Đổi mới giáo dục đại học

Đổi mới dạy học Mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực và suy nghĩ về đào tạo giáo viên phổ thông

23 Tháng Tư 2018

    Nguyễn Thị Đông [*] 

     Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là hình thành, phát triển cho học sinh các phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm); những năng lực cốt lõi, gồm năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực chuyên môn (ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thể chất, thẩm mĩ) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới. 

     Theo đó, Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông đã vận dụng các phương pháp mới về xây dựng chương trình tổng thể và chương trình các môn học; trong đó trọng tâm là vận dụng phương pháp “sơ đồ ngược” (Back - Mapping) và phương pháp đánh giá tác động chính sách (viết tắt là RIA - Regulatory Impact Assessment ). Bởi, với định hướng tiếp cận năng lực thì việc xây dựng chương trình phải xuất phát từ phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó xác định nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu phát triển nhân lực, mục tiêu giáo dục phổ thông, rồi từ mục tiêu đó xác định những phẩm chất và năng lực cần hình thành, phát triển ở học sinh, tức là chuẩn đầu ra của chương trình. Từ chuẩn đầu ra mới xác định được những nội dung cần dạy, từ đó phân bổ thời lượng dạy học, xác định phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục. 

     Giáo dục Mĩ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông mới là một phân môn trong môn học Nghệ thuật, được học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 và tự chọn theo định hướng nghề nghiệp ở giai đoạn Trung học phổ thông từ 10 đến lớp 12. Theo đó, xây dựng chương trình giáo dục mỹ thuật phổ thông phải tuân thủ các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực, các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá, điều kiện thực hiện và phát triển chương trình, cũng như định hướng xây dựng chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thế.

     1. Một số định hướng cơ bản trong xấy dựng chương trình môn Mỹ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông mới

     1.1. Yêu cầu về năng lực

Giáo dục Mỹ thuật trong nhà trường phổ thông có vai trò quan trọng góp phần bồi dưỡng, phát triển năng lực thẩm mĩ - là một trong các năng lực chuyên môn được đề cập trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, nội hàm của năng lực thẩm mĩ trong giáo dục mĩ thuật được biểu hiện ở một số năng lực thành phần như:

(1) Năng lực quan sát và nhận thức;

(2) Năng lực khám phá và thể hiện;

 (3) Năng lực cảm thụ và đánh giá.

Sự phân chia các năng lực thành phần này chỉ mang tính tương đối, bởi quá trình học/sáng tạo mĩ thuật là sự đan xen, kết nối và tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các năng lực thành phần đó và những biểu hiện của chúng.

     1.2. Quan điểm xây dựng chương trình

     1.2.1. Quan điểm kế thừa

Chương trình môn Mĩ thuật kế thừa, phát huy ưu điểm chương trình hiện hành; tiếp cận những thành tựu chung của thế giới và khu vực về lĩnh vực này; học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chương trình, bảo đảm tính khoa học, hiện đại và thiết thực.

     1.2.2. Quan điểm tích hợp

     Chương trình môn Mĩ thuật chú trọng tích hợp kiến thức, kỹ năng của nội dung môn học và quan tâm tích hợp các kiến thức, kỹ năng của các môn học/hoạt động giáo dục khác một cách hợp lý, linh hoạt và thiết thực; đồng thời có thể kết nối, tích hợp các nội dung giáo dục, như: bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, chủ quyền biển đảo, an toàn giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu…, hướng tới sự kết hợp giáo dục thẩm mĩ giữa nhà trường với gia đình và xã hội.

     1.2.3. Quan điểm gắn với thực tiễn cuộc sống

Các kiến thức mỹ thuật đề cập trong chương trình luôn có ở mọi nơi, mọi lúc, trong tự nhiên, trong xã hội và các hoạt động của con người trong đời sống hằng ngày, đó là: đường nét, hình khối, màu sắc, xa gần, sáng tối…; Do vậy, các hình ảnh, sự vật, hiện tượng, mối quan hệ của con người với đời sống và các vấn đề nảy sinh trong xã hội vừa là đối tượng tìm hiểu, khám phá vừa là mục đích thể hiện và sáng tạo trong dạy học mỹ thuật. Theo đó, việc lựa chọn các nội dung, tình huống thực tiễn gắn với đời sống hàng ngày một cách phù hợp, cần thiết và hữu ích là làm cho môn học trở nên gần gũi, hấp dẫn và thú vị với học sinh; đồng thời, bảo đảm sự phù hợp với đa dạng vùng miền trong tổ chức dạy học và làm rõ hơn vai trò của mỹ thuật trong đời sống thực tiễn.

     1.2.4. Quan điểm mở, liên thông

Mach nội dung kiến thức và kỹ năng của môn học đảm bảo kết nối, liên thông giữa các thể loại tạo hình đề cập trong chương trình môn học; đồng thời liên thông, kết nối với kiến thức, kỹ năng của các môn học, hoạt động giáo dục khác trong chương trình phổ thông và giữa các lớp học, cấp học, bậc học trong hệ thông giáo dục.

