Tin tức

Từ việc SV bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào Hội Thánh Đức Chúa Trời: Chủ động đề kháng trước những thông tin độc hại

27 Tháng Tư 2018

Ảnh minh họa/báo An ninh Hải Phòng

Trước thông tin một số sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào Hội Thánh Đức Chúa Trời, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, cho biết, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Cục An ninh Chính trị nội bộ A83 (Bộ Công an) quán triệt các nhà trường về công tác quản lý, nắm bắt tư tưởng của sinh viên...

Trước đó, vào tháng 12/2017 Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cũng đã phối hợp với Cục An ninh Chính trị nội bộ A83, Bộ Công an tổ chức tập huấn tại Vĩnh Phúc và TP Cần Thơ trong đó hai bên đã chủ động đề cấp nhiều nội dung liên quan đến vấn đề này.

"Trên tinh thần ấy, chúng tôi đã quán triệt các nhà trường về công tác quản lý, nắm bắt tư tưởng của sinh viên. Đồng thời tăng cường việc bồi dưỡng, tập huấn đối với đội ngũ làm công tác giáo dục chính trị và CTHSSV, cán bộ Đoàn - Hội SV, cán bộ lớp trong các trường học..." - ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bùi Văn Linh, trong tháng 2, 3 Bộ đã đi khảo sát về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho HSSV của các Sở, các trường đại học tại Hà Nội, Thái Nguyên và Hải phòng.

Dự kiến thời gian tới, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên sẽ tiếp tục khảo sát tại TP Hồ Chí Minh và miền Trung để làm luận cứ tham mưu với Bộ trưởng ký ban hành Đề án Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, sinh viên thông qua môi trường mạng. Từ đó sẽ chủ động nắm bắt các thông tin liên quan về tư tưởng của sinh viên để có biện pháp chỉ đạo xử lý hiệu quả.

 Ông Bùi Văn Linh: Các trường phải tăng cường quản lý, giáo dục tư tưởng học sinh, sinh viên

 

Theo ông Bùi Văn Linh, một trong những biện pháp để phòng chống hiệu quả những tác hại của việc lôi kéo HSSV vào những hoạt động không lành mạnh, đó là: Các trường phải tăng cường quản lý, giáo dục tư tưởng học sinh, sinh viên; đồng thời tổ chức có hiệu quả Tuần sinh hoạt công dân - Học sinh, sinh viên; tăng cường phổ biến pháp luật để sinh viên tự biết, tự đề kháng trước những thông tin xấu độc, không lành mạnh.

Mặt khác, các nhà trường cũng cần tăng cường tổ chức, quản lý các câu lạc bộ sở thích; nâng cao trách nhiệm của các cán sự chi đoàn - lớp, giáo viên chủ nhiệm/ cố vấn học tập/ giáo vụ của các khoa/trường trong việc quản lý sinh viên;

Đặc biệt Ban giám hiệu nhà trường chú trọng tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý sinh viên, tổ chức tập huấn trang bị cho sinh viên kỹ năng khai thác internet, sàng lọc thông tin để các em chủ động đề kháng được trước những thông tin độc hại trên mạng; tăng cường quản lý khách ra – vào trường, ký túc xá;

Tổ chức quán triệt và tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý-nhà giáo, người học về việc tránh tiếp xúc với người xa lạ, cảnh giác trước các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ; báo ngay cho lực lượng chức năng (PA83 các tỉnh/ thành phố và công an tại phường/xã…) phối hợp xử lý kịp thời khi thấy có hiện tượng khả nghi, thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, website, email – nhắn tin, fanpage của đơn vị có nhiều sinh viên theo dõi, tham gia và trong các hoạt động giáo dục, ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt Đoàn – Hội – Câu lạc bộ… với mục tiêu cao nhất là giúp ổn định tâm lý, tư tưởng, đảm bảo an toàn và quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên diễn ra bình thường.

(Nguồn: Minh Phong (ghi) - http://giaoducthoidai.vn)