Nội san

TRIO kể chuyện sông Hồng của nhạc sĩ Huy Du

15 Tháng Tám 2007

TRIO KỂ CHUYỆN SÔNG HỒNG

CỦA NHẠC SĨ HUY DU

 

TSKH. Phạm Lê Hoà

  

            Lịch sử của mỗi thành phố, của mỗi dân tộc hầu như bao giờ cũng gắn với những dòng sông. Những dòng sông yêu thương ngọt lịm giọng hò xứ sở, những dòng sông với bao huyền thoại còn sống mãi cùng con người hôm qua, hôm nay và mai sau. Có lẽ không ai trong mỗi chúng ta lại không có những kỷ niệm sâu sắc về dòng sông quê hương. Nhưng sông Hồng- dòng sông của Hà Nội, của Thủ đô ngàn năm văn hiến mang trong mình bao chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm, dòng sông của những câu hát, những ngày hội và cả bao kỷ niệm vui buồn của người dân ven sông. Dòng sông Hồng đã từ lâu là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tạo nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Trio “Kể chuyện Sông Hồng” viết cho violon, violoncellepiano của nhạc sĩ Huy Du là một tác phẩm trong số đó.

          Trong số các nhạc sĩ sáng tác Việt Nam, nhạc sĩ Huy Du được những người yêu thích âm nhạc đánh giá cao. Nhiều sáng tác của ông đã trở nên thân quen với mọi người, nhất là với những người chiến sĩ. Là một nhạc sĩ nhiều năm công tác trong quân đội, cùng chiếc ba lô trên lưng Huy Du đã đi khắp mọi miền của Tổ quốc trong những năm tháng ác liệt của cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Thực tế sôi động của cuộc sống đã thôi thúc anh sáng tác không mệt mỏi với tất cả lòng say mê sáng tạo. Các tác phẩm của Huy Du bao giờ cũng là tiếng nói của một tâm hồn đầy xúc cảm và chính tình cảm mãnh liệt, trong nhiều trường hợp, đã đưa cấu trúc của tác phẩm đến với một khúc thức đầy chất ngẫu hứng rất khó phân tích, so sánh với những dạng cấu trúc kinh điển, bởi ở đây: tiêu chí tiên quyết là vẻ đẹp của hình tượng nghệ thuật.

         Trio Kể chuyện sông Hồng được nhạc sĩ Huy Du sáng tác theo hình thức biến tấu. Toàn bài gồm 7 khúc nhạc (Chủ đề và 6 biến tấu) với những tiêu đề riêng cho từng khúc nhạc: Khúc mở đầu (cũng là chủ đề chính của toàn tác phẩm), Tiếng đò đưa, Đánh cá trên sông Hồng, Thả diều đêm trăng, Bão táp trên sông Hồng, Ngày hội sông Hồng và phần kết Dòng sông chảy mãi. Bằng ngôn ngữ âm nhạc giàu chất tả cảnh, nhạc sĩ Huy Du đã dẫn dắt người nghe đến với những dáng vẻ riêng của dòng sông đỏ nặng phù sa. Và không chỉ dừng ở tả cảnh, qua ngôn ngữ âm nhạc là tình yêu thương tha thiết dòng sông được thể hiện qua từng ý nhạc.

         Tác phẩm được bắt đầu bằng Khúc mở đầu Andante Recitativo diễn tấu trên cây đàn piano. Chủ đề được khai thác từ một nét giai điệu của chèo truyền thống và phát triển hoàn chỉnh trong cấu trúc một đoạn phát triển. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy ngay bản thân khúc mở đầu này cũng đã mang tính biến tấu khá rõ, hay nói cách khác: câu nhạc thứ hai là sự phát triển theo kiểu biến tấu của câu nhạc thứ nhất:

 

                      Andant

           Như chúng ta đã biết, hình thức biến tấu trong âm nhạc kinh điển châu âu được bắt nguồn từ âm nhạc dân gian. Bằng cách cải biên tự do các làn điệu ca khúc hoặc các giai điệu khí nhạc, nhắc lại nhiều lần bổ xung thêm vào giai điệu những nét hoa mỹ, đôi khi cả những nét giai điệu mới, các ca sĩ dân gian cũng như các nghệ nhân đàn dân tộc đã sáng tạo ra những tác phẩm khí nhạc có qui mô lớn, đôi khi đạt đến kỹ xảo khá phức tạp: đó là những biến tấu trên các chủ đề dân ca, dân vũ v.v.. Về sau, các nhạc sĩ Trường phái âm nhạc cổ điển Viên là V.A. Mozart và L.V. Beethoven đã sáng tác rất nhiều liên khúc biến tấu cho đàn piano. Beethoven đã đưa vào các biến tấu piano của mình lối phát triển “thông suốt” rộng lớn. Thí dụ như Liên khúc biến tấu gồm 32 biến tấu giọng đô thứ của ông, Beethoven đã xây dựng trên cơ sở phát triển tích cực và liên tục trên chủ đề âm nhạc súc tích, giàu kịch tính. Với hơi thở “giao hưởng” hùng vĩ, 32 khúc biến tấu của Beethoven là một trong những tác phẩm khó biểu diễn và có qui mô lớn của các chương trình hoà nhạc trên thế giới nhiều thế kỷ qua.

          Trở lại tác phẩm biến tấu Kể chuyện sông Hồng của nhạc sĩ Huy Du, chúng ta thấy anh đã sử dụng/khai thác một cách sáng tạo/sinh động chủ đề âm nhạc. Khi là sự khai thác chủ yếu về phương diện âm điệu cả chủ đề; khi là sự khai thác chỉ một phần nhỏ chất liệu chủ đề chính để xây dựng lên một chủ đề mới cho một khúc biến tấu; khi là sự khai thác chỉ tính chất âm nhạc của chủ đề v.v... Với cách làm như vậy, toàn tác phẩm bên cạnh sự phong phú về phương diện hình tượng nghệ thuật trong từng khúc biến tấu là sự thống nhất chung trong hình tượng chung của toàn bài. Nghĩa là khúc Tiếng hát đò đưa, Khúc đánh cá trên sông, Ngày hội v.v... bên cạnh sự đặc trưng riêng của nó, tác giả Huy Du còn muốn khái quát xa hơn, sâu hơn trên nhiều góc cạnh hình tượng dòng sông Hồng.

          Trong biến khúc thứ nhất (tức khúc nhạc thứ hai của toàn bài) với tiêu đề Tiếng hát đò đưa, nhạc sĩ Huy Du đã sử dụng thủ pháp rút gọn về phương diện tiết tấu so với chủ đề trước đó. Với cấu trúc hai phần mà trong đó phần 1 là hai câu nhạc giống nhau ở bè giai điệu được diễn tấu trên âm sắc cây đàn violon (chính xác ra là giai điệu ở câu 2 được nâng lên một quãng 8 đúng so với câu 1) và phần hai mang tính phát triển hơn cùng sắc thái Crescendo poco à poco, nhạc sĩ Huy Du đã mang đến cho người nghe lúc đầu (tức là ở phần 1) những hình ảnh âm nhạc mang đậm tính chất tả cảnh, sau đó là những tình cảm xáo động mang tính phát triển trong tâm hồn người nghệ sĩ, hay đó cũng chính là khía cạnh khác của Tiếng hát đò đưa: người lái đò đâu phải chỉ hát những giai điệu trữ tình, người lái đò còn biết/có hành động để dòng sông Hồng mãi mãi vang xa khúc hát đò đưa...

 

                      Andantino

         Trong khúc nhạc thứ ba Đánh cá trên sông Hồng, ở nhịp độ Allegretto animato, chúng ta thấy vang lên ở bè piano những tiết tấu chùm 3 nốt móc đơn đều đặn trong sắc thái Crescendo poco a poco. Đó chính là không khí, là những âm thanh gõ đập không thể thiếu được của mỗi buổi đánh cá trên sông. Còn bè violon và bè violocelle là những động tác nhanh nhẹn, khoẻ mạnh của những cư dân vùng sông nước.

 

                          Allegretto

           Không phải chỉ dân tộc ta, mà nhiều dân tộc khác ở châu á đều yêu thích trò chơi thả diều. Phải chăng đó chính là niềm mơ ước được bay bổng, niềm khát vọng tự do, lòng mong muốn vươn tới những giá trị thẩm mỹ cao đẹp của con người. Chính vì vậy, từ bao giờ không rõ, cánh diều đã gần gũi thân quen với bao thế hệ dân Việt, tiếng sáo diều vi vu đã say đắm bao tâm hồn giàu chất sáng tạo nghệ thuật Việt Nam. Với nhạc sĩ Huy Du cũng vậy, tiếng sáo diều đêm trăng vi vu ngân xa trong không trung đã từ lâu được anh yêu thích và đọng mãi trong anh những năm tháng sau này của cuộc đời. Trong Thả diều đêm trăng, chúng ta gặp ở đây những âm thanh đầy sức biểu hiện qua tiếng đàn violon có sử dụng sourdine tạo màu sắc cùng bè violoncelle giữ vai trò hoà âm. Và trên nền âm thanh đó là giai điệu được diễn tấu bởi cây đàn piano - đó chính là hình ảnh cánh diều bay bổng trên nền trời cao và ở cuối ... còn phát triển xa hơn... là tình cảm của tác giả đối với thiên nhiên và con người Việt Nam. Về phương diện cấu trúc, khúc nhạc này mang tính Rondo rất rõ, điều này tạo cho chúng ta (hay đó cũng chính là tư duy sáng tạo nghệ thuật của tác giả) liên tưởng đến hình ảnh các em nhỏ quây quần bên sông Hồng nhảy múa dưới ánh trăng và nền nhạc vi vu của sáo diều.

 

                    Aequo

            Dòng sông Hồng yêu thương không chỉ êm ả mang nặng phù sa, trên dòng sông Hồng cũng xảy ra bao bão táp - “bão táp thiên nhiên” và “bão táp cuộc đời”. Nhạc sĩ Huy Du không chỉ tư duy về một sông Hồng với những Tiếng hát đò đưa, Thả diều đêm trăng, anh còn nghĩ đến quá khứ oanh liệt của dòng sông lịch sử này. Cũng vẫn chủ đề như ở Khúc mở đầu nhưng ở đây tác giả khai thác một phần âm điệu tạo dựng cho chủ đề những dáng vẻ mới: mạnh mẽ hơn, đầy kịch tính hơn. Để tạo được cảm giác tăng dần của bão táp, nhạc sĩ Huy Du đã sử dụng khá hiệu quả đồng thời nhiều thủ pháp phát triển âm nhạc như: tăng dần lực độ, mô tiến đi lên liên tục, tăng cường độ dày của các bè v.v...

          Với mỗi dòng sông hay với lịch sử của mỗi dân tộc, bên những khó khăn vất vả của cuộc sống còn là những ngày hội tưng bừng. Chúng ta đã biết nhiều tác phẩm biểu hiện những âm thanh tươi vui náo nhiệt của nhiều nhạc sĩ nước ngoài như Robert Schuman với Ngày hội hoá trang (Carnaval), như Piốt Ilích Traicôpxki với Ngày hội tống tiễn mùa đông (Maxlenhixa) trong tập tổ khúc Bốn mùa, như Đmitơri Sôtxtacôvich trong Uvéctuya Ngày hội v.v... Và chúng ta gặp ở trio này khúc nhạc mang tiêu đề Ngày hội (Fête) với những dáng vẻ riêng trên âm điệu dân gian Việt Nam của nhạc sĩ Huy Du. Trong bè piano, nhạc sĩ đã khai thác một cách triệt để âm hình tiết tấu có khả năng tạo dựng không khí tưng bừng, nhộn nhịp của ngày hội. Ngay từ 4 ô nhịp mở đầu, Huy Du đã gợi cho người nghe nhớ đến những hồi trống mở màn của ngày hội dân gian. Rồi cũng chính trên nền tiết tấu đó là giai điệu mang tính vui hoạt đậm màu sắc dân gian. Không khí vui vẻ còn được tác giả khai thác qua điệu tính rê trưởng của đoạn nhạc này.

           Ngoài ra, nếu xét về phương diện cấu trúc chúng ta thấy khúc nhạc Ngày hội này có phần nào gần với tính chất của tổ khúc. Nghĩa là khúc nhạc Ngày hội gồm có một số khúc nhạc nhỏ hơn, mà mỗi khúc nhạc nhỏ đó lại chính là một hình ảnh riêng của một ngày hội phong phú, đa dạng. Tuy là những hình ảnh riêng, nhưng mỗi khúc nhạc nhỏ này lại được thống nhất với nhau bởi tiết tấu ở phần mở đầu khúc nhạc ngày hội và âm điệu dân gian của toàn bài.

           Tiếp sau không khí vui vẻ, náo nhiệt của ngày hội là khúc nhạc kết (Finale). Khúc nhạc kết này cùng điệu tính với khúc mở đầu: giọng sol thứ. ở đây, trên phần đệm của bè Piano là kiểu đi đối vị của hai bè violoncello. Tuy nhiên, tác giả lại phát triển âm nhạc theo chiều hướng mang tính chất khẳng định, và theo hướng đó toàn tác phẩm đã được kết ở giọng sol trưởng - trong sáng, mạnh mẽ, khẳng định một niềm tin vào tương lai tốt đẹp của dòng sông yêu thương.

           Nhìn lại toàn tác phẩm chúng ta thấy: tác phẩm đã phản ánh được khá nhiều khía cạnh về một dòng sông lịch sử. ở đây không chỉ là tình cảm, mà còn là cả một sự am hiểu sâu sắc kỹ thuật sáng tác loại khúc thức này. Có lẽ cũng cần mở ngoặc đơn ở đây là: nhạc sĩ Huy Du là một trong số ít các nhạc sĩ lớp kháng chiến chống Pháp được đào tạo một cách chính qui tại Nhạc viện nước bạn ngay sau khi hoà bình lập lại 1954. Sau đó, ngoài thời gian sáng tác anh còn trực tiếp tham gia giảng dạy tại Trường âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội). Cùng với tác phẩm Miền Nam quê hương ta ơi, Trio Kể chuyện sông Hồng đã khẳng định được sức sống của nó trong đời sống âm nhạc. Đây là tác phẩm của nhiều chương trình hoà nhạc trong nước và nước ngoài với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ xuất sắc.