Nội san

Một số giải pháp quản lí di tích chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội

17 Tháng Năm 2018

Đỗ Hồng Anh [*]

      Chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội được xây dựng vào thế kỷ XIV, được phong là “Đệ nhất đại danh lam”. Ngôi chùa này xây dựng trên vùng đất thiêng, nơi gắn liền tín ngưỡng bản địa (thờ Bà Đậu - Một trong các hiện tượng của Tứ pháp) với Phật giáo. Di tích chùa Đậu có ảnh hưởng to lớn trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội trong tiến trình lịch sử dân tộc.

      Trong thời gian qua, công tác quản lý di tích chùa Đậu đã được các cấp và các ngành quan tâm và đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, việc hưởng ứng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện của người dân còn nhiều tồn tại. Do đó cần có những giải pháp thích hợp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa chùa Đậu trong giai đoạn hiện nay.

      1. Thành lập Tiểu Ban Quản lý di tích chùa Đậu

      Mô hình quản lý di tích ở chùa Đậu cần có sự kết hợp giữa chính quyền và cộng đồng của người dân để tiến tới thành lập Tiểu Ban quản lý di tích. Việc chịu trách nhiệm trước các cơ quan các cấp, trước pháp luật về sự an toàn của di tích, di vật, cổ vật thuộc về trưởng tiểu ban. Vai trò tham gia vào di tích của các thành viên được thể hiện ở các khâu từ chăm nom, bảo vệ di tích, giữ gìn cảnh quan môi trường, tiến hành những tu sửa nhỏ, đến các công việc như lên kế hoạch, lập nội dung và tổ chức lễ hội, cúng tế các ngày tuần sóc vọng, quản lý các nguồn thu - chi, giữ an ninh trật tự, trông giữ xe máy, xe đạp, tô tô cho du khách. Đặc biệt, họ có trách nhiệm bảo vệ, giám sát các di sản tại địa phương mình. Trong đó quy định trách nhiệm của Trưởng Tiểu Ban quản lý di tích chùa Đậu như sau: Chịu trách nhiệm trước Ban quản lý di tích xã Nguyễn Trãi về mọi mặt hoạt động trong công tác quản lý di tích do mình phụ trách. Đồng thời, tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Ban quản lý di tích xã Nguyễn Trãi về quy hoạch, trùng tu, xây dựng, tôn tạo, bảo tồn, khai thác sử dụng theo Luật Di sản văn hóa và quy định của địa phương; Quản lý tài chính chặt chẽ công tác thu chi tài chính tại điểm di tích do mình phụ trách; Công tác thu chi phải thực hiện đúng quy chế và hướng dẫn của Ban quản lý di tích xã Nguyễn Trãi…Trách nhiệm của Phó Trưởng Tiểu ban (do nhà sư trụ trì đảm nhiệm): Thực hiện nhiệm vụ trông nom chùa, tìm kiếm, phát hiện những hư hại trong di tích. Quyền và trách nhiệm của các thành viên trong Tiểu Ban quản lý di tích: thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác quản lý, khai thác giá trị của di tích mình quản lý, điều hành; Hưởng chế độ bồi dưỡng theo ca trực đối với các thành viên… Ban thường trực cần có 10 đến 15 thành viên thay phiên trực tại di tích hàng ngày.

      2. Tăng cường thực thi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản qui phạm pháp luật

      Có thể nói, trước khi Luật Di sản Văn hóa được ban hành, văn bản mang tính pháp lý được sử dụng làm căn cứ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa là Pháp lệnh sử dụng và bảo vệ Di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Năm 2001, Luật Di sản Văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua và được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Luật này đã trở thành văn bản có tính pháp lý cao nhất để các cấp, các ngành có căn cứ thực hiện. Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan tham mưu giúp UBND thành phố Hà Nội xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phù hợp, đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

      Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban quản lý di tích xã Nguyễn Trãi. Xây dựng quy chế phân cấp quản lý Di tích lịch sử văn hóa của huyện Thường Tín trên cơ sở quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Tham mưu cho cấp trên về việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với đặc thù của bộ máy quản lý tại chùa Đậu.

      3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm kịp thời

      Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại khu di tích để phát hiện sớm những sai phạm và có biện pháp xử lý kịp thời. Để thực hiện được công tác này cần phải có cán bộ chuyên môn làm công tác thanh tra phụ trách tại khu di tích, phối hợp với thanh tra nhân dân, dân phòng xã Nguyễn Trãi trong việc thanh tra, kiểm tra tại khu di tích. Theo Nghị định 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng các hình thức xử phạt thích đáng, đúng đối tượng khi có hành vi lấn chiếm, phá hoại và làm ảnh hưởng đến không gian cảnh quan gây ô nhiễm môi trường xung quanh di tích, các hiện tượng hành nghề mê tín dị đoan tại các di tích gắn với tôn giáo, tín ngưỡng.

      Xây dựng kế hoạch cụ thể về thanh tra, kiểm tra ngắn, dài hạn một cách thường xuyên trong việc chấp hành thực hiện theo Luật Di sản Văn hóa, thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích theo Nghị định 70/2012/NĐ-CP. Thanh tra, kiểm tra việc thu, chi và sử dụng nguồn kinh phí cấp theo chương trình, mục tiêu chống xuống cấp tại khu di tích này.

      Xây dựng mạng lưới cộng đồng, đề cao vai trò của Ban Thanh tra Nhân dân cấp huyện, trong đó có đại điện của xã Nguyễn Trãi tham gia trong việc thanh, kiểm tra các vi phạm tại khu di tích chùa Đậu. Trên thực tế, các cơ quan quản lý không thể thường xuyên kiểm tra và phát hiện sớm những vi phạm diễn ra tại khu di tích. Chính cộng đồng mới là lực lượng nòng cốt để theo dõi, giám sát các vi phạm xảy ra tại địa phương, trên cơ sở đó báo cáo các cơ quan chức năng và có biện pháp giải quyết kịp thời.

      Công tác thi đua khen thưởng và xử lý vi phạm cần phải được làm thường xuyên, định kỳ theo từng quý, 6 tháng, một năm, hoặc theo vụ việc. Qua đó, có thể tuyên truyền, động viên, khích lệ hoặc răn đe kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm tới khu di tích, đồng thời nâng cao trách nhiệm tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của khu di tích ngày hiệu quả cao hơn.

      4. Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội

      Lễ hội truyền thống diễn ra tại khu di tích chùa Đậu, công tác chỉ đạo cần bám sát chủ đề, để chỉ đạo đúng nội dung, đúng mục đích. Cần chú trọng và đề cao công tác xã hội hóa thực hành lễ hội bằng cách tự người dân đóng góp kinh phí, vật lực cho tổ chức lễ hội, sử dụng tốt nguồn vốn thu được qua dịch vụ để tái đầu tư, tôn tạo vào khu di tích, ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa lễ hội. Gắn việc tổ chức lễ hội truyền thống với việc bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Nguyễn Trãi. Động viên tuyên truyền giáo dục người dân về pháp luật trong sinh hoạt về lễ hội, về những gì làm được và không làm được trong thực hành lễ hội, về cái hay, cái đẹp, cái xấu,... để người dân tự giác hướng theo cái đẹp, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, được pháp luật cho phép và tránh xa các tệ nạn xã hội.

      Lễ hội diễn ra tại khu di tích chùa Đậu là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, phù hợp và hữu ích đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong xã Nguyễn Trãi. Lễ hội thực sự trở thành một phần đời sống, sinh hoạt văn hóa lành mạnh bổ ích. Bên cạnh những mặt tích cực, lễ hội truyền thống đang bộc lộ nhiều mặt tiêu cực, những hiện tượng và hoạt động lệch chuẩn, làm ảnh hưởng đến ý nghĩa trong sáng vốn có của hoạt động tinh thần. 

      Do đó, cần đổi mới công tác quản lý nhà nước tại khu di tích này, trước hết cần chú trọng đến công tác quản lý lễ hội truyền thống. Với mục đích vừa phát huy tính tích cực lớn lao của lễ hội đối với đời sống tinh thần của nhân dân, vừa loại trừ các biểu hiện hoạt động lệch chuẩn, trong các kỳ sinh hoạt lễ hội, quan tâm đến những vấn đề đang nảy sinh trong lễ hội. Từ đó có thể đưa ra các chính sách và các giải pháp mang tính cụ thể và khả thi.

      5. Tăng cường công tác bảo vệ di vật, cổ vật, đồ thờ tại di tích

      Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chính quyền các cấp: UBND huyện chỉ đạo ngành Văn hoá và thể thao, UBND xã Nguyễn Trãi, Ban quản lý di tích xã Nguyễn Trãi và các ban, ngành chức năng có liên quan trong việc xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ di vật, cổ vật cho khu di tích chùa Đậu. Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ cho những người làm công tác quản lý và nghiệp vụ tại di tích và những công việc có liên quan. Thường xuyên kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ tại khu di tích.

      Cần chú ý riêng đối với chùa Đậu đã có 02 pho tượng được Nhà nước đánh giá là bảo vật quốc gia. Vì vậy, việc quan tâm bảo vệ 02 bảo vật quốc gia phải nằm trong hoạt động thường xuyên của Ban quản lý di tích các cấp. Để đảm bảo an toàn cho 02 bảo vật quốc gia cần chú ý: lắp đặt hệ thống camera, tủ bục đảm bảo an toàn cho bảo vật, thường xuyên kiểm tra theo định kỳ để phát hiện kịp thời những hư hại, từ đó có kế hoạch áp dụng các kỹ thuật bảo quản phù hợp đối với cổ vật quý hiếm không bị hư hại. Ngoài ra, ở chùa Đậu có thành bậc rồng làm bằng chất liệu đá có niên đại thời Lê Sơ được đặt phía trước (gian giữa) tòa tiền đường là dấu tích quý hiếm cần được quan tâm bảo vệ.

      6. Chính sách đầu tư và thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ tại khu di tích chùa Đậu

      Việc đầu tư và thu hút đầu tư tại khu di tích chùa Đậu đã được tiến hành trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, khu di tích ngày một được tôn tạo khang trang, là đơn vị được đánh giá cao trong việc huy động nguồn vốn cho việc đầu tư tu bổ, phục hồi di tích. Tuy nhiên, đến nay quy chế quy định về chính sách hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa và việc thu hút vốn đầu tư vẫn chưa được thực hiện triệt để. Chính vì vậy đã hạn chế việc huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp có khả năng tham gia.

      Ban quản lý di tích xã Nguyễn Trãi cần tham mưu UBND huyện Thường Tín xây dựng Quy chế trong việc đầu tư tôn tạo di tích, trong đó chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của người đầu tư. Khi Quy chế được ban hành thì hiệu quả trong việc thu hút các doanh nghiệp vào tham gia vào việc bảo tồn di sản văn hóa có tính khả thi. Việc làm này vừa đem lại kinh phí để tu bổ hàng năm cho khu di tích, vừa khai thác một cách hiệu quả.

      Tóm lại, qua nghiên cứu, khảo sát thực tế về công tác tổ chức và quản lý tại khu di tích chùa Đậu ở xã Nguyễn Trãi cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số tồn tại cần khắc phục trong cơ cấu tổ chức, các khâu quản lý như tu bổ, tôn tạo; phát huy giá trị; thanh tra, kiểm tra các vi phạm. Các giải pháp cụ thể mà tác giả đưa ra nhằm phát huy giá trị di tích đã giải quyết những mặt còn tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại khu di tích này.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Thường vụ huyện ủy Thường Tín (2004), Thường Tín đất danh hương.
  2. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thường Tín (2010), Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Thường Tín (1930 - 2010), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
  3. Nguyễn Lân Cường (2007), Bảo tồn di sản văn hóa qua ba lần trùng tu di tích các vị thiền sư ở chùa đậu (Hà Tây), chùa Phật Tích và chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh), Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ II, Hà Nội.
  4. Trịnh Thị Minh Đức (2007), Bảo tồn di tích lịch sử văn hoá, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  5. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (1998), Chùa Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội.

          ----------------------------------------------------------------

       [*] Lớp Cao học K5 – Chuyên ngành  Quản lý văn hóa