Nghiên cứu lý luận

Hiệu quả và giá trị nghệ thuật của hình tượng Chim Phượng trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn, ứng dụng vào dạy môn Sáng tác thiết kế hệ thống bao bì sản phẩm và tem

10 Tháng Bảy 2018

Lê Văn Thước [*]

       Phượng là con vật không có thật được con người tư duy liên tưởng bằng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Đối với quan niệm của người phương Đông, phượng là tổ hợp các loài linh điểu tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý, đức hạnh và dịu dàng của người phụ nữ. Do vậy, Phượng được xếp vào bộ tứ linh và trang trí trong hệ thống sắp đặt không gian tín ngưỡng của người Việt nói chung và mỹ thuật triều Nguyễn nói riêng với những cung điện, lăng tẩm dành cho các bà hoàng như: cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, cung An Định, lăng Bà Lệ Thiên Anh, điện Hòn Chén, Thái Bình Lâu... Vì mang vẻ đẹp tao nhã, nhẹ nhàng lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng của điềm lành, cho triều đại thái bình và khát vọng về một cuộc

       Hình tượng chim phượng trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn có nhiều kiểu bố cục như: bố cục tròn, bố cục đứng, bố cục ngang, bố cục đơn… Chúng luôn được bài trí, sắp xếp đi theo cặp đối xứng nhau. Phượng đứng thứ tư trong bộ tứ linh, vì đây là bộ đề tài quan trọng và chiếm ưu thế chủ đạo trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn. Tuy nhiên, phượng lại chiếm vị trí thứ hai trong trang trí kiến trúc, chỉ sau con rồng. Vì quan sát từ nhiều thế, dáng của các loài chim nên nghệ nhân đã thể hiện chúng còn sinh động, phong phú hơn cả bố cục rồng. Với biểu trưng mang ý nghĩa, dành cho người phụ nữ, cho các bà hoàng triều Nguyễn, nên hình tượng phượng luôn làm trung tâm trong trang trí kiến trúc nơi dành cho các bà hoàng. Chúng luôn được đi đăng đối theo cặp là nhiều nhất (tuy ở một vài vị trí có bố cục đơn). Đây chính là biểu hiện rõ nhất cho sự cân đối, hài hòa, có ảnh hưởng từ tinh thần Nho giáo được triều Nguyễn đề cao hơn bao giờ hết. Chúng được biểu hiện trên đỉnh mái, góc mái, bình phong các cung điện, các lăng tẩm dành cho các bà với nhiều kiểu thức như: Lưỡng phượng chầu nhật, lưỡng phượng chầu nguyệt, phượng hàm thơ, phượng hồi.

       Trong trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn, màu sắc phản ánh chiều sâu và mối giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Tại kiến trúc cung đình màu sắc không chỉ là tiếng nói tự thân, là cái nhìn thấy bên ngoài của các chất liệu như màu nâu của gỗ, màu đỏ của gạch, màu ghi xám của đá, màu nâu đậm của đồng hay sự xù xì của nề vữa... Mỗi màu sắc đều có tính thẩm mỹ riêng để phù hợp với kết cấu kiến trúc. Màu sắc ở cung đình hay trong lăng mộ đều phản ánh tư tưởng, tình cảm và chức năng của mỗi công trình. Đặc biệt màu sắc trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn nói chung và hình tượng chim phượng nói riêng, còn ảnh hưởng từ Nho giáo với những gam màu vàng, đỏ, cam như thể hiện vị trí hay tầm quan trọng của từng công trình trong quần thể kiến trúc triều Nguyễn, kiến trúc của triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

       Màu sắc của hình tượng chim phượng trang trí tại kiến trúc cung đình Huế và lăng mộ các bà hoàng luôn kết hợp vừa phải và gắn bó với thiên nhiên xung quanh. Tạo được sự hài hòa, dịu mắt, chứ không quá rực rỡ, chói lóa. So với màu nâu, xám hay sơn son thếp vàng trên gỗ của trang trí kiến trúc đình, đền, chùa miền Bắc, thì màu sắc trong kiến trúc Huế rất nhiều màu nhưng vẫn hòa chung gam màu dịu mát như: Xanh lam, xanh lục, màu trắng sứ, thêm một chút vàng làm điểm nhấn trong tổng thể của gam màu lạnh, ăn nhập thiên nhiên của sông núi, vườn cây, hồ nước đã tạo phong cách riêng trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn.

       Ngoài ra, màu nâu đậm của mảnh chai cũng được đưa vào làm điểm nhấn cho chim phượng bố cục tròn hoặc bố cục đứng trên thân phượng tại cổng cung Trường Sanh. Màu nâu được sắp xếp để làm trọng tâm và chỉ ở diện tích nhỏ bên cạnh những màu khác, gợi ra sự tương phản mạnh với gam màu sáng khác. Màu nâu của thủy tinh luôn thể hiện sự vững chắc, giản dị trong mỗi hình tượng. Làm cho hình tượng phượng nổi bật trên nền vàng của tường và bình phong. Đôi khi nghệ nhân tận dụng những hoa văn có sẵn trong thân gốm để tạo ra những hoa văn có màu sắc rất tự nhiên nhưng khi sắp xếp chúng với sành hoặc sứ lại tạo ra những tổ hợp màu mới lạ và độc đáo. Màu xanh của mảnh bát, chén thể hiện trong cánh phượng luôn tương phản với màu tường vàng. Trong khi những cặp màu đỏ hoặc cam trang trí không nhiều nhưng luôn nổi bật, tương phản với gam màu lạnh mang đến sự phấn khích vui vẻ, náo nhiệt.  Vì màu đỏ là màu nóng nhất trong các màu, có tính chất kích thích và dễ nhận biết. Còn màu cam thể hiện sự kiêu hãnh, tự tin. Thị hiếu màu sắc của các nước phương Tây thường là màu lạnh còn người phương Đông là màu nóng. Với kiểu thức Lưỡng phượng chầu nhật thì hình mặt trời ở giữa được điểm xuyết, viền xung quanh bằng màu đỏ và cam như tạo ra tia lửa hoặc vầng thái dương trên mái điện cung Diên Thọ. Sự nóng sáng, rực rỡ của vầng mặt trời còn thể hiện tính chất uy quyền, vĩnh cửu của chủ nhân cung điện, đó là nơi sinh hoạt của mẹ vua.

       Sắc đỏ - cam đối với người Huế còn xuất phát từ gốc của người Chàm trong biểu hiện ánh sáng thần mặt trời. Đồng thời màu cam quen thuộc trong các đền tháp gạch, đất nung và trang phục của người Chàm. Do vậy, ta thấy dấu ấn văn hóa Việt - Chàm vẫn được người Huế giữ gìn và phát huy. Sắc đỏ - cam trong trí kiến trúc chiếm vị trí khiêm tốn bên cạnh màu xanh lam, xanh lục. Nhìn chung, màu đỏ và cam không nhiều nhưng lại là linh hồn của toàn các vị trí, không gian của chim phượng.

       Với màu xanh và trắng luôn là chủ đạo của toàn bộ trang trí chim phượng trang trí ở ngoại thất kiến trúc. Màu xanh lam, xanh chàm được chú trọng nhiều trong cánh phượng, đuôi phượng. Nghệ nhân lợi dụng màu xanh có sẵn trong mảnh sành hoặc vỏ chai để rồi lồng ghép với màu trắng của mảnh sứ để tạo ra gam màu lạnh. Màu xanh còn gợi ra sự phồn vinh, trẻ trung và hy vọng. Màu xanh lam lại gợi ra sự thiêng liêng cao cả, màu của sáng tạo và bay bổng. Vì thế, màu xanh lam luôn gợi cảm giác đẩy thêm khoảng cách về chiều cao của không gian kiến trúc.

       Nhìn chung, hình tượng phượng phổ biến nhất đó là gam màu xanh. Trong đó, màu men ngọc, xanh lam, gốm men vàng và trắng sứ là chiếm vị trí chủ đạo trên thân hình phượng. Bằng cách tạo hình và kỹ thuật khảm sành sứ trau chuốt đã tạo được hiệu quả màu sắc tươi sáng mà không quá rực rỡ, tương phản mạnh với mái ngói vàng Hoàng Lưu li trên mái điện, bình phong đã tạo ra một không gian tươi vui, nổi bật trên mái điện, bình phong hoặc giữa các cụm trang trí kiến trúc khác. Ngoài tự thân màu có sẵn trong gốm sứ thì nghệ nhân đã rất khéo léo chủ động trong xử lý để sáng tạo ra những gam màu độc đáo và lạ, tạo hiệu quả màu sắc cho hình tượng phượng góp phần làm thanh thoát, nhẹ nhàng bay bổng cho mái kiến trúc.

       Đối với màu sắc các mảng phù điêu của chim phượng trong chạm khắc đá lại mang một hiệu quả riêng do màu nguyên gốc của đá. Tuy nhiên, để đạt được hình tượng phượng rung rinh trong lăng các bà hoàng triều Nguyễn thì đòi hỏi nghệ nhân phải đạt đến trình độ điêu luyện và rất tài năng trong cách xử lý khi chạm khắc. Với màu xanh xám của chất liệu đá Thanh, dưới sự tác động ở khí hậu nắng mưa thất thường của Huế, đã tạo được hiệu quả trầm mặc trong không gian linh thiêng và đầy sức mạnh chế ngự thiên nhiên.

       Trong cung điện, cổng, bình phong hoặc lăng tẩm bà hoàng triều Nguyễn, hình tượng phượng luôn được đặt ở vị trí trung tâm với những cụm trang trí, kiểu thức được chọn lọc khá kỹ càng trong nhiều bố cục độc đáo. Kết hợp với màu sắc và hiệu ứng ánh sáng đã làm cho không gian tươi mới, sáng bừng. Trên đỉnh nóc, cung Diên Thọ, Trường Sanh đặt kiểu thức Lưỡng phượng chầu nhật hoặc phượng hồi trong tư thế phượng múa ở góc mái không chỉ phản ánh chức năng công trình. Nó còn biểu trưng cho uy quyền và sức mạnh của các bà hoàng mà còn phản ánh thẩm mỹ công trình. Không những tô điểm và làm điểm nhấn cho phần mái ngang chạy thẳng tuột của công trình kiến trúc mà còn khẳng định phượng là biểu tượng cho sắc đẹp, trí tuệ và đức hạnh của người phụ nữ hoàng cung. Đồng thời còn là uy quyền của mẹ vua và bà nội vua. Điểm nhấn là mặt trời ở giữa, tạo ra vầng thái dương, vũ trụ, như thể hiện khát vọng vươn cao của triều Nguyễn.

       Hình tượng con phượng xuất hiện trong lăng các bà hoàng đã trở thành một yếu tố chủ đạo qua trang trí chạm khắc đá với mật độ dày đặc trên bình phong, tại huyền cung nơi mộ phần. Nhờ trang trí đã làm đẹp, giảm bớt đi tính thô cứng, nặng nề của kết cấu kiến trúc, tạo cảm giác bay bổng thăng hoa cho toàn thể không gian kiến trúc. Tuy trên nền đá xanh cứng, nghệ nhân chạm khắc đá vẫn thể hiện được các đồ án hoa văn có bố cục hình khối phức tạp với đường nét mảnh mai, mềm mại nhưng vẫn sắc sảo trong khoảng giới hạn của kết cấu kiến trúc.

       Có thể nói hình tượng phượng trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn được thể hiện trong nhiều thể loại như: phượng đắp khối trên đỉnh mái, góc mái kiến trúc, trên bình phong, trên phù điêu bằng khảm sành sứ với những bố cục lạ, tạo được sự độc đáo riêng.

       Ứng dụng đồ họa vào bao bì vô cùng phong phú, ngoài nhiệm vụ chính là để dựng, bọc sản phẩm bên trong bao bì mà còn là trình độ văn hóa thể hiện trình độ thẩm mỹ, sự sáng tạo của con người. Bởi vậy tạo sự chú ý cho khách hàng bằng các họa tiết phong phú của bao bì luôn là các câu hỏi đặt ra cho người thiết kế đồ họa. Làm thế nào để sản phẩm trông thật đẹp, bắt mắt, bởi những yếu tố ban đầu thu hút sự chú ý của khách hàng không phải là chất lượng mà chính là bao bì của sản phẩm. Các họa tiết nổi bật bắt mắt trên bao bì sẽ phần nào quyết định sự thành công của sản phẩm trên thương trường.

       Điều quan trọng khi thiết kế bao bì là mẫu thiết kế phải phản ánh đúng sản phẩm mà nó hướng tới, mẫu mã thiết kế bao bì đẹp đến đâu nhưng không đúng về sản phẩm cần phản ánh thì mẫu thiết kế đó không còn giá trị.

       Tem là yếu tố rất nhạy cảm cần phải được đảm bảo các vấn đề về thẩm mĩ như in đẹp, rõ nét, độ dính cao, không thể tẩy xóa hay bóc ra dán lại. Tem cũng phải được đảm bảo về bản quyền sản xuất.

       Những thiết kế với họa tiết chim phượng được cách điệu nhỏ và tinh tế cũng là lựa chọn tuyệt vời cho thiết kế. Để tránh đơn điệu và thiết kế của mình không nổi bật thì nên chú ý tạo điểm nhấn ở nơi khi nhìn vào ta có thể thấy luôn hình ảnh đó được nổi bật lên... Đó có thể là một họa tiết cầu kì, khác biệt và tinh tế hơn một chút, cũng có thể vẫn là những họa tiết đó nhưng cách xử lý khác hẳn với những đối tượng khác.

       Do nhu cầu sử dụng các họa tiết khác nhau, cho nên người thiết kế đóng một vai trò quan trọng khi ứng dụng các họa tiết Chim phượng vào thiết kế của mình, ngay cả khi sử dụng họa tiết Chim phượng nào cho phù hợp với các thiết kế cũng như đặc tính của sản phẩm.

       Về kích thước của sản phẩm tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm thì tem là sản phẩm có kích thước nhỏ nhất. Vậy trong một thiết kế sản phẩm tem việc sử dụng hoa văn chìm hoặc hoa văn chỉ được ứng dụng một cách đơn giản thì thiết kế của chúng ta đạt hiệu quả tốt.

       Nội dung chương này nhằm hệ thống, đánh giá lại ý nghĩa của tạo tác hình tượng phượng trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn. Phân tích nêu bật ra hiệu quả về sự cân xứng hài hòa, đăng đối, tạo được hiệu quả thẩm mỹ cao. Phượng luôn đi thành từng cặp đối xứng nhau trên mái kiến trúc. Đôi khi ở một số bố cục đơn do được tính toán vị trí sao cho phù hợp trong việc đặt để ở từng không gian, vị trí.

       Qua đó, phân tích nêu bật được hiệu quả thẩm mỹ màu sắc của hình tượng phượng trong biểu hiện không gian. Màu sắc sẽ đóng góp lớn cho hiệu quả thẩm mỹ trên mái điện kiến trúc, tạo sự tươi vui bởi những màu vàng óng ả, long lanh của gốm sứ, màu xanh trong suốt của thủy tinh màu được gắn ghép cẩn thận trên từng vị trí của của chim phượng. Màu trắng tinh khiết được nhấn nháy đúng chỗ trên đuôi và cánh phượng. Kết hợp với mái ngói Hoàng lưu ly, với thiên nhiên xung quanh đã làm cho hình tượng trở nên bay bổng trên mái điện kiến trúc. Hoặc màu xanh xám của chất liệu đá Thanh trên từng mảng chạm khắc nơi mộ phần lại tạo ra vẻ hoang sơ và nhuốm màu thời gian.

       Sự phổ biến của đề tài tứ linh, từ dân giã cho đến cung đình là một điều đặc biệt của nghệ thuật Huế. Nghệ thuật trang trí hình tượng chim phượng trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và từ đó phát huy, bảo tồn cũng như trùng tu vốn cổ dân tộc. Từ đó, vận dụng vào giảng dạy mỹ thuật cổ trong các trường đại học như những học phần: Ghi chép vốn cổ, Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, Mỹ thuật học, Nghệ thuật học. Mặt khác hình tượng phượng còn là nguồn cảm hứng để sáng tác về giảng dạy thiết kế mỹ thuật hiện đại như: Thiết kế bao bì sản phẩm, tem.

Tài liệu tham khảo

1. Phan Thanh Bình (2003), Nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình Huế, Luận văn Th.S Mỹ thuật, Trường Đại học Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Trần Lâm Biền (2000), Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa Dân tộc.

3. Phan Thế Bính (1999), Điêu khắc tượng tròn thời Nguyễn, Đề tài NCKH, Trường Đại học Nghệ thuật Huế.

4. Phan Thế Bính (2002), Điêu khắc phù điêu triều Nguyễn, Đề tài NCKH, Trường Đại học Nghệ thuật Huế.

5. Nguyễn Tiến Cảnh (1988) chủ biên, Vấn đề nghiên cứu mỹ thuật Huế, Tạp chí Mỹ thuật (2), tr 8-11.

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K2 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật