Đổi mới giáo dục đại học

Hiệu quả và sự lan toả của Dự án Giáo dục Mĩ thuật, đáp ứng được nhu cầu thực tế và yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay

24 Tháng Tư 2018

Nguyễn Thị Nhung 

            Dự án “Hỗ trợ giáo dục Mĩ thuật cấp tiểu học” (SAEPS) sau thời gian thử nghiệm và thí điểm thành công tại các trường tiểu học ở một số tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền trên cả nước đã tổng kết giai đoạn II sau 5 năm mở rộng và phát triển ra quy mô Toàn quốc. Dự án đã chứng tỏ tính ưu việt và sự phù hợp với nhu cầu đổi mới về Phương pháp dạy - học Mĩ thuật cấp tiểu học ở Việt Nam hiện nay.

            Từ năm học 2014 - 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo triển khai phương pháp dạy - học Mĩ thuật mới, vận dụng những quy trình dạy - học Mĩ thuật của SAEPS ở các trường tiểu học trên toàn quốc. Bên cạnh việc triển khai các khóa tập huấn về phương pháp và cách tổ chức các hoạt động dạy học Mĩ thuật mới theo tinh thần của SAEPS, tài liệu Dạy học Mĩ thuật dành cho giáo viên tiểu học là sự đúc kết những kinh nghiệm quý báu từ Vương quốc Đan Mạch và các nền giáo dục nghệ thuật tiên tiến trên thế giới. Tài liệu được biên soạn với sự giúp đỡ tận tình, tâm huyết của Giáo sư Anne Kirsten Fugl - Trường Đại học Zealand, Vương quốc Đan Mạch và các giảng viên, giáo viên Mĩ thuật nòng cốt - chuyên gia của dự án đến từ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và một số trường thí điểm, đã truyền cảm hứng và giúp cho các giáo viên Mĩ thuật (GVMT) cấp Tiểu học có thể vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học mới vào thực tiễn một cách hiệu quả với mục tiêu:

            Thứ nhất, lấy học sinh làm trung tâm;

            Thứ hai, kích thích sự tương tác, tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức giúp học sinh có được các khả năng: Biểu đạt sáng tạo và giao tiếp thông qua hình ảnh; Khám phá, hiểu và đề cao văn hóa thông qua nghệ thuật thị giác; Hình thành các kỹ năng sống và phát triển năng lực cá nhân thông qua học môn Mĩ thuật; Yêu thích cái đẹp và biết vận dụng vào cuộc sống sinh hoạt, học tập hàng ngày.

            Tuy vậy, thực tế còn nhiều bất cập khi triển khai Phương pháp dạy học mới trên cơ sở Chương trình giáo dục Mĩ thuật hiện hành, điều kiện dạy học Mĩ thuật của giáo viên và học sinh còn nhiều khó khăn; trình độ chuyên môn, năng lực của giáo viên Mĩ thuật cấp Tiểu học còn chưa đồng đều. Nhiều nơi giáo viên dạy Mĩ thuật không được đào tạo chuyên sâu, không được tập huấn phương pháp mới hoặc được tập huấn chưa đúng hay chưa hiểu đúng tinh thần của phương pháp mới nên còn gặp khó khăn, lúng túng trong xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề và thiết kế các hoạt động dạy - học hiệu quả.

            Để giúp cho các GVMT tiểu học hiểu rõ những vấn đề chung về dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới ở bậc Tiểu học, nắm vững các quy trình Mĩ thuật theo phương pháp mới, có kĩ năng trong việc xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề ở từng khối lớp và có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo các Phương pháp dạy học Mĩ thuật mới vào Chương trình giáo dục Mĩ thuật (GDMT) hiện hành, đồng thời hướng tới Chương trình GDMT mới theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp với các tác giả, chuyên gia của Dự án đã tổ chức biên soạn bộ sách “Dạy Mĩ thuật theo định hướng phát triển năng lực” từ lớp 1 đến lớp 5.

            Cuốn sách “Dạy Mĩ thuật theo định hướng phát triển năng lực” giúp cho các nhà trường, các GVMT có thêm hiểu biết chung về phương pháp dạy học và các quy trình Mĩ thuật mới, cách tổ chức các hoạt động dạy học theo chủ đề của từng khối lớp đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với thực tế các vùng miền trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới ở TH và THCS (Công văn số 2070/BGDĐT-GDTH ngày 12/5/2016).

            Cuốn sách gồm ba phần:

            Phần thứ nhất: Những vấn đề chung về dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới ở bậc Tiểu học

            Nội dung cơ bản gồm:

            I.Vài nét về Dạy học Mĩ thuật trong giáo dục hiện đại ở bậc Tiểu học          II. Hình thành và phát triển các năng lực của học sinh thông qua giáo dục Mĩ thuật.

            III.Yêu cầu cơ bản khi tổ chức dạy học mĩ thuật ở trường Tiểu học theo phương pháp mới của Dự án SAEPS.

            IV. Xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức các quy trình Mĩ thuật mới.

            V. Đánh giá kết quả học tập Mĩ thuật.

            Các nội dung I, II nhằm giúp GVMT có những hiểu biết cơ bản, đầy đủ về DHMT theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học Mĩ thuật hiện nay.

            Nội dung III là những yêu cầu cơ bản đối với giáo viên khi vận dụng phương pháp dạy học mới trong chương trình hiện hành về việc chuẩn bị nội dung dạy học (Chủ đề, thời lượng,…); Chuẩn bị các điều kiện, phương tiện dạy học (Vật liệu, không gian học tập,…); Vai trò của giáo viên trong tổ chức dạy học theo phương pháp mới.

            Nội dung IV liên quan đến việc thực hành của giáo viên khi xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề và vận dụng những phương pháp, quy trình Mĩ thuật mới trong tổ chức các hoạt động học tập phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của học sinh.

            Nội dung V về Đánh giá học sinh Tiểu học trong hoạt động GDMT theo định hướng phát triển năng lực cá nhân. 

            Phần thứ hai: Các quy trình dạy học theo phương pháp mới:

            Quy trình 1: Vẽ cùng nhau và sáng tạo các câu chuyện

            Quy trình 2: Vẽ Biểu cảm

            Quy trình 3: Vẽ theo âm nhạc

            Quy trình 4: Xây dựng cốt truyện

            Quy trình 5: Tạo hình 3D - Tiếp cận theo chủ đề

            Quy trình 6: Điêu khắc - Nghệ thuật tạo hình không gian

            Quy trình 7: Tạo hình con rối và nghệ thuật biểu diễn.

            Nội dung cơ bản giới thiệu về 7 quy trình mĩ thuật theo phương pháp dạy học Mĩ thuật mới của của Dự án Hỗ trợ giáo dục Mĩ thuật cấp tiểu học (SAEPS) giúp cho giáo viên hiểu rõ và biết cách lựa chọn, tổ chức các hoạt động học tập hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng miền và đối tượng học sinh mỗi khối lớp.

            Phần thứ ba: Gợi ý tổ chức dạy học mĩ thuật theo chủ đề trong Chương trình giáo dục Mĩ thuật hiện hành.

Nội dung phần này mang tính gợi mở bằng những ví dụ cụ thể của mỗi chủ đề ở từng khối lớp, khuyến khích và truyền cảm hứng để giáo viên có thể linh hoạt vận dụng, tìm tòi sáng tạo hơn vào thực tế dạy học của mình trên cơ sở cấu trúc chung của một kế hoạch dạy học như sau:

Tên chủ đề/(số tiết)

Mục tiêu HS cần đạt

Chuẩn bị (của giáo viên/học sinh)

Phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động

Các hoạt động dạy học chủ yếu

Hướng dẫn tìm hiểu

Hướng dẫn cách thực hiện          

Hướng dẫn thực hành

Hướng dẫn trưng bày, nhận xét, đánh giá sản phẩm

Tổng kết chủ đề

Hướng dẫn vận dụng sáng tạo

            Sau thời gian triển khai đưa vào thực tế dạy - học môn Mĩ thuật ở cấp Tiểu học trên toàn quốc từ năm học 2016 - 2017, bộ sách đã được đón nhận nhiệt tình và đánh giá cao từ phíá Cán bộ quản lý các cấp và giáo viên Mĩ thuật bởi hiệu quả và sự phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thực tế và yêu cầu đổi mới Phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong giai đoạn hiện nay, hướng tới gần với Chương trình, sách giáo khoa mới sau năm 2018.

            Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là một trong những đơn vị được chọn triển khai Dự án Hỗ trợ giáo dục Mĩ thuật cấp Tiểu học (SAEPS) của Giai đoạn I (trước năm 2010) và đội ngũ các Giảng viên Sư phạm Mĩ thuật của nhà trường - chuyên gia nòng cốt của Dự án tiếp tục tham gia giai đoạn II (từ 2011 - 2015) đã có những đóng góp tích cực vào thành công của Dự án và phát triển nối tiếp những thuận lợi, ưu điểm, đồng thời khắc phục những hạn chế, khó khăn của các Phương pháp, hình thức tổ chức dạy học Mĩ thuật mới một cách linh hoạt, phù hợp từ cấp Tiểu học lên cấp THCS. Đó cũng là một nguồn tư liệu thuận lợi để nhà trường có những định hướng trong việc đổi mới Chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Mĩ thuật cho các cấp học phổ thông hiện tại và tương lai.