Tin tức – Sự kiện

Đưa ca khúc Thái Bình vào giảng dạy cho sinh viên khoa Sư phạm Âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình

15 Tháng Sáu 2018

Hoàng Thị Kim Dinh [*]

       Thái Bình là một tỉnh ven biển thuộc khu vực Châu thổ sông Hồng. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, nhưng hiện nay Thái Bình cũng đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành một tỉnh vững mạnh về mọi mặt. Bên cạnh những nền văn hóa đã có từ lâu đời như múa rối nước hay những làn điệu Chèo thì ca khúc viết về Thái Bình cũng đạt được thành tựu đáng kể.

       Nếu ở ca khúc viết về Hà Nội, hình ảnh Hà Nội được các tác giả minh họa cổ kính với 36 phố phường, với năm cửa ô, thơ mộng với Hồ Tây, Hồ Gươm… thì ở ca khúc viết về Thái Bình lại đơn sơ, mộc mạc như chính những con người nơi đây. Ca khúc Thái Bình thường gắn với những cánh đồng lúa, với dòng sông quê, với lũ trẻ thơ chăn trâu, cắt cỏ, với cầu Bo và với những làng nghề truyền thống… Hầu hết các ca khúc viết về Thái Bình đều mang âm hưởng dân ca của vùng Châu thổ sông Hồng. Có thể kể đến: Nắng ấm quê hương  (Vĩnh An),  Anh hãy về quê em (Bùi Anh Tú),  Nón trắng trên đồng; Nghe tiếng trống quê hương (Thái Cơ),  Hát về Thái Bình; Bức tranh quê (Nguyễn Đăng Nghị), Tiếng hát bên dòng sông Trà (Vũ Thiết), Hai chị em (Hoàng Vân),  Hoa xoan đêm hội (Đặng Nguyễn),… Dù được ra đời trong hoàn cảnh nào, trong thời chiến hay thời bình thì những ca khúc ấy đều có điểm chung là mang đậm hương vị của mảnh đất quê lúa Thái Bình.

       Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình được thành lập từ năm 1975, đến nay vừa tròn 40 năm. Từ một trường trung cấp, nay đã trở thành trường cao đẳng với nhiều mã ngành khác nhau, đào tạo cả học sinh, sinh viên trong tỉnh và ngoài tỉnh lân cận. Khoa Sư phạm Âm nhạc hiện đang là một trong những khoa có số lượng sinh viên đông nhất toàn trường. Trong chương trình dạy học các ca khúc Việt Nam nói chung và ca khúc về Thái Bình nói riêng đã đạt được những thành tích nhất định. Tuy nhiên, khi dạy và học môn Thanh nhạc, giảng viên thường chú ý nhiều tới kỹ thuật hát phương Tây hơi thở, cộng minh... mà chưa quan tâm nhiều tới việc phân tích đặc điểm và cách hát bài có âm hưởng dân ca... Các em sinh viên đa phần là những học sinh vừa mới tốt nghiệp THPT, bị ảnh hưởng nhiều từ những dòng nhạc thị trường. Việc tiếp cận các ca khúc dân ca của tỉnh mình các em còn bỡ ngỡ,

       Là một người con được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất quê lúa và cũng từng dạy cộng tác cho trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, tác giả nhận thấy, việc tìm hiểu và dạy hát các ca khúc viết về quê hương mình cho sinh viên là rất cần thiết. Bởi những ca từ, giai điệu sẽ giúp các em yêu và hiểu hơn về quê hương, kết hợp vận dụng kỹ thuật thanh nhạc để hát tốt ca khúc viết về tỉnh Thái Bình.

       Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc và có một nền nghệ thuật âm nhạc dân tộc đa dạng với nhiều thể loại của các vùng miền khác nhau. Bên cạnh việc âm nhạc châu Âu du nhập vào Việt Nam, xuất hiện những ca khúc mới mang đậm phong cách phương Tây, chính vì thế đã tạo điều kiện cho các nhạc sĩ có được những thủ pháp để kết hợp giữa âm nhạc mới với các giai điệu, làn điệu truyền thống của quê hương, sáng tác ra các ca khúc mới mang hơi thở của thời đại, mang đậm bản sắc dân tộc mình. Trong kho tàng ca khúc Việt Nam, có những ca khúc viết riêng cho các vùng miền hay các tỉnh thành cụ thể, ca khúc viết về Thái bình cũng là đề tài luôn có nhiều cảm hứng cho các nhạc sĩ được sinh ra thậm chí không sinh ra ở mảnh đất quê lúa này. Cũng như các ca khúc khác, ca khúc viết về Thái Bình được viết trên điệu thức 7 âm cơ bản. Tuy nhiên, trong những bài hát này lại nhắc đến một địa danh hoặc làng nghề cụ thể, cũng có khi lại là một vùng quê đang trong mùa gặt lúa… Ca khúc Thái Bình thường có chất liệu chèo, đôi khi mang hơi hướng của điệu lới lơ như ca khúc: Tiếng hát bên dòng sông trà (Vũ Thiết).

       Giai điệu trong ca khúc Thái Bình thường rất mộc mạc, đằm thắm, dễ nghe, dễ hát, không cao sang, giả tạo, không phụ thuộc vào dạng/câu thức. Ở mỗi tác phẩm lại gặp nhiều thủ pháp với những cách xử lý khác nhau. Nhìn chung không rườm rà, không rối mắt nhưng lại mang tính nhất quán cao. Đó là sự nhất quán về âm điệu đậm đà chất dân gian. Một xáo động nhẹ nhàng khi qua đường phố nhỏ hay về thăm mái trường xưa, một niềm vui hòa cùng người nông dân lúc mùa gặt, hay một chút xao xuyến bâng khuâng trước cảnh quê hương ngày đổi mới. Hoặc rộn ràng, mơ màng khi bắt gặp cô gái kho bạc hay cô gái thợ điện... Nghe những ca khúc viết về Thái Bình, chúng ta cùng đồng cảm, cộng cảm và ghi nhận tình cảm của các nhạc sĩ với quê hương, đất nước.

       Có thể dễ dàng bắt gặp những ca khúc mang âm hưởng trữ tình ngợi ca đời sống lao động, tình yêu, quê hương, đất nước, con người như: Nón trắng trên đồng (Thái Cơ), Hát về Thái Bình (Nguyễn Đăng Nghị), Hai chị em (Hoàng Vân), Thái Bình một bản tình ca (Phạm Trọng Toàn)...

       Như đã nói ở trên, người dân Thái Bình chủ yếu làm nghề nông nghiệp. Ca khúc viết về Thái Bình thường ca ngợi tình yêu quê hương, ca ngợi con người nơi đây. Điều đó giúp họ phấn chấn hơn trong lao động, sản xuất, sống đẹp và yêu quê hương hơn. Trong kháng chiến, nó lại là món ăn tinh thần hữu hiệu nhất khi thúc giục người dân nơi đây đứng lên đoàn kết, đấu tranh để bảo vệ quê hương, đất nước. Ca khúc Nón trắng trên đồng (Thái Cơ) là một ví dụ điển hình ngợi ca người phụ nữ thay chồng ở lại hậu phương, ngày đêm hăng say thi đua sản xuất:

Khen ai, khen ai khéo chằm (mà là) chằm nên chiếc nón (i)

Mà để này nón (i) cùng ta thiết tha bao nghĩa tình

Mà để cùng ta thiết tha bao nghĩa tình

Tình quê hương bừng sáng chói

Yêu xiết bao ruộng đồng xanh trải mình trong muôn nắng mới

Ôi nhớ sao những chiều mưa dội

Nón trên đầu vẫn đội (mà) quên mình chống úng cứu đồng chiêm

Ơi hò dô… Nón vẫn khoe duyên (a) đón mùa vui chắc tay súng, tay liềm

Ơi hò dô… Cho quê hương (mà) nối liền

Chị em mình (tang tình) thêm vui phơi phới

Tay ta (a) mang nón theo người cùng vui trảy hội

Cho thỏa bao ngày dàn quân giành lúa mới

Thắng Mỹ, thắng trời ta hát vang lên ới chị em ơi

Nào ta hát vang lên các chị em ơi.

       Ca khúc Thái Bình cũng đã được biểu diễn ở nhiều nơi trên đất nước, điều này cũng khẳng định vị trí của ca khúc trong lòng người dân Việt Nam. Nó có vai trò lan tỏa, quảng bá, giới thiệu về du lịch trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nói đến ca khúc Nắng ấm quê hương (Vĩnh An) thì hầu như ai ai trên khắp đất nước đều đã từng nghe bởi ca khúc này đã đi vào lịch sử, được sánh vai với các ca khúc nổi tiếng của Việt Nam.

       Việc đưa ca khúc Thái Bình vào trong chương trình đào tạo phụ thuộc chủ yếu vào người giảng viên (GV). GV muốn cho sinh viên (SV) theo hướng chọn bài của mình cũng không phải là điều dễ dàng. Bên cạnh đó, ca khúc viết về Thái Bình chưa được Nhà trường quan tâm đúng mực và đưa vào giáo trình như là một thể loại bắt buộc. Vì thế, ngay cả đến GV hay SV cũng ít có điều kiện được tìm hiểu, nghiên cứu, rèn luyện nhiều dòng ca khúc này. Khi nghe ca khúc Thái Bình, các em SV chưa thật sự nghiêm túc. Nhưng nếu được đưa vào chương trình đào tạo bắt buộc, chắc chắn các em sẽ tìm hiểu về nó như những ca khúc Việt Nam khác. Ca từ trong ca khúc Thái Bình sẽ giúp các em yêu hơn con người, quê hương cũng như làn điệu chèo nơi đây.

       Tuy không tốt nghiệp chuyên ngành thanh nhạc chính quy, song các thầy cô trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình đều là những người có giọng hát và có thành tích tốt trong môn Thanh nhạc khi học ở các trường đại học và học viện.  Phương pháp của các giảng viên cũng có quan điểm không hoàn toàn đồng nhất khi bàn về những khía cạnh cụ thể của chuyên môn. Điều đó đôi khi cũng có ảnh hưởng đến việc đánh giá cho điểm các cuộc thi cuối kỳ hoặc khi bàn về một vấn đề trong sinh hoạt chuyên môn, ví dụ như khi bàn về cách thể hiện một bài dân ca, cách hát rõ lời trong tiếng Việt…

       Một vấn đề nữa không thể không nhắc đến, đó là trong giảng dạy kỹ thuật thanh nhạc, người thầy còn phải làm mẫu (thị phạm) để sinh viên quan sát và lắng nghe. Việc phân dạy hát của bộ môn có khi giảng viên nam dạy SV nữ và ngược lại khiến cho thị phạm khó khăn.

       Về dạy các ca khúc viết về Thái Bình, giáo viên ít nhắc nhở SV quan tâm đến đặc điểm của tác phẩm, phân tích cấu trúc và sự hợp lý trong phân ngắt hơi thở, thể hiện sắc thái..., SV cũng rất ngại tìm hiểu đặc điểm của tác phẩm, ít tìm tòi thêm. Có GV chưa chú trọng việc lựa chọn các tác phẩm phù hợp với từng giọng hát, điều đó ảnh hưởng đến kết quả học tập của SV, đôi khi làm SV không hào hứng học khi thấy mình hát không phù hợp. Trong thực tiễn giảng dạy, một số GV chưa đưa phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật thanh nhạc mới du nhập từ châu Âu và kỹ thuật hát ca khúc truyền thống để hướng dẫn cho SV trong việc xử lý những ca khúc về Thái Bình. Mặt khác, lại quá lạm dụng xử lý bằng kĩ thuật Bel canto, khi hát tác phẩm thanh nhạc nước ngoài hoặc những ca khúc Việt Nam theo phong cách thính phòng, SV tiếp thu và hát tốt, nhưng khi hát sang ca khúc mang âm hưởng dân gian nói chung và ca khúc về Thái Bình nói riêng sẽ rất dễ mất đi tính chất đặc trưng trong việc xử lý âm thanh cũng như lối phát  âm nhả  chữ của dòng ca khúc này.

       Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình hàng năm tự tuyển sinh với các môn thi là văn (xét tuyển) và năng khiếu (thanh nhạc, thẩm âm - tiết tấu). Đối tượng thi vào CĐSP Âm nhạc là học sinh tốt nghiệp THPT trên địa bàn thành phố và các huyện, đây là lứa tuổi thanh niên (18-19), cơ thể có sự phát triển tốt về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý. Đặc điểm trên rất thuận lợi cho việc học tập nói chung và học hát nói riêng. So với các lứa tuổi trước, bộ máy phát âm (miệng, vòm họng, mũi, thanh đới…) của lứa tuổi này đã phát triển hoàn thiện. Giọng hát ở giai đoạn này có khả năng phát triển tốt nhất: giọng nam ổn định, vang, khỏe; giọng nữ thuận lợi với chuyển giọng; tầm cữ giọng cũng có thể đạt đến rộng nhất so với các giai đoạn ở lứa tuổi trước (thiếu niên, nhi đồng…). Hơi thở dùng cho hát cũng đạt đến độ sung sức nhất.     

       Một số SV có giọng hát nhưng lại có thiên hướng hát thính phòng nhiều hơn. Với cách hát mềm mại, nhẹ nhàng và qua sự hướng dẫn của thầy cô, SV cũng có thể hát tốt dòng ca khúc này. Tuy nhiên, có một số SV giọng rất tốt nhưng quá thiên về kỹ thuật Bel canto, nên khi hát đã mất đi tính chất mềm mại của ca khúc. Khi được giao cho ca khúc viết về Thái Bình, các em tiếp cận nó như là một trong nhiều ca khúc Việt Nam khác, nên rất dễ xảy ra tình trạng thiếu sự tìm tòi, nghiên cứu để hát tốt dòng ca khúc này.

       Theo nghiên cứu mang tính chủ quan của chúng tôi, cho đến nay chưa có tài liệu nào viết về ca khúc Thái Bình. Vì thế việc đưa ca khúc này vào nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình là một điều rất khó khăn. Dù vậy, là một trường nghệ thuật trên vùng đất được cho là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển nghệ thuật Chèo thì chúng tôi thấy nó hết sức phù hợp và cần thiết.

       Trong thực tiễn giảng dạy thanh nhạc, những bài tập luyện thanh theo phương pháp Bel canto thường để hát những tác phẩm thanh nhạc nước ngoài - ca từ nước ngoài, sinh viên Sư phạm Âm nhạc tiếp thu và hát tốt, nhưng khi áp dụng vào các tác phẩm thanh nhạc Việt Nam thì lại rất khó khăn bởi phương pháp này rất dễ mất đi những thanh âm trong tiếng Việt. Vì thế, khi SV được học hát những ca khúc Thái Bình sẽ có được những vận dụng kết hợp giữa kỹ thuật thanh nhạc mới và một số kỹ năng hát Chèo để xử lý những ca khúc Thái Bình cũng như những ca khúc Việt Nam khác một cách hợp lý. 

       Hiện nay, có một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là giới trẻ có xu hướng chạy theo dòng nhạc nhẹ hay còn gọi là “nhạc thị trường“ quay lưng lại với những giai điệu truyền thống trong đó có ca khúc Thái Bình. Vì thế, việc dạy những ca khúc này cho SV trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình sẽ đem những giai điệu của quê hương đến gần với giớ trẻ hơn.

       Tóm lại, việc dạy - học các ca khúc Thái Bình có những thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn không ít những khó khăn. Tuy nhiên, luận văn này hoàn thành và được công nhận, sẽ tạo nên một bước chuyển biến đáng kể trong việc giảng dạy các ca khúc này và cách nhìn nhận cũng như đánh giá đúng vai trò quan trọng trong việc giảng dạy những ca khúc Thái Bình trên chính mảnh đất quê lúa, một mảnh đất sẽ có nhiều thuận lợi trong việc dạy và học dòng ca khúc này.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội.
  2. Nguyễn Trung Kiên (2007), Giáo trình chuyên ngành thanh nhạc bậc đại học cho các giọng Tenor; Soprano; Bariton - Bass, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
  3. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
  4. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  5. Hà Thị Lý (2014), Ca khúc mang âm hưởng dân gian Việt Bắc trong giảng dạy thanh nhạc tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Luận văn thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.
  6. Hoàng Anh Thái (2016), Dạy học ca khúc mang âm hưởng Chèo cho sinh viên Thanh nhạc trường Cao đẳng VHNT Thái Bình, Luận văn thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.

 

 

 

--------------------------------------

Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc