Nội san

Lễ hội Thập Đình thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh

20 Tháng Tư 2018

Phan Thị Vân Anh [*]

Lễ hội không chỉ là nơi hội tụ giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi vùng quê, mà còn là nơi phản ánh rõ nét đời sống vật chất, kinh tế, xã hội của vùng đó. Mỗi lễ hội nước ta gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất, gắn với những điển tích về những anh hùng, vĩ nhân, những người có công dạy dỗ truyền nghề...

Nhắc đến lễ hội không thể không nhắc đến Bắc Ninh - quê hương của các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng và diễn xướng văn hóa dân gian. Có thể kể đến các lễ hội như: lễ rước trong hội đền Kinh Dương Vương (Á Lữ - Thuận Thành), lễ rước Phật “Tứ Pháp” trong hội Dâu, các cuộc tế lễ, rước kiệu tám vua Lý trong hội Đền Đô, lễ rước của các làng thuộc tổng Nội Duệ trong hội Lim (Tiên Du), lễ rước của 7 làng cùng thờ Đức Cao Lỗ Vương trong hội Đền Than (Cao Đức - Gia Bình)... Hầu như ở lễ hội nào cũng có các cuộc tế lễ trang nghiêm, rước sách rất linh đình và sôi động, thu hút hàng nghìn người tham gia, tiêu biểu như lễ rước của 10 làng trong hội “ Thập Đình” ở (Bảo Tháp - Gia Bình). Các lễ rước là sự tái hiện lịch sử oai hùng và truyền thống thượng võ của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh với không khí hùng tráng, náo nhiệt đầy lòng tự hào và thành kính của nhân dân các làng xã.

            Theo thống kê của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có gần 600 lễ hội truyền thống. Như vậy, hầu như làng xã nào cũng có lễ hội. Lễ hội truyền thống Bắc Ninh hội tụ nhiều giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc, làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của lễ hội xứ Bắc, thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham dự, thưởng thức.

Nằm trong hệ thống lễ hội truyền thống văn hóa của quê hương Bắc Ninh cũng như người Việt Nam, lễ hội Thập Đình tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Xưa kia, để chuẩn bị cho lễ hội Thập Đình, ngay từ trong năm, chức sắc quan viên của 10 làng phải họp bàn để phân công việc cho các làng xã. Thôn Bảo Tháp có hai ngôi đền thờ (Danh tướng Doãn Công và Thái sư Lê Văn Thịnh) được tôn vinh là “Đình Cả”, có trọng trách trong việc tế lễ và họp bàn để lo việc đình đám, giao cho quan đám và các giáp cấy lúa, trồng màu để lo lễ vật tế thánh. Lễ vật tế thánh bao gồm lễ tam sinh (bò, lợn, gà) cùng bánh trái, hoa quả, hương đăng. Đặc biệt, làng Bảo Tháp được bầu chủ tế. Chủ tế là người có chức sắc, gia đình vợ chồng song toàn, con cháu ngoan ngoãn, không có tang, không có tật, không vi phạm lệ làng, phép nước. Chức sắc quan viên của các làng từ trước ngày lễ hội phải về đình Bảo Tháp để họp bàn và túc trực chuẩn bị sẵn sàng cho lễ hội Thập Đình.

Vào lễ hội ngay từ sáng mồng 5 tháng 2 (âm lịch), đình và đền Bảo Tháp đã được mở cửa để làm lễ mộc dục, bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Chiều mồng 5, làng Bảo Tháp tổ chức rước bình hương từ hai đền (thờ danh tướng Doãn Công và Thái sư Lê Văn Thịnh) về đình làng. Ngày mồng 6 chính hội, 10 làng thuộc về hội Thập Đình đồng loạt rước kiệu thánh từ đình làng mình đến tập trung tại Đình Cả để tế lễ công đồng. Làng Bảo Tháp (Đình Cả) trước đó rước kiệu thánh ra đầu làng để đón các hàng từ các làng bên này sông Đuống thì theo đường bộ rước đến. Còn làng Vân Xá nay là làng Thi Xá thuộc xã Cách Bi, huyện Quế Võ bên kia sông Đuống phải chèo thuyền qua sông. Các đám rước đến làng Bảo Tháp đông đủ thì tập trung ở ngã ba Đống Vải thuộc đầu làng Bảo Tháp, theo thứ tự kiệu của các làng lần lượt được rước vào đình Bảo Tháp. Đi đầu là làng Bảo Tháp, tiếp theo là Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn, Cứu Sơn, Chi Nhị, Thi Xá, Trung Thành, Huề Đông. Đám rước của 10 làng đi từ Đống Vải qua Đống Ngấn, qua Ao Cả, qua cửa đền Hạ (thờ danh tướng Doãn Công), rồi tiến vào đình Bảo Tháp. Đám rước hội Thập Đình rợp trời với cờ, kiệu, tàn, lọng, chiêng, trống, siêu đao, bát bửu… Cùng quan viên tế, các bô lão, đông đảo nhân dân 10 làng và quý khách thập phương. Khi đám rước về đình Bảo Tháp thì tập trung ngoài tiền tế để cùng tế công đồng. Quan viên tế gồm 39 người là đại diện của 10 làng đều đội mũ, đi hia, áo thụng tế: chủ tế mặc áo màu đỏ có bối tử, bồi tế áo đỏ trơn, quan viên tế còn lại mặc áo xanh, nghiêm trang chỉnh tề. Khi quan viên tế từ ngoài tiền tế vào đến Đại đình, theo nhịp trống chiêng 7 và 3 để tế. Quan viên tế thánh 3 tuần tế: sơ yến, á yến, trung yến. Mỗi tuần tế thường có 54 mục từ mục khởi chính cổ đến lễ tất. Giữa 3 tuần tế có dâng rượu vào trong hậu cung, đọc chúc văn, ẩm phước và hóa văn tế. Sau khi tế lễ xong, các làng khác xin rước chân nhang thờ thánh từ đình Bảo Tháp về đình làng mình để tế lễ và mở hội. Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ và phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: đốt cây bông, đu cây, thi vật, tuồng chèo, cờ người… thu hút hàng ngàn người. Thời kỳ hiện đại có cả hát quan họ và một số trò chơi mới như cờ tướng, bóng chuyền, cầu lông, biểu diễn dưỡng sinh của các Câu lạc bộ Người cao tuổi. Với các du khách về trảy hội Thập Đình, sau khi dâng hương hoa, lễ vật tế thánh, du khách sẽ đến tham quan đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, chùa Thiên Thư, Đền thờ Doãn Công - tìm hiểu lịch sử cũng như giá trị nhân văn cao đẹp về bậc tiền nhân tài cao đức trọng có công lao to lớn với nước với dân.

Lễ hội Thập Đình mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc thể hiện tình đoàn kết cộng đồng của một vùng cư dân rộng lớn thờ tướng Doãn Công và Thái sư Lê Văn Thịnh. Là một lễ hội đầy đủ các yếu tố điển hình của một lễ hội truyền thống Việt Nam. Không chỉ đối với người dân Bảo Tháp mà cả với những người dân quanh vùng và chín làng cùng tổ chức lễ hội Thập Đình, lễ hội Thập Đình được xem như một cái tết thứ hai của những người dân nơi đây. Lễ hội Thập Đình trong đời sống tinh thần của người dân huyện Gia Bình có tầm quan trọng rất lớn. Tuy nhiên những năm gần đây, các hiện tượng ngoại lai du nhập, những đối tượng xấu lợi dụng những trò chơi của lễ hội để tổ chức cờ bạc, cá độ, xả rác bừa bãi, bày bán hàng rong gây mất trật tự an ninh, không vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường... là những hình ảnh xấu góp phần tác động tiêu cực và làm mất đi không gian văn hóa dân gian, làm ảnh hưởng tới ý nghĩa thiêng liêng trong lễ hội đã giảm đi trước những yếu tố xã hội, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực, từ đó khiến việc quản lý lễ hội trở thành một vấn đề cần được quan tâm. Thực trạng khó kiểm soát của lễ hội Thập Đình đã và đang là sự quan tâm của người dân huyện Gia Bình nói chung, của người dân thôn Bảo Tháp nói riêng.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             

            Để quản lý lễ hội Thập Đình một cách khoa học, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, giải trí của người dân và phát huy hết được tài sản văn hóa vô giá của mảnh đất Bắc Ninh là việc làm hết sức quan trọng. Chính vì vậy, nhằm phát huy sự hấp dẫn của lễ hội Thập Đình cũng như nâng cao công tác quản lý lễ hội, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau đây:

            Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng để mọi người hiểu được giá trị lịch sử - văn hóa của lễ hội Thập Đình. Cần làm cho mỗi người dân hiểu rõ được những giá trị, bản sắc riêng có của lễ hội truyền thống ở chính làng xã của mình, để từ đó có ý thức và trách nhiệm cao trong việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc lễ hội của quê hương mình.

            Thứ hai, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, hướng dẫn tổ chức lễ hội cho cán bộ văn hóa, nhất là cán bộ văn hóa ở cơ sở. Đây là lực lượng trực tiếp hướng dẫn lễ hội. Đó là các cán bộ văn hóa các xã, phường, Ban Quản lý di tích cơ sở, các cán bộ Phòng, Trung tâm văn hóa - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ Bảo tàng, Ban Quản lý di tích tỉnh. Tham gia tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn là Trung tâm văn hóa tỉnh, Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch tỉnh. Mục đích và nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn là nhằm cho cán bộ văn hóa ở cơ sở không chỉ nắm vững Luật di sản văn hóa, Quy chế quản lý lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà phải hiểu rõ nguồn gốc, ý nghĩa, nội dung và diễn trình của từng lễ hội với những bản sắc riêng tạo nên tính hấp dẫn của lễ hội Thập Đình. Trên cơ sở đó có sự hướng dẫn, tổ chức nhằm vừa bảo tồn, phát huy bản sắc, vừa đáp ứng nhu cầu của công chúng trong cuộc sống đương đại trong việc tham gia và thưởng thức lễ hội.

             Thứ ba, sớm có kế hoạch đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông về di sản văn hóa truyền thống Bắc Ninh, trong đó có lễ hội là di sản văn hóa tiêu biểu. Cần giáo dục cho các em học sinh ở cơ sở hiểu rõ giá trị lịch sử - văn hóa của lễ hội ở chính làng quê mình, từ ý nghĩa, mục đích của ngày lễ hội, các diễn trình lễ hội, mối quan hệ giữa lễ hội và di tích, lễ hội với danh nhân lịch sử - văn hóa.

            Thứ tư, cần có sự kết hợp chặt chẽ việc tổ chức lễ hội với giới thiệu giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Các lễ hội ở Bắc Ninh hầu hết gắn với các di tích lịch sử văn hóa về địa điểm, không gian lễ hội, đặc biệt ngày lễ hội là hoạt động kỷ niệm các sự kiện lịch sử và danh nhân dược thờ phụng trong di tích. Nhưng ở các ngày lễ hội, việc giới thiệu di tích, danh nhân chưa được quan tâm đúng mức. Cần khắc phục yếu điểm này bằng sự phối kết hợp hoạt động đồng bộ giữa Ban tổ chức lễ hội với Ban quản lý di tích ở cơ sở với sự chỉ đạo chung của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Sự phối hợp này là yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc của từng lễ hội, sự hấp dẫn đặc biệt và riêng có của lễ hội Bắc Ninh.

            Thứ năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội, cần đặc biệt quan tâm tới việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo hướng dẫn tổ chức lễ hội trong thời gian qua. Trong đó cần tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học nhằm đánh giá những kết quả và hạn chế trong việc tổ chức lễ hội.

           Trên đây là một số giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc lễ hội Thập Đình cũng như các lễ hội ở Bắc Ninh, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách, đồng thời làm cho lễ hội Bắc Ninh trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực góp phần đưa Bắc Ninh phát triển văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Các tài liệu chữ hán, lưu giữ tại đình thôn Bảo Tháp
  2. “Di tích xã Đông Cứu” (2015), giabinh.bacninh.gov.vn, truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2017.
  3. Lê Viết Nga (1991), Báo cáo nghiên cứu khảo sát di tích lịch sử và nghệ thuật đền, chùa thờ trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh.
  4. Trần Đình Luyện (2018), Một số giải pháp nhằm phát huy bản sắc lễ hộ Bắc Ninh, nguoikinhbac.vn, truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2018.
  5. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Ninh  (2002),  Văn hiến Kinh  Bắc - tập 2.

________________________

[*] Lớp Cao học K4 - Chuyên ngành Quản lý văn hóa