Nội san

Vai trò của cộng đồng dân cư trong quản lý di tích lịch sử văn hóa chùa Hoàng Long xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

04 Tháng Năm 2018

Vũ Hải Toàn [*]

 

       Tỉnh Phú Thọ là mảnh đất địa linh nhân kiệt, đất phát tích cội nguồn dân tộc Việt Nam. Phú Thọ hiện có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, độc đáo của dân tộc với 1 di tích quốc gia đặc biệt và 73 di tích cấp quốc gia. Trong đó, di tích lịch sử văn hóa chùa Hoàng Long, xã An Đạo, huyện Phù Ninh là ngôi chùa cổ có niên đại hơn 300 năm, là một trong những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, nơi hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tâm linh, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 04/2001/QĐBVHTT ngày 19/01/2001.

       Do điều kiện về thời gian và trước nhu cầu đổi mới phát triển kinh tế hiện đại, di tích lịch sử văn hóa chùa Hoàng Long đang có nguy cơ bị xuống cấp. Đồng thời, nhu cầu phát triển khám phá tham quan, du lịch, tham dự lễ hội của người dân ngày càng một lớn cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, bảo tồn và gìn giữ di tích.

       Để việc quản lý di tích lịch sử văn hóa chùa Hoàng Long tốt hơn cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cần có sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư để cụ thể hóa các chính sách quản lý của nhà nước trong việc quản lý và bảo tồn di tích lịch sử văn hóa chùa Hoàng Long có hiệu quả trong những năm tiếp theo.

       Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã An Đạo có viết “Chùa Hoàng Long là công trình lịch sử - văn hóa quan trọng của huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Chùa tọa lạc trên vùng đất cổ xưa của kinh đô Phong Châu thời Hùng Vương (nay thuộc khu 1, xã An Đạo, huyện Phù Ninh). Theo bia ký trên cây hương đá, chùa Hoàng Long được khởi dựng vào tháng Hai năm Kỷ Sửu, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ V thuộc triều vua Lê Dụ Tông 1709 và được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 2001” [1].

       “Quản lý di tích lịch sử văn hóa là một vấn đề đang được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm” [2]. Muốn làm tốt vấn đề này, trước hết chúng ta, những người làm công tác quản lý cần phải nắm được các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật, văn bản của Nhà Nước, địa phương và biết phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác tham gia quản lý di tích lịch sử văn hóa chùa Hoàng Long.

       Trong hàng trăm năm qua ngôi chùa Hoàng Long vẫn tồn tại được có một phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng dân cư người dân xã An Đạo. Chính những người dân nơi đây đã tham gia góp công, góp sức ngay từ những ngày đầu xây dựng ngôi chùa.

       Những năm vừa qua, người dân đã tham gia vào quá trình quản lý di tích hội Phật giáo. Về tổ chức, hiện có 950 Phật tử, bầu ra một Ban Phật giáo gồm các Phật tử đại diện của 11 khu dân cư trong xã, đã phân lịch cụ thể đến các khu dân cư hàng ngày, hàng tuần thay phiên tham gia lao động, chăm sóc cảnh quan của ngôi chùa và trực tiếp tham ra phục vụ các hoạt động của nhà chùa. Ngoài ra, một số bộ phận dân cư từ trẻ đến lớn có tâm cũng tự nguyện hàng ngày vào chùa góp công lao động phục vụ xây dựng cảnh quản nhà chùa ngày càng khang trang, sạnh đẹp.

       Như vậy, với sự tham gia của cộng đồng di tích đã được trùng tu, tôn tạo, tu bổ, tránh được sự hủy hoại của thiên nhiên, môi trường, nhiều hạng mục công trình phụ trợ được xây dựng, cảnh quan, môi trường được chăm lo sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

       Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của vai trò chủ thể cộng đồng trong quản lý di tích thì cũng xuất hiện những hạn chế như cộng đồng người dân tự ý xây dựng, tu bổ sai nguyên tắc làm sai lệch giá trị của di tích… Điều này đặt ra cho các cơ quan quản lý nhiệm vụ định hướng, giám sát khi huy động các nguồn lực từ cộng đồng trong bảo vệ di tích lịch sử văn hóa. 

       Một số giải pháp phát huy vai trò quản lý của cộng đồng dân cư trong thời gian tới

       Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về giá trị của  di sản văn hóa về trách nhiệm để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tranh thủ các kênh thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh ở cơ sở, cổng thông tin điện tử... Phối hợp với cơ quan xuất bản, quảng bá tuyên truyền qua các cuốn sách, tập gấp để trưng bày hoặc bán ở các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời nghiên cứu, biên soạn, phát hành các tài liệu, ấn phẩm về các di sản văn hóa. “Thực hiện công tác sưu tầm di sản phi vật thể bằng các hình thức quay phim, ghi âm, chụp ảnh, in đĩa, quản lý bằng công nghệ thông tin, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử văn hóa” [3], về giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và lễ hội. Tranh thủ đẩy mạnh việc liên kết với các sở, ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh liên kết vùng trong việc quảng bá và xúc tiến du lịch.

       Hai là, xã hội hóa nguồn lực bảo tồn phát huy giá trị di tích, gắn với phát triển kinh tế xã hội và phát triển du lịch.

       Xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa không chỉ thu hút trí tuệ, nhân lực, vật lực của toàn xã hội cho lĩnh vực này mà còn là nhân tố thúc đẩy quá trình biến đổi về chất, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa và nâng cao kiến thức của nhân dân trong tình hình mới. “Chính vì vậy, đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, xã hội hóa các hoạt động bảo tồn không chỉ là vấn đề trước mắt - không phải là biện pháp tình thế để chia sẻ sự đóng góp cho ngân sách Nhà nước mà còn là nhiệm vụ lâu dài bởi các hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa vẫn là những nhu cầu thiết yếu, được duy trì và không ngừng phát triển với những tiềm năng và nguồn lực từ nhân dân” [4].

       Đẩy mạnh hiệu quả của công tác xã hội hóa trong bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Hoàng Long nhất thiết phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân trong và ngoài vùng của các cấp chính quyền đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích.

       Bên cạnh đó, phải sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước và nguồn kinh phí đóng góp từ xã hội hóa để từng bước tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử văn hóa chùa Hoàng Long ngày càng đẹp và bền vững.

       Ba là, đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường

       Trong sự phát triển của quá trình đô thị hóa nông thôn đã phát sinh những hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ cảnh quan của chùa Hoàng Long trên địa bàn xã An Đạo. Do đó, vấn đề đảm bảo sự nguyên vẹn vốn có của di tích cần được các cấp chính quyền quan tâm và có những chính sách cụ thể trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.

       Chính quyền địa phương cần có những chế độ ưu đãi, quan tâm hơn nữa đến ban thủ nhang và tổ bảo vệ nằm trong Ban quản lý di tích, bởi đây là đội ngũ nòng cốt, túc trực ngày đêm bảo vệ di tích.

       Ban quản lý di tích cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền xã hội hóa, đưa hình ảnh quảng bá di tích lịch sử văn hóa chùa Hoàng Long đến gần với người dân và du khách thập phương hơn nữa. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và du khách được biết và hướng về các giá trị truyền thống đó, làm nền tảng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

       Các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong việc quản lý, tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa tại di tích, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở ban thủ nhang, ban khánh tiết cần thực hiện tốt hơn các nghi lễ, tiếp nhận các nguồn công đức, tăng cường công tác vệ sinh trong và ngoài phạm vi chùa, đầu tư thêm một số thùng rác di động.

       Tổ bảo vệ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động xâm hại di tích, cảnh giác với các nguy cơ tiềm ẩn mất trộm di vật, đồ thờ, cổ vật quý giá. Phối kết hợp với ban công an xã tăng cường phát hiện các tệ nạn, đẩy lùi và ngăn chặn những hoạt động văn hóa tín ngưỡng có biểu hiện lệch lạc và những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan tại di tích. Cần quản lý, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động lễ thuê, mời chào khách hay dịch vụ viết sớ tràn lan trong những ngày lễ, tết.

       Bốn là, huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc tổ chức và quản lý di tích

       Tăng cường các hoạt động Luật Di sản văn hóa, các văn bản về bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm đưa các văn bản này vào cuộc sống và có hiệu lực trong thực tế, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, hình thành ý thức, thái độ trân trọng đối với các loại hình di sản văn hóa truyền thống trên quê hương.

       Việc tuyên truyền về di tích để người dân có cách ứng xử tích cực, phù hợp là vấn đề cần thiết nhất. Trong quá khứ cũng như hiện nay, truyền thống đấu tranh, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc luôn là vấn đề được coi trọng hàng đầu. Do vậy cần tuyên truyền, định hướng giúp cho người dân nhận thức đúng vai trò, giá trị của loại hình di tích này từ đó họ có sự quan tâm, đầu tư hợp lý.

       Đặc điểm của các di tích thường gắn bó chặt chẽ với một cộng đồng cụ thể như: làng, xóm, thôn, bản,… Do vậy cần tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ, sử dụng và khai thác giá trị của di tích. “Việc trao cho cộng đồng quyền chủ động quản lý các di tích, bầu chọn người tham gia vào Ban quản lý di tích cũng làm cho người dân cảm thấy được quyền làm chủ của mình từ đó tạo niềm tự hào, có ý thức trách nhiệm đối với các di tích” [5]. Ban quản lý di tích lịch sử chùa Hoàng Long là mô hình quản lý hoạt động có hiệu quả trong nhiều năm qua. Do vậy cần phổ biến, nhân rộng mô hình quản lý này đến nhiều di tích khác.

       Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng, nơi có di tích là điều cần thiết. Cộng đồng là sợi dây liên hệ giữa di tích với cơ quan quản lý, những hiện tượng vi phạm di tích sẽ nhanh chóng bị cộng đồng phát hiện và thông tin được truyền tải đến những cơ quan có thẩm quyền xử lý.

       Cần thiết phải xây dựng cơ chế nhằm khuyến khích, động viên các tổ chức doanh nghiệp, đoàn thể, cá nhân tích cực đầu tư, ủng hộ các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đối với doanh nghiệp, cần có những chính sách ưu đãi khi tham gia đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Bên cạnh đó, cần chú ý biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức tham gia tích cực, có hiệu quả trong việc trùng tu, tôn tạo cũng như phát huy các giá trị của di tích.

       Trong bối cảnh hiện nay, quá trình phát triển kinh tế - xã hội ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi gắn kết chặt chẽ với vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Nhận thức rõ vai trò cũng như giá trị của di tích lịch sử văn hóa chùa Hoàng Long, qua đánh giá, nhận xét rút ra được những mặt tích cực và những mặt yếu kém hạn chế về công tác quản lý chùa Hoàng Long, tập trung làm rõ những định hướng về công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa nói chung, đối với chùa Hoàng Long nói riêng, đồng thời chỉ ra những biện pháp và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích chùa Hoàng Long. Những giải pháp đề xuất chú trọng đến công tác giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân, phát huy vai trò của cộng đồng  dân cư để cùng với chính quyền các cấp tham gia vào quá trình quản lý từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư cũng là những người trực tiếp hưởng thụ các giá trị văn hóa của di sản.

       Với những giải pháp đã đề xuất, tác giả hy vọng có thể đóng góp một phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác quản lý di tích lịch sử chùa Hoàng Long, xã An Đạo, phát huy các giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

1. Lịch sử Đảng bộ xã An Đạo (2007), Nxb Văn hóa - Thông tin.

2. Ban Chấp hành trung ương (khoá XI) Nghị quyết 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ  9.

3.  Bộ Văn hóa - Thông tin (2004), Quản lý nhà nước về di sản văn hóa và giáo dục truyền thống ở cơ sở, tài liệu học tập bồi dưỡng kiến thức quản lý ngành văn hóa - Thông tin, chuyên đề 11, tr.153-164.

4. Nguyễn Chí Bền (2010), Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia.

5. Đặng Văn Bài (1995), Vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn di tích, Nxb Tạp chí Văn hóa Thông tin số 2.

.........................................................................................

[*] Lớp Cao học K4 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa