Tin tức

Bộ trưởng Nhạ tiết lộ số lượng thí sinh có nguyện vọng vào ngành sư phạm

04 Tháng Năm 2018

Tính đến hết ngày 18/4, số lượng thí sinh có nguyện vọng vào ngành sư phạm cao hơn dự kiến quy mô tuyển sinh.

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ tiết lộ tại lễ khai mạc Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XV, nhiệm kỳ 2018 – 2023. 

Cụ thể, sáng 19/4, 275 đại biểu chính thức, đại diện cho khoảng 1,5 triệu công đoàn viên là cán bộ, nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục trong toàn quốc dự khai mạc Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XV, nhiệm kỳ 2018 – 2023, tại Hà Nội. 

Được biết, trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo Công đoàn Giáo dục các cấp triển khai hoạt động công đoàn gắn với chuyên môn, phát huy tinh thần trách nhiệm, hướng về cơ sở; có nhiều giải pháp đột phá; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện có hiệu quả 8 nhiệm vụ, 6 chương trình công tác toàn khóa, nhiều chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội XIV đã đề ra.

Trong đó Công đoàn Giáo dục các cấp đã tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ, nhất là bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo; triển khai các chương trình phúc lợi đoàn viên;

Vận động thêm nguồn lực xây nhà công vụ, thiết chế văn hóa, hỗ trợ kịp thời các nhà trường và cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thiên tai, bão lũ;

Tổ chức các chương trình đón Tết cho giáo viên cắm bản, chăm lo thiết thực cán bộ, nhà giáo, người lao động, quan tâm nhiều hơn đối với nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng các hoạt động tôn vinh nhà giáo tiêu biểu...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ  tiết lộ, tính đến hết ngày 18/4, số lượng thí sinh có nguyện vọng vào ngành sư phạm cao hơn dự kiến quy mô tuyển sinh. (Ảnh: Ngọc Nam)

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, của cơ quan Công đoàn Giáo dục Việt Nam dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa theo kịp yêu cầu đổi mới hiện nay. 

Công đoàn một số trường đại học, cao đẳng sư phạm còn lúng túng trong thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, chưa nêu cao vai trò chủ động trong việc phát hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập để xây dựng, phát triển nhà trường.

Một số cán bộ công đoàn chưa tâm huyết, chưa đổi mới phương pháp nên hiệu quả chưa cao...

Việc chăm lo, bảo vệ cán bộ, nhà giáo, người lao động ở một số nhà trường gặp khó khăn nhất là đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học sơ sở.

Một số vụ việc nhà giáo bị xâm hại danh dự, nhân phẩm, uy tín, lao động, việc làm chưa được phát hiện và bảo vệ kịp thời. 

Một số Công đoàn Giáo dục còn chưa làm tròn trách nhiệm trong việc bảo vệ cán bộ, nhà giáo, người lao động.

Việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động ở một số địa phương còn chậm. Công tác thông tin chưa kịp thời; việc yêu cầu các số liệu báo cáo về cán bộ công đoàn Việt Nam còn nhiều, trùng lặp; công đoàn cơ sở thực hiện chậm tiến độ, một số đơn vị báo cáo thiếu chính xác…

Trong nhiệm kỳ mới, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn giáo dục các cấp để tập hợp đông đảo người lao động tham gia tổ chức công đoàn; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, nhà giáo, người lao động, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo, nghề giáo;

Tăng cường phát triển lợi ích của đoàn viên công đoàn; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, tập trung nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, kỹ năng ứng xử, đạo đức, phong cách nhà giáo; xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, dân chủ, kỷ cương, an toàn, thân thiện trong các nhà trường.

Bên cạnh đó đổi mới và triển khai có chiều sâu các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong ngành.

Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn ngành Giáo dục ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu trên, các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đã được Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XV đưa ra, đó là:

Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng; chăm lo thiết thực cho đoàn viên và cán bộ, nhà giáo, người lao động; tham gia quản lý, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động;

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, chú trọng năng lực nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo; nề nếp, kỷ cương trong các trường học, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

(Nguồn: http://truonghocketnoi.edu.vn/ - Thùy Linh)