Nghiên cứu lý luận

Dạy học đệm Piano cho múa cổ điển châu Âu tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

28 Tháng Hai 2018
Mai Thế Hoa [*]
Cùng với nhiều chuyên ngành biểu diễn âm nhạc, múa là loại hình nghệ thuật được Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chú trọng, đặt nền móng với đội ngũ giảng viên uy tín, nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Những kết quả trong đào tạo diễn viên múa là sự khẳng định của trường với các đơn vị nghệ thuật như: Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, đoàn Nghệ thuật Quân chủng Phòng không - Không Quân...Tuy vậy, đào tạo diễn viên múa của Trường Đại học VHNT Quân đội đòi hỏi tình thần học tập, khổ luyện của học viên, trong đó hoàn thiện các động tác múa Ballet (nội dung chủ đạo của múa cổ điển châu Âu) là điều kiện tiên quyết để hình thành năng lực, phẩm chất tài năng múa. Nhận thức được tầm quan trọng của múa cổ điển châu Âu trong đào tạo chuyên ngành múa, cách đây hàng chục năm Trường Đại học VHNT Quân đội đã tổ chức đào tạo trình độ trung cấp múa cơ bản hệ 4 năm nhằm trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết, sự hiểu biết vững vàng trong nhiều dạng kỹ thuật của múa cổ điển châu Âu, múa dân gian Việt Nam và múa đương đại.
Trong múa cổ điển châu Âu, âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Quá trình huấn luyện múa, âm nhạc biểu hiện bằng những tác phẩm viết cho đàn Piano. Do đó, đàn Piano trở thành nhạc khí chuyên đệm cho múa cổ điển châu Âu, sự kết hợp hoàn hảo giữa 2 loại hình nghệ thuật: âm nhạc và múa. Để có thể đệm được đàn Piano cho múa cổ điển châu Âu, đòi hỏi người đệm cần được trang bị kỹ những hiểu biết, kiến thức về múa. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để người đệm Piano nắm vững cách huấn luyện múa gồm các động tác, tổ hợp, luật động, trong đó, cách xử lý sắc thái đóng vai trò đặc biệt.
Đệm Piano cho múa cổ điển châu Âu, trước hết cần đến hệ thống kỹ thuật trên đàn Piano tương đối hoàn hảo, người đệm phải giải quyết cơ bản các dạng kỹ thuật khác nhau (ở trình độ Trung cấp Piano chuyên nghiệp), đồng thời xử lý các bài đệm qua đặc điểm âm nhạc riêng của nhạc sĩ châu Âu và thế giới.
1. Kỹ thuật cơ bản và luyện tập đàn Piano
Ba dạng kỹ thuật cơ bản trên đàn Piano thường dùng trong đệm múa là kỹ thuật Staccato, Legato và Nonlegato. Những dạng kỹ thuật cơ bản này luôn xuất hiện trong tất cả các tác phẩm Piano, mỗi dạng kỹ thuật có yêu cầu về ngón tay, thế tay, phương pháp bấm phím, lực tạo từ cổ tay, cánh tay và bàn tay. Người học cần nhiều công sức, thời gian để nắm vững, thể hiện chính xác, đạt tiếng đàn chuẩn mực. Đây là cơ sở phát triển khả năng linh hoạt ngón tay, phối hợp tốt cùng những kỹ thuật khác như kỹ thuật móc kép ở tốc độ nhanh, lối chơi bấm hợp âm...
Kỹ thuật Staccato với nghĩa tạo tiếng đàn Piano gọn, rõ nét: kỹ thuật này đối lập với Legato làm liền tiếng (âm thanh nối liền liên tục, không tách rời). Staccato là kỹ thuật yêu cầu ngón tay bấm sâu và bật nhanh ngược bàn phím. Kỹ thuật Staccato tương đối khó đối với người mới học đàn Piano. Trước khi dạy tác phẩm, người dạy luôn để người học trả bài những dạng kỹ thuật ngắn kết hợp với chạy gam liền bậc đi lên, đi xuống ở tốc độ nhanh. Ngoài ra, Staccato xuất hiện trong những bài luyện ngón/Exercise của tác giả Hanon với nhiều biến thể phong phú, đa dạng, bổ trợ hiệu quả trong luyện tập Staccato với nhiều loại tốc độ khác nhau, từ chậm đến rất nhanh.
Ví dụ 1: bài luyện ngón Staccato 2 tay trên đàn Piano (trích)

Kỹ thuật Legato: khác biệt hoàn toàn với lối chơi gọn, tạo âm thanh rõ nét/Staccato, kỹ thuật Legato tạo nên âm hưởng uyển chuyển, mềm mại do tiếng đàn liền nhau, nối tiếp giữa các nốt, không có sự tách rời. Legato luôn là một kỹ thuật bắt buộc cùng với Staccato.

Ví dụ 2: bài luyện kỹ thuật Legato 2 tay trên đàn Piano (trích)

Dưới đây là ứng dụng kỹ thuật Legato trong bài đệm Piano ở tốc độ chậm trong múa cơ bản.
Ví dụ 3: phần Adagio trong múa cổ điển châu Âu (trích)

Kỹ thuật Non legato: nghĩa là không tạo âm thanh liền, nhưng tiếng đàn không gọn, sắc như Staccato. Kỹ thuật Non legato giúp thả lỏng cơ bắp để luyện cách tạo lực, tiền đề cách đặt ngón tay chính xác, phù hợp, nhanh chóng phát triển sự phối hợp cả 3 dạng kỹ thuật.
Ví dụ 4: bài luyện kỹ thuật Non legato 2 tay trên đàn Piano (trích)

Để tạo các lối chơi khác nhau, bên cạnh tác phẩm đệm Piano cho múa, những bài tập luyện ngón Hanon, Etude bổ sung vào cách tập của người học qua các mức độ từ dễ đến khó, chậm đến nhanh. Các loại gam, hợp âm, hợp âm rải, phương pháp hiệu quả nhất là để người học tự đề ra cách học phù hợp với bản thân. Những phương pháp tập đàn được quy định chặt chẽ như:

- Bắt đầu tập vỡ bài kỹ thuật (Staccato, Legato, Non legato) cần nhìn, đọc kỹ tuyến giai điệu, hợp âm ở 2 tay để ngón tay bắt đầu làm quen từng thế tay, chỗ chuyển ngón.

- Luôn vỡ bài ở tốc độ hoặc rất chậm tuần tự theo tiết, câu nhạc, không được bỏ câu, đoạn trước để nhảy sang câu, đoạn sau. Ý nghĩa tập chậm rất quan trọng, tạo nên sự chắc chắn, vững vàng, thuộc bài nhanh, giải quyết được kỹ thuật phức tạp, từ khó thành đơn giản.

- Luôn chia nhỏ câu thành các tiết nhạc, ô nhịp để ghép 2 tay, tập theo phương pháp cuốn chiếu, không tham lam đánh đàn từ đầu đến cuối bài dễ tạo cảm giác nhàm chán.

- Trong quá trình từ vỡ bài đến hoàn thành bài, người học cần tự đề ra mục đích từng buổi, giờ luyện tập như: tập phần nào, cách thực hiện ra sao, tất cả phải chuyển từ lượng sang chất, kết quả đạt được. Tập kỹ, chắc chắn được hiểu là tập đến đâu ghi nhớ đến đó, không vội vã. Phương pháp này yêu cầu người học phải ghép từng ô nhịp, nối tiếp từng tiết nhạc, câu nhạc, đoạn nhạc để đạt đến mức độ thành thạo.

- Khi vỡ hết bài, người học phải kiểm tra lại các câu nhạc có độ khó kỹ thuật đặc biệt để tiến hành tập lại thật kỹ, chắc chắn để ngón tay giải quyết tốt ở mức độ hoàn chỉnh, lưu loát. Không được cẩu thả, hoặc có thái độ coi thường để những câu, đoạn kỹ thuật khó làm ảnh hưởng đến biểu diễn.

- Kết hợp giữa tập đàn và nghỉ ngơi: trong bản nhạc không chỉ có nốt nhạc mà còn các dấu lặng, tập đàn cũng tương tự, cần kết hợp giữa giờ tự học với nghỉ ngơi, thư giãn. Do tập đàn piano đòi hỏi sự tập trung cao độ, lao động luyện tập trên đàn rất nặng nhọc, gian khổ. Cần phân bố thời gian nghỉ như tập thư giãn, sau đó tiếp tục tập, giúp ngón tay không bị hoạt động quá tải, căng cứng, đồng thời giúp trí óc thư giãn, giải tỏa sự căng thẳng khi trí óc hoạt động liên tục.

- Những mệt mỏi tinh thần luôn nảy sinh trong quá trình luyện tập, ảnh hưởng khả năng tập trung. Tự luyện tập đàn Piano phụ thuộc vào khoảng thời gian không đi học các môn khác. Do đó, người học cần bố trí tự học hợp lý, không bị phân tán bởi hoàn cảnh khách quan, chủ quan. Ngoài ra, tự học liên quan đến sự quyết tâm, ý chí vươn lên của người học. Thông thường, buổi tự học từ 2 - 3 giờ, chia khoảng thời gian đó thành 3, 4 lần luyện tập, xen kẽ là giờ giải lao như đi bộ, vận động cơ thể bằng động tác thể dục nhẹ nhàng.

            2. Những đặc điểm trong bài đệm Piano cho múa cổ điển châu Âu

Những bài đệm phần trong gióng:

Như đã nêu trên, nhiều động tác trong múa cổ điển châu Âu luôn được thực hiện ở phần trong gióng, mục đích đưa ra những kỹ thuật cơ bản nhất của Ballet, trong gióng nghĩa là bám vào gióng để thực hiện các động tác khác nhau. Những bài đệm Piano cho phần trong gióng thường ở nhịp điệu từ chậm đến vừa phải. Mục đích tạo các động tác khởi động để các bộ phận cơ thể, đặc biệt tay và chân phối hợp nhịp nhàng, mềm dẻo, đồng thời chuẩn bị các tư thế như xoay dưới sàn, đá chân cao... Âm nhạc đệm phần trong gióng có nhiều loại khác nhau, liên quan đến tốc độ. Giảng viên hướng dẫn múa thường xuyên sử dụng tiểu phẩm Piano của J. Haydn (Joseph Haydn).

Ví dụ 5:  N05 trong 12 tiểu phẩm Piano (J.Haydn) (trích) 

Âm hình chủ đạo biểu hiện trên đàn Piano qua kỹ thuật liền tiếng/Legato, tạo âm thanh uyển chuyển, nhẹ nhàng ở tốc độ chậm. Đường nét giai điệu có cấu trúc hình sin, uốn lượn đi lên đi xuống liên tục nghe du dương như tiếng sáo đồng quê. 
Bài đệm phần giữa sàn: phần âm nhạc trong bài đệm Piano cho múa cổ điển châu Âu là sự kết hợp 2 màu sắc tương phản êm ái, trữ tình ở tốc độ khoan thai, chậm rãi với kịch tính, bất ngờ diễn ra theo tốc độ nhanh hoặc rất nhanh. 
Ví dụ 6: N01 trong nhóm 3 bản vũ khúc Đức (F. Schubert) (trích)

Sự khác biệt giữa bản vũ khúc Đức trong ví dụ 6 có màu sắc tương phản rõ rệt. Trong bản N01, các quãng 8 với trường độ là nốt đen, trắng tay trái giữ nhịp, làm nền hòa âm để những bè cùng đan xen giữa cấu trúc hợp âm và giai điệu. Từ ô nhịp 1 đến ô nhịp 16 tạo thành 2 câu, âm nhạc tiến hành thủ pháp nhắc lại liên tục, trong đó 4 ô nhịp cuối đẩy âm hình chính lên 1 quãng 8, cường độ to (f) đến rất to (ff), đồng thời các chỗ ghi mạnh đột ngột (fz), tốc độ ở mức ghìm nén tạo cho nhịp nhảy trong bản N01 có âm hưởng nặng nề, động tác dứt khoát.

 Bài đệm phần Adagio: như tên gọi, Adagio luôn sử dụng tác phẩm, tiểu phẩm Piano ở tốc độ chậm với nhiều sắc thái khác nhau. Trong quá trình dạy, giảng viên nêu tính chất, đặc điểm múa Adagio cùng với các DVD về múa Adagio, nhưng phổ biến nhất vẫn là đưa ra những đường link vào trang Website trên Internet để chủ động vừa nghe âm nhạc vừa xem múa Adagio.

Ví dụ 7: bản N01 Andante grazioso (J. Haydn)

Tính chất âm nhạc được ghi với yêu cầu: chậm vừa với vẻ duyên dáng, thanh nhã. Toàn bộ bài gồm 3 câu, câu 1 gồm 8 ô nhịp, trần thuật và khắc họa những nét giai điệu, lối tiến hành kiểu hòa âm được mô tiến, ly điệu giữa điệu tính trưởng (Bb) và thứ (Gm) liên tục. Bản N01 Andante grazioso được J. Haydn chủ ý viết cho nhắc lại nhiều lần, câu 1: 2 lần, câu 2 và 3: 2 lần, cách nhắc lại câu nhạc rất phù hợp với múa cổ điển châu Âu, từ âm hình chủ đề đến nhịp điệu, tốc độ, giai điệu, hợp âm được tái tạo toàn bộ, giúp cho múa nghe nhạc để chủ động thực hiện động tác.

Về hình thức, những tiểu phẩm Piano trở thành hình thức trong múa cổ điển châu Âu, bởi sự đồng điệu, phù hợp trong cấu trúc. Nói chung, trong các sáng tác Piano của nhạc sĩ phương Tây luôn tạo nên tính vuông vắn về tiết, câu và đoạn nhạc, rất thuận lợi với nhịp điệu cùng phương pháp diễn tả ngôn ngữ cơ thể, động tác đặc trưng của múa. Phần Adagio là một trong những nội dung huấn luyện rất nặng đối với học viên múa, những động tác chậm rãi mất nhiều lực, sự cân bằng tĩnh và động, cơ thể luôn bị căng. Khi đệm, người chơi đàn Piano cần lưu ý không được để trôi nhịp, hoặc tiết tấu không đều (lúc nhanh lúc chậm). Những kỹ thuật Piano ở phần Adagio chủ yêu là lối tiến hành hợp âm cả 2 tay, do đó cần làm rõ giai điệu để múa nghe được, các hợp âm vang rõ, đặc biệt khi chuyển điệu, ly điệu dễ làm mở chủ đề.

Bài đệm phần Allegro: luôn ở tốc độ nhanh, linh hoạt như tên gọi Allegro. Lúc này, múa thực hiện những động tác phức tạp, cần sự ổn định của tốc độ, cường độ và cách xử lý sắc thái trong bài đệm Piano. Có rất nhiều tiểu phẩm ở phần Allegro, người dạy phải hướng dẫn cặn kẽ tính chất, phong cách để người học nắm được, tập luyện đúng yêu cầu.

Ví dụ 8: N04 trong 12 tiểu phẩm Piano (J.Haydn) (trích)

Tính chất nhảy múa thể hiện rõ trong sắc thái ngay từ nhịp lấy đà và ô nhịp đầu tiên trong bản N04 của J. Haydn. Tiếng đàn gọn/Staccato cùng nốt lướt, các nốt mọc kép liền tiếng/Legato trượt liền bậc từ trên xuống trong âm hình chủ đạo là sắc thái chính trong tiểu phẩm này.

Âm nhạc linh hoạt, mặc dù ở tốc độ nhanh nhưng vẫn quy định theo tiếng Ý: ma non troppo có nghĩa là không nhiều lắm. Sự đa dạng trong kỹ thuật như: Staccato, Legato thay đổi liên tục trong giai điệu đòi hỏi người học phải nắm vững, đảm bảo được tư thế, lực ngón tay, cách di chuyển đổi ngón tương đối hoàn thiện thông qua các giờ luyện tập cá nhân. Nhìn chung, những kỹ thuật cơ bản trong bản N04 của J. Haydn không phức tạp, chỉ ở mức độ trung bình. Nhưng khi biểu hiện ở cường độ nhỏ (P) ghi trong bài đó là một vấn đề cần lưu ý sự khác biệt giữa cách tạo tiếng đàn nhỏ với khẽ. Lối chơi 2 âm chồng quãng 3 dễ to, ồn, đối lập sắc thái cường độ nhỏ.

Tóm lại, dạy học đệm Piano cho múa cổ điển châu Âu là một nội dung cần thiết. Trong nhiều tác phẩm, tiểu phẩm thuộc trường phái cổ điển, lãng mạn, ấn tượng được chuyên ngành múa cơ bản lựa chọn, trở thành những bài đệm Piano điển hình. Cùng với dạy học theo lớp, giờ, người dạy tổ chức các buổi xem, nghe đĩa hình, đĩa tiếng trên Internet hình ảnh, âm thanh Piano đệm cho múa. Từ giai đoạn vỡ bài đến hoàn thành, cần tập trung vào các nội dung như: giải quyết kỹ thuật, tạo âm thanh, tiếng đàn rõ Legato, Staccato, Non legato để ứng dụng vào xử lý sắc thái chung toàn bài.

Đàn Piano từ khi hình thành từ cuối thế kỷ XVI đã nhanh chóng phát triển và trở thành nhạc khí tiêu biểu trong đệm cho múa cổ điển châu Âu. Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thuộc các trường phái, phong cách âm nhạc từ tiền cổ điển đển ngày nay đã sáng tác cho đàn Piano những tác phẩm với nhiều thể loại âm nhạc phong phú, đa dạng. Từ đó, múa cổ điển châu Âu tích hợp, kế thừa và sử dụng hiệu quả tác phẩm nhạc đàn Piano trong huấn luyện.

Tại khoa Âm nhạc, Trường Đại học VHNT Quân đội đang có các lớp chuyên ngành Piano từ Trung cấp đến Đạo học đang tích cực đổi mới, xây dựng chương trình đào tạo. Dạy học đệm Piano cho múa cổ điển châu Âu trở thành một trong những yêu cầu cấp thiết cùng với đệm hát, hòa tấu dàn nhạc, ban nhạc. Đây là chủ trương lớn của Trường Đại học VHNT Quân đội nhằm hướng đến chất lượng cao, góp phần đưa ra những sản phẩm đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay ở Việt Nam. Dạy học đệm Piano cho múa cổ điển châu Âu là một giải pháp mới, chưa cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp nào ở Việt Nam thực hiện, do đó đây là nội dung cần đến công tác quản lý, định hướng của Ban Giám hiệu, Ban Chủ nhiệm khoa, đặc biệt cần đến tinh thần, trách nhiệm của giảng viên, học viên hiện nay.  

Tài liệu tham khảo

1. Lê Ngọc Canh (2002), Đại cương nghệ thuật múa, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.

2. Trịnh Xuân Định (1994), “Múa dân gian - cội nguồn của múa chuyên nghiệp, Cục âm nhạc và múa”, Tạp chí Nhịp điệu, (1), HàNội.

3. Hoàng Hoa (2003), Hòa âm ứng dụng, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4. Phạm Lê Hòa  (2013), Giáo trình Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5. Thái Thị Liên (2004), Phương pháp học đàn Piano, Tập I, II, Nhạc viện Hà Nội.

6. Phan Trọng Ngọ (2005), Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, Nxb Ðại học Sư phạm, Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học k6 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạcnghệ  trình nghghệ thuật