     1.3. Khái quát định hướng nội dung

Mỹ thuật vừa là môn học nghệ thuật, vừa là môn học bồi dưỡng, giáo dục thẩm mĩ, góp phần đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông. Nội dung kiến thức và kỹ năng của môn học được xác lập theo cấu trúc tuyến tính và đồng tâm, gồm các thể loại: tạo hình, thủ công, thiết kế và bình luận mĩ thuật nhằm tạo cơ hội cho học sinh được thể hiện cảm xúc và suy nghĩ bằng các yếu tố của nghệ thuật thị giác, thông qua hình ảnh thị giác để thể hiện, khám phá bản thân và thế giới, giao tiếp với con người và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo dựng nền tảng thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, tôn trọng cái đẹp và biết sáng tạo cái đẹp phục vụ đời sống, hướng đến tạo dựng môi trường thẩm mĩ và phát triển văn hóa thị giác trong đời sống xã hội. Trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung phân môn Mĩ thuật được phân chia theo hai giai đoạn:

     Giai đoạn giáo dục cơ bản

     Chương trình nhằm hình thành cho học sinh khả năng quan sát và cảm thụ nghệ thuật, nhận thức và biểu đạt thế giới; hình thành và phát triển khả năng đọc, hiểu tác phẩm, sản phẩm mĩ huật; tạo cơ hội cho học sinh thực hành, trải nghiệm, khám phá và hợp tác, giải quyết vấn đề.

     Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

     Ở giai đoạn này, chương trình môn học được thiết kế củng cố, phát triển, mở rộng mạch kiến thức, kỹ năng đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, theo định hướng tiếp cận các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan đến mĩ thuật; nhằm giúp học sinh phát triển tư duy độc lập, khả năng hợp tác, sáng tạo và giải quyết vấn đề; tạo điều cho học sinh lựa chọn học lên, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động thẩm mĩ đa ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện, hoàn cảnh của bản thân và thích ứng với những đổi thay của xã hội.

     Ngoài ra, trong mỗi năm học ở giai đoạn này, học sinh được chọn học một số chuyên đề. Các chuyên đề này giúp học sinh tăng cường kiến thức, rèn luyện kỹ năng về môn học, thúc đẩy khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của bản thân.

     2. Một vài suy nghĩ về công tác đào tạo giáo viên

     2.1. Cần xem xét năng lực thẩm mĩ là một trong những yếu tố cơ bản trong đề xuất các vấn đề nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo và cân nhắc giản lược nội dung dạy học; đồng thời, quan tâm đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập/rèn luyện, chú trọng tổ chức dạy học vi mô trong quá trình day học… nhằm hướng tới sản phẩm đầu ra của ngành Sư phạm Mĩ thuật đáp ứng được định hướng dạy học phát triển năng lực của chương trình giáo dục mĩ thuật phổ thông mới.

     2.2. Cần xem xét, nghiên cứu tích hợp, lồng ghép nội dung kiến thức, kỹ năng các thể loại: tạo hình, thủ công, thiết kế và bình luận mỹ thuật vào nội dung các môn học/một số môn học một cách phù hợp, hiệu quả; bảo đảm chương trình có sự cập nhật, đổi mới, hiện đại và thiết thực.

     2.3. Cần xem xét công tác bồi dưỡng, đào tạo lại cho sinh viên đã ra trường/giáo viên phổ thông có nhu cầu nâng cao năng lực dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Muốn vậy, nội dung bồi dưỡng, đào tạo lại phải được nghiên cứu, xây dựng xuất phát từ thực tiễn và thiết thực với mỗi người học/học viên/giáo viên; tránh nội dung xây dựng một cách chung chung, theo cảm tính, thiếu chiều sâu và chiều rộng hoặc tổ chức bồi dưỡng/đào tạo lại mang tính hình thức.

     Mĩ thuật là một phần của văn hóa. Giáo dục Mĩ thuật - giáo dục thẩm mĩ là một bộ phận hợp thành của giáo dục toàn diện trong giáo dục ở nhà trường phổ thông; góp phần phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu về về môn học và thúc đẩy đời sống văn hóa thẩm mĩ trong xã hội, giao lưu văn hóa thế giới. Do vậy, công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mĩ thuật là nhiệm vụ cần thiết của đào tạo chuyên ngành Sư phạm Mĩ thuật trong các trường sư phạm; theo đó các nội dung nghiên cứu, đào bồi dưỡng cần có những hướng tiếp cận phù hợp với đổi mới của giáo dục phổ thông và hiện đại với xu hướng quốc tế; cần có những nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc và phải hướng đến tầm nhìn bắt nhịp với những đổi thay của xã hội ở nhiều phương diện, trong đó có những lĩnh vực trong đời sống xã hội gắn với mĩ thuật/giáo dục mĩ thuật.

     (1) Ủy viên Ban phát triển chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (mới), Tiểu ban chương trình môn Mỹ thuật.

                                                                

Tài liệu tham khảo

Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, tháng 8/2017.

________________________

[*] ThS, Khoa Mỹ thuật Cơ sở, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW