Tin tức

Giá trị cố kết cộng đồng qua lễ hội đền Đức Đệ Nhị, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

04 Tháng Sáu 2018

Phạm Thị Thu [*]

Ninh Bình là một tỉnh có nhiều điều kiện tự nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ với hệ thống sông ngòi thuận lợi cho việc giao thương với các địa phương trong khu vực. Địa phương có bề dày văn hiến, truyền thống lịch sử. Những yếu tố tự nhiên và lịch sử xã hội như trên đã góp phần tạo nên Ninh Bình trở thành một kho tàng di sản văn hóa đa dạng, độc đáo, giàu giá trị còn được lưu truyền tới ngày nay. Một trong những thành tố cơ bản quý giá đó phải kể đến hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú với nhiều loại hình khác nhau.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, tính đến hết năm 2017 toàn tỉnh có 352 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, riêng huyện Yên Khánh có 56 di tích được xếp hạng, trong đó có 44 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 12 di tích xếp hạng cấp Quốc gia. Di tích lịch sử văn hóa đền Đức Đệ Nhị được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Xã Khánh An nằm về phía Tây Tây Bắc của huyện Yên Khánh. Phía Bắc giáp xã Khánh Phú và sông Đáy, phía Nam giáp sông Vạc (tiếp giáp với xã Khánh Thượng, Khánh Dương huyện Yên Mô), phía Đông giáp xã Khánh Cư, phía tây giáp xã Khánh Hòa. Tổng diện tích đất tự nhiên là 740,3 ha. Khánh An có 6.542 người, mật độ dân số 884 người/km², đều thuộc dân tộc Kinh, xã Khánh An có hai tôn giáo là đạo Phật và Thiên chúa giáo. Nhân dân xã Khánh An sống chủ yếu làm nghề nông nghiệp, cần cù, chịu khó, giản dị và khiêm tốn.

Địa hình xã không bằng phẳng, tạo thành nhiều dong đất cao thấp khác nhau, dải đất cát pha thịt chạy theo hướng Đông – Nam tạo thành đất trồng màu và đất thổ cư. Những dải đất này là kết quả bồi tụ phù sa của sông Đáy kết hợp với những đợt sóng biển dâng và rút mà hình thành nên.Khí hậu mang những đặc điểm của tiểu khí hậu đồng bằng sông Hồng (khí hậu nhiệt đới ẩm).

Nhìn tổng thể, xã Khánh An là vùng đất gắn liền với triều đại nhà Đinh - Tiền Lê thế kỷ X. Là những cư dân nông nghiệp, trồng lúa nước, nhân dân Khánh An có những sắc thái văn hóa chung của người Việt, đồng thời có những tập tục riêng, có những tập tục được lưu giữ đến tận ngày nay.

Hầu hết các lễ hội tại xã diễn ra vào đầu mùa xu ân, hội làng Yên Xuyên (diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 7 tháng Giêng tại đình làng Yên Xuyên). Về di tích lịch sử - văn hóa ở xã Khánh An có số lượng khá nhiều, hầu hết làng nào cũng có đình, chùa. Các đình, đền, miếu của các làng đa phần đều thờ những vị danh tướng từ thời nhà Đinh, một số ít thờ thánh thần, số còn lại thờ những người thi cử, đỗ đạt cao, có công với nước.

Đền Đức Đệ Nhị được xây dựng trên khu đất rộng 625m2, nằm trong khung cảnh thanh bình, giữa một không gian văn hóa đậm nét làng quê. Phía Bắc liền kề với nhà văn hóa thôn Bùi, phía Nam là đường liên thôn, phía Đông là khu dân cư, phía Tây là đường trục xã, đền quay theo hướng Đông Nam. Đền Đức Đệ Nhị thờ Lịch Lộ Đại Vương (hay còn được gọi là Lịch Công), một vị tướng thời nhà Đinh có công cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta.

Lễ hội đền Đức Đệ Nhị liên quan đến làng Yên Xuyên mở hội vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, hội diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 7 tháng Giêng tại đình làng Yên Xuyên. Lễ hội làng Yên Xuyên có 12 di tích tham gia: Đình làng Yên Xuyên, đền Đệ Tứ, đền Đệ Ngũ, đền Đệ Tam, đền Tam Thánh, đền Thánh Cả, đền Tổ Sư, đền Đức Đệ Nhị, đền Lăng Mẫu, chùa Phi Đế, chùa Yên Lữ, đền Đô Đoài. Tại mỗi di tích lại có những nghi thức tế lễ riêng.

Lễ hội đền Đức Đệ Nhị là dịp biểu dương sức mạnh của cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng. Công việc chuẩn bị có ý nghĩa quyết định sự thành công của lễ hội, ngay từ trong năm làng đã họp bàn, phân việc cho các Giáp. Trước ngày hội nửa tháng, những người có trách nhiệm họp với nhau ở Đình để cắt cử làm những công việc chuẩn bị cho lễ hội.

Ngày nay, công việc chuẩn bị cho lễ hội của làng đơn giản hơn. Trước lễ hội khoảng một tháng, các cụ trong Ban khánh tiết họp với đại diện chính quyền địa phương và đại diện các ban, đoàn thể để bầu ra Ban tổ chức lễ hội. Ban tổ chức lễ hội có nhiệm vụ viết báo cáo trình với Ban văn hóa xã về việc xin tổ chức lễ hội, UBND xã báo cáo lên Phòng Văn hóa và Thông tin của huyện xin giấy phép cho tổ chức lễ hội.

Ban tổ chức lễ hội bầu và phân công trách nhiệm cho các ban, ngành đoàn thể và các cụ trong làng những công việc cụ thể như bầu Trưởng ban tổ chức lễ hội, chọn chủ tế, phân công cho đoàn thanh niên, phân công đội tế, đội rước,…

Giống như nhiều lễ hội truyền thống của người Việt, nội dung lễ hội đền Đức Đệ Nhị bao gồm:

Lễ mở cửa đền: Nghi lễ này được tiến hành từ sáng sớm. Khi bắt đầu buổi lễ làng nổi ba hồi chiêng trống, cụ từ thắp hương khấn vái xin phép thần linh mở cửa đình, mở hội làng. Sau nghi lễ này trai đinh được phép mở cửa đền, mọi người được phân công đem các đồ thờ ra để lau chùi, quét dọn khu vực trong và xung quanh đền, chuyển các đồ tế khí, kiệu, cờ quạt, lọng,... ra sân để chuẩn bị cho lễ rước hôm sau.

Lễ Mộc dục (7h - 9h sáng): Nghi lễ này được tiến hành với ý nghĩa thể hiện sự tôn kính của dân làng đối với vị thần được thờ. Sau khi cụ chủ tế dâng lễ thắp hương khấn vái xin phép thần linh cho phép dân làng được mở hòm, tắm rửa, lau chùi cho bài vị và long ngai. Tiếp đến, cụ chủ tế dùng nước lấy từ bể nước mưa trong và sạch lau chùi cho bài vị và long ngai, sau đó lau lần 2 bằng nước thơm. Khi lau xong, chậu nước được giữ lại để các vị trong ban tế nhúng tay vào rồi xoa lên mặt mình một chút như hình thức “hưởng ơn thánh”.

Lễ gia quan: Lễ này còn được gọi là lễ khoác áo, mũ cho thần. Lễ này được tiến hành ngay sau lễ mộc dục tại hậu cung, nơi thần ngự. Ông chủ tế chắp tay kính cẩn, báo cáo với Thần xin được làm lễ gia quan. Ông chủ tế hai tay kính cẩn đặt áo và mũ lên ngai của Thần.

Lễ rước thần: Lễ rước cổ truyền tại đền Đức Đệ Nhị được tổ chức với quy mô lớn. Đi đầu đoàn rước là đội múa lân. Sau đó là tám lá cờ bát quái. Tiếp theo là đôi cờ tuyết mao, cờ ngũ hành, mỗi lá một sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, đen. Kế đến cờ tứ linh tượng trưng cho sự giao kết, hoà hợp giữa âm dương, trời đất, sự kiểm soát tâm linh người đi rước bằng hình ảnh các linh vật long, lân, quy, phượng. Đi sau là ban nhạc lễ gồm trống, chiêng. Tám người trong phường bát âm đi sau trống chiêng chia làm hai hàng điều khiển các nhạc cụ, vừa đi vừa cử những bản nhạc vui như: Kim tiền, Lưu thuỷ... Sau đó là hàng bát bửu do tám thanh niên mặc áo lậu đỏ, quần đỏ viền vàng, đầu đội nón. Đứng trước hàng bát bửu là hai biển Tĩnh túc (tức trang nghiêm, kính cẩn) và Hồi tỵ (những người có việc không vui tránh xa đoàn rước). Đi sau bát bửu là hàng chấp kích do tám chàng trai trẻ mặc áo lậu vàng viền đỏ, quần vàng, đội nón mang. Kế đến là các bàn lễ chay, lễ mặn, sau là kiệu long đình. Long đình đặt bát hương và hòm sắc vua ban cho các vị thần. Hai bên long đình có tàn, quạt, lọng, cờ vải che kín rất tôn nghiêm. Sau Kiệu long đình là kiệu bát cống đều được trang trí vải đỏ lộng lẫy. Long kiệu đặt hương hoa và mũ quan tượng trương cho thần thánh ngự trị. Sau long kiệu là các bô lão, quan viên, chức dịch và dân bản trong làng và đoàn người tứ xứ với trang phục sặc sỡ.

Chiều ngày mùng 6, các cụ trong làng thắp hương cáo Thánh và rước kiệu Lịch Lộ Đại vương về đình Hội Đồng Yên Xuyên. Các đền khác như: Đền Tam Thánh, đền Thánh Cả, đền Đức Đệ Nhị, đền Vua Thầy, đền Đệ Tam, Đệ Tứ… cũng về đình Hội đồng Yên Xuyên để dự hội làng.

Sáng ngày 7 tháng Giêng, 12 cỗ kiệu từ đình Hội đồng Yên Xuyên được rước đi thăm các đền khác trong làng. Trong đoàn rước, riêng kiệu rước Lịch Lộ Đại vương đền Đức Đệ Nhị được đi đầu tiên trong đoàn rước.

Lễ đại tế: Lễ này cùng lễ rước là hai lễ chính trong dịp lễ hội. Lễ đại tế được diễn ra ngay sau lễ rước. Đây là một nghi lễ rất quan trọng. Đội tế được thành lập gồm 15 thành viên. Theo lệ xưa, trước kỳ hội diễn ra, đội tế được duyệt lại thành viên, hoặc bổ sung thành viên mới.

Nội dung tế lễ chia làm bốn phần: Thứ nhất là lễ nghênh thần, chủ tế phải làm bốn lễ. Thứ hai là hiến lễ lên thần linh, lễ dâng ba lần, gọi là sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ, mỗi lần chủ tế và bồi tế phải quỳ để hiến lễ, mỗi lần phải lễ hai lễ, tổng cộng là 6 lễ. Sau hiến lễ là đọc chúc văn và lễ tất, lễ tất chủ tế phải lễ bốn lễ.

Văn tế chính hội, thường nêu rõ công trạng các ngài, mong ngài ban phát tài lộc tới muôn dân, mong cho sức khoẻ bình an tới muôn họ, cho quốc thái dân an. Nội dung một khóa tế thực hiện đầy đủ 54 bước xướng với một tuần dâng hương, ba tuần dâng rượu, đọc chúc văn và lễ tất... Trong suốt khóa tế trống nhạc tế được cử hành đều đặn theo từng nhịp xướng. Khóa tế được diễn ra trang nghiêm kính cẩn. Sau khi khoá lễ kết thúc, dân làng và khách phập phương vào lễ bái mong cầu các vị thành hoàng ban phát phúc lộc, sức khoẻ. Sau buổi đại tế, người ta coi là thần linh luôn có mặt ở di tích. Từ hôm mở hội, các chức sắc và bô lão phải chia nhau túc trực tại di tích cho đến khi hết hội.

Lễ tạ: Sau khi kết thúc các nghi lễ chính thì cuối cùng, để chấm dứt lễ hội - giã đám - ông chủ tế làm lễ tạ. Nghi thức lễ tạ diễn ra đơn giản hơn lễ tế chính và không có nhạc bát âm. Ông chủ tế làm lễ dâng lên thần để xin thần cho hạ lễ và thu dọn đồ tế khí. Sau đó ông chủ tế trong trang phục áo mũ chỉnh tề vái bốn vái và đọc bài chúc văn lễ tạ hạ lộc thánh mời các cụ và nhân dân hưởng lộc thánh. Tất cả đều thể hiện lòng thành kính đối với Thành hoàng làng đã che chở và mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.

Cũng như bao làng quê khác trên đất Ninh Bình, lễ hội đền Đức Đệ Nhị là dịp tụ họp con cháu ở khắp nơi về dự ngày lễ Hội làng, ngày dân ăn mừng sau một năm mùa màng bội thu và ngày mà dân làng tưởng nhớ đến vị thần phù trợ và bảo vệ dân làng, đồng thời để vui chơi, giải trí, gặp gỡ giao tiếp với nhau sau những ngày tháng làm ăn lam lũ, dân làng đến với lễ hội trong tinh thần cộng cảm, hồ hởi sảng khoái và hoàn toàn tự nguyện. Ngoài niềm vui, dân làng còn cảm thấy mình được hưởng cái may mắn, được hưởng lộc do thánh thần ban cho. Điều đó càng thôi thúc họ đến với hội. Những ngày làng có hội, nhịp sống của bà con nơi đây như sôi động hơn.

Lễ hội đền Đức Đệ Nhị gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, Lịch Lộ Đại Vương là một trong các tướng của thời vua Đinh Tiên Hoàng, là người có công rất lớn dẹp loạn 12 sứ quân, đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Công lao và nhân cách của họ góp phần làm nên hồn thiêng sông núi và nền văn hóa hàng nghìn năm của nước nhà. Trải qua nhiều thế kỷ, di tích vẫn luôn là chốn linh thiêng, hướng về cội nguồn, để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập tự cường, đồng thời tôn vinh những chiến công oanh liệt, những tấm gương trung nghĩa, những tư tưởng và nhân cách đạo đức một lòng hi sinh vì nghĩa lớn cho tổ quốc, cho dân tộc của các anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ đất nước, khơi dậy ý thức, trách nhiệm cho mọi thế hệ người dân Việt Nam; Góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc, đồng thời để du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Đền Đức Đệ Nhị là tài sản quý giá của thế hệ đi trước trao lại cho thế hệ mai sau, vừa là “bảo tàng nghệ thuật, vừa là thiết chế văn hóa văn hóa - giáo dục”. Đó là nguồn sử liệu trực tiếp, mang thông tin từ quá khứ đến với hiện tại về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Di tích là bức thông điệp mà tổ tiên đã để lại trên mảnh đất của chính mình, thông qua đó gửi gắm những suy nghĩ về công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp xây dựng, giải phóng và bảo vệ đất nước, để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có thể tìm lại lịch sử oai hùng của cha ông trên nhiều bình diện khác nhau. Thông qua di tích, có thể hiểu biết sâu rộng hơn về giá trị và bản sắc văn hóa của địa phương mình.

Tài liệu tham khảo

  1. Đặng Văn Bài (1995), Vấn đề quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn di tích, số (2), tr9-10.
  2. Đặng Văn Bài (2001), Công tác quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam, Tài liệu lưu trữ tại khoa Bảo tàng trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
  3. Ban chấp hành Đảng bộ xã Khánh An (2007), Lịch sử Đảng bộ xã Khánh An,Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
  4. Dương Văn Sáu (2008), Di tích lịch sử - Văn hóa và danh thắng Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình (2001), Lý lịch di tích đình Yên Phú, phòng Quản lý Di sản văn hóa.
  6. Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình (2017), Số liệu thống kê di sản văn hóa Ninh Bình, phòng Quản lý Di sản văn hóa.
  7. Tỉnh ủy Ninh Bình – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Địa chí Ninh Bình, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  8. Nguyễn Văn Trò (1994), Danh thắng Ninh Bình, Sở Văn hóa Thông tin Ninh Bình.
  9. Trương Đình Tưởng (chủ biên) (2004), Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Nxb Thế giới, Hà Nội.

---------------------------------------------------------

 

 

 

Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý văn hóa