Nghiên cứu lý luận

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh

09 Tháng Bảy 2018

Bùi Xuân Hẹn [*]

       Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục thuộc địa bàn phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (cách trung tâm Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh khoảng 30 km về phía Đông Bắc). Toàn bộ khu di tích nằm trên dãy núi Bàn Cờ, bên bờ Vịnh Bái Tử Long lung linh, huyền ảo,… một khu vực nằm trong vịnh Hạ Long đã được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục được công nhận là di tích cấp Tỉnh vào năm 1999 (tại Quyết định số 413/QĐ-UBND ngày 27/02/1999 của UBND tỉnh Quảng Ninh). Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục gồm: Đền Vũng Đục, Đền thờ liệt sỹ, Đài tưởng niệm và các hang động tự nhiên.

       Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục với những giá trị phong phú, đa dạng và đặc sắc, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng sâu sắc cho các thế hệ hôm nay cũng như mai sau và phát triển hoạt động tham quan, du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động văn hóa - xã hội ở đây từ trước đến nay chưa được quan tâm đúng mức, nhiều nét đẹp truyền thống, giá trị văn hóa, lịch sử chưa thực sự được chú trọng gìn giữ và phát huy hiệu quả; quy hoạch khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục chưa được hoàn chỉnh nên một số công trình xây dựng của nhân dân đã ít nhiều xâm lấn; vấn đề về bảo vệ môi trường, cảnh quan khu di tích chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư chưa ý thức được tầm quan trọng của các di sản văn hóa trong đời sống xã hội, chưa tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo.

       Để nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy giá trị của khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục, Ban quản lý (BQL) cũng như UBND phường Cẩm Đông và thành phố Cẩm Phả cần triển khai một số giải pháp sau đây:

       Một là, kiện toàn BQL khu di tích với đầy đủ các thành phần, phân công trách nhiệm rõ ràng, xây dựng quy chế hoạt động, tăng cường công tác quản lý đối với khu di tích là yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay. Đây chính là điều kiện tiên quyết, đảm bảo cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích và danh thắng Vũng Đục trong thời gian tới.

       Hai là, chú trọng đào tạo và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu của công việc, theo điều kiện của địa phương, có tính đến đặc thù địa bàn dân cư. Tuyển chọn những cán bộ có chuyên môn và năng lực gửi đi đào tạo chuyên sâu nhằm xây dựng đ­ược đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di di sản văn hóa.

       Ba là, tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực cho hoạt động bảo tồn.

       Việc huy động các nguồn lực là rất cần thiết, nhất là nguồn lực kinh phí, vật lực được đầu tư cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích. Tại thời điểm hiện nay, nguồn huy động sự ủng hộ, đóng góp từ cộng đồng cho khu di tích còn rất hạn chế. Vì vậy rất cần nhà nước đầu tư kinh phí xứng đáng hơn để thực biện công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục được hiệu quả hơn.

       Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng: Trong tình hình hội nhập và phát triển như hiện nay, việc giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Chính vì vậy, nhận thức của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng, khi có nhận thức đúng đắn thì cộng đồng sẽ có hành động đúng. Trước hết là, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, các tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên, nếu chỉ nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể mà không chú trọng tuyên truyền, giáo dục, phổ biến để nâng cao nhận thức của người dân thì người dân sẽ không tự giác thực hiện chính sách của nhà nước, tất yếu hiệu quả sẽ không cao. Và ngược lại nếu cấp ủy đảng, chính quyền không đi đầu trong thực hiện chính sách thì khó thuyết phục, vận động nhân dân tham gia thực hiện được. Vì thế, phải đồng thời cùng thực hiện tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và nhận thức của người dân trên địa bàn.

       Năm là, phát huy vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Di sản văn hóa mang yếu tố lịch sử và có tính chất của thời đại. Do vậy, cần phát huy vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Mục tiêu của việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di sản văn hóa là phải hướng tới cộng đồng, bởi vì chính cộng đồng tạo ra di sản văn hóa và là người sử dụng di sản văn hóa.

       Đối với khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục phải gắn với hoạt động của cộng đồng dân cư, nhất là những người dân địa phương. Cần tạo điều kiện và hướng cho người dân với tư cách vừa là chủ thể của di sản văn hóa, vừa là những khách thể được hưởng thụ khi họ tham gia vào các hoạt động ở đó.

       Hướng cho nhân dân địa phương phải có ý thức và trách nhiệm bảo vệ khu di tích, kiên quyết chống lại các hành vi xâm hại đến khu di tích, nuôi dưỡng ý thức, thói quen, tình cảm gắn bó với di tích từ đó bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của  khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục được tốt hơn. Huy động, khai thác tốt các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng; khai thác những kinh nghiệm, kiến thức còn tiềm ẩn trong dân gian, góp phần phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục cổ truyền tốt đẹp. Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc giám sát các hoạt động trùng tu, tôn tạo, khai thác, sử dụng đối với di tích, từ đó tố giác những hiện tượng sai trái, xâm phạm khu di tích… giúp cho chính quyền địa phương kịp thời xử lý, chấn chỉnh.

       Sáu là, bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững: Thành phố Cẩm Phả là địa phương có hoạt động khai thác than lớn nhất cả nước, theo đó vấn đề môi từ hàng trăm năm qua luôn là một thách thức rất lớn đối với Cẩm Phả. Để khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường bụi do khai thác, chế biến và kinh doanh than, chính quyền thành phố Cẩm Phả cần chủ động phối hợp với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, các công ty khai thác than trên địa cùng cộng đồng trách nhiệm, cần tiến hành ngay việc xây dựng các công trình đổ thải công nghệ cao hạn chế khói bụi; xây dựng các đường băng tải kín để vận chuyển than, di dời các bãi tập kết than ra khỏi khu vực Thành phố. Bên cạnh đó, cần tích cực triển khai các dự án về môi trường, trồng cây xanh ở các tuyến phố, chỉnh trang đô thị,...

       Đối với khu di tích và danh thắng Vũng Đục, trước tiên cần đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý rác thải; xây dựng hệ thống thùng rác, nhà vệ sinh công cộng; bố trí lực lượng làm công tác vệ sinh môi trường thường xuyên trong khu vực di tích nhằm nhắc, nâng cao ý thức của du khách và kịp thời thu gom rác thải để xử lý đúng nơi quy định; chú trọng việc trồng, chăm sóc cây xanh trong khu vực di tích. Quy hoạch các khu vực bảo tồn, khai thác, phát triển đảm bảo thân thiện với môi trường; xem xét, di dời bãi tập kết vật liệu gần khu vực di tích, không để xe tải vận chuyển qua khu vực di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục như hiện nay vì gây bụi bẩn, tiếng ồn, mất mỹ quan và phản cảm.

       Bảo vệ không gian môi trường khu vực di sản văn hóa là yêu cầu quan trọng và cần thiết trong phát triển bền vững. Vì vậy,  nâng cao ý thức và những hành động cụ thể để bảo vệ môi truờng sinh thái đối với mỗi người làm công tác bảo tồn, mỗi người dân địa phương và khách du lịch là sự cần thiết đảm bảo một môi trường trong sạch hấp dẫn du khách. Việc bảo vệ môi trường, cảnh quan không chỉ đối với khu vực di tích mà cần mở rộng ranh giới quy hoạch bảo tồn di tích đối với khu vực lân cận di tích nhằm phát huy các tài nguyên hấp dẫn khách du lịch, vừa quản lý, bảo vệ cảnh quan, góp phần gìn giữ bền vững di tích và đó cũng là góp phần vào việc phát triển du lịch bền vững tại các di tích.

       Bảy là, tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra: Thanh tra, kiểm tra là một nội dung rất quan trọng trong quá trình tổ chức và quản lý di sản văn hóa, với mục đích nhằm chấn chỉnh đối với những nhận thức cũng như những hành vi sai trái trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật cũng như vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa. Chính quyền thành phố Cẩm Phả và phường Cẩm Đông cũng như các ban, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra các hoạt động bảo quản, tu bổ, xây dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục, nhất là tại các hang động trong khu di tích; thanh tra, kiểm tra việc thu chi tài chính; việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. Qua đó nhằm phát hiện và kịp thời xử lý những tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bảo tồn, tôn tạo di tích để trục lợi; kịp thời xử lý những hành vi trái với thuần phong, mỹ tục,.. trái với pháp luật.

       Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò tự giác của người dân, của cộng đồng  trong việc giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với việc thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Quản lý di tích thắng cảnh Quảng Ninh (1996), Lý lịch khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục, phường Cẩm Đông, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh.

2. Nguyễn Đăng Duy, Trịnh Minh Đức (1993), Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, Nxb Đại học Văn hóa, Hà Nội.

3. Lê Thị Minh Lý (2010), “Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể - Quá trình nhận thức và bài học thực tiễn”, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 1(30), tr.42-45.

4. UBND tỉnh Quảng Ninh (2002), Địa chí Quảng Ninh, Nxb Thế giới.

5. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Quyết định số 4032/2016/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý di tích lịch sử - Văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, Quảng Ninh.

6. Hoàng Vinh (1997), Một số vấn đề bảo tồn và phát triển Di sản văn hóa dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

      ------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa