dễ tạo sự hứng khởi và yêu thích cho học sinh. MT tạo hình lại là một môn học có tác động mạnh trong việc giáo dục, phát triển cho HS khả năng tư duy và nhận thức.

Việc thay đổi môi trường học tập từ trong lớp ra ngoài lớp phần nào khiến cho các bạn HS tham gia câu lạc bộ có được sự thoải mái, không còn gò bó trong những bức tường hay những bộ bàn ghế ngồi cố định, vì vậy, đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu mà Ban Giám hiệu nhà trường đã đưa ra và là một điểm nhấn của nhà trường đối với ban phụ huynh.

Với mục đích sáng tạo trong tạo hình, câu lạc bộ MT tạo hình đã lên một khung chương trình cụ thể. Với mỗi một đối tượng, HS sẽ có mức độ bài học khác nhau phù hợp với độ tuổi. Chương trình trong câu lạc bộ thường chia làm 2 kì, mỗi kì 12 buổi.

Đối với từng bài học sẽ có những mục tiêu riêng, giúp cho các em hoàn thiện các kĩ năng của mình. Tuy nhiên, việc định hướng cho các em biết cách tư duy hình ảnh và sáng tạo trong tạo hình nghệ thuật vẫn được chú trọng nhất. Sau mỗi giờ học, được làm quen với các chất liệu mới và thay đổi không khí học tập trong tuần, các em cảm thấy rất hào hứng. Điều đó thể hiện rất rõ trên biểu cảm khuôn mặt và minh chứng cụ thể nhất đó là các sản phẩm MT của các em. Những sản phẩm vô cùng sáng tạo và ngộ nghĩnh.

 Sáng tạo MT ứng dụng

Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm Ecopark không chỉ áp dụng các chương trình từ Bộ giáo dục và Đào tạo, bên cạnh đó, các chương trình tăng cường và mở thêm các câu lạc bộ về MT ứng dụng cũng luôn được HS và phụ huynh quan tâm.

Trong chương trình của nhà trường đưa ra HS được tìm hiểu về MT ứng dụng, từ đó các em được làm quen và tìm hiểu sâu hơn về MT ứng dụng, với các bài học như: Trang trí sách báo, trang trí đĩa tròn, nặn và trang trí gốm… mô hình hóa nội dung các môn học, thông qua các bài học như vậy HS có thêm được nhiều kiến thức về MT ứng dụng nói chung và bên cạnh đó HS được thực hành và được tự tay thực hành các sản phẩm nghệ thuật.

Với một ngôi trường được đầu tư tốt về cơ sở vật chất và mục tiêu từ ban lãnh đạo nhà trường đưa ra là HS phải được phát triển toàn diện và với tất cả các bộ môn học đều được lồng ghép các chương trình để HS có được sự phát triển tốt nhất. Trường trung học sơ sở Đoàn Thị Điểm Ecopark đã và đang xây dựng được những thành công nhất định thông qua các bài học và những hình thức dạy học khác nhau.

1.2. Tổ chức tham quan kết hợp vẽ ngoài trời

Biện pháp này được thực hiện với những cách thức cụ thể sau:

 Tham quan Bảo tàng MT kết hợp vẽ tranh theo chủ đề

Nhà trường luôn tổ chức cho các em HS những buổi tham quan và dã ngoại, HS được đi các bảo tàng khác nhau, với bộ môn MT thì bảo tàng MT Việt Nam đã không còn xa lạ với các em học sinh, các em được tìm hiểu về các dòng tranh dân gian, các kỹ thuật vẽ tranh và bên cạnh đó được tìm hiểu về các chất liệu vẽ tranh như: Chất liệu lụa, khắc gỗ, màu bột, sơn dầu… qua đó, các em biết liên hệ thực tiễn với các bài học trên lớp.

Sau khi các em được nghe giới thiệu tranh từ các hướng dẫn viên, GV MT yêu cầu các em vẽ bức tranh mà em cảm thấy thích thú hoặc vẽ lại một vài phù điêu tại bảo tàng. Em nào cũng say sưa và háo hức hoàn thành bức tranh của riêng mình. Mỗi em lựa chọn một hình ảnh, một màu sắc khác nhau để tô điểm cho bức tranh thêm đẹp hơn.

Các hình ảnh, bức tranh được các em vẽ lại qua từng bàn tay, từng nét vẽ. Sau buổi dã tham quan dã ngoại, mỗi em đều có được cho mình một bức tranh sống động và đầy màu sắc từ thực tế.

Bên cạnh được quan sát các bức tranh, HS còn được tìm hiểu về các hoa văn, phù điêu tại các đình chùa khác nhau trên đất nước ta, mỗi hình ảnh đều mang một ý nghĩa và biểu tượng văn khóa khác nhau của từng vùng miền.

Buổi tham quan và vẽ tranh đã tập cho các em khả năng quan sát, là nền tảng để phát triển năng khiếu hội họa. Đồng thời giúp các em có những giây phút thư giãn, sáng tạo cũng như nâng cao khả năng diễn đạt bằng hình ảnh, tạo sự hứng thú cho các em để duy trì và phát triển môn năng khiếu này và quan trọng hơn các em được nhìn thấy những bức tranh ngoài thực tế so với việc chỉ nhìn tranh thông qua sách giáo khoa các em đang học.

 Tham quan làng nghề kết hợp vẽ tranh phong cảnh

Nằm trong kế hoạch tham quan dã ngoại và đẩy mạnh việc học gắn liền với thực tế cho HS trong toàn trường, GV MT đã kết hợp với nhau và tổ chức cho các em HS được đi những làng nghể nổi tiếng tại Việt Nam như: Làng tranh dân gian Đông Hồ - Đông Hồ - Thuận Thành - Bắc Ninh, Làng nghề Gốm - Bát Tràng - Gia Lâm - Hà Nội, Làng Lụa Vạn Phúc - Hà Đông… cùng với việc giúp các em HS tìm hiểu được nguồn gốc ra đời và phát triển của các làng nghề HS được tự tay làm ra các sản phẩm qua đó cũng phần nào hiểu rõ hơn sự vất vả của những người nghệ nhân nơi đây.

Song song với đó là sự kết hợp giữa bộ môn MT vào chuyến tham quan, các em HS được tìm hiểu không chỉ về làng nghề đó mà còn được tìm hiểu về phong cảnh làng nghề nơi mà các em HS đến, những ngôi nhà mái ngói đỏ, những cây cau, những cánh cổng làng đều sẽ là những gợi ý vô cùng phong phú để HS có thể vẽ thành một bức tranh theo đúng chủ đề mà GV đưa ra.

 Tham quan di tích lịch sử và công trình MT tại địa phương kết hợp vẽ ký họa

Có thể chọn một địa điểm ngay tại địa phương của mình trong các hình thức trên để tổ chức cho HS tham quan. Với các buổi tham quan vừa để giải trí về mặt tinh thần, vừa để lĩnh hội thêm kiến thức. Với môn mỹ thuật cần kết hợp đi tham quan và lấy tư liệu bằng cách kí họa cảnh, tác phẩm điêu khắc, công trình kiến trúcMuốn vậy, cần có kế hoạch trước và cụ thể để HS được chuẩn bị về mọi mặt, trong đó có sự chuẩn bị cho học MT ngoại khóa.

Hình thức ngoại khóa này rất đa dạng, phong phú, không bị ràng buộc bởi thời gian học tập trong chính khóa, tạo điều kiện cho HS thâm nhập thực tế nên có điều kiện giúp HS phát triển toàn diện về nhận thức, thái độ, hành vi và đạo đức… đối với công trình MT đó.

Song song với việc tham quan các công trình lịch sử, GV có thể lồng ghép các bài học trên lớp như vẽ ký họa vào trong chương trình đi tham quan, qua đó HS có thể nắm bắt và hiểu sâu hơn về các công trình kiến trúc, HS có thể ghi nhớ rõ hơn về các hình ảnh và các đường nét hoa văn của địa điểm đi tham quan.

1.3. Tổ chức thảo luận Mĩ thuậttheo chuyên đề

Biện pháp này được thực hiện với những cách thức cụ thể sau:

Thảo luận chuyên đề MT cùng nghệ nhân

Trong phân phối chương trình MT khối 6 của Bộ giáo dục và Đào tạo. Tiết 19: Thưởng thức MT – Tranh dân gian Đông Hồ, Tiết 24: Thưởng thức MT – Giới thiệu một số tranh dân gian Việt Nam, đây là 2 tiết mà GV có thể áp dụng hình thức thảo luận theo chuyên đề cùng nghệ nhân.

Để HS tìm hiểu rõ nét nhất về hai tiết học này, GV cần đưa ra các phương pháp khác nhau như: Tổ chức một số chuyên đề “Tìm hiểu nguồn gốc của dòng tranh Đông Hồ, hay chất liệu để tạo nên nhũng bức bức tranh Đông Hồ…”

Khác với việc học trên lớp và sử dụng phương tiện học tập là những quyển sách giáo khoa hay các bức tranh dân gian Đông Hồ, thì việc đưa HS đến với nơi đã sinh ra dòng tranh này và được giao lưu cùng nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thì không còn gì là tuyệt vời hơn, tại đây các em HS được nghe giới thiệu về dòng tranh, sự hình thành và phát triển qua những thăng trầm trong cuộc sống, sự hưng thịnh và những mai một của dòng tranh. “Tranh Đông Hồ hưng thịnh từ trước năm 1944, với 17 dòng họ, hơn 150 gia đình trong làng làm tranh. Để chuẩn bị cho những phiên chợ tấp nập được tổ chức vào dịp tháng Chạp, cả làng bận rộn từ tháng Bảy âm lịch. Khi ấy, từ sân đình, sân nhà đến triền đê sông Đuống đều là nơi dân làng chuẩn bị các nguyên liệu để làm, phơi tranh. Màu đỏ của sỏi son, màu xanh lá chàm, vàng hoa hòe, lấp lánh của vỏ sò, vỏ điệp... Những gam màu thiên nhiên làm nên nét độc đáo của tranh Đông Hồ bừng sáng đến từng góc nhỏ” - nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhớ về những tháng ngày xa cũ. Sau khi được nghe và giới thiệu về dòng tranh, các em HS cảm thấy tò mò và đưa ra những câu hỏi gửi đến nghệ nhân như: Hiện nay, trong làng còn bao nhiêu dòng họ tiếp tục theo đuổi nghề tranh?, Chất liệu giấy để làm tranh có gì đặc biệt ?... Tất cả những câu hỏi đó đều được nghệ nhân giải đáp một cách rõ ràng nhất. Sau khi đã được nghe đầy đủ về các thông tin các em sinh bắt đầu một hành trình mới là khám phá cách để làm tranh Đông Hồ.

 Tổ chức cho HS nghiên cứu, viết bài về MT  theo chủ đề

Quay trở lại phần tổ chức chuyên đề MT cùng nghệ nhân, ở phần thảo luận chuyên đề này, GV vẫn hoàn toàn có thể tổ chức các tiết học tiếp theo sau khi phần chuyên đề kết thúc, như vậy, đòi hỏi GV phải có giáo án và định hướng cho các em HS chuẩn bị tư liệu cho bài sau.

Việc áp dụng những hình thức như trên, bắt buộc HS sẽ phải tìm hiểu và ghi chép lại, sau đó HS sẽ chuẩn bị, phân chia nhiệm vụ cho từng người, thảo luận trong nhóm và đưa ra cách trình bày tốt nhất cho nhóm mình ở tiết tiếp theo.

Coa thể nói, hiệu quả sử dụng của hình thức dạy học ngoài lớp ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học môn MT ở trường THCS. Chính vì vậy, với việc nghiên cứu, áp dụng một cách hợp lí, đồng bộ các biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học MT ngoài lớp ở trường THCS Đoàn Thị Điểm Ecopark đã được chúng tôi đề xuất sẽ góp phần nâng cao hiệu quả dạy học MT ngoài lớp tại nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ GD-ĐT - Vụ giáo dục Trung học (2007) – Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho GV  THCS chu kì III(2003-2007). Môn Mĩ thuật. Quyển 1,2  Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Bộ giáo dục và đào tạo(2014), Chỉ thị 40/CT-TW Đổi mới nội dung giáo dục, chương trình và phương pháp dạy học để phù hợp với xu hướng hiện đại và điều kiện thực tế của Việt Nam.

3. Nguyễn Văn Cường, Bernd Meier (2010), Dự án phát triển giáo dục Trung học phổ thông, Một số vấn đề chung về đổi mới phương pháp dạy học ở trường Trung học phổ thông Berlin - Hà Nội, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Phạm Thị Chỉnh (CB) (2006), Giáo trình MT (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Nguyễn Kế Hào (2005), Giáo trình tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm, Nxb ĐHSP, Hà Nội