Nghiên cứu lý luận

Xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

16 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Thị Thu Hiền [*]

Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào ấy có lành mạnh thì xã hội mới phát triển tốt đẹp. Những năm qua, cùng việc thực hiện tiêu chí công dân phường Ninh Phong: Văn minh - lịch sự - nhân ái - nghĩa tình, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở phường Ninh Phong được triển khai rộng khắp, đã thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã phát huy tác dụng thiết thực trong việc cổ vũ, nhân rộng mô hình tiên tiến, góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thụy, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Ninh Phong cho biết: “Xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn phường, từ lâu đã là một phong trào thi đua không chỉ giữa các gia đình mà còn trong các tổ dân phố với nhau. Để xây dựng gia đình văn hóa thì mỗi cá nhân trong một gia đình phải sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, bài trừ những hiện tượng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Đặc biệt mỗi người cần thực hiện các nếp sống văn minh, thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội, làm những việc trong khả năng của mình để giúp ích cho gia đình, cộng đồng xung quanh”.

Gia đình có vai trò quan trọng và quyết định trực tiếp đến việc xây dựng và ảnh hưởng không nhỏ đến từng cá nhân. Gia đình là nơi nuôi dưỡng và giáo dục mỗi con người sống có ý thức, có đạo đức và cống hiến cho xã hội. Gia đình văn hóa là một danh hiệu nhiều gia đình ở phường Ninh Phong luôn cố gắng thi đua và mong muốn hướng đến.

Xã hội nào cũng được tạo nên từ tập hợp nhiều gia đình mà trong đó là các cá nhân. Xây dựng gia đình văn hóa với nếp sống lành mạnh sẽ tạo ra những con người chuẩn mực, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn, văn minh hơn và hiện đại hơn. Xây dựng gia đình văn hóa cũng chính là nòng cốt xây dựng phố văn hóa, phường văn hóa giúp phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông đã gây dựng và trên hết chính là gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào ấy có lành mạnh thì xã hội mới phát triển tốt đẹp. Những năm qua, cùng việc thực hiện tiêu chí công dân phường Ninh Phong: Văn minh - lịch sự - nhân ái - nghĩa tình, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở phường Ninh Phong được triển khai rộng khắp, đi sâu đã tạo ra sức thu hút và hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình, ban đầu là xã thuộc huyện Hoa Lư, các thôn xóm, làng xã còn chưa phát triển, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề cày cấy ruộng vườn, nhận thức của người dân còn có những mặt hạn chế do kinh tế chưa phát triển, thiếu mạng lưới thông tin, tuyên truyền, đời sống còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống chưa được cải thiện. Cho đến nay gần 10 năm sáp nhập thành phố, Ninh Phong đã có những bước chuyển mình vượt bậc, nhận thức người dân cải thiện rõ rệt, các gia đình tham gia phát triển kinh tế, điện, đường, trường, trạm,… Thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND “Xây dựng tiêu chí công dân phường Ninh Phong: Văn minh - lịch sự - nhân ái - nghĩa tình”, ngày 08/9/2015 của UBND phường Ninh Phong, người dân nhất trí đồng thuận cao cùng tham gia đóng góp nhiệt tình, các gia đình còn phát huy được nếp sống văn hóa đô thị, hòa nhập cùng xu thế của thành phố. Năm 2015: 91,7% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, năm 2016: 95,9% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa (vượt kế hoạch 2,9%). Tỷ lệ phát triển dân số 0,7%; (theo tiêu chí năm 2015). Năm 2017: Có 2.189 hộ/2.278 hộ = 96% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao đã nêu rõ các tiêu chuẩn đạt gia đình văn hóa, trước tiên: “Các hộ gia đình thực hiện tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước, giữ gìn nếp sống thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Trên tinh thần chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo phường, nhằm tạo điều kiện thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp bằng các chính sách thiết thực, các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh các ngành nghề truyền thống như làng gỗ phố Phúc Lộc, ngành nghề dịch vụ, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định đời sống nhân dân; kinh tế hộ gia đình phát triển rõ rệt, mức lương bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được cắp sách đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học. Mỗi cá nhân được nâng cao hành vi ứng xử, lối sống của bản thân trong việc tạo dựng “hạnh phúc” cho người thân, gia đình và xã hội để các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn, quan tâm, chia sẻ với nhau nhiều hơn trong cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc.

Mỗi hộ gia đình đều tự ý thức việc chấp hành pháp luật của nhà nước, “Đảm bảo an ninh trật tự trong cụm dân cư, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng”. Bằng những việc làm cụ thể như: 96% các hộ gia đình vứt rác đúng nơi quy định, giờ quy định khi nhân viên môi trường đi thu gom rác các hộ gia đình, các cá nhân; 98% gia đình tham gia nhiệt tình vào các phong trào như “ngày chủ nhật xanh”,  “hưởng ứng tháng hành động vì môi trường 5/6”… Các gia đình phần đa thực hiện tốt luật hôn nhân một vợ, một chồng, tình trạng li hôn được hạn chế đáng kể, các cặp vợ chồng có ý thức hơn về kế hoạch hóa gia đình không sinh thêm con thứ ba. Thông qua thông tin và tuyên truyền về chính sách, pháp luật về hôn nhân từ các cấp chính quyền địa phương đến các gia đình, tình trạng bạo lực gia đình được giảm thiếu tối đa, vào năm 2014 có 7 vụ bạn hành gia đình thì đến năm 2017 còn xử lý 2 vụ, hạn chế được bạo hành trong hôn nhân đáng kể.

 Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư”, chính quyền địa phương, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn phường Ninh Phong làm tốt công tác tiên phong tổ chức các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn; các hoạt động chăm lo chế độ chính sách đối với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, các cụ cao tuổi được tổ chức thường xuyên. Tình thân ái, đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, thăm hỏi nhau trong ngày lễ, tết được duy trì và trở thành nét đẹp văn hóa của người dân phường Ninh Phong. Chính những hành động thiết thực ấy đã ngày càng tạo được mối quan hệ đoàn kết gắn bó, làm đẹp thêm đạo lý tình nhà nghĩa phố.

Xây dựng Gia đình văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, xây dựng xã hội văn minh hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài tràn vào tác động đến con người, việc xây dựng gia đình văn hóa bền vững và hạnh phúc càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa không những đã góp phần tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc mà còn tạo chuyển biến tích cực xây dựng mô hình gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc trên địa bàn phường Ninh Phong.

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Đảng bộ phường Ninh Phong (2010),  Lịch sử Đảng bộ phường Ninh Phong, Nguyễn Văn Vinh - Phó bí thư Đảng bộ, tài liệu lưu hành nội bộ.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011), Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL, Những tiêu chuẩn về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Hà Nội.

3. Kế hoạch số 35-KH/UBND ngày 22/5/2016 của UBND phường vế thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng tiêu chí công dân phường Ninh Phong: “Văn minh - lịch sự - nhân ái - nghĩa tình”, giai đoạn 2015 – 2020.

4. Nguyễn Hữu Thức (2005), Về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. UBND phường Ninh Phong (2015), Báo cáo kết quả 05 năm thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, ngày 08 tháng 05 năm 2015, UBND phường Ninh Phong.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa