Tin tức

Bảo tồn và phát huy giá trị chùa Nhất Trụ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

15 Tháng Sáu 2018

Đinh Thị Thu Hoài [*]

      Chùa Nhất Trụ có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xã Trường Yên, huyện Hoa Lưu, tỉnh Ninh Bình. Trải qua thăng trầm của lịch sử, đến nay, chùa Nhất Trụ đồng thời cũng là di tích minh chứng cho mảnh đất ngàn năm văn vật Hoa Lư. Bài viết điểm qua thực trạng và những giá trị của di tích chùa Nhất Trụ, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả cộng tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích quan trọng này.

      Trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái…”. Gần đây là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (Ban Chấp hành Trung ương khóa XI) đã nhấn mạnh quan điểm bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quán triệt những chủ trương và chính sách của Đảng, ngành Văn hoá và Thể thao, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá của dân tộc là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.           

      Ninh Bình nằm phía Nam vùng Châu thổ sông Hồng, trên tuyến giao thông huyết mạch có đường bộ, đường sắt Bắc - Nam chạy qua, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km với địa hình đa dạng vừa có rừng núi, đồng bằng và vùng ven biển; nhất là có vùng núi đá vôi với các hang động kỳ thú và hệ sinh thái độc đáo đan xen với những tài nguyên du lịch nhân văn những di tích lịch sử văn hóa. Nơi đây có Cố đô Hoa Lư từng là kinh đô của ba triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và những năm đầu nhà Lý.        

      Nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt của Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, chùa Nhất Trụ tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, di tích cách đền thờ vua Lê Đại Hành về phía Bắc khoảng 100m, được xây dựng từ thời Tiền Lê. Đây là một thuận lợi để du khách có điều kiện vãn cảnh, chiêm bái cửa Phật sau khi tham quan một số di tích danh thắng khác trong Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư. Di tích chùa Nhất Trụ có tầm quan trọng đáng kể trong việc nghiên cứu buổi đầu của chế độ phong kiến. Đằng sau cái tên của di tích là một kho truyền thuyết hấp dẫn, sinh động về thời kỳ lịch sử này vì nhà Đinh và Tiền Lê, vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành đều chọn Hoa Lư là nơi đóng đô.

      1. Thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ

      Theo tài liệu và những tư liệu hiện vật hiện còn lưu giữ được trong chùa, cho biết di tích chùa Nhất Trụ ra đời từ thế kỷ X, là một di tích mang đậm truyền thống lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, nổi bật nhất là cột kinh bằng đá trước sân chùa. Ngày 25/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2382/QĐ-TTg công nhận Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là Bảo vật Quốc gia. Đến chùa Nhất Trụ, không ai có thể bỏ qua Cột kinh Phật độc đáo được làm bằng đá này. Cùng với các di tích xung quanh vùng Trường Yên, chùa Nhất Trụ là di tích minh chứng thêm cho mảnh đất ngàn năm văn vật của Hoa Lư.             

      Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan như tác động của thời tiết, thời gian và nguyên nhân chủ quan như sự tác động của con người, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đang bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của các di tích đang đặt ra nhiều thách thức, trong đó có di tích chùa Nhất Trụ là di tích Quốc gia của tỉnh quản lý.

      Trên thực tế, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ trong nhiều năm qua đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, chính quyền UBND tỉnh Ninh Bình nói chung và UBND huyện Hoa Lư nói riêng đã tiến hành các biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ, cụ thể như: Việc phân cấp quản lý di tích đã được quan tâm, phân cấp quản lý đến cấp xã; triển khai nhiều văn bản pháp lý được ban hành mang tính chỉ đạo, định hướng đối với việc quản lý di tích chùa Nhất Trụ; tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục về giá trị của các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, trong đó có di tích chùa Nhất Trụ; phối hợp với các ban, ngành có liên quan tiến hành tu bổ, tôn tạo một số công trình quan trọng; đã có những nghiên cứu chung, cung cấp những thông tin tổng quan về di tích chùa Nhất Trụ; các cơ quan truyền thông cấp huyện và cấp tỉnh đã đưa tin, giới thiệu trên báo chí, mạng xã hội; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở huyện Hoa Lư có trình độ nhất định, am hiểu về di tích, trong đó có những cán bộ được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa; công tác an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho di tích tốt; đã kịp thời xây dựng bộ hồ sơ khoa học về giá trị của di tích, di vật.

      Mặc dù đã đạt được những thành tích nhất định nhưng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục, đó là:

      Cho đến thời điểm hiện nay về cơ bản đối với chính quyền tỉnh và huyện vẫn chưa xác định được một bản quy hoạch cho di tích chùa Nhất Trụ nhằm để bảo tồn, phát huy và quản lý di tích chùa Nhất Trụ mặc dù sau khi Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

      Đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ từ phía cơ quan nhà nước còn rất hạn chế, các doanh nghiệp, cá nhân và công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích hầu như chưa được thực hiện.

      Sau khi Cột kinh Phật thuộc di tích chùa Nhất Trụ được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015 thì cho đến nay các chủ thể quản lý di tích này vẫn chưa xây dựng được phương án bảo quản, bảo vệ Bảo vật Quốc gia đối với Cột kinh Phật. Vì vậy, theo Luật Di sản văn hóa tại điều 43 và 44 đòi hỏi chính quyền địa phương cần phải có kế hoạch, phương án thực sự cấp thiết đối với di tích và Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ.

      Hiện nay, cổng vào di tích chùa Nhất Trụ vẫn phải dùng làm lối đi chung của cộng đồng dân cư địa phương mà chưa được tách hẳn để phục vụ cho sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân mỗi khi đến với chùa Nhất Trụ. Vì cổng là lối đi chung nên đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến di tích.

      Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư và UBND xã Trường Yên, Ban Văn hóa Thông tin xã Trường Yên chưa tổ chức được nhiều các buổi tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ nên hiểu biết của người dân về di tích cũng như vai trò của mình trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn chưa được đầy đủ.

      Một vấn đề rất quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ là công tác nghiên cứu và xuất bản phẩm thì mới chỉ đưa ra được những nghiên cứu chung nhất và những ấn phẩm về Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, chưa có những nghiên cứu cũng như các ấn phẩm riêng, cụ thể về di tích chùa Nhất Trụ để phục vụ khách thập phương chiêm bái.

      Đối với di tích chùa Nhất Trụ, công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông lại càng quan trọng do ngôi chùa được ít người biết đến. Dù là một di tích có tầm quan trọng đáng kể trong việc nghiên cứu buổi đầu của chế độ phong kiến, nhất là giai đoạn Đinh - Tiền Lê thế kỷ X. Tuy nhiên, công tác quảng bá hình ảnh của di tích chùa Nhất Trụ chưa được quan tâm đúng mức, còn hạn chế.

      Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn hạn chế về trình độ và kinh nghiệm thực tế, kinh phí đầu tư để đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ này còn nhiều bất cập, nhất là đội ngũ văn hóa cấp xã.

      Công tác tổ chức hướng dẫn tham quan cho di tích của địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, vấn đề phát huy giá trị của di tích đối với công chúng chưa được phong phú, đa dạng và bởi vì khách tham quan chủ yếu phụ thuộc vào Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư có đưa đến tham quan hay không và cho đến thời điểm này di tích chùa Nhất Trụ vẫn không nằm trong Quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư nên di tích này cũng chưa được chính thức đưa vào các tuyến, điểm của các Công ty Du lịch của địa phương và cả nước.

      2. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ    

Từ thực trạng của di tích như trên, để đạt được những mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Ninh Bình, trong đó có di tích chùa Nhất Trụ và Bảo vật Quốc gia Cột kinh Phật, cụ thể:

      Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Hiện nay công tác tuyên truyền để nhân dân và cộng đồng nắm vững, hiểu rõ được các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của tri thức đang được xem là một trong những biện pháp chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của di tích trong đời sống hiện nay.

      Tăng cường hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích. Đối với di tích chùa Nhất Trụ, việc xác lập phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của chúng, khi xây dựng được bản quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích thì chính quyền cùng toàn thể người dân địa phương tích cực tham gia công cuộc bảo vệ di tích. Trong di tích chùa Nhất Trụ, Cột kinh Phật được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án bảo quản, bảo vệ riêng cho di vật này. Vì vậy, lãnh đạo, chính quyền địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch và phương án thực sự cấp thiết để bảo vệ an toàn tuyệt đối đối với Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ.

      Kiện toàn bộ máy và xây dựng cơ chế chính sách của địa phương về bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trên quan điểm nhà nước và nhân dân cùng làm, trong thời gian tới, cơ quan chính quyền và các ban, ngành, địa phương Ninh Bình, Hoa Lư, Trường Yên cần xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp, đầu tư kinh phí để tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục bị xuống cấp của di tích chùa Nhất Trụ.

      Đẩy mạnh hoạt động in ấn xuất bản phẩm về giá trị và hình ảnh di tích chùa Nhất Trụ, về Bảo vật Quốc gia Cột kinh Phật để phục vụ cho công tác hướng dẫn tham quan du lịch mỗi khi khách du lịch về với di tích chùa Nhất Trụ.

      Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ có những hiểu biết chuyên môn về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, mối quan hệ giữa bảo vệ di tích và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

      Huy động nguồn lực cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trước hết, lãnh đạo địa phương cần tranh thủ và sử dụng có hiệu quả kinh phí được cấp từ chương trình mục tiêu quốc gia của nhà nước đối với di tích lịch sử văn hóa tỉnh Ninh Bình nói chung, trong đó có di tích chùa Nhất Trụ. Thứ hai, ngân sách của huyện cũng cần được đầu tư một khoản nhất định có hiệu quả cho công tác tu bổ chống xuống cấp đối với di tích chùa Nhất Trụ. Thứ ba, vận động, động viên, kêu gọi sự ủng hộ và đóng góp của nhân dân và cộng đồng trên địa bàn xã Trường Yên nói riêng và nhân dân tỉnh Ninh Bình nói chung để có được một khoản kinh phí đáng kể hỗ trợ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ. Cùng với sự huy động các nguồn đóng góp tiền của nêu trên, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, huyện Hoa Lư và xã Trường Yên cũng cần kêu gọi và có cơ chế chính sách thỏa đáng nhằm huy động sự đóng góp tiền của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ.

      Tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm di tích, đặc biệt đối với Bảo vật Quốc gia Cột kinh Phật để công tác bảo quản tốt, không có tình trạng đưa Bảo vật Quốc gia ra khỏi di tích, không có tình trạng phá hoại và vi phạm Cột kinh Phật, đặc biệt là những chữ Phạn cổ được khắc trên cột Kinh.

      Phát huy vai trò của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đối với di tích chùa Nhất Trụ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay được xác định, ghi nhận, lưu giữ, bảo tồn và sự hiện diện hiện nay còn lại của di tích là bởi cộng đồng dân cư qua nhiều thế hệ và họ chính là những người gìn giữ di tích chùa Nhất Trụ.

      Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ cần phải thực hiện các giải pháp có tính đồng bộ, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự kết hợp của các ngành liên quan và sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình, có hiệu quả của cộng đồng cư dân địa phương. Hoạt động này phải được xem xét là rất quan trọng nhằm góp phần gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc và phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ, đưa giá trị di sản này đến với mọi tầng lớp công chúng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Nhất Trụ còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban Chấp hành trung ương khóa VIII) văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1998), Nghị quyết số 03-NQ/TW về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2014), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

3. Tỉnh ủy Ninh Bình (2015), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020).

4. UBND tỉnh Ninh Bình (2015), Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. 5. UBND tỉnh Ninh Bình (2015), Quyết định 34/2015/QĐ-UBND ngày 14/12/2015 về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

  •  

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa