Nghiên cứu lý luận

Dàn dựng hát tốp ca cho học sinh khối 4, khối 5 Trường Tiểu học Trung Văn Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

09 Tháng Bảy 2018

Hà Hồng Thắm [*]

       Mục tiêu của giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông không nhằm đào tạo ca sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp mà góp phần tạo cho các em có một sân chơi giải trí lành mạnh; có tác dụng giúp cho học sinh thấy thoải mái và vui vẻ hơn sau những giờ học căng thẳng. Có thể khẳng định, âm nhạc có thế mạnh trong việc khích lệ học sinh trong học tập và phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh.

1. Đặt vấn đề

       Trong chương trình giáo dục âm nhạc ở Nhà trường phổ thông, ca hát là một nội dung quan trọng. Học hát giúp cho học sinh phát triển tai nghe, phát triển giọng. Trong đó hát tốp ca, đồng ca chính là một phương tiện có hiệu quả để giáo dục tinh thần tập thể, tính kỉ luật và tính đoàn kết. Hát tốp ca có một vai trò quan trọng trong đời sống, trong công tác giáo dục - đào tạo và đặc biệt trong các chương trình biểu diễn văn nghệ tại các trường tiểu học. So với các hình thức đồng ca, hợp xướng thì hát tốp ca là một hình thức nhỏ, gọn nhẹ, sinh động và có khả năng biểu diễn được nhiều thể loại ca khúc có nội dung khác nhau, đáp ứng được những yêu cầu về nội dung và hình thức của chương trình biểu diễn... Để thực hiện tốt các tiết mục biểu diễn tập thể đòi hỏi có sự hòa hợp trong giọng hát và cần sự đầu tư dàn dựng công phu. Thực tế, nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc ở các trường tiểu học còn thiên về tiết mục đơn ca, ít đầu tư cho tiết mục tập thể như tốp ca, đồng ca, hợp xướng.

       Dàn dựng tốp ca góp phần giáo dục đạo đức: Dàn dựng tốp ca là hoạt động thực hành âm nhạc nhằm cung cấp, củng cố hệ thống kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo cho học sinh. Thông qua hoạt động này hình thành năng lực làm việc theo nhóm, phát triển khả năng giao tiếp, ứng xử  giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể.

       Giáo dục thẩm mỹ: Dàn dựng tốp ca tạo khả năng nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho học sinh.

       Giáo dục thị hiếu: Dàn dựng tốp ca góp phần rèn luyện thị hiếu âm nhạc đúng đắn, năng lực hoạt động âm nhạc tập thể, phát triển được tài năng của các em. Có thể nhận định rằng việc dàn dựng tốp ca sẽ góp phần hoàn thiện hơn trong việc giáo dục thị hiếu cho học sinh.

       Đặc điểm giọng hát của các em ở lứa tuổi lớp 4, lớp 5 có thể coi là thời kỳ đẹp nhất của tuổi thiếu nhi, giọng hát của các em đã bắt đầu có những âm sắc riêng và có độ vang rất tốt. Theo chúng tôi ở giai đoạn này thanh đới của các em vẫn có độ mềm dẻo, âm vực và âm lượng tăng nên việc nắm bắt âm chuẩn ổn định và thành thục, giọng hát có âm sắc rõ ràng, có thể trình diễn một số bài hát có bè tương đối phức tạp ở hình thức tốp ca. Ngoài ra, lứa tuổi còn có khả năng biểu cảm khá rõ nét và thể hiện tính độc lập trong việc trình diễn âm nhạc. Nếu được quan tâm hướng dẫn rèn luyện đúng cách thì giọng hát phát triển tương đối ổn định. Về khả năng âm nhạc thực tế của học sinh khối 4, khối 5 của trường (đánh giá thông qua các giờ học âm nhạc chính khóa) như học sinh nắm bắt giai điệu tốt, ghi nhớ lời ca nhanh. Các bài hát có tiết tấu nhanh được các em thể hiện khá tốt và tự tin. Tuy nhiên với các bài hát tính chất nhẹ nhàng, tình cảm học sinh chưa thể hiện tốt.

       Các hoạt động âm nhạc cho học sinh luôn được Nhà trường chú trọng, duy trì và phát triển rộng với kế hoạch chặt chẽ được đề ra từ đầu năm học, thường xuyên tổ chức các chương trình, cuộc thi cho học sinh trong các ngày lễ. Ban Giám hiệu luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động âm nhạc đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên âm nhạc luôn tự mình học hỏi nhằm nâng cao chất lượng dàn dựng các tiết mục tốp ca. Ngoài ra, tiết mục hát tốp ca luôn chiếm một số lượng lớn trong các dịp lễ và trong các hoạt động chung nghệ thuật của Nhà trường. Bên cạnh những mặt đạt được, việc dàn dựng các tiết mục hát tốp ca cho học sinh lớp 4, lớp 5 vẫn còn một số hạn chế về chất lượng nghệ thuật như: gặp khó khăn khi thể hiện hát các bài hát có âm vực rộng, gặp các quãng nhảy xa, phong cách biểu diễn của học sinh còn chưa tự tin, hát chưa hòa bè… Những hạn chế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghệ thuật biểu diễn, cũng như phát triển khả năng ca hát cho học sinh của Nhà trường. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng dàn dựng hát tốp ca cho học sinh khối 4, khối 5 là yêu cầu cấp thiết khi triển khai các hoạt động ngoại khóa âm nhạc của Nhà trường.

2. Nâng cao chất lượng dàn dựng hát tốp ca cho học sinh khối 4, khối 5

       Để nâng cao chất lượng dàn dựng hát tốp ca có nhiều yêu cầu. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số yêu cầu cơ bản:

       Một là, đề ra những yêu cầu, mục đích, mục tiêu, tính chất và đặc điểm  cho việc nâng cao chất lượng dàn dựng hát tốp ca cho học sinh khối 4, khối 5

       Lựa chọn học sinh tham gia: Để đạt hiệu quả tốt việc dàn dựng, một trong những yêu cầu cơ bản là người dàn dựng phải đánh giá được năng lực ca hát của học sinh. Việc đánh giá sẽ giúp cho người dàn dựng có cơ sở lựa chọn bài hát phù hợp, vận dụng linh hoạt các thủ pháp dàn dựng hát tốp ca cho học sinh thể hiện đạt chất lượng nghệ thuật.

       Lựa chọn bài hát: Các bài hát dành cho thiếu nhi đa dạng và phong phú về tính chất và nội dung chủ đề. Nhiều bài hát nghe khỏe khoắn, vui nhộn, nhí nhảnh; có bài lại nhẹ nhàng, trữ tình… Nội dung ca ngợi thầy cô và mái trường hay ca ngợi tình yêu của Bác Hồ với thiếu nhi… Như vậy, việc lựa chọn bài để dàn dựng hát tốp ca đòi hỏi người giáo viên phải gắn với chủ đề của chương trình.

       Nghiên cứu bài hát: Để dàn dựng hát tốp ca đạt hiệu quả, công việc không thể thiếu của giáo viên là nghiên cứu để nắm bắt sâu sắc về nội dung và đặc điểm của bài hát. Đó chính là cơ sở để giáo viên có thể đưa ra các dự kiến dàn dựng tác phẩm, trình diễn nó thành một tiết mục biểu diễn với chất lượng nghệ thuật như mong muốn.

       Hai là, rèn luyện kỹ năng hát tốp ca. Dù dàn dựng hát tốp ca ở trình độ nào thì người dàn dựng cũng phải thực hiện những công đoạn nhằm phát triển các kĩ năng cơ bản. Bởi vậy, muốn đạt hiệu quả cao thì giáo viên không thể bỏ qua công đoạn huấn luyện cơ bản của người làm công tác dàn dựng như: nghiên cứu bài hát, kĩ năng hơi thở, kĩ năng hát chuẩn giai điệu, kĩ năng xử lý hát hòa bè, kĩ năng xử lý lời Việt và các kĩ năng biểu diễn.

       Hát chuẩn giai điệu: Giai điệu trong bài hát được kết hợp chủ yếu bởi các nhân tố cao độ, trường độ, tốc độ, sắc thái lực độ. Do vậy, việc giáo viên hướng dẫn cho học sinh lớp 4, lớp 5 hát chuẩn giai điệu (cao độ, tiết tấu, tốc độ, sắc thái) của bài hát thì cần phải chú trọng khi dàn dựng.

       Hát bè, Hát đuổi là hình thức sơ đẳng nhất của lối hát phức điệu. Trong hát tốp ca, lối hát đuổi thường được chia thành hai nhóm cùng thể hiện một giai điệu ở những thời điểm khác nhau. Hát phức điệu hai bè tương phản (hai bè độc lập về giai điệu) là sự thể hiện đồng thời của hai giai điệu trái ngược nhau về tiết tấu, về hướng đi của hai tuyến giai điệu và cấu tạo bè. Hát hòa thanh là lối hát có chung lời ca, có sự thống nhất về trường độ, tốc độ và sắc thái, các bè cùng vận động, cùng ngắt và cùng kết. Vẻ đẹp của âm nhạc chính là vẻ đẹp của hoà thanh, của sắc thái, của ngắt, của kết và giá trị lời ca. Trong các bài hát viết cho tốp ca, bè chính thường là bè trên cùng, còn các bè dưới thường làm nhiệm vụ hòa âm.

       Xử lý lời ca: Hát rõ lời là yêu cầu quan trọng nhằm chuyển tải cho người nghe thưởng thức đầy đủ mỹ cảm của từ và ý nghĩa nghệ thuật của nội dung câu hát hoặc bài hát. Như chúng ta biết, việc phát âm và nhả chữ trong ca hát được “tròn vành rõ chữ” là tuỳ thuộc vào cách xử lí nguyên âm và phụ âm của các từ trong lời ca. Tiếng Việt có nguyên âm đơn (a - ơ - o - u - ô - ơ - i - ê - e - ư), nguyên âm đôi (ia, iê, ưa, ua, oa, uê, ai, ôi, ơi...) và nguyên âm ba (uôi, oai, ươi, iêu, uây...).

       Các kĩ năng dàn dựng khác như đệm nhạc cho hát, vũ đạo/múa, biểu diễn. Về nhạc đệm cho hát tốp ca đóng vai trò bổ sung âm thanh, làm tôn vẻ đẹp của giai điệu và lời ca. Nhạc đệm hỗ trợ cho người hát thêm tự tin, lôi cuốn người hát vào với không khí âm nhạc. Với vai trò của đệm nhạc ngày nay còn tạo các phong cách biểu diễn khác nhau cho một bài hát, (tiết điệu, hoà âm, biên chế nhạc dàn nhạc..) sẽ đem lại phong cách biểu diễn khác nhau..

       Vũ đạo/múa đóng vai trò hỗ trợ và tạo được màu sắc cho các tiết mục biểu diễn. Múa/vũ đạo là loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ riêng, thường kết hợp với âm nhạc để diễn đạt những nội dung, tư tưởng, tình cảm của con người. Múa/vũ đạo có thể hỗ trợ để diễn đạt nội dung của tác phẩm âm nhạc, góp phần gắn bó, hỗ trợ tạo hiệu quả cho biểu diễn sinh động, hấp dẫn hơn.

       Kĩ năng biểu diễn là cách dùng động tác, nụ cười, ánh mắt... của diễn viên nhằm thể hiện tinh thần của bài hát, của tác phẩm âm nhạc. Trên sân khấu, trước ánh đèn chiếu sáng và ánh mắt của khán giả, nhiều ca sĩ không đủ tự tin thể hiện các kĩ năng biểu diễn của mình.

       Có thể thấy rằng, việc nghiên cứu lý luận, thực tiễn là những vấn đề cấp thiết dàn dựng hát tốp ca cho học sinh khối 4, khối 5. Đối với người dàn dựng, đề ra các tiêu chí, mục đích, yêu cầu cụ thể để nâng cao chất lượng dàn dựng hát tốp ca như lựa chọn học sinh tham gia vào tiết mục, lựa chọn bài hát dàn dựng, nghiên cứu bài hát... kĩ năng rèn hơi thở, kĩ năng hát chuẩn giai điệu (cao độ, trường độ....), kĩ năng xử lý hát bè, kĩ năng xử lý lời Việt và các kĩ năng biểu diễn, sẽ góp phần giúp dàn dựng thực hiện dễ dàng và nhanh nhất. Đối với học sinh, góp phần giúp cho các em có một sân chơi âm nhạc bổ ích cho học sinh. Bên cạnh đó, học sinh sẽ được tiếp xúc với những kiến thức, kĩ năng ca hát, góp phần giúp các em thêm tự tin, yêu thích môn học.

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Trần Bảng (2003), Âm nhạc với học sinh phổ thông trong cách giáo dục, Viện khoa học Giáo dục, Hà Nội.
  2. Nguyễn Minh Cầm (1982), Chỉ huy và biểu diễn hợp xướng, Bộ Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  3. Nguyễn Minh Cầm - Đỗ Mạnh Thường (1982), Hướng dẫn hát tập thể, Nxb Kim Đồng, Hà  Nội.
  4. Đào Ngọc Dung (2002), Các thuật ngữ âm nhạc, Nxb Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương, Hà Nội.
  5. Lê AnhTuấn (2007), Dàn dựng chương trình tổng hợp, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

      ------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